• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    1 số biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi
    22/02/2022 9:46:00 SA
    Lượt xem: 7287

    Những ngày qua, rét đậm, rét hại đã ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân năm 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 21/02/2022 khu vực phía Bắc tiếp tục đón thêm đợt không khí lạnh tăng cường, trời rét đậm, rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8 -11 0C, các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã vùng cao huyện Văn Chấn 3 - 6 0C. Để  đảm bảo chủ động phòng chống và ứng phó với tình hình rét đậm rét hại trong sản xuất vụ Đông xuân, người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi, cụ thể như sau:

    1. Đối với cây lúa

    1.1. Đối với mạ

    Với những diện tích mạ chưa cấy, bà con tiếp tục duy trì độ ẩm trên mặt luống, tốt nhất là để rãnh có nước và cần kiểm tra độ kín của nilon. Nếu như bị hở, tung bật cần tiến hành che chắn lại ngay nhằm đảm bảo độ kín để giữ ấm và giữ ẩm. Trong thời gian rét đậm kéo dài nếu kiểm tra mạ sinh trưởng phát triển kém bà con có thể dùng 50 – 100g supe lân pha loãng với nước phân chuồng hoai mục để tưới cho 1 m2 mạ nhằm tăng cường phát triển của bộ rễ. Tuyệt đối không được bón thúc phân đạm cho mạ vào những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 15 0C.

    Tiến hành cầy, bừa đất với phương châm là ruộng chờ mạ, chuẩn bị đầy đủ vật tư phân bón, tổ chức đánh bắt chuột và ốc bươu vàng trước khi gieo, cấy. Ruộng chờ cấy phải bón đủ phân lót như phân chuồng, vôi và lân

    Với diện tích lúa đã cấy, cần tiếp tục duy trì lớp nước mặt từ 3 - 5 cm với phương trâm là lấy nước làm áo nhằm tăng cường khả năng chống chịu rét, tuyệt đối không được để ruộng khô cạn. Trong thời gian này tuyệt đối không được chăm sóc, đặc biệt là bón phân đạm, đợi khi thời tiết nắng ấm trở lại thì mới tiến hành chăm sóc như bình thường.

    - Đồng thời chuẩn bị giống lúa dự phòng, chủ yếu là giống lúa có thời gian sinh trưởng phát triển ngắn để khắc phục kịp thời cho những diện tích mạ bị chết rét. Sử dụng các giống lúa ngắn ngày có thời gian sinh trưởng dưới 130 ngày dự phòng như: TH 3-3, Việt lai 20, HT1, Thiên ưu 8...

    2. Đối với các loại cây rau, màu, cây dược liệu và cây ăn quả

    - Ở những vùng có khả năng bị băng, tuyết nặng: Cần khẩn trương thu hoạch các sản phẩm đã hoặc gần đến kỳ thu hoạch để giảm thiểu tối đa thiệt hại về năng suất, chất lượng.

    - Với những diện tích bị băng tuyết che phủ nhẹ: Có thể sử dụng các biện pháp gạt bỏ băng tuyết để cây không bị gãy cành, dập lá, ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển; tăng cường chăm sóc, tủ gốc để giữ nhiệt cho cây nhằm tăng sức chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Đối với những diện tích rau ăn lá, nên thu hoạch sớm, trong điều kiện lạnh kéo dài, cây rau ăn lá sẽ bị chết hàng loạt, khó có biện pháp khắc phục.

    Không bón phân đạm, N.P.K trong giai đoạn này cho tất cả các cây trồng nói trên.

    3. Đối với cây con trong vườn ươm

    - Nhằm có cây giống đủ về số lượng và chất lượng cung cấp cho trồng rừng vụ xuân năm 2022, cần tích cực chủ động chăm sóc phòng và chống rét cho cây con trong vườn ươm như sau:

    + Cân đối bón thêm Kali, lân, phun thêm thuốc tăng trưởng sinh thái  5- 10 ngày/ 1 lần, giảm bón đạm giúp cho cây cứng cáp tăng khả năng chống chịu với giá rét. Hoà phân vào nước lã sau đó dùng ô doa t­ưới đều trên mặt luống, với lượng : 75 g phân kali + 75 g phân lân trong 15 lít nước tưới cho 5 m2 mặt luống. Sau khi t­ưới phân song dùng nước lã tưới rửa lá, lượng nước rửa 2lít/m2 luống ươm.

    + Những ngày có sương muối giá buốt phải tưới rửa sương bám trên lá cây vào sáng sớm tránh bị cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua. Hoặc bố trí các đống hun đủ xua tan sương muối giữ ấm cho cây về ban đêm. Làm cỏ, phá váng cho cây tạo độ thông thoáng hợp lý. Tưới nước đủ ẩm theo nhu cầu của từng loại cây. Nhằm hạn chế phát sinh sâu bệnh hại. Đặc biệt là bệnh lở cổ rễ trong giai đoạn cây mạ.

    + Không gieo hạt, cấy cây vào những ngày nhiệt độ thấp dưới 13 độ C.

    + Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh theo định kỳ từ 7- 15 ngày/1 lần. Nồng độ phun tuỳ từng loại thuốc (theo hướng dẫn trên bao bì).

    + Làm giàn che hoặc che Nilon giữ ấm cho hạt và cây mạ mới gieo cấy.

    + Chủ động chuẩn bị hạt giống và cây mạ để dặm lại diện tích cây chết và hạt thối không nảy mầm được./.

    4. Đối với chăn nuôi gia súc:

    * Chuồng trại: Kiểm tra sửa chữa, nâng cấp chuồng đảm bảo nền chuồng bằng phẳng, không để đọng nước, khơi thông cống rãnh, tu sửa mái che đảm bảo kín gió. Vào những ngày trời rét nhiệt độ xuống thấp và khi trời có sương mù, sương muối hoặc mưa phùn gió bấc về ban đêm cần dùng bạt hoặc các tấm phên, bao tải đan lại, che chắn chuồng đảm bảo kín xung quanh chỉ để hở một phần phía trên hiên mái để thông khí, ban ngày khi trời nắng mở phên chắn và bạt để cho ánh nắng chiếu vào sưởi chuồng diệt khuẩn…và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

    Chuẩn bị chất độn lót chuồng: Dùng rơm rạ, cỏ khô, lá chuối…lót nền chuồng cho đàn trâu, bò trong mùa đôngTùy vào điều kiện thực tế có thể rải một lớp độn chuồng dày từ 5 - 15 cm. Cần kiểm tra chất độn chuồng liên tục hàng ngày nếu thấy ướt hoặc ẩm thì phải thay ngay.

    - Với đại gia súc: Những ngày trời rét dưới 15 0C: Cần giữ gia súc ở tại chuồng, không chăn thả, cắt cỏ cho gia súc ăn, kết hợp cho ăn thêm thức ăn dự trữ và thức ăn tinh bột đảm bảo đủ năng lượng cho trâu bò chống rét. Thời gian tốt nhất để đưa gia súc ra ngoài, chăn thả, cày bừa sau 9 giờ sáng và khi thời tiết không có mưa phùn, gió lạnh. Giữ ấm cho gia súc bằng cách mặc áo cho chúng trước khi đưa ra ngoài đặc biệt những gia súc già yếu và còn non.

    * Lưu ý: Chiều dài áo phủ từ thân đến hết đuôi, chiều ngang vừa đủ choàng qua thân, các dây thắt như khuy áo buộc dưới bụng. Khi trời nắng (thường sau 9h sáng)  nên bỏ áo để trâu bò sưởi ấm.

    - Khi nhiệt độ xuống dưới 120C: Đốt lửa chống rét cho trâu, bò. Dùng xô, chậu cũ đựng củi trấu, nhóm lửa ở ngoài cho bớt khói rồi mới đưa vào trong chuồng. Cần đặt khay lửa ở cuối chuồng để khói không tạt vào mặt trâu bò và tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy.

    - Đối với tiểu gia súc: Chuẩn bị đầy đủ các loại thức ăn nước uống đảm bảo sạch, đủ dinh dưỡng theo từng gia đoạn, cho ăn đảm bảo đủ chất và lượng theo yêu cầu phát triển của vật nuôi. Vào những này trời rét nhiệt độ xuống thấp cần tăng lượng thức ăn lên từ 5-10% để bù năng lượng vật nuôi sinh ra để chống rét.

     - Đối với chăn nuôi gia cầm, thủy cầm:  Cần che chắn đảm bảo kín gió để chuồng luôn ấm, nền chuồng không để ẩm ướt. Bổ xung chất độn chuồng cao từ 7- 10cm, bổ xung bóng điện sưởi phù hợp... Cần cho gia cầm, thủy cầm ăn đủ về lượng và chất theo từng giai đoạn phát triển, cho uống đủ nước sạch có hòa thêm một số loại Vitamin nhóm A,B,C,D,GlucoK-C...theo quy định để tăng sức kháng./. 

    Nguyễn Văn Đoàn - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái