• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật nhân giống cây keo lai bằng phương pháp giâm hom
    06/06/2022 2:39:00 CH
    Lượt xem: 1120

    Cây keo lai giâm hom là cây được cắt từ một cành của cây mẹ sau đó đem giâm vào bầu. Sau một thời gian, cành hom này mọc rễ và được chăm sóc cho tới khi cây con đủ tiêu chuẩn đem trồng. Đặc biệt, Cây keo trồng bằng hom thì ưu thế trên càng thể hiện rõ. Bằng cách giâm hom, cây sẽ sinh trưởng phát triển nhanh hơn. Đặc biệt là luôn giữ được đặc tính di truyền của cây mẹ và có sức đề kháng sâu bệnh cao.  Tuy nhiên, giá thành cây con giâm hom cao, nên để đạt được hiệu quả cao nhất, người trồng keo cần chú ý những biện pháp kỹ thuật sau:

    1. Xây dựng vườn giống lấy hom

    Vườn giống lấy hom là nơi cung ứng cành để lấy hom giâm, với các dòng keo lai đã được công nhận là giống quốc gia như: BV10, BV16, BV32, BV33, BV71, MA1, (MA)M8 hay giống tiến bộ kỹ thuật như BV71, BV73, BV75, TB1, TB7, TB11, AH1, AH7, AH4, AM2, AM3.

    1.1. Trồng vườn giống lấy hom:

    Vườn giống lấy hom được bố trí gần khu nhân giống. Đất xây dựng vườn giống lấy hom có thành phần cơ giới nhẹ, tầng đất dầy, thoát nước tốt. Mật độ trồng: 40.000 cây/ha (0,5m x 0,5m), nơi có điều kiện về đất đai thì trồng với mật độ 33.000 cây/ha (0,5m x 0,6m). Các dòng được trồng, khai thác hom và nhân giống riêng rẻ.  Diện tích vườn giống lấy hom bằng khoảng 1/1.000 - 1/800 diện tích rừng trồng hàng năm.

    1.2. Chăm sóc vườn giống lấy hom:

    Cần có chế độ chăm sóc, bón phân, tưới nước tốt để lượng hom khai thác được nhiều và chất lượng đảm bảo. Thông thường: Bón lót 1kg phân chuồng + 0,01 kg NPK/hố và bón thúc chăm sóc sau mỗi lần khai thác hom: 0,01kg NPK/cây. Trong thời gian khai thác hom nên đảm bảo độ ẩm đất để vườn giống sinh trưởng tốt nhất.

    1.3. Cắt tạo chồi và trẻ hóa vườn giống lấy hom

    Tạo chồi lần đầu cho cây giống bằng cách dùng kéo bén cắt ngang thân ở độ cao cách mặt đất 70 cm. Việc cắt tạo chồi lần đầu cho cây giống nên kết hợp với việc lấy hom giâm để tận dụng hom.

    Sau đó, hàng năm vào cuối mùa sinh trưởng phải đốn tạo chồi và làm trẻ hóa cây giống (thông thường đốn trước khi vào vụ giâm tiếp theo 1 - 1,5 tháng).

    2. Xây dựng khu giâm hom (vườn ươm)

    Khu giâm hom là nơi để sản xuất và huấn luyện cây hom. Khu giâm hom được thiết kế theo từng luống, với khoảng cách giữa các luống cách nhau 40 cm để đi lại chăm sóc.

    Luống giâm hom có chiều rộng 1,2 - 1,4m, chiều dài tùy theo địa hình cho phép và chiều cao 6 - 10 cm để dễ thoát nước.

    Luống giâm hom được tưới bằng hệ thống tưới phun sương tự động với hệ thống vòi phun cao 35 - 40cm đặt cách nhau 1m, ở giữa luống giâm và chạy dọc theo chiều dài luống giâm.

    Thành phần ruột bầu gồm mùn xơ dừa 30% và đất phù sa 70%. Túi bầu PE có kích thước 12 x 7cm hoăc 8 x 14cm được đục 4 - 6 lỗ.

    3. Kỹ thuật cắt cành và giâm hom

    3.1. Thời vụ giâm

    Mùa giâm hom phụ thuộc vào mùa trồng cây của từng vùng. Nguyên tắc chung là giâm hom phải được thực hiện trước khi trồng rừng 3 tháng, nếu giâm hom trước quá lâu thì phải có biện pháp hãm cây. Việc giâm hom có thể thực hiện quanh năm, nhưng giâm vào những tháng có ánh sáng đầy đủ thì tỷ lệ ra rễ cao hơn.

    3.2. Chuẩn bị thiết bị, vật tư, hóa chất cần thiết

    Hệ thống tưới nước phun sương bán tự động: Gồm 01 bồn chứa nước, 01 máy bơm nước, hệ thống ống dẫn, vòi và pét phun sương. Kéo bấm cành, kéo cắt lá, que cấy, đĩa đựng thuốc, khay đựng hom và thuốc kích thích ra rễ (dùng phổ biến là IBA nồng độ 400ppm, hoặc dùng ở dạng bột với tỷ lệ 0,04%).

    3.3. Kỹ thuật cắt cành, cắt hom, xử lý và giâm hom

    - Cắt cành: Việc cắt cành phải được tiến hành vào buổi sáng. Cành đã cắt phải được bảo quản nơi râm mát hoặc ngâm gốc cành vào nước. Cành để lấy hom là cành bánh tẻ, khỏe mạnh, vươn thẳng và được chiếu sáng đầy đủ (khi cắt cành phải để lại ở phần gốc ít nhất 2 đôi lá hoặc 2 chồi ngủ; những cành có nhiều chồi phụ chưa thể làm hom thì cần được giữ lại để cắt lần sau.

    - Cắt hom: Dùng kéo sắt để cắt các đoạn cành thành hom giâm, chiều dài hom 15 - 20cm, mỗi hom có 3 - 5 lá, trong đó cắt bỏ toàn bộ phiến lá đầu tiên về phía gốc hom và cắt bớt 2/3 diện tích các phiến lá đã thành thục tiếp theo. Trong thực tế, để hạn chế sự phân cành, tạo điều kiện cho trục thân chính phát triển tốt thường chỉ chọn hom ngọn để nhân giống.

    - Xử lý và giâm hom: Hom đã cắt được ngâm ngay vào dung dịch Ben lát - C nồng độ 0,15% trong 15 phút, sau đó vớt ra chấm gốc hom vào hỗn hợp có chứa chất kích thích ra rễ IBA (dùng phổ biến là IBA nồng độ 400ppm, hoặc dùng ở dạng bột với tỷ lệ 0,04%) và cấy ngay vào chính giữa bầu đã chuẩn bị sẵn trên luống giâm, mỗi bầu cấy 1 hom. Độ sâu cấy hom khoảng 2 - 3cm. Hom cắt lần nào phải cấy ngay lần ấy, không được để hom qua đêm.

    3.4. Chăm sóc hom giâm

    - 30 ngày đầu sau giâm chú ý điều chỉnh lượng nước tưới phun vừa đủ ẩm, đảm bảo nhiệt độ từ 25 - 30 độ C.

    + Giai đoạn đầu giâm hom, thời gian giữa hai lần phun cách nhau 2 - 3 phút mỗi lần phun từ 15 - 20 giây.

    + Giai đoạn hom có rễ và có lá mới, thời gian giữa hai lần phun cách nhau 3 - 4 phút, mỗi lần phun từ 15 - 20 giây.

     

    Hồ Thị Nguyệt Ánh - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên bái