• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Biện pháp phòng trừ một số sâu bệnh hại trên cây ngô vụ đông
    02/11/2022 9:31:00 SA
    Lượt xem: 5362

    Sản xuất cây trồng vụ Đông tại tỉnh Yên Bái luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo sát sao của Tỉnh, sự quyết tâm trong chỉ đạo của ngành Nông nghiệp và các địa phương, sự hưởng ứng của người dân nên đã tạo thành tập quán canh tác truyền thống được duy trì nhiều năm qua, đặc biệt trong sản xuất ngô Đông trên đất 2 vụ lúa. Đến thời điểm hiện tại tổng diện tích ngô đông trên 5.000 ha, trong đó ngô trồng trên đất 2 vụ lúa trên 3.000 ha, còn lại là ngô trồng trên đất soi bãi. Để bảo đảm diện tích ngô vụ Đông phát triển tốt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn biện pháp phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại cây ngô như sau:

    I. Sâu hại ngô

    1. Sâu keo mùa thu

    * Triệu chứng gây hại

    Sâu non tuổi 1 - 2 ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non gây ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn như “cửa sổ”.

    * Biện pháp phòng trừ

    Khi kiểm tra đồng ruộng, nếu mật độ sâu keo mùa thu gây hại cao cần phòng trừ bằng một số loại thuốc hoá học như sau: Voliam targo® 063SC; Supenworm 90SC; Bitadin WP; Igro 240SC; Match® 050 EC, Tplufenron 100EC … phun ở giai đoạn cây có 4 - 6 lá thật khi sâu mới xuất hiện ở tuổi 1 - 2, phun 2 lần, cách nhau 5 - 7 ngày, phun theo hàng ướt đều 2 mặt lá và nách lá.

    2. Sâu xám

    * Triệu chứng gây hại

    Sâu non tuổi 2, vào ban ngày sâu ẩn nấp dưới mặt đất ngay dưới gốc cây, hoặc mặt dưới của lá, buổi tối chui lên ăn lá non hoặc gặm chung quanh thân cây non. Từ tuổi 3 - 4 trở đi sâu phá mạnh, cắn đứt ngang thân cây (khiến cây bị khuyết hoặc bị cắn đứt) kéo xuống đất. Mỗi đêm, một con sâu có thể cắn đứt 3  4 cây non. Đối với một vài màu trưởng thành có thân đã cứng (cây ngô có 7 - 8 lá) sâu th­ường đục vào thân gần sát gốc ăn phần non mềm ở giữa làm thân cây ngô bị héo và chết. Ruộng hoa màu bị sâu xám gây bệnh trông mất khoảng lỗ chỗ, mật độ cây hạ, tổn thất về năng suất.

    * Biện pháp phòng trừ:

    - Biện pháp canh tác:

    + Dọn dẹp vệ sinh ruộng đồng, diệt trừ sạch cỏ dại trên ruộng và quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu.

    + Cày ải phơi đất 2 tuần trước khi có thể trồng, để diệt trừ trứng và nhộng hoặc cho nước ngập vào ruộng, ngâm khoảng 1 ngày đêm tiếp đến tháo cạn, để ráo ruộng trước khi tiến hành gieo trồng.

    + Luân canh cây trồng: Sau vài vụ trồng ngô, rau, đậu… thì luân canh 1 vụ lúa hoặc các giống rau ưa nước như rau muống, rau cần… để diệt trừ nhộng đang sống trong đất và cắt đứt nguồn thức ăn thích hợp cho sâu.

    - Biện pháp thủ công: Khi mật độ sâu gây hại thấp có thể bắt sâu thủ công vào sáng sớm hay chiều tối bằng phương pháp bới đất xung quanh gốc cây bị sâu cắn để bắt sâu.

    Biện pháp sinh học:

    + Không nên phun thuốc hoá học để bảo tồn thiên địch trên ruộng đồng như nhện, bọ rùa, ong ký sinh…

    + Sử dụng bẫy bả chua ngọt dể bẫy bướm. Kỹ thuật làm bẫy bả chua ngọt:: Trộn hỗn hợp gồm 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước. Cho vào trong bình đậy kín sau 3 - 4 ngày thì thêm vào 1% thuốc trừ sâu. Quấn giẻ hay bùi nhùi rơm rạ vào đầu gậy nhúng vào bả cắm trên bờ ruộng. Bướm trưởng thành sẽ bay vào ăn bả chua ngọt và bị chết. Cứ 2 - 3 ngày nhúng bả lại 1 lần.

    – Biện pháp hóa học:

    + Tiến hành xử lý đất trước khi tiến hành gieo trồng bằng một số thuốc trừ sâu dạng bột như: Basudin 10G, Vibasu 10H, Furadan 3G, Regent 3G…

    + Sử dụng cám rang thơm trộn với thuốc Vibasu 10G để bẫy sâu. Trộn 2 kilogam cám với 0,5 kilogam thuốc, rải cho 1/000 m2 trước khi trời tối. Rải thuốc theo hàng hoặc hốc gần gốc cây.

    + Khi mật độ sâu gây hại cao, nên chọn một số loại thuốc hỗn hợp có rất nhiều hoạt chất, nhiều công dụng (tiếp xúc, vị độc, xông hơi, nội hấp, ngấm sâu) hoặc kết hợp 2-3 loại thuốc trừ sâu có công dụng khác nhau để diệt sâu xám cho hiệu quả rất cao. Có thể sủ dụng thuốc đơn: Basudin 50EC; Shecpain 36EC; Gottoc 250EC hoặc kết hợp hai loại thuốc khác nhau: Diptere 80WP + Karate 2,5EC; Sevin 40% + Sherpa 25EC; Ganoi 95SP + Abamectin 36EC, Regent 800WG + Sokupi 0,36AS… Phun thuốc vào buổi chiều mát, nên cho thêm 10 ml chất bám dính hoặc 20 -30 ml dầu khoáng nâng cao khả năng bám thuốc vào cơ thể sâu, tăng khả năng làm sâu chết nhanh.

    3. Sâu đục thân ngô

    *Triệu chứng gây hại:

    Bướm trưởng thành sống ẩn nấp trong bẹ lá, đẻ trứng trên lá, sâu non nở ra ăn thủng lá nõn, hay ăn vào bao cờ, cuống cờ làm cờ gãy gục, hoa phấn khô héo, không tung phấn được. Sâu từ tuổi 3 trở lên đục phá vào thân làm cây chậm phát triển, thậm chí ngừng phát triển. Khi cây lớn, sâu đục trong thân để lại phân ở đường đục. Thân ngô bị đục ít khi chết. Nếu gặp gió to có thể bị gẫy ngang. Bắp bị sâu đục lúc còn nhỏ bị gẫy non, không lớn lên  được. Bắp ngô non có thể bị đục từ cuống bắp vào thân bắp, nếu bắp đã cứng thì sâu đục từ đầu bắp đến giữa bắp làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng ngô.

    Sâu xuất hiện quanh năm nhưng phá hại mạnh nhất ở giai đoạn trỗ cờ phun râu, đóng bắp. Ở các tỉnh phía Bắc, vụ Đông xuân thường có 3 lứa. Vùng trồng liên tiếp nhiều vụ có 7 - 8 lứa/năm. Từ lứa thứ 4 sâu phá hại ngô vụ hè thu. Khi cây ngô lớn hơn, sâu đục vào thân làm cản trở quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng, khi gặp gió bão cây ngô sẽ bị đổ gãy.

    * Biện pháp phòng trừ:

    - Biện pháp canh tác:

    + Chọn và trồng giống ngô chống chịu sâu đục thân.

    + Luân canh cây trồng để tránh sâu tồn tại từ vụ này sang vụ khác. 

    + Vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ sau khi thu hoạch, cày ải sau khi thu hoạch ngô vụ thu để giết sâu non và nhộng.

    + Gieo trồng đúng thời vụ. Không trồng rải rác tạo nguồn thức ăn cho sâu tồn tại từ vụ này sang vụ khác.

    + Bắt sâu bằng tay, ngắt ổ trứng.

    + Bảo vệ và lợi dụng ong ký sinh, quan trọng nhất là ong mắt đỏ ký sinh trứng Trichogramma.

    - Biện pháp hóa học:

    + Dùng các loại thuốc Padan 95SP, Regent 800WG hoặc thuốc Basudin …. để phun hoặc rắc vào gốc cây ngô khi cần thiết.

    4. Rệp cờ hại ngô

    * Triệu chứng gây hại:

    Rệp thường gây hại từ khi cây ngô 8, 9 lá đến khi thu hoạch. 

    Rệp chích hút nhựa ở trên nhiều bộ phận của cây như lá non, bông cờ, lá bi, nõn ngô, bẹ lá làm cho cây ngô mất hết dinh dưỡng, cây trở nên còi cọc, yếu ớt, bắp bé đi hoặc không hình thành bắp nếu bị hại từ giai đoạn cây còn nhỏ, chất lượng hạt xấu kém.... 

    Rệp phát triển nhanh và gây hại mạnh khi nguồn thức ăn đầy đủ, nhất là những ruộng ngô gieo dày, ẩm độ không khí trong ruộng cao hoặc ruộng ngô bị hạn.

    Rệp còn là môi giới truyền virut gây bệnh khảm lá, đốm lá ngô

    * Biện pháp phòng trừ:

    - Biện pháp canh tác:

    Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ trong ruộng và xung quanh bờ để không bị rệp bay sang phá hại từ các ký chủ phụ. Không nên trồng ngô mật độ quá dầy, khi cây ngô cao 25 - 30 cm thì tiến hành tỉa định cây, loại bỏ những cây gầy yếu cho ruộng thông thoáng hạn chế rệp phát triển.

    - Biện pháp sinh học:

    Bảo vệ các loài thiên địch trên ruộng ngô.

    - Biện pháp hóa học: 

    Khi mật độ rệp gây hại cao dùng các loại thuốc vị độc, tiếp xúc, thuốc lưu dẫn như Sherpa 25EC, Trebon 10EC, Sherzol 50EC, Reasgant 1.8EC, 2WG, 3.6EC, 5EC, 5WG, Confitin 18 EC, 36EC, Emalusa 10.2EC, 20.5EC, 50.5WSG... Phun theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc. Chú ý thời gian các ly đối với ngô ngọt, ngô rau bao tử và ngô thu bắp non trước khi thu hoạch 15 -  20 ngày để tránh ngộ độc thực phẩm cho người và gia súc.

    II. Bệnh hại ngô

    1. Bệnh khô vằn

    * Triệu chứng gây hại:

    - Bệnh khô vằn gây hại ở khắp các vùng trồng ngô. Bệnh hại trên các bộ phận phiến lá, bẹ lá, thân và bắp ngô tạo ra các vết lớn màu xám tro, loang lổ đốm vằn da hổ, hình dạng bất định như dạng đám mây. 

    - Vết bệnh lan từ các bộ phận phận phía gốc cây lên tới áo bắp và bắp ngô, bông cờ làm cây, lá vàng tàn lụi, khô chết. Vết bệnh khô vằn cũng tương tự như vết khô vằn hại lúa. 

    - Nấm bệnh khô vằn có thể gây hại cho ngô từ khi mới nảy mầm đến khi thu hoạch. Mầm bị nhiễm bệnh, trên rễ mầm và thân mầm thường có những vết bệnh màu nâu. Ngô bị nhiễm bệnh trong giai đoạn mầm thường còi cọc và vàng. Song biểu hiện rõ và nặng của bệnh là ở giai đoạn cây ngô trỗ cờ đến làm hạt.

    - Khi trời ẩm ướt trên mặt vết bệnh phủ lớp sợi nấm màu trắng và nhữnh hạch nấm xốp khi còn non có màu trắng, khi già chuyển màu nâu. Hạch nấm là nguồn lây nhiễm của nấm bệnh. Bệnh làm giảm năng suất và cây bị bệnh nặng hạt ngô sẽ bị lép.

    * Biện pháp phòng trừ:

    Lựa chọn các giống có khả năng kháng bệnh để trồng. Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh. Cày ải hoặc ngâm dầm để diệt hạch nấm.

    Xử lý hạt giống bằng thuốc Rovral (2g/10kg hạt giống) trước khi gieo.

    Ruộng ngô bị bệnh giai đoạn cây ngô đã lớn: làm sạch cỏ, bóc sạch bẹ và lá bị bệnh đem tiêu hủy.

    Dùng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân chuồng bón cho ngô với lượng 80-100 kg/ha (3 - 4 kg/sào Bắc bộ) để phòng bệnh.

    Khi cây ngô bị bệnh dùng một số những loại thuốc để phòng chống như: Validacin 3% hoặc Anvil 5SC…

    2. Bệnh đốm lá lớn.

    * Triệu chứng gây hại:

    Triệu chứng bệnh có thể nhận thấy trên các bộ phận như bẹ lá, lá bao và rõ nhất ở trên lá. Bệnh thường xuất hiện lá già sát gốc trước, sau đó lan dần lên những lá trên.

    Vết bệnh dài có dạng sọc hình thoi không đều đặn, màu nâu hoặc xám bạc, không có quầng vàng. Kích thước vết bệnh lớn 16 - 25 x 2 - 4mm, có khi vết bệnh kéo dài tới 5 - 10cm, nhiều vết bệnh có thể liên hết nối tiếp nhau lam fcho lá dễ khô táp, rách tươm ở đoạn chọp lá. Bệnh thường xuất hiện lá phía dưới rồi lan dần đến các lá phía trên. Trên vết bệnh khi trời ẩm dễ mọc ra một lớp nấm đen nhọ là các cành bào tử phân sinh và bào tử phân sinh của nấm gây bệnh. 

    * Biện pháp phòng trừ:

    - Sử dụng giống ngô có khả năng chống chịu bệnh, dùng hạt giống sạch bệnh. 

    - Xử lý hạt giống bằng thuốc Rovrral (2g/ 10kg hạt).

    - Luân canh trồng ngô với lúa và cây họ đậu.

    - Chăm sóc tốt làm cho cây khỏe tăng cường khả năng chống bệnh.

    - Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sach tàn dư cây bệnh đưa ra khỏi ruộng tiêu huỷ.

    - Thường xuyên ngắt tỉa lá già, lá bệnh, tạo độ thông thoáng cho ruộng ngô.

    - Phun các loại thuốc Tilt 250ND và Anvil 5SC nồng độ 0,1% để trừ bệnh.

    3. Bệnh đốm lá nhỏ

    * Triệu chứng:

    - Bệnh gây hại chủ yếu ở phiến lá, bẹ lá và hạt. 

    - Bệnh gây hại từ khi cây có 2 - 3 lá cho đến hết thời kỳ sinh trưởng của cây. Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ, như mũi kim, hơi vàng sau đó lớn rộng thành hình tròn, hoặc hình bầu dục nhỏ, kích thước vết bệnh khoảng 5 - 6 x 1,5mm.

    - Vết bệnh màu nâu, hoặc ở giữa hơi xám, có viền màu nâu đỏ, nhiều khi vết bệnh có màu quầng vàn. Nhiều vết bệnh liên kết với nhau thành đám lớn làm tổn thương lá và giảm quang hợp ảnh hưởng đến năng suất ngô.

    * Biện pháp phòng trừ:

    - Sử dụng giống ngô có khả năng chống chịu bệnh, dùng hạt giống sạch bệnh.

    - Xử lý hạt giống bằng Rovrral (2g/ 10kg hạt).

    - Những vùng thường bị bệnh nặng nên luân canh với các cây không phải là ký chủ của bệnh.

    - Chăm sóc tốt làm cho cây khỏe tăng cường khả năng chống bệnh.

    - Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh đem tiêu hủy và tạo độ thông thoáng cho ruộng ngô.

    - Phun các loại thuốc Tilt 250ND và Anvil 5SC nồng độ 0,1% để phòng trừ bệnh trên đồng ruộng.

    Lưu ý chung: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng kỹ thuật). Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng in trên bao bì, đảm bảo thời gian cách ly. Khi sử dụng xong phải thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào đúng nơi quy định.

      

    Cao Thị Nga - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật