• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Bệnh đạo ôn lá - Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng trừ hiệu quả
    22/03/2022 8:43:00 SA
    Lượt xem: 5292

    Trong sản xuất nông nghiệp, cây lúa là cây trồng chính và quan trọng bậc nhất. Tuy nhiên, khi thâm canh lúa có rất nhiều đối tượng dịch hại xuất hiện và gây hại. Một trong những dịch hại làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng lúa phải kể đến là bệnh đạo ôn.

    1. Tác nhân gây bệnh:

    Bệnh do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Nấm bệnh có thể tấn công và gây hại trên lá, thân, cổ bông, cổ gié hoặc hạt lúa.

    2. Triệu chứng:

    - Trên lá: Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu xanh, xám nhạt nhìn như giọt dầu. Về sau vết bệnh lớn dần có hình thoi, ở giữa có màu xám tro, viền vết bệnh có màu vàng nhạt - đây chính là vết bệnh đặc trưng của bệnh đạo ôn. Khi bệnh nặng, các vết bệnh liên kết với nhau tạo thành vết lớn và gây ra hiện tượng cháy lá.

    - Trên thân: Tương tự vết bệnh trên lá, lúc đầu chỉ là chấm nhỏ sau lớn dần bao quanh thân làm cho thân lúa bị teo lại và cây lúa dễ bị gãy gục.

    - Trên cổ bông: Vết bệnh lúc đầu là chấm nhỏ màu xám xanh, sau lớn dần và chuyển sang màu nâu, nâu đậm hơi teo thắt lại. Nếu bệnh xuất hiện sớm ở cổ bông làm cho bông lúa bị lép trắng hoàn toàn. Nếu bệnh xuất hiện muộn sẽ gây hiện tượng gãy cổ bông hoặc làm cho hạt bị lép, lửng.

     

                                                                     Vết bệnh điển hình trên lá lúa

     

    3. Đặc điểm phát sinh và gây hại:

    - Bệnh đạo ôn thường phát sinh, phát triển và gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết âm u, có mưa phùn kéo dài, ẩm độ không khí cao, thường xuyên có sương mù. Bệnh thường gây hại chủ yếu trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái - làm đòng ở vụ xuân.

    - Ở những ruộng lúa gieo cấy dày, bón phân không cân đối, bón thừa đạm bệnh gây hại nặng.

    4. Biện pháp phòng trừ:

    - Không nên cấy những giống mẫn cảm với bệnh trong vụ đông xuân như: BC15, Nếp, Thiên ưu 8, TBR225….

    - Bón phân cân đối, không bón thừa đạm. Khi bệnh xuất hiện cần dừng ngay việc bón phân và phun phân bón qua lá, thuốc kích thích sinh trưởng.

    - Cần đảm bảo mực nước trong ruộng tùy theo giai đoạn của cây lúa. Khi ruộng bị bệnh không nên để ruộng khô cạn.

    - Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư và kí chủ phụ của nấm bệnh trên đồng ruộng sau khi thu hoạch.  …. để hạn chế mầm bệnh lưu tồn và lây lan ở các vụ tiếp theo.

    - Khi phát hiện thấy bệnh có thể sử dụng các loại thuốc đặc trị có hoạt chất  Tricyclazole như (StarBem Super 750WP, Kabim 30 WP, Kasai-S 92 SC…); hoạt chất Fenoxanil (TT Keep 300 SC, Xanilzol 500 SC, Naxanil 20 SC …); hoạt chất  Isoprothiolane (Fiji-one 40 EC, 40 WP...)

    Lưu ý: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng kỹ thuật). Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng in trên bao bì, đảm bảo thời gian cách ly. Khi sử dụng xong phải thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào đúng nơi quy định.

      

    Cao Thị Nga - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật