• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy một số giống lúa thuần chất lượng
    21/12/2021 2:11:00 CH
    Lượt xem: 5345

    I. Giới thiệu một số giống lúa

    1. Giống lúa chiêm hương

    Chiều cao cây 100 - 110 cm, thân cứng, lá dầy, góc lá đòng hẹp. Thời gian sinh trưởng; vụ xuân: 130 - 135 ngày; Vụ mùa 105 - 110 ngày. Khả năng đẻ nhánh trung bình, bông to, bình quân 150 hạt chắc/bông, trọng lượng 1.000 hạt 17 - 18 gam, vỏ trấu mỏng, mầu nâu sẫm. Năng suất trung bình 4,5 - 5 tấn / ha. Thâm canh tốt có thể đạt 6 - 7 tấn/ ha. Chống chịu sâu bệnh khá, lúa có mùi thơm từ mạ nhưng chuột ít phá hại. Gạo trong, bóng, mã đẹp. Cơm mềm, dẻo, thơm ngon. Cơm tơi, vị đặm, ăn không ngán.

    2.  Giống lúa Bắc hương 9

    Thời gian sinh trưởng: Vụ Xuân 125 -130 ngày; vụ Mùa 100 - 105 ngày, Năng suất: Trung bình 6,0 - 6,5 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt 7,0 - 7,5 tấn/ha.  Chiều cao cây 100 - 105 cm, đẻ nhánh trung bình khá, khóm gọn, cứng cây. Bộ lá đứng, xanh đậm. Bông to, dài, hạt thon dài, màu nâu sẫm. Chống chịu trung bình một số loại sâu bệnh hại chính. Chất lượng: Phẩm chất gạo tốt, cơm trắng, bóng, mềm, vị đậm, có mùi thơm. Khối lượng 1000 hạt 25 - 26 gram. 

    3.  Bắc thơm 7

    Thời gian sinh trưởng của giống lúa Bắc thơm số 7 như sau: Vụ Đông Xuân và Xuân 125 - 135 ngày, vụ Hè Thu và Mùa 105 - 110 ngày; Lúa Bắc thơm số 7 có chiều cao cây 100 - 105 cm, đẻ nhánh khá; hạt thon, vỏ trấu màu nâu, khối lượng 1.000 hạt 18,5 - 19,5 gam; Năng suất trung bình 50 - 55 tạ/ha, thâm canh tốt đạt 60 - 65 tạ/ha. Có khả năng chống chịu tốt với bệnh bạc lá, nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn và khô vằn, khả năng chịu rét trung bình, chịu phèn, chịu mặn khá tốt. Phẩm chất cơm, gạo Bắc Thơm số 7: Tỷ lệ gạo lật 78 - 81%, tỷ lệ gạo xát cao 70 - 72%, tỷ lệ gạo nguyên cao >77%; hàm lượng Amylose 13,80 - 14,45%. Cơm trắng, dẻo, mềm, vị đậm, có mùi thơm đặc trưng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

    4. Giống lúa Khang dân 18

    Là giống lúa nhập nội từ Trung Quốc. Thời gian sinh tr­ưởng vụ mùa 105 - 110 ngày, vụ xuân muộn 130 - 135 ngày. Tiềm năng năng suất cao, trung bình 5 - 6 tấn / ha. Chất l­ượng gạo trong , cơm ngon. Khả năng đẻ nhánh khá, nhiễm bạc lá,rầy nâu, khô vằn nhẹ, chống đổ kém. Thích hợp trên chân đất vàn hoặc vàn cao.

    5.  Đài thơm 8

    Đài thơm 8 là giống lúa có thời gian sinh trưởng khá ngắn (tại phía Bắc: vụ xuân 125 - 130 ngày, vụ mùa 100 - 105 ngày, nếu gieo sạ thời gian sinh trưởng rút ngắn 5 - 7 ngày), có thể gieo cấy được ở cả hai vụ trong năm. Giống lúa đài thơm 8 cho năng suất trung bình đạt từ khoảng 6 - 7 tấn/ha/vụ, thâm canh tốt có thể đạt 7 - 8 tấn/ha/vụ, hạt gạo dài, trong, xuất khẩu tốt, chất lượng cơm ngon, tỷ lệ xay xát trên 70%; sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, có khả năng thích nghi rộng, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và khả năng chống bệnh bạc lá tốt.

    Thực tế triển khai ở nhiều địa phương cho thấy Đài thơm 8 chống chịu tốt với các loại sâu bệnh hại chính trên đồng ruộng, đặc biệt có thể chống chịu bệnh đạo ôn ở giai đoạn lúa đẻ nhánh và trổ bông, hay bệnh bạc lá ở cuối vụ rất tốt.

    Năng suất thực thu của giống lúa Đài thơm 8 (69,2 tạ/ha) cao hơn so với giống đối chứng Bắc thơm 7 (57,0 tạ/ha) 12,2 tạ/ha.

    Về chất lượng hạt, giống lúa Đài thơm 8 có mùi thơm nhẹ đặc trưng, cơm trắng bóng, dẻo, ráo cơm, để thóc đến cuối vụ xay xát ăn vẫn còn dẻo và thơm.

    * Ngoài ra bà con có thể dùng các giống  HT1,  J01, J02, TBJ3,  Séng cù, Nếp 87, MĐ1, BC15, Thiên ưu 8 ...

    II. Kỹ thuật gieo cấy.

    1. Làm mạ, ngâm ủ, gieo, chăm sóc mạ

    - Thời vụ: Vụ Xuân gieo ngày 20/1 - 5/2 gieo mạ dày xúc hoặc mạ sân cấy tuổi mạ 3 - 3,5 lá (gieo mạ dược cấy tuổi mạ 4,0 - 4,5 lá);  Vụ mùa gieo ngày 01 - 20/6. Sau khi gieo phải giữ luống mạ đủ ẩm (Theo khung lịch thời vụ của từng địa phương ban hành).

    - Lượng giống: 1,5 - 2 kg/sào.

     Cày bừa kỹ, sạch cỏ dại, bùn nhuyễn. Lên luống mạ hình mui luyện rộng   1,2 - 1,4 m. Bón lót 300 kg phân chuồng, 15 kg lân /1 sào mạ (360 m2).

    -  Giống lúa phơi dưới nắng nhẹ 2 - 3 giờ, ngâm giống 30-36 giờ,  nếu giống liền vụ thì ngâm 48 - 60h, cứ 12 giờ thay nước rửa chua 1 lần, khi hạt đã no nước vớt giống, đãi sạch nước chua, ủ nứt nanh cho rễ ra đều, mầm dài bằng 1/3 hạt thóc đem gieo.

    * Lưu ý: Gieo mạ đều tay, gieo đi gieo lại 2 - 3 lượt, gieo xong vỗ nhẹ cho mầm chìm trong bùn ½ - 2/3 hạt để mầm lên khỏe và mập, lượng mầm mạ 1,2 - 1,5kg gieo trong diện tích 8 - 10 m2 .

    2. Kỹ thuật cấy và chăm sóc

    - Làm đất ruộng cấy lúa, bón phân lót: Ruộng được cày ngả sớm, làm đất kỹ nhuyễn bùn, ruộng phẳng, sạch cỏ dại và gốc rạ, bón lót đủ, bón phân xanh sau khi cày ngả, phân chuồng và lân bón lúc cày bừa lại, bón lót phân đạm, phân kali trước khi cấy.

    - Cấy lúa: Khi tuổi mạ được 15 - 18 ngày ( đạt 3,5 - 4,0 lá ). Cấy 1 - 2 dảnh. Mật độ cấy trung bình 45 - 50 khóm/m2; Cấy lúa theo phương pháp cải tiến mật độ 30 - 32 khóm/m2.

    - Bón phân và chăm sóc:

    * Lượng phân bón cho 1 sào (360 m2): Phân chuồng 200 - 300 kg  (Nếu không có phân chuồng có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh: 30 - 35kg); Đạm Urê 8 - 10 kg; Supe lân 10 - 15 kg; Kali Clorua 6 - 7 kg. (Có thể thay phân đơn bằng phân NPK tổng hợp chuyên dùng cho lúa, lượng bón theo chỉ dẫn ghi trên bao bì của nhà  sản xuất).

    * Cách bón:

    + Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + 100 % lân + 40 % Urê + 30 % kali.

     Bón thúc lần 1: Khi cây lúa bén rễ hồi xanh (5 - 7 ngày sau cấy), bón 50% lượng phân đạm và 50% lượng phân Kali, kết hợp cào cỏ sục bùn, phá váng và tỉa dặm.

    - Bón thúc lần 2 (Bón đón đòng): Bón hết lượng phân còn lại, kết hợp nhặt cỏ dại và dọn sạch cỏ bờ (nếu có).

    Chú ý: Ở giai đoạn lúa đẻ nhánh cần kết thúc bón phân đạm chậm nhất là 15 ngày sau cấy.

    * Chăm sóc:

    - Điều tiết nước: Sau cấy giữ  nguyên mực nước  để giúp cho mạ ngồi nhanh sau đó điều tiết nước trong ruộng lúa ổn định từ 3 - 5 cm

    - Bón phân: thực hiện theo nguyên tắc bón lót đủ và bón thúc sớm. Tổ chức bón phân đồng loạt và dứt điểm giúp cho cây lúa nhanh phục hồi và đẻ nhánh tập trung. Kết hợp với các lần bón phân ruộng lúa được làm sạch cỏ dại.

    - Khi số dảnh /khóm đạt 8 - 9 dảnh tiến hành tháo cạn nước để hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu (thời gian phơi ruộng 7 ngày ), sau đó tháo nước trở lại từ 3 - 5 cm, khi lúa đỏ đuôi chỉ để cho mặt ruộng đủ ẩm. Tích cực kiểm tra đồng ruộng sớm phát hiện sâu bệnh để có biện pháp sử lý kịp thời.

    - Phòng trừ sâu bệnh: Theo hướng dẫn của chuyên ngành Bảo vệ Thực vật.

    III. Phòng trừ sâu bệnh:

    1. Sâu hại:

    1.1. Sâu keo: Sâu hại chủ yếu ở thời kỳ mạ, sâu non tuổi nhỏ hại lá mạ, tạo thành các vết khuyết trên lá, sâu tuổi lớn cắn cụt ngang các dảnh mạ hoặc dảnh lúa. Sâu keo thường gây hại trên mạ tờ giữa tháng 6 đến cuối tháng 6.

    * Biện pháp phòng trừ: Nếu mật số sâu cao các bạn có thể sử dụng một trong những loại thuốc trừ sâu như: Newlitoc 36EC/50EC; Vetsemex 20EC/40EC; Golnitor 10EC/20EC/36WDC; Sumicidin, Basudin, Sherpa... để phun xịt. Những ruộng đã bị sâu gây hại nặng thì sau khi phun xịt thuốc nên bón thêm phân để cây lúa nhanh hồi phục.

    1.2. Sâu đục thân 2 chấm: Sâu hại cả ở thời kỳ mạ và lúa cấy Vụ mùa sâu non gây dảnh héo trên trà mạ chính vụ gieo giữa tháng 6 đến đầu tháng 7 và trên lúa mùa thời kỳ đẻ nhánh đứng cái từ giữa đến cuối tháng 8. Cuối vụ sâu non gây bông bạc trên trà lúa mùa muộn trỗ từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.

    * Biện pháp phòng trừ: Giữ mực nước trong ruộng từ 3 - 5 cm, cày lật gốc rạ ngâm dầm, bón phân cân đối hợp lý. Sử dụng một trong các  loại thuốc hoá học sau: Padan 95 SP, Reger 80 WP , Vibasu 10H. Lưu ý phun sau khi bướm rộ từ 3 - 5 ngày.

    1.3. Sâu cuốn lá nhỏ:

    * Biện pháp phòng trừ: Thu lượm các lá sâu đem đốt. Phun thuốc sau khi phát hiện bướm rộ từ 2 - 3 ngày bằng một trong các loại thuốc sau: Padan 95 SP, Fastac 5 EC. Lưu ý phun vào lúc sáng sớm hoặc lúa chiều mát.

    1.4. Rầy nâu: Rầy nâu trích hút nhựa ở bẹ, thân, lá lúa làm cho thân lá lúa bị khô héo. Vụ đông xuân rầy hại mạnh giai đoạn lúa trỗ- chín từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5. Vụ mùa có 2 cao điểm: Cuối tháng 8 đầu tháng 9 trên trà chính vụ thời kỳ lúa đứng cái làm đòng. Cuối tháng 9 đầu tháng 10 trên trà muộn thời kỳ trỗ chín.

    *Biện pháp kỹ thuật: Thường xuyên kiểm tra thăm đồng, lội vào ruộng quan sát kỹ trên gốc thân lúa để phát hiện kịp thời và phun thuốc khi rầy còn tuổi nhỏ. Sử dụng một trong các loại thuốc hoá học sau: Actara 25WG, Admine 50 EC.

    2. Bệnh hại:

    2.1.Bệnh Đạo ôn: Bệnh do nấm gây ra bệnh phát sinh gây hại từ giai đoạn mạ đến thời kỳ trỗ chín.

    Trên lá: Đầu tiên là những vết dầu nhỏ màu xanh dần dần bệnh phát triển thành hình thoi rìa nâu đỏ, giữa bạc trắng. Các vết bệnh này liên kết lại với nhau thành mảng lớn hình thù không rõ rệt.

    Trên cổ bông, gié: Đoạn cổ bông giáp tai lá hoặc sát hạt thóc có những điểm màu nâu xám, vết bệnh to dần bao quanh cổ bông làm cổ bông bị héo, bông lúa bạc trắng hoặc lép lửng.

    Trên hạt : Xuất hiện những chấm nhỏ màu nâu, khi nặng vết bệnh lớn dần có màu xám hoặc nâu đen hạt bị lép lửng. Ẩm độ không khí cao trời âm u hoặc mưa phùn kéo dài, nhiệt độ 25-28 độ C bệnh phát triển mạnh.

     Cao điểm Vụ xuân cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 (Lúa đẻ nhánh rộ) Cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 bệnh chuyển lên hại gié, cổ bông.

    Vụ Mùa: Bệnh hại trên gié, cổ bông vào thời kỳ lúa trỗ chín, đặc biệt ở các xã vùng cao và 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù canh Chải. Bệnh hại trên tất cả các giống.

    * Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, thường xuyên thăm đồng sớm phát hiện bệnh để phòng trừ kịp thời. Khi bệnh xuất hiện ngừng bón đạm, phân bón lá, giữ mực nước 3 - 5 cm. Sử dụng một trong các loại thuốc: FUZIONE 40 EC, NEW HINOSAN 30 EC. Những diện tích bị nặng cần phun 2 - 3 lần mỗi lần cách nhau 3 - 5 ngày phun thuốc đẫm mặt lá.

    Những diện tích bị đạo ôn lá phải phun phòng đạo ôn cổ bông trưởc trỗ 1 - 2 lần và sau trỗ 5 - 7 ngày 1 lần.

    2.2. Bệnh khô vằn: Bệnh do nấm gây ra hại từ thời kỳ mạ đến thời kỳ trỗ - chín ( Hại lá và bẹ lá).  Khi cây bị bệnh bẹ lá biến màu, trên bẹ lá xuất hiện các vệt to hình bầu dục, đầu tiên màu xanh xám, sau bạc nâu có viền màu tím. Các vết bệnh lớn dần hoà lẫn vào nhau vằn vèo ở bất kỳ chỗ nào trên bẹ lá, trên lá. Đầu tiên những bẹ lá ở ngoài bị bệnh về sau ăn sâu vào cả những bẹ lá phía trong làm cho lá lúa bị vàng úa, lụi dần.

     Giai đoạn đòng: Bệnh hại bẹ lá đòng làm nghẹn đòng.

    Trên mạ: Đặc biệt là mạ mùa hại rải rác gây lụi từng chòm.

    Cấy dầy, bón quá nhiều đạm, không cân đối, ẩm độ không khí cao bệnh phát triển mạnh.

    Cao điểm: Vụ xuân từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 5 trở đi trên lúa trỗ chín.

    Vụ mùa gây hại chủ yếu từ giai đoạn đẻ rộ đến trỗ chín trên tất cả các giống.

    *Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng ( Ngâm dầm hoặc phưi ải kết hợp bón vôi để diệt hạch nấm.)

    Bón phân cân đối, không thúc đạm muộn, lai rai, giữ mực nước vừa phải 3 - 5 cm. Sử dụng một trong các loại thuốc hoá học sau: Valydacin 3 SL,5 SL; Anvil 5 SC. Trước khi phun phải vơ bớt những lá, bẹ lá bị bệnh. Những diện tích nặng phun 2 - 3 lần cách nhau 3 - 5 ngày.

     2.3. Bệnh bạc lá: Bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào cây qua các vết thương, lỗ khí khổng.

    Bệnh trên lá:

    Khi bệnh mới xuất hiện vết bệnh có màu xanh đậm, gặp nắng chỗ bị bệnh héo đi, tế bào chết dần tạo thành vết dài màu trắng xám, rìa vết bệnh có hình gợn sóng. Bệnh có thể làm khô bạc ngọn lá, mép lá hoặc khô toàn phiến lá. Sau mưa to, giông bão, lũ quét hoặc ngập úng bệnh phát triển mạnh.

    Bệnh phát sinh gây hại cả 2 vụ đặc biệt là vụ mùa. Cao điểm của bệnh vào giai đoạn lúa căng đòng  trỗ.

    *Biện pháp phòng trừ: Chủ yếu phòng bệnh bằng biện pháp canh tác. Bón phân cân đối, chú trọng Kaly, không bón thúc đạm muộn, bón lai rai. Không nên cấy lúa ở những vùng thường xuyên bị ngập úng lũ quét. khi bệnh chớm xuất hiện dùng thuốc Sa Sa 20 WP, Xanthomix 20 WP. Tốt nhất là phun sau những trận mưa bão./.

    Nguyễn Văn Đoàn- Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái