• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vịt bầu Lâm Thượng
    05/01/2022 2:48:00 CH
    Lượt xem: 440

    I- Kỹ thuật chăn nuôi vịt bầu lấy thịt:

    1- Chuồng nuôi: Chuồng nuôi thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, độn chuồng bằng trấu, rơm, rạ khô và thường xuyên được thay chất độn.

    Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ nhốt và nuôi vịt như: vây, ràng, cót, máng ăn, uống nước.

    Nuôi chăn thả phải có bãi chăn và có nơi cho vịt tránh nắng, mưa. Chuồng trại phải khô ráo, sạch sẽ, có sân chơi.

    Chuồng đạt gần ao, dưới vườn cây ăn quả. Nền chuồng cao, bằng phẳng, thoát nước, thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông, nền khô ráo, hướng đông - nam, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Số lượng vịt 100 con, chuồng rộng 18 - 20m2, ngoài ra cần phải có diện tích mặt nước để vịt tắm.

    2. Cách chọn giống:

    Cần chọn vịt con lông mượt, rốn khô, mắt sáng, nhanh nhẹn. Chân và mỏ bóng, không có khuyết tật.

    Chọn những con nở đúng ngày (28 ngày), nếu vịt nở sớm hoặc muộn đều không tốt và nuôi có tỷ lệ chết cao.không khô chân, vẹo mỏ, khèo chân, hở rốn, nặng bụng... Phân biệt đực, mái để loại bớt vịt đực.

    Chọn vịt Bầu giống

    + Trứng vịt sẽ nở sau 28 ngày được ấp.

    + Vịt con có nguồn gốc rõ ràng , đàn bố mẹ sạch bệnh.

    + Màu lông vàng bông đặc trưng.

    + Nhanh nhẹn, mỏ khép kín, chân bóng, đứng vững và đi lại bình thường, bụng thon, rốn kín.

    3. Nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi

    Từ 1 - 3 ngày tuổi: 30 - 32 độ C, từ ngày thứ 4 mỗi ngày giảm 1 độ C cho tới khi đạt 20 độ C. Ẩm độ thích hợp nhất cho vịt con là 60 - 70%, song ở nước ta ẩm độ trong không khí rất cao 80 - 90%, nhiều lúc lên tới 100%, ẩm độ cao, chuồng ướt, dễ gây cho vịt con cảm nhiễm bệnh rất nguy hiểm. Ẩm độ không khí và mật độ vịt con/m2 tỷ lệ thuận, cho nên ẩm độ cao cần hạ thấp mật độ vịt con/m2 nền chuồng. Khi độ ẩm cao cần đảo và cho thêm chất độn khô hàng ngày để giữ cho vịt được ấm chân và sạch lông, cần trang bị quạt thông, bóng đèn để có thể điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ.

    4. Dụng cụ cho ăn

    Mẹt tre cho ăn đường kính 0,8 - 1m: 2 chiếc. Máng uống tròn loại 2 lít: 2 chiếc. Máng ăn dài 70cm, rộng 50cm, cao 2cm: 2 chiếc. Máng uống loại 8 lít: 1 chiếc, quây tròn bằng tre dài 4m, cao 0,5 - 0,6m: 2 chiếc.

    ( Mô hình vịt tại xã Cường Thịnh huyện Trấn Yên)

    5. Thức ăn

    - Nhu cầu dinh dưỡng /kg thức ăn của vịt từ 1 - 56 ngày tuổi chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 - 21 ngày tuổi: Protein thô: 20-21 %, năng lượng trao đổi: 2.900 kcal. Giai đoạn 22 - 56 ngày tuổi: Protein thô: 17 - 19%, năng lượng trao đổi: 2.900 kcal. Trước khi cho vịt ăn phải dọn máng, quét bỏ những thức ăn thừa, hôi, thối và mốc, cho vịt ăn làm nhiều lần trong ngày để tránh rơi vãi và ôi chua, tách những con nhỏ cho ăn riêng để vịt được đều, quá trình cho ăn cần quan sát lượng thức ăn dư thừa của lần trước để xem nên tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp.

    - Vịt là loại thuỷ cầm cần rất nhiều nước uống. Nước uống cho vịt phải đảm bảo nước trong sạch và thường xuyên cho vịt uống cả ngày lẫn đêm, với định mức:

    + 1 - 7 ngày tuổi: 120 ml/con/ngày.

    + 8 - 14 ngày tuổi: 250 ml/con/ngày.

    + 15 - 21 ngày tuổi: 350 ml/con/ngày.

    + 22 - 56 ngày tuổi: 50ml/con/ngày.

    6. Chăm sóc nuôi dưỡng

    - Quan sát trạng thái đàn vịt cho phép ta đánh giá về sức khoẻ của nó:

    + Vịt con phân tán đều khắp chuồng chứng tỏ đàn vịt khoẻ mạnh, thoải mái, nhiệt độ trong chuồng đạt yêu cầu.

    + Vịt con dồn đống là do lạnh, nhiệt độ chuồng nuôi thấp.

    + Vịt con nằm há mỏ và cánh dơ lên là do nhiệt độ chuồng nuôi quá cao.

    + Vịt không chơi hoặc nằm ở khu vực nhất định là chắc chắn có gió lùa.

    + Vịt bị bết dính là do chuồng ẩm, chế độ nuôi dưỡng kém.

    - Cần kiểm tra sức khoẻ đàn vịt hàng ngày:

    + Những con vịt ốm yếu cần loại ngay ra khỏi đàn.

    + Khi đàn vịt biếng ăn, biếng uống, phân thay đổi phải có biện pháp can thiệp ngay.

    - Cần nuôi vịt hậu bị: Giai đoạn hậu bị là giai đoạn từ 56 ngày tuổi đến khi bắt đầu đẻ, trong suốt thời gian này vịt phát triển dưới điều kiện tự nhiên. Vịt nuôi thức ăn hạn chế, cả số lượng và chất lượng làm sao đạt trọng lượng ở mức yêu cầu giống để đảm bảo có năng suất đẻ trứng cao trong giai đoạn sinh sản. Vịt đực và mái được nuôi chung một đàn.

    Nuôi vịt từ 1 ngày tuổi đến 30 ngày tuổi

    Cách chăm sóc:

    + Vịt con từ lúc mới nở đến 1 tháng tuổi là thời gian "gột vịt", giai đoạn này kéo dài hay ngắn tùy theo giống vịt , mùa vụ, điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc

    + Vịt mới nở mua về thường cho nhịn đói , sau 4 giờ mới cho ăn. Nếu vịt chưa khô lông có thể cho nhịn lâu hơn , bởi vì sau khi nở trong bụng vịt concòn chứa một khối lượng lòng đỏ có tác dụng tiếp tục cung cấp chất dinh dưỡng.Không nên cho vịt ăn ngay thì khối lượng lòng đỏ không tiêu được dễ làm cho vịt chết trong tuần đầu

    + Phải chia lô đàn vịt từ 100-250 con/1 ô. Ô được quây bằng phên tre , không nên nhốt vịt quá đông , chúng dễ chen chúc xô đẩy đè lên nhau ảnh hưởng đến sức sinh trưởng , vịt sẽ còi cọc và chết. Chỗ nuôi vịt cần phải đảm bảo đủ ấm , đủ ánh sáng , không ẩm ướt và mật độ nuôi phù hợp , cụ thể như sau:

    - Vịt từ 1 - 10 ngày tuổi, nhiệt độ trong chuồng nuôi ( trong quây ) là 25 - 300C , còn vịt từ 10 - 25 ngày tuổi, cần nhiệt độ là 20 - 250C, ẩm độ trung bình là 65%. Nếu ẩm độ quá cao (chuồng nuôi tối tăm, ẩm thấp) sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát triển, nhất là các bệnh đường hô hấp như viêm xoang mũi, cúm.

    - Ánh sáng rất quan trọng, nếu chuồng nuôi thiếu ánh sáng vịt có khả năng bị liệt, nhưng nếu để ánh sáng chiếu trực tiếp nơi nhốt vịt thì vịt dễ cảm nắng, tụ xám và xuất huyết não chết hàng loạt.

    - Mật độ vịt con nuôi ở các quây.

                + Từ 1 - 10 ngày nên nhốt từ 15 - 20 con/m2

                + Từ 11 - 20 ngày nên nhốt từ 12 - 14 con/1m2

                + Từ 21 - 30 ngày nên nhốt từ 10 con/1m2

    - Ở dưới nền chuồng nuôi cần lót chấu sạch, 2 ngày thay một lần cho khỏi ẩm vì nếu nền chuồng ẩm ướt thì nấm mốc dễ phát triển.

    * Thức ăn  nuôi dưỡng vịt.

    - Vịt con từ 1 - 3 ngày tuổi.

    + Thường dùng gạo lức nấu chín thành cơm hay ngô mảnh nấu chín, để nguội rồi đổ ra máng ăn. Cứ 3 - 4kg gạo/100 con vịt/1 ngày nấu chín chia làm 4 - 5 bữa (trong đó có 1 bữa vào 10 giờ đêm để kích thích cho vịt ăn được nhiều). Khi vịt ăn xong phải cho vịt uống nước sạch hoặc pha lá hành (lá hành pha vào nước với tỷ lệ 1kg lá băm nhuyễn cho vào 50 - 60 lít nước hoặc dùng lá hành nấu luôn với gạo).

    * Chú ý: Trong giai đoạn vịt từ 1 - 3 ngày tuổi không nên cho chúng ăn thêm thức ăn đạm ( con ruốc, cá, tôm, tép khô) để tránh tình trạng thức ăn không được tiêu hóa hết, khiến vịt ngộ đọc thức ăn rồi chết. Vịt còn nhỏ không nên cho vịt xuống nước nhiều để chúng ít bị nhiễm trùng rốn.

    - Vịt con từ 4 - 10 ngày tuổi:

    + Tập cho vịt ăn thêm rau xanh, rong, rêu trộn lẫn với cơm. Ngoài ra cho vịt ăn thêm mồi ( con ruốc, tôm, tép, khô cá cơm), tập cho ăn mồi từ ít tới nhiều , không nên cho vịt ăn quá nhiều một lúc vì chúng dễ bị bội thực chết.

    + Đồng thời phải tập cho vịt xuống nước tắm, những ngày đầu chỉ cho vịt xuống nước từ 5 - 10 phút, sau tăng dần lên 30 phút và ngày thứ 10 trở đi cho vịt xuống nước tự do.

    - Vịt con từ 11 - 16 ngày tuổi:

    + Cho vịt ăn thức ăn bằng gạo lức hay ngô xay không cần nấu chín mà chỉ cần ngâm vào nước cho chương mềm.Cho đến khi vịt được trên 15 ngày tuổi thì bắt đầu cho chúng ăn lúa nấu chín, có thêm cám và rau xanh thì càng tốt. Hàng ngày chỉ cho vịt ăn  2 bữa và kết hợp với chăn thả ngoài đồng để vịt kiếm thêm thức ăn. Trong giai đoạn này phải bổ sung chất đạm như tôm, cua , cá khô băm nhỏ... vào thức ăn cho vịt.

    - Vịt con từ 17 ngày tuổi trở đi:

    + Thời gian này vẫn cho vịt ăn lúa nấu chín kết hợp với lúa không nấu. Đến ngày thứ 20 trở đi không cần phải nấu lúa nữa mà cho vịt ăn lúa thường.

    *  Nuôi vịt từ 30 - 80 ngày tuổi:

    - Sau 30 ngày tuổi, vịt đã ăn được lúa và tự kiếm được mồi. Thả vịt ra ngoài đồng, bình quân cứ 10 hecta ruộng lúa vừa gặt có thể nuôi từ 2000 - 3000 vịt thịt.

    - Trong quá trình chạy đồng và nhốt vịt, cần chú ý tránh mưa, gió lùa cho vịt. Về ban đêm, nếu thấy vịt ngủ yên là vịt no và khỏe mạnh. Khi thời tiết thay đổi hoặc vịt bị đói thì chúng thường kêu và cả đàn xôn xao, buổi trưa khi nghỉ vịt thường nằm lim dim mắt.

    - Nếu thấy vịt ủ rũ, chậm chạp hoặc kêu nhiều là vịt bị mệt, khát nước hay bị quá nóng. Cần tránh xua đuổi và bắt vịt nhiều làm chúng đè lên nhau gây dập ống lông non dẫn đến còi cọc.

    - Khi chăn thả vịt ngoài đồng, mỗi đàn chỉ nên nhốt trung bình từ 500 - 3000 con (không nên nhốt quá đông vì như vậy sẽ khó quản lý và thiếu thức ăn, vịt không no, chậm lớn.

    - Nuôi vịt ở vùng ven biển phải tập cho vịt quen dần với nước mặn. Những ngày đầu tập cho chúng xuống nước mặn từ 20 - 30 phút sau tăng dần. Trước khi cho vịt xuống nước mặn phải cho chúng tắm và uống nước ngọt, khi đưa chúng về cũng phải cho tắm và uống nước ngọt để vịt không bị trúng độc nước mặn (trong nước mặn và thức ăn mặn có muối dễ gây ngộ độc cho vịt.

    - Vịt từ 35 - 40 ngày tuổi, lông nhú ra đều nhau gọi là "răng lược" sau đó mọc dài hơn.

    - Từ 70 - 90 ngày tuổi, vịt mọc đủ lông gọi là vịt "chéo cánh" lúc đó vịt đúng tuổi giết thịt, vịt đã mập và chậm lớn.

    - Trong mùa mưa (từ tháng 4 - tháng 10) vịt thường được thả trong ruộng lúa để ăn sâu bọ, bọ gậy các loại sâu hại khác, vừa giúp cây trồng phát triển tốt và vừa phát triển được chăn nuôi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cho chúng ăn thêm thóc lúa hoặc thức ăn công nghiệp để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho vịt.

     

    Lịch phòng bệnh và tiêm phòng cho vịt

    Ngày tuổi

    Các loại thuốc và vacxin

    1 - 3

    Bổ sung Vitamin: B1, B complex, ADE. Dùng kháng sinh như Tetracycline, Neomycine…

    7 - 10

    Phòng vacxin viêm gan siêu vi trùng.

    Tiêm vacxin dịch tả vịt lần 1.

    15 - 18

    Phòng vacxin H5N1 lần 1.

    Bổ sung vitamin và kháng sinh.

    28 - 46

    phòng bệnh Ecoli, Tụ huyết trùng, phó thương hàn bằng kháng sinh Sulfamide và Vitamine. Phòng vacxin H5N1 lần 2.

    56 - 60

    Phòng vacxin dịch tả vịt lần 2 và viêm gan siêu vi trùng lần 2.

    70 - 120

    phòng bệnh bằng kháng sinh, bổ sung vitamin theo định kỳ 1 - 2 tháng/ lần, liệu trình 3 - 5 ngày.

    135 - 185

    Phòng vacxin dịch tả lần 3, vacxin tụ huyết trùng lần 3. Bổ sung vitamin, kháng sinh  định kỳ 1 - 2 tháng/lần, liệu trình 3 - 5 ngày.

    180 - 200

      Phòng vacxin H5N1 lần 3.

    Sau đẻ 4 - 6 tháng

      Vịt đẻ được 4 - 5 tháng phòng H5N1 lần 4.

      Vịt đẻ được 5 - 6 tháng phòng vacxin dịch tả và viêm gan lần 4 phòng bệnh bằng  kháng sinh định kỳ 1 - 2 tháng/lần.

     7. Phòng bệnh

    - Cần thực hiện nghiêm túc đầy đủ luật lệ về công tác phòng trừ dịch bệnh. Phải có hàng rào bao quanh cơ sở chăn nuôi, trước cửa phòng nuôi phải có hố khử trùng bàng Formanlin hoặc vôi bột. Những người không có trách nhiệm với đàn vịt không được phép vào ra khu vực chăn nuôi. Công nhân chăn nuôi, cán bộ kỹ thuật phụ trách và bác sỹ thú y trực tiếp mới được vào chuồng nuôi. Người tham quan phải được phép hướng dẫn của bác sỹ thú y, khi vào tham quan phải có ủng và mặc quần áo bảo hộ thú y. Trong chuồng nuôi phải thực hiện tất cả vào nuôi và tất cả bán ra, trong chuồng nuôi chỉ nên có 2 đàn cách nhau 2 - 5 ngày tuổi.

    - Cần tiêm phòng dịch tả phải làm nghiêm túc: sau 15 ngày tuổi, sau 45 ngày tuổi nên tiêm nhắc lại, sau đó cứ 6 tháng tiêm 1 lần. Từ 2 - 3 tháng nên dùng kháng sinh đề phòng các bệnh Salmonella, tụ huyết trùng và các bệnh khác tuỳ theo thời tiết và tình trạng sức khoẻ đàn vịt.

     

    Ngô Đăng Sỹ - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái