• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây con trong vườn ươm
    11/01/2023 4:11:00 CH
    Lượt xem: 5357

     Bên cạnh nguồn gốc giống thì việc chăm sóc cây con trong vườn ươm là yếu tố quan trọng quyết đến chất lượng cây giống khi xuất vườn, từ đỏ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng rừng trồng sau này.

    1. Tưới nước: Duy trì độ ẩm cần thiết trong đất cho cây phát triển. Lượng nước và số lần tưới tuỳ theo từng độ tuổi của cây và khí hậu thời tiết. Khi tưới phải sử dụng nước sạch và dùng ô doa để tưới.

    - Đối với luống hạt mới gieo hoặc cây non ở giai đoạn cây mầm có độ cao dưới 5cm, dùng bình phun sương (hoặc ô doa lỗ nhỏ) để tưới. Tưới mỗi ngày 1 lần, lượng nước tưới 2 - 3 lít cho 1m2 mặt bầu.

    - Đối với luống mà cây có độ cao 5cm trở lên bà con dùng ô doa tưới nước đủ ẩm hàng ngày. Lượng nước tưới từ 4 - 5 lít cho 1m2 mặt bầu, trời râm mát tưới 1 lần/ngày, trời nắng tưới 2 lần.

    - Tưới nước vào sáng sớm và chiều tối. Không tưới ướt sũng mặt luống dễ gây thối rễ và nấm bệnh phát triển.

    2. Che nắng, che mưa, chống rét:

    - Che nắng: Cây ươm ở giai đoạn đầu, đặc biệt là thời kỳ mới mọc mầm, các bộ phận của cây còn non yếu cần che bóng từ 1 - 2 tuần đầu sau khi cấy với tỷ lệ che phủ mau thưa khác nhau từ 30 - 50%. Khi cây con bén rễ thì tháo dỡ dần dàn che ra. Ví dụ:

    + Đối với Bạch Đàn, Keo, Mỡ;  thời gian che 7 - 10 ngày.

    + Quế, Hồi, Trám, Giổi xanh, Mây nếp thời gian che phủ 2/3 thời gian cây nuôi dưỡng ở vườn ươm.

    - Che mưa: Khi thời tiết mưa to, gió lớn cần phải che cây để đảm bảo cho cây sinh trưởng phát triển bình thường, không để bùn đất do nước mưa bắn lên bám vào lá ngăn cản sự hô hấp và quang hợp của cây.

    - Chống rét: Những ngày có sương muối giá buốt phải tưới rửa sương bám trên lá cây vào sáng sớm tránh bị cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua. Hoặc bố trí các đống hun khói đủ xua tan sương muối giữ ấm cho cây về ban đêm.

    Không gieo hạt, cấy cây vào những ngày nhiệt độ thấp dưới 13oC.

    Làm giàn che hoặc che phủ nilon giữ ấm cho hạt và cây mạ mới gieo.

    Lưu ý: Khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài bà con cần bón bổ sung thêm phân lân, phân kali để giúp cây cứng cáp tăng khả năng chống chịu với giá rét.

    3. Làm cỏ phá váng: Thường xuyên kiểm tra và nhổ sạch cỏ dại mọc trên luống ươm cây hoặc trên mặt túi bầu. Luôn giữ cho mặt đất tơi xốp, thông thoáng, tăng khả năng thấm nước của đất. Sau mỗi trận mưa hoặc sau một số đợt tưới nước cần kiểm tra và tiến hành xới váng. Dùng bay hoặc que nhỏ xới nhẹ, sâu khoảng 5 - 10mm, xới xa gốc, tránh làm cây con bị tổn thương, 10 - 15 ngày xới váng 1 lần. Trường hợp gieo hạt thẳng vào bầu, những bầu mọc từ  2 - 3 cây khi làm cỏ cần kết hợp tỉa bớt những cây mầm, chỉ giữ lại mỗi bầu 1 cây tốt và tận dụng cây tỉa đó để cấy dặm vào những bầu không có cây.

    4. Bón Phân: Tuỳ theo điều kiện có thể sử dụng các loại phân khác nhau để bón thúc cho cây con như phân chuồng hoai, phân đạm (N), phân lân (P), phân kali (K) hoặc phân tổng hợp (NPK). Thời gian và phương pháp bón như sau:

    - Sau khi cấy 3 - 4 tuần mới bón thúc lần đầu, 1 - 2 tuần bón thúc 1 lần.

    - Phương pháp bón: Hoà phân vào nước lã sau đó dùng ô doa t­ưới đều trên mặt luống.

    + Giai đoạn cây còn nhỏ dưới 5cm, pha 50 gam NPK trong 15 lít nước tưới cho 5 m2 mặt bầu.

    + Giai đoạn cây đạt chiều cao từ 5cm trở lên, pha 75 gam NPK trong 15 lít nước cho 5 m2 mặt bầu. Tuỳ theo tốc độ sinh trưởng của cây mà ta có thể quyết định lượng nước tưới và lượng phân bón cho phù hợp. Tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Sau khi tưới phân xong phải dùng nước lã để tưới rửa, không để phân bám nhiều gây cháy lá, lượng nước rửa 2 lít/m2 luống.

    5. Đảo bầu, cắt xén rễ:

    - Đảo bầu: Khi cây cao 7 - 10 cm tiến hành đảo bầu, phân loại, xếp cây lớn riêng, cây nhỏ riêng để tiện chăm sóc. Tuỳ thời gian nuôi cây trong vườn ươm có thể đảo bầu từ 1 - 2 lần.

    - Cắt xén rễ: Việc cắt xén rễ cho cây con ở vườn ươm nhằm mục đích kích thích cây mọc thêm nhiều rễ con, hạn chế rễ cọc, làm tăng độ đồng đều của cây và cũng là một biện pháp hãm cây để cây cứng cáp khi trồng rừng đạt tỷ lệ sống cao. Khi đảo bầu kiểm tra thấy rễ mọc thò ra khỏi túi bầu thì tiến hành dùng kéo cắt xén rễ, sau khi cắt rễ, xếp bầu vào luống, tưới nhiều nước cho cây. Khi cắt xén rễ xong cây con có thể bị héo cần che bóng cho cây đến khi cây phục hồi mới bỏ giàn che.       

    6. Hãm cây: Trước khi xuất vườn từ 2 - 4 tuần, cần hãm cây để cây con cứng cáp dễ thích ứng trước khi đem đi trồng rừng. Phương pháp hãm như sau:

    - Lần tưới thúc cuối cùng chỉ tưới phân lân và ka li.

    - Giảm dần việc tưới nước cho đến khi xuất vườn.

    - Ngoài ra việc đảo bầu cắt xén rễ cũng có tác dụng hãm cây, làm cho cây con cứng cáp dần lên.

    7. Bệnh hại cây con:

    Đối với cây con ở giai đoạn vườn ươm thường mắc các một số bệnh hại chính sau:

    * Bệnh lở cổ rễ: Đây là bệnh phổ biến ở vườn ươm, đối với bệnh lở cổ rễ thường xuất hiện vào giai đoạn cây mầm, khi cây lớn thì bệnh giảm dần. Quan sát thấy ngay ở phần thân sát với mặt bầu bị thối nhũn, làm cho cây không hút được chất dinh dưỡng lá bị héo rụng.

    * Bệnh phấn trắng: Bệnh do nấm phấn trắng gây nên, thường hại chủ yếu đối với cây lá rộng như Keo, Bạch đàn.. Trên lá xuất hiện sợi nấm mầu trắng, trong lá xuất hiện sợi nấm có vòi hút dinh dưỡng, cành lá khô dần, cây còi cọc và chết.

    Cách phòng trừ như sau:

    Bệnh lở cổ rễ có thể dùng một số loại thuốc như: Daconil 75WP; Aliette 80WP, 800WG; Kamsu 2SL; Moren 25WP; Anvil 5SC…

    Bệnh phấn trắng dùng các loại thuốc: Nativo 750WG; Biobac WP; Starone 20WP; New Kasuran 16.6WP… để phun phòng trừ.

    - Cách dùng: Thuốc Daconil 75WP pha 30 - 35g/ bình 25 lít; Aliette 80WP pha 20 - 30g/bình 16 lít; Nativo 750WG pha 6g/bình 16 lít, Anvil 5SC: pha theo tỷ lệ 8 - 10ml thuốc/bình 8 lít. Ngoài ra bà con có thể dùng các loại thuốc khác theo hướng dẫn trên bao bì thuốc hoặc theo chỉ dẫn của Bảo vệ thực vật để phòng bệnh này.

    Chú ý:

    - Phun thuốc theo hướng dẫn sử dụng in trên bao bì vỏ thuốc.

    - Phun thuốc theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và nồng độ.

    - Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát.

    - Phun ướt đẫm mặt trên, dưới lá và thân cây .

    - Khi cây bị bệnh nặng thực hiện phun kép 2 lần cách nhau từ 5 - 7 ngày để tăng hiệu quả phòng trừ bệnh. Đối với những cây đã bị phải tiến hành phải tách cây ra khỏi luống tránh lây lan sang cây khác, và một biện pháp đồng thời nữa là cần hạn chế tưới nước, bởi vì nước chính là nguồn để cho các loại vi khuẩn lây nhiếm sang cây. 

    KS: Phạm Thị Hảo - Trung Tâm Khuyến Nông