• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Cách phòng và trị một số bệnh thường gặp trên cá da trơn
    09/06/2022 2:35:00 CH
    Lượt xem: 6049

    Trong 6 tháng đầu năm 2022 do thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Yên Bái, một số dịch bệnh trên cây trồng, thủy sản có xu hướng tăng và gây hại mạnh hơn so với cùng kỳ cũng như các năm trước đây. Dịch bệnh trên các đối tượng các loài cá da trơn như: cá Lăng, Bò, Ngạnh….. nuôi lồng cũng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy để hạn chế thiệt hại xảy ra cho đối tượng cá da trơn người nuôi trồng thủy sản cần lưu ý một số bệnh thường gặp trên cá da trơn - cách phòng và trị bệnh sau:

    1. Bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn trên cá da trơn:

    - Đây là loại bệnh không lây nhiễm trên cá mà yếu tố chính là do môi trường thiếu dinh dưỡng gây suy giảm miễn dịch trên cá. Loại bệnh này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng lại gây ra một số tác hại như: Giảm tăng trưởng ở cá và không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

    - Nguyên nhân: do môi trường nuôi thiếu Vitamin C, Vitamin D, canxi, phốt pho. Ngoài ra, nó còn do môi trường ao nuôi nghèo dinh dưỡng hoặc chế độ cho ăn kém, chất lượng nước không đảm bảo và thừa thức ăn…Chính những yếu tố này đã gây ra bệnh trên cá, gây ra các tình trạng nhiễm trùng trên cá da trơn và các bệnh dễ mắc phải khác.

    a, Triệu chứng:

    + Dấu hiệu hoại tử trên da và cơ: Chúng thường có cá đốm đỏ xuất hiện giống như bị xuất huyết.

    + Vây cá bị phá hủy: Gốc của vây cá bị xuất huyết nên xuất hiện tình trạng tia bị rách nát và cụt dần.

    + Vẩy của cá dựng (rộp) và bong ra, da của cá có tình trạng xuất huyết.

    + Xoang bụng sưng to, các cơ quan nội tạng bên trong ổ bụng bị xuất huyết và viêm nhũn, ruột của cá bị viêm và chứa đầy hơi.

    b, Cách phòng bệnh:

    - Để đàn cá giống cũng như cá nuôi lấy thịt không bị mắc phải bệnh này cần phải giữ cho môi trường nước không bị sốc nhiệt khi có những diễn biến xấu (Nhiệt độ, xy hòa tan, nhiễm bẩn trong nước làm cá dễ dàng bị bệnh) để chúng phát triển khỏe mạnh bình thường.

    - Dùng vôi để khử trùng và làm kiềm hóa môi trường nước.

    + Đối với lồng nuôi: Định kỳ treo túi vôi 1 tháng/1 lần, trong mùa bệnh phát triển mạnh thì treo 2 tuần/lần (để khử trùng và làm kiềm hóa môi trường nước) với lượng vôi trung bình khoảng 2kg vôi nung/10m3 lồng nuôi, treo ở những chỗ cá tập trung ăn và đầu nguồn nước.

    + Đối với ao nuôi: Định kỳ 1 tháng/1 lần dùng vôi tẩy trùng môi trường nước với lượng  2kg /100m3 nước. Trong mùa bệnh  nên tẩy dọn 2 tuần/lần.

    - Ngoài ra phải bổ sung thêm vitamin C vào thức ăn cho cá trong mùa bệnh hoặc loại thuốc phối chế KN – 04 – 12 để trộn vào đồ ăn cho cá.

    c, Trị bệnh:

    + Đối với cá giống: Dùng Oxytetracyline nồng độ 20-50 ppm và Streptomycin có nồng độ từ 20 – 50 ppm tắm cho cá trong thời gian 60 phút.

    + Đối với cá thịt: Dùng kháng sinh Sulfamid liều dùng 150 – 200 mg/1kg cá/ngày trộn với thức ăn tinh cho cá ăn. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng loại thuốc phối chế KN -04 – 12 với liều lượng là 2 - 4g/1kg cá trên ngày.

    Cho cá ăn liên tục từ 5 - 7 ngày. Đối với kháng sinh thì sang ngày thứ 2 cần giảm đi ½ so với ngày đầu.

    2. Bệnh xuất huyết:

    - Đây là bệnh thường gặp còn gọi là bệnh hoại tử da trên cá da trơn và gây thiệt hại lớn trên đàn cá. Chính vì thế mà người nuôi cần nắm chắc dấu hiệu bệnh lý và tác nhân gây bệnh để phòng và trị bệnh kịp thời.

    - Nguyên nhân: do một số loại vi khuẩn gây ra, người nuôi cần chú ý tới để phòng tránh bệnh cho cá.

    a, Triệu chứng:

    + Dấu hiệu bên ngoài dễ nhận thấy đó là cá ăn ít hoặc bỏ ăn, hoạt động yếu, bơi chậm và lờ đờ trên mặt nước.

    + Có nhiều đốm đỏ xuất hiện ở đầu, thân, vây và đuôi.

    + Vết đỏ lan rộng, ăn sâu tạo thành vết loét và gây xuất huyết trên cá.

    + Cá bị bệnh nặng, những vết loét này sẽ ăn sâu tới xương và cơ khiến chúng bị hoại tử. Để lâu ngày, vết loét có màu xám, xung quanh miệng vết loét có màu đen.

    b, Cách phòng bệnh:

    + Chọn con giống khỏe mạnh trước khi nuôi để chúng phát triển bình thường.

    + Chuẩn bị ao nuôi kỹ, cần phải vét bùn, phơi khô, xử lý ao bằng vôi bột, loại bỏ cá tự nhiên.

    + Thường xuyên rải vôi định kỳ liều lượng 2kg/100m3 nước.

    + Diệt mầm bệnh bằng thuốc tím và các loại thuốc khác theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

    + Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cá và cộng thêm vitamin C vào thức ăn.

    c, Cách điều trị bệnh:

    + Sử dụng thuốc tím với liều lượng 10g /m3 để tắm cho cá từ 30 – 60 phút. Cũng có thể trộn kháng sinh vào thức ăn.

    + Sử dụng Formol với liều lượng 20 ml/m3 để tắm cho cá trong thời gian từ 30- 60 phút. Tắm liên tục từ 3 – 5 ngày để đảm bảo hiệu quả, chú ý, không tắm cho cá lúc trời quá nóng.

    + Sử dụng Bronopol theo sự chỉ dẫn của nhà sản xuất để chữa bệnh cho cá.

    Trên đây là 1 số bệnh thường gặp ở cá da trơn – cách phòng và trị bệnh người nuôi thủy sản cần phải chú ý, tránh để gây ra thiệt hại nặng cho đàn cá nuôi.

                                    

    Nguyễn Thị Xuân - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái