• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò bán công nghiệp
    13/01/2022 9:52:00 SA
    Lượt xem: 7040

    I. Chuồng trại:

    - Chuồng nuôi bò phải đảm bảo sạch sẽ thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông (hướng đông - nam là tốt nhất).

    - Nền chuồng không được trơn trượt, tốt nhất là đổ bê tông hoặc lát gạch để bảo vệ bộ móng cho bò, nền phải có độ dốc nhất định (2 - 3 độ) đảm bảo khô ráo, sạch sẽ tiện cho việc chăm sóc, vệ sinh.

    Mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp tại xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải

     

    - Cột có thể làm bằng gỗ hoặc xi măng, xung quanh làm dóng.

    - Diện tích cho một bò là 5 m2 (Nếu nuôi theo hướng thâm canh thì diện tích cho một bò có thể giảm xuống còn 2 - 2,5 m2/con).

    - Có thể ngăn chuồng thành các ô để tiện chăm sóc nuôi dưỡng các loại bò khác nhau (bò đẻ, bê, bò vỗ béo…).

    - Chuồng nuôi bò bắt buộc phải có máng ăn, máng uống. máng ăn phải có lỗ thoát nước ở đáy, các góc phải trơn nhăn.

    - Chuồng nuôi bò phải có sân cho bò vận động, diện tích bằng 1,5 - 2 lần diện tích chuồng.

    - Hố phân: cần có 2 ngăn, ngăn ủ và ngăn chứa phân tươi, có rãnh thoát nước. nên bố trí hố phân bên ngoài chuồng và sân chơi.

    - Chuồng phải có phên che chống rét cho bò vào mùa đông và chống nắng vào mùa hè (có thể tận dụng những vật liệu rẻ tiền như tre, nứa, lá cọ, bao tải…). phên làm đơn giản, dễ tháo dỡ để những hôm trời nắng dỡ bỏ phên cho ánh nắng chiếu vào chuồng để diệt mầm bệnh.

    - Xung quanh chuồng có cây xanh bóng mát, đường đi lối lại khô ráo sạch sẽ.

    II. Chọn giống:

    Bò đực chọn nuôi là bò phải có lý lịch rõ ràng, có chất lượng tốt. tuỳ từng mục đích sử dụng mà ta có những tiêu chuẩn khác nhau để chọn bò giống.

    1. Yêu cầu về ngoại hình như sau:

    - Thân hình cân đối, lông óng, da mềm.

    - Đầu, cổ vừa phải, mặt ngắn, trấn rộng, mắt sáng, mõm bẹ, răng hến.

    - Trường mình, lưng thẳng, ngực sâu rộng, bụng tròn gọn, mông nở, đuôi dài, gốc đuôi to, chân thẳng, móng khít, yếm rộng, bao da rốn phát triển.

    - Ở hộ gia đình cần tuyển chọn những nái sinh sản có trọng lượng từ 160 - 170 kg trở lên để cho phối với bò lai sind.

    2. Tiêu chuẩn bò phối giống:

    - Bò cái khoẻ mạnh từ  24 tháng tuổi trở lên và có trọng lượng 175 kg trở lên.

    - Có thể xác định trọng lượng bò bằng cách đo (dùng thước dây) như sau:

                                  p = 90 x (vn)2 x dtc

    · P: là trọng lượng bò tính bằng kg.

    · 90: là hệ số.

    · vn: là vòng ngực, đo bằng thước dây và tính bằng m (đo chu vi xung quanh vòng ngực phía sau phần tiếp giáp với xương bả vai).

    · DTC: là dài thân chéo, đo bằng thước thẳng, tính bằng m (đo từ phía trước của xương bả vai đến điểm sau của xương u ngồi).

     

     

     
    III. Nuôi dưỡng chăm sóc:

    1. Nuôi dưỡng:

    Có thể chia ra các giai đoạn để nuôi dưỡng cho phù hợp:

    a. Giai đoạn nuôi bò cái chửa:

    * Tuổi và thời điểm phối giống thích hợp:

    - Đặc điểm sinh sản của bò:

    - Đối với bò cái tơ nên phối giống khi bò đạt 24 tháng tuỏi, không nên phối giống sớm dễ ảnh hưởng đến khả năng sinh đẻ sau này.

    - Thông thường sau khi đẻ từ 60 - 80 ngày thì bò nái động dục trở lại.

    - Chu kỳ động dục của bò từ 18 - 23 ngày.

    - Thời gian động dục của bò kéo dài 24 - 36 tiếng.

    - Thời gian mang thai: 280 - 285 ngày.

    - Thời gian sử dụng để sinh sản: 8 - 10 năm.

    *Những biểu hiện chủ yếu khi bò động dục:

    + Thời gian động dục kéo dài từ 24 - 36 giờ chia làm 3 giai đoạn:

    + Giai đoạn bắt đầu động dục: (6 - 10 giờ) con vật băn khoăn, ngơ ngác, kêu rống, thích gần những con khác, không cho con khác nhảy lên. âm hộ hơi mở có màu đỏ hồng, dịch trong và loãng.

    + Giai đoạn giữa động dục: (12 - 16 giờ): con vật hưng phấn cao độ, thích nhảy lên con khác, có biểu hiện chịu cho con khác nhảy lên (chịu đực). âm hộ hơi mở, niêm dịch keo dính màu trắng tạo thành dòng, đến cuối giai đoạn này niêm dịch đặc lại, treo dài sau âm hộ từ 10 - 15 cm là thời điểm phối giống tốt nhất (kéo dài từ 12 - 18 giờ kể từ khi bắt đầu động dục).

    + Giai đoạn cuối động dục: (6 - 10 giờ) không cho con khác nhảy lên, ăn uống trở lại bình thường.

    * Thời điểm phối giống thích hợp nhất là sau khi bò động dục 12 - 16 tiếng biểu hiện.

    + Con vật hưng phấn cao độ thích nhảy lên con khác và chịu cho con khác nhảy lên.

    + Âm hộ có nhiều nước nhờn keo đặc có màu trắng dính vào mông.

    Bảng: chọn thời điểm phối giống thích hợp cho bò nái

     

    rất sớm

    tốt

    rất tốt

    tốt

    rất muộn

    0 giờ

    6 giờ

    12 giờ

    16 giờ

    28 giờ

     

                  (bắt đầu động dục)                          (bắt đầu rụng trứng)                    

     

    - Sau khi phối giống 18 - 23 ngày nếu không thấy bò động dục trở lại thì có khả năng bò đã chửa. cần theo dõi thêm một chu kỳ nữa để xác định chính xác bò có chửa hay không.

    Nếu sau đẻ 3 tháng không thấy bò động dục trở lại, sau 20 - 24 tháng không thấy bò cái tơ động dục thì cần nhờ cán bộ thú y đến xem xét nguyên nhân.

    * Nuôi dưỡng bò cái chửa:

    Thời gian bò mang thai từ 280 - 285 ngày, trong thời gian này bò cần được chăm sóc tốt, đảm bảo cho bò mẹ béo khỏe, tạo điều kiện cho bào thai phát triển.

    - Mỗi ngày cho ăn 29 - 34 kg cỏ tươi và 0,5 - 1,0 kg thức ăn tinh (thóc nghiền, cám ngô, cám sắn…

    - Từ tháng chửa thứ 5 trở đi mỗi ngày cho ăn bổ sung thêm 1 - 2 kg củ quả tươi (khoai, sắn, đu đủ…) và 0,5 kg thức ăn tinh.

    - Hàng ngày cho bò ăn 20 - 30 gam muối.

    Cán  bộ kỹ thuật hướng dẫn chế biến thức ăn cho bò tại xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình

    - Mùa đông nếu lượng cỏ thiếu hay những ngày quá rét thì nên cắt cỏ cho ăn bổ sung hoặc cho ăn bằng rơm khô đã qua chế biến.

    - Khi bò có chửa, nhất là vào giai đoạn cuối cần chú ý tránh chăn thả nơi đồi dốc cao, hào rãnh rộng bò trượt ngã dễ gây xẩy thai.

    - Khi bò đẻ cho bò mẹ uống nước muối ấm, cháo gạo loãng, cắt cỏ cho ăn tại chuồng một tuần cho ăn các loại lá cây rừng (lá sung, lá ngoã…), củ quả (bí ngô, khoai lang, sắn… ) để bò có nhiều sữa.

    * Đỡ đẻ cho bò: cần căn cứ vào ngày phối giống để xác định ngày bò chuẩn bị đẻ không cho bò đi ăn xa.

    - Trực đỡ đẻ cho bò song tránh gây ồn ào, bò sẽ khó đẻ.

    - Nếu thai quá to hoặc thai không thuận (quẹo đầu, co chân, thai ngược…) sức rặn của bò mẹ yếu thì cần điều chỉnh lại tư thế của thai (thẳng đầu, chân duỗi ra trước), hỗ trợ kéo theo nhịp rặn một cách nhẹ nhàng, tránh can thiệp thô bạo gây xây sát đường sinh dục của bò mẹ. nếu không xử lý được phải mời cán bộ thú y đến can thiệp.

    - Khi bê bị ngạt cần nhanh chóng lau sạch nhớt, dãi trong mũi, xoa bóp phần ngực, hà hơi thổi ngạt hoặc lấy cọng rơm ngoáy vào lỗ mũi, lấy nước lạnh đổ vào người bê.

    - Sau khi bò đẻ, lau sạch nhớt, bóc móng, cắt rốn cho bê (để lại 8 - 10 cm), sát trùng bằng cồn iốt, sưởi ấm cho bê nếu trời lạnh.

    - Chờ cho nhau thai ra hết (sau 3 - 6 tiếng) đem đi chôn, không để cho bò mẹ ăn nhau thai (có thể cho bò mẹ uống nước rau ngót để sạch nhau). nếu sau 3 tiếng nhau thai không ra hết thì phải báo thú y đến để xử lý. chú ý vệ sinh sạch sẽ vùng sau của bò để tránh nhiễm trùng.

    b. Giai đoạn bú sữa mẹ từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi.

    - Sau đẻ 45 - 60 phút cần cho bú sữa đầu bởi vì sữa đầu có nhiều dinh dưỡng và kháng thể phòng bệnh cho bê rất tốt, nếu bê yếu không bú được thì phải vắt sữa đầu cho uống.

    - Cần cho bê tiếp xúc với thức ăn xanh sớm (sau 10 ngày tuổi) nhằm kích thích sự phát triển của dạ cỏ.

    - Sau khi đẻ 3 tháng trở đi lượng sữa mẹ giảm xuống trong khi đó nhu cầu sữa và thức ăn của bê tăng lên, cho nên cần cho bê ăn sớm bằng cỏ non, thức ăn tinh.

    Áp dụng định mức cho ăn trong 6 tháng đầu theo bảng sau:

    (bê có thể tăng trọng 14 - 15 kg/tháng)

    Loại thức ăn

    Số lượng

    1 ngày

    Tổng 6 tháng

    Sữa nguyên

    bú trực tiếp

    200 kg

    Thức ăn tinh

    0,25-0,3 kg

    54 kg

    Cỏ tươi

    cho ăn thoả mái, tự do

    -

    Muối ăn

    10-12 gam

    2 kg

     

    - Tẩy giun đũa cho bê vào lúc 15 - 20 ngày tuổi. vì khi mới đẻ ra bê đã có khả năng bị nhiễm giun đũa từ mẹ qua đường nhau thai.

    - Nên cai sữa cho bê vào lúc sáu tháng tuổi.

    - Bò có chửa sắp đẻ, bò nuôi con ngoài khẩu phần ăn theo trọng lượng (14 - 15 kg cỏ tươi/100 kg trọng lượng/ngày) cần bổ sung thêm thức ăn hỗn hợp (khoảng 1 kg/con/ngày) để bò nuôi thai và tiết sữa.

    c. Giai đoạn nuôi thịt  từ 6 - 24 tháng tuổi: chia thành 2 thời kỳ:

    - Thời kỳ 6 - 21 tháng tuổi: khẩu phần ăn trong 1 ngày đêm bố trí như sau:

    Trọng lượng (kg)

    Rơm cỏ khô (kg)

    Cỏ tươi (kg)

    Củ quả (kg)

    Thức ăn hỗn hợp (kg)

    Muối ăn

    70 - 100

    0

    7 - 10

    1 - 1,5

    0,3 - 0,4

    9 - 12

    101 - 150

    1

    10 - 15

    2

    0

    14 - 18

    151 - 200

    1,5

    15 - 20

    2

    0

    20 - 24

    201 - 230

    1,5

    20 - 25

    2

    0

    24 - 27

     

    - Thời kỳ vỗ béo: từ 21 - 24 tháng tuổi và các loại bò không nuôi sinh sản đều chuyển sang nuôi vỗ béo.

    Khẩu phần ăn cho một con trong một ngày đêm gồm: 2 kg cỏ khô, 25 - 30 kg cỏ tươi, 4 kg củ quả, 35 g muối và bổ sung 1 kg thức ăn hỗn hợp.

    Thức ăn hỗn hợp có thể chế biến theo công thức sau:

    Stt

    Tên nguyên liệu

    Phần trăm (%)

    1

    Bột sắn

    65

    2

    Bột ngô

    10

    3

    Cám gạo

    8

    4

    Đậu tương

    8

    5

    Rỉ mật đường

    5

    6

    Đạm urê

    2

    7

    Muối ăn

    1

    8

    Bột khoáng

    1

    Lưu ý:

    - Không sử dụng các nguyên liệu kém phẩm chất (như: ẩm, mốc, thối…)

    - Đạm urê có trong khẩu phần dễ gây ngộ độc nếu hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép vì vậy việc cân, đong phối hợp thức ăn phải chính xác.

    - Thức ăn càng có nhiều loại nguyên liệu càng tốt.

    - Cần tận dụng các nguyên liệu rẻ tiền, sẵn có của địa phương.

    -  Mỗi lần chỉ phối trộn lượng thức ăn  sử dụng trong khoảng 7 ngày.

    Cách phối trộn:

    - Đổ dàn đều các nguyên liệu thức ăn đã nghiền nhỏ ra nền nhà hoặc sân gạch theo thứ tự loại nhiều đổ trước, loại ít đổ sau.

    - Các loại nguyên liệu có khối lượng ít như muối, bột khoáng, urê… phải trộn trước với cám gạo, bột ngô… để tăng khối lượng, sau đó trộn lẫn với các nguyên liệu khác để đảm bảo  phân bố đồng đều lượng thức ăn.

    - Trộn đều cho đến khi hỗn hợp thức ăn có màu đồng nhất.

    Cách bảo quản:

    - Bảo quản thức ăn nơi khô mát, đặt trên các giá kệ để tránh ẩm mốc.

    - Chống chuột bọ vào phá hỏng thức ăn.

    - Tập cho bò quen dần khi cho thức ăn hỗn hợp.

    Chú ý: Trong chăn nuôi bán công nghiệp thường kết hợp cả 2 phương pháp chăn dắt ngoài bãi và cho ăn tại chuồng nên người chăn nuôi phải xác định được lượng cỏ bò ăn được khi chăn thả để cỏ kế hoạch bổ sung cho đủ khẩu phần (có thể xác định lượng cỏ bò ăn vào theo thời gian chăn thả cứ 1 giờ bò có thể ăn được 2 - 2,5 kg cỏ nếu đồng cỏ trung bình và 3 - 3,5 kg nếu đồng cỏ tốt).

    2. Chăm sóc: 

    - Theo dõi chặt chẽ đàn bò.

    - Vệ sinh chuồng trại đều đặn và sạch sẽ.

    - Mùa đông che chắn chuồng trại cho ấm, bố trí địa điểm và thời gian chăn dắt thích hợp để tránh lạnh cho bò.

    - Mùa hè: chuồng trại thông thoáng, chú ý tránh nắng nóng.

    IV. Vệ sinh phòng bệnh.

    1. Các biện pháp chung để phòng bệnh bò

    *Khi mua bò về nuôi cần chọn mua từ các cơ sở chăn nuôi, những vùng không có dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành. Phải chọn mua những con khỏe mạnh, không bệnh tật và phải được tiêm phòng đầy đủ theo quy định của cơ quan thú y. Bò mới mua về phải nuôi cách ly và theo dõi ít nhất 2 - 3 tuần. Chỉ những con không có dấu hiêu bệnh mới được nhập chung vào đàn cũ.   

    *Tốt nhất là xây dựng chuồng nuôi bò xa nhà ở hoặc chí ít cũng tách rời nhà ở, cuối hướng gió. Nên xây chuồng theo hướng Đông - Tây, bảo đảm đủ diện tích, khô ráo và thông thoáng.

    *Hàng ngày phải làm vệ sinh, quét dọn chuồng nuôi. Tất cả phân và rác thải phải được thu gom và ủ nhiệt sinh học để diệt mầm bệnh. Nếu có điều kiện nên xây bể biogas để xử lý chất thải đồng thời tạo ra nguồn năng lượng phục vụ đun nấu và thắp sáng. Khi không có dịch, cứ 2 tuần sát trùng chuồng nuôi một lần và khi có dịch xảy ra, sát trùng mỗi tuần 1 - 2 lần. Có thể dùng các biện pháp sát trùng sau đây:

    – Dùng Han Iodin 10%, pha với nước thành dung dịch 1%, phun chuồng không có trâu bò và pha nồng độ 0,5%, phun chuồng đang có trâu bò

    – Dùng Hantox-200, pha thành dung dịch 5% phun chuồng nuôi.

    – Dùng nước vôi 10% hoặc rắc vôi bột trên nền chuồng và xung quanh chuồng

    * Cho trâu bò ăn đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng. Không cho bò ăn thức ăn thối mốc, thức ăn ướt, dính nước mưa, dính bùn đất. Không chăn thả trâu bò nơi sình lầy, đọng nước hoặc gần các khu công nghiêp. Cho bò uống đầy đủ nước sạch, nước không bị ô nhiễm. Khi có lũ lụt cần xử lý nước bằng Cloramin T, B (dùng 300g thuốc pha trong 01mnước và cho trâu bò uống). Hàng ngày quan sát để phát hiện bệnh tật và điều trị kịp thời. Trường hợp có dịch xảy ra tuyệt đối không bán chạy gia súc, không giết mổ và ăn thịt (tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan thú y).  

    2. Thực hiện phòng bệnh bằng vác xin

    Hàng năm vcần tiêm phòng các loại vác xin phòng bệnh Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng, dịch tả cho bò theo hướng dẫn của cơ quan thú y 2 lần/năm.

    3. Phòng và trị các bệnh ký sinh trùng

    Định kỳ dùng các loại thuốc tẩy nội ký sinh trùng, ngoại ký sinh trùng để tảy và điều trị các bệnh, tắm chải cho bò...theo liều hướng dẫn nhà sản xuất.  

    Ngô Đăng Sỹ - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái