• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    KỸ THUẬT KHAI THÁC VÀ PHÂN LOẠI VỎ QUẾ
    11/08/2021 9:18:00 SA
    Lượt xem: 5302

     

     1. Phương thức khai thác:

    Trên một cây Quế có thể khai thác tất cả vỏ một lần và chặt cây, hoặc cũng có thể khai thác vỏ nhiều lần trong nhiều năm trên một cây. Khi khai thác một bộ phận vỏ quế trên một cây về một phía, cây Quế không chết mà có xu hướng sinh trưởng ra vỏ mới để liền những phần vỏ đã bị bóc vỏ. Khai thác nhiều lần trên một cây là bóc đi 1/4 thậm chí là 1/2 vỏ Quế về một phía, sau đó tiếp tục nuôi cây cho các lần bóc sau đó. Phương thức khai thác này thường chỉ áp dụng cho các cây quế quý hiếm và yêu cầu sản phẩm vỏ quế không nhiều.

    Ngoài ra còn có phương thức khai thác chọn, chỉ khai thác những cây có đường kính cấp kính định trước trong một mùa khai thác, phương thức này thu được sản phẩm theo ý muốn nhưng khó bố trí khai thác, chu kỳ kinh doanh kéo dài. Phương thức này cũng có thể gọi là tỉa thưa ở các lần tiếp theo, nhưng cường độ không lớn, chỉ khai thác một số cây khi cần.

    Trong sản xuất do yêu cầu số lượng sản phẩm nhiều nên thường áp dụng phương thức khai thác toàn bộ số cây trong một thời điểm nào đó gọi là khai thác trắng. Ưu điểm là sản phẩm tập trung với số lượng lớn, dễ áp dụng.

    Tùy thuộc vào tuổi cây, mật độ, khả năng sinh trưởng và cường độ khai thác của rừng Quế, mà sản lượng, chất lượng Quế khai thác khác nhau.                       

    2. Thời vụ khai thác:

    Có 2 mùa khai thác vỏ quế:

    - Mùa xuân: tháng 2 - 3 (dương lịch).

    - Mùa thu: tháng 8 - 9 (dương lịch).

    3. Thời điểm khai thác:

    Thời điểm khai thác tốt nhất khi bóc thử một vài cây, thấy dễ bóc, vỏ không bị gãy, bị vỡ, bị sát hay bị dính vào thân.

    4. Kỹ thuật khai thác:

    Chặt ngả cây phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến cây để lại, cụ thể:

    Dùng dao bóc vỏ ra khỏi thân cây theo quy cách đã xác định, thường chiều dài lóng vỏ từ 40 - 60 cm. Giữa hai vòng cắt một đường thẳng dọc từ trên xuống theo chiều dài của lóng, thao tác bóc vỏ cần chú ý để bóc được nhiều khoanh vỏ đẹp hợp quy cách, khi lột vỏ ra khỏi thân cây cần nhẹ nhàng không để lòng thanh quế bị xây xát, hai đầu không bị nứt, không bị thủng lỗ.

    Trong khi bóc vỏ ra khỏi thân cây, cần chú ý để có nhiều khoanh vỏ đẹp, hợp quy cách các loại sản phẩm ngay từ lúc cắt khoanh, để các thanh vỏ quế thẳng, đều, ít bị mắt chết, ít bị thủng lỗ. Khi lột vỏ ra khỏi thân cây cần nhẹ nhàng, có thể lau sạch thanh quế, lau khô nước lòng thanh quế trước khi đem ủ để tránh mốc.

    5. Phân loại vỏ Quế:

    - Vỏ quế khai thác trên một cây thường được chia ra các loại như sau:

    + Loại 1 (quế Trung Châu): là vỏ quế bóc ở thân cây, đoạn cách gốc 1m đến nơi cây phân cành của cây. Đặc điểm là vỏ dày, nhiều dầu, vỏ thẳng, đẹp, ít bị thủng lỗ, cong vênh.

    + Loại 2 (quế Thượng Biểu): là vỏ quế bóc từ ngọn cây và các cành lớn của cây. Vỏ thường có nhiều vết nứt, lỗ thủng, bị cong vênh và hàm lượng tinh dầu trong vỏ cũng thấp hơn vỏ quế loại 1.

    + Loại 3 (quế Hạ Căn): là vỏ quế được bóc ra từ đoạn gốc của cây (dưới 1m). Vỏ thường dày, nhưng hàm lượng tinh dầu thấp, lớp biểu bì bên ngoài dầy và cong vênh.

    + Loại 4 (quế Chi): là vỏ quế bóc từ những cành nhỏ, ở cây có đường kính từ 40 cm trở lên có thể khai thác được 50 - 60 kg vỏ “Quế chi” khô. Những cây có đường kính khoảng 20cm có thể khai thác được 20 kg vỏ “Quế chi” khô. Các cây có đường kính 5 -7 cm chỉ khoảng 1kg vỏ “Quế chi” khô.

    Ngoài cách phân loại trên, vỏ Quế còn được phân loại theo hình dạng bên ngoài, người ta có thể chia thành: quế ống, quế thanh, quế vụn, quế bột… Từng loại này lại được chia theo tỷ lệ tạp chất, hàm lượng tinh dầu… Trên thị trường xuất khẩu vỏ quế Việt Nam được chia làm 3 loại chính như sau:

    + Quế Việt nam loại A: Độ dày > 2,5 mm; Độ ẩm từ 15 - 16%; Chiều dài từ 35 – 45 cm; Hương vị tốt, tự nhiên; không mốc hay mọt.

    + Quế Việt nam loại B: Độ dày từ 1,5 - 2,5 mm; Độ ẩm từ 15 - 16%; Chiều dài từ 35 - 45cm; Hương vị tốt, tự nhiên; không mốc hay mọt.

    + Quế chè Việt Nam: Độ dày ≈1,5 mm; Độ ẩm từ 15 - 16%; Chiều dài từ 35 - 45 cm; Tỷ lệ vỡ dưới 5%; Hương vị tự nhiên; không mốc hay mọt.

    Thông thường vỏ quế xuất khẩu yêu cầu hàm lượng tinh dầu phải đạt từ 3 - 5%. Hàm lượng tinh dầu trong vỏ quế là chỉ tiêu hết sức quan trọng, có tính quyết định giá trị của từng loại quế.

     

     

    Phạm Thị Hảo - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái