• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY KHÔI NHUNG (KHÔI TÍA)
    13/08/2021 8:30:00 SA
    Lượt xem: 4506

     

     1. Đặc điểm cây Khôi nhung:

    Cây Khôi nhung là loài thân thảo nhỏ, mọc thẳng đứng, thân rỗng xốp, ít phân nhánh. Lá tập trung ở đầu ngọn, mọc so le, mặt trên lá màu lục sẫm mịn như nhung, mặt dưới màu tím. Hoa mọc thành chùm, dài 10 - 15m, màu trắng pha hồng tím gồm 5 lá đài và 3 cánh hoa, quả mọng, khi chín màu đỏ, có khả năng tái sinh bằng hạt. Cây khôi nhung ưa bóng dưới tán rừng rậm ẩm ướt, phát triển tốt trên lớp đất nhiều mùn, ở độ cao từ 200 - 1.200m. 

    2. Điều kiện trồng Khôi nhung:

    Cây khôi nhung trong tự nhiên mọc rải rác dưới tán rừng khu vực gần khe suối. Nhiệt độ thích hợp để cây khôi phát triển từ 15 - 280C, lượng mưa 1.500 - 2.500mm, khu vực có ánh sáng tán xạ.

    Loại đất thích hợp trồng khôi nhung là đất feralit mùn, đất ba zan, đất xám... thành phần cơ giới thịt nhẹ, tầng dầy trên 30cm, độ PH 6,5 - 7.

    Điều kiện trồng dưới tán rừng: Đất rừng trồng đã tạo tán, đất rừng thứ sinh, cây bụi.... Nên trồng ở những vùng đã có cây tạo tán, thuận tiện điều kiện nước tưới hoặc trong đất có độ ẩm cao.

    3. Kỹ thuật chọn giống:

    + Đối với giống ươm bằng hạt:

    + Hạt cây khôi nhung thu hái vào tháng 11 đến tháng 12 dương lịch, sau khi hạt chín, đem gieo ngay sau hoặc ươm trong cát ẩm. Sau khi ươm từ 15 đến 20 ngày hạt bắt đầu nảy mầm. Khi hạt nảy mầm đánh cấy vào trong bầu. Thành phần ruột bầu 1/2 cát + 1/2 sét, tốt nhất dùng đất từ phân giun. Đặt bầu dưới bóng râm, hàng ngày tưới nước đủ ẩm. Sau 3 tháng cây con có thể xuất vườn.
    + Đối với giống hom thân lấy từ cây mẹ:

    + Tốt nhất chọn những hom có đường kính từ 1 - 1,5cm. Cắt từng đoạn hom từ 20 - 35cm. Cắt đến đâu giâm trên cát ẩm đến đấy. Sau khi hom ra rễ đánh lên cấy vào bầu (giống như hạt). Cây giống có chiều cao 30 - 40cm, trên cây có 4 - 6 lá thật và có bộ rễ khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, không bị rỗng lõi và cụt ngọn.

    4. Kỹ thuật trồng cây Khôi nhung:

    4.1 Thời vụ trồng:

    + Thời vụ trồng:  Trồng 2 vụ chính: Vụ xuân từ tháng 2 - 4; vụ thu từ tháng 7 - 9.  Nên trồng những ngày trời râm mát có mưa nhỏ hoặc sau mưa.

    + Phương thức: Trồng thuần loài (thâm canh và che lưới đen bên trên) hoặc trồng hỗn giao, xen canh.

    + Mật độ trồng: Tùy vào điều kiện từng vùng để trồng mật độ trồng khác nhau. Với trồng thuần loài: Trồng trồng 20.000 cây/ha với mật độ 0,5 x 0,5 m, trên đất bằng phẳng và có kĩ thuật chăm sóc tốt. Vùng núi dốc trồng 10.000 - 12.000 cây/ha với mật độ 1x1m. Trồng xen dưới tán rừng mật độ 5.000 - 6.000 cây/ha.

     4.2 Đào hố và bón phân:

    Đào hố: kích thước 40 x 40 x 40cm, theo hình nanh sấu, hố hàng trên so le với hố hàng dưới.

    Bón phân: Bón lót 0,2 kg hỗn hợp phân chuồng + NPK đã được ủ sẵn theo tỉ lệ 1kg NPK + 20 kg phân chuồng hoai mục. Phân được ủ trước khi trồng 20 - 30 ngày.  Trộn đều với đất trong hố trước khi trồng cây 7 - 10 ngày.

    4.3 Trồng cây khôi nhung:

    Dùng tay hoặc dao đào 1 lỗ nhỏ ở giữa hố đã ủ phân sâu hơn chiều dài của bầu cây 1 - 2cm. Dùng kéo hoặc dao cắt vỏ bầu, đặt cây vào giữa hố vừa đào, đặt nhẹ nhàng để tránh làm vỡ bầu. Giữ cho cây thẳng và lấp đất lèn chặt bầu. Đối với rừng trồng thuần loài ta phải che lưới đen bên trên để che nắng cho cây và giữ ẩm cho cây.

    5. Chăm sóc cây Khôi nhung:

     Thường xuyên kiểm tra độ ẩm của vườn cây. Nếu thấy cây bị thiếu nước phải tiến hành tưới bổ sung 1 - 2 lần/tuần. Xử lý cỏ dại và trồng dặm lại những cây bị chết. Khi cây đã lên tốt có thể phun thêm phân bón lá hoặc bón thêm phân chuồng hoai mục + NPK tăng lớp mùn cho đất để cây khôi sinh trưởng nhanh hơn.

     Kiểm tra nếu có sâu ăn lá thì nên có biện pháp xử lí kịp thời. Hiện tại có rất ít loài sâu hại đến cây khôi. Không cho trâu, bò và các loại gia súc khác vào vườn cây.

     6. Thu hoạch khôi nhung: 

    Trồng khoảng  3 - 4 tháng có thể thu hoạch lần lá đầu, chọn những lá già phía dưới ngọn, dùng kéo hoặc các dụng cụ khác cắt sát cuống lá, để lại các lá non phía trên, tránh gãy ngọn cây. Các năm sau có thể thu hái 2 - 3 lần theo cấp số nhân. Khi thu hoạch lá về, đem sấy hoặc phơi dưới ánh nắng mặt trời tới khi khô dòn, đem xếp vào túi nilông để bảo quản, đem tiêu thụ sản phẩm.

                   

     

    Nguyễn Tuấn Dương - Trung Tâm Khuyến Nông Tỉnh Yên Bái