• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống cây mây nếp
    25/11/2022 1:49:00 CH
    Lượt xem: 6139

    Tên gọi: Mây nếp

    Tên khác: Mây vườn, Mây tắt, Mây dắt, Mây ruột gà, Mây bột, Mây đất

    Tên khoa học: Calamus tetradactylus Hance

    Họ: Cau dừa (Arecaceae)

    1. Đặc điểm sinh học:

    - Hình thái: Là loài cây thân ngầm bò lan dưới đất, màu đen và cứng như sừng. Thân khí sinh mọc cụm gồm rất nhiều thân mọc từ thân ngầm. Thân không phân nhánh, dài 20 - 30m hoặc hơn. Toàn bộ thân được bao bọc trong bẹ lá màu xanh lá cây, mặt ngoài có gai. Đường kính thân 0,8 - 1,2cm, tuỳ theo độ tốt xấu của đất. Thân chia đốt và lóng, lóng dài 14 - 40cm. Thân Mây leo trên các cây gỗ nhờ tay Mây nằm đối diện nách lá. Tay Mây hình sợi mảnh, màu xanh dài khoảng 1m. Trên tay Mây có những vuốt mang 2 - 4 gai. Mùa hoa từ tháng 5 - 6, quả chín tháng 4 - 5 năm sau. Mây nếp đẻ nhánh mạnh, sau khi trồng được 1 năm cây bắt đầu đẻ nhánh. Cây đẻ nhánh quanh năm, nhất là vào mùa mưa.

    - Sinh thái: Mây nếp là loài cây ở Việt Nam có vùng phân bố rộng. Tại hầu hết các tỉnh có rừng thường xanh đều có Mây mọc, nhưng tập trung nhiều nhất là các tỉnh thuộc khu Trung tâm, Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung bộ. Trong tự nhiên, Mây nếp thường mọc trong các rừng lá rộng thường xanh thứ sinh, ở độ cao 100 - 800m, nhưng tập trung ở đai 200 - 500m, ít thấy Mây nếp trong rừng nguyên sinh.

    2.Công dụng:

    - Do Mây nếp có nhiều đặc tính kỹ thuật quý như: Nhẹ, dai, dẻo dễ uốn, bền, bóng đẹp... nên từ xa xưa đã được dùng làm các mặt hàng gia dụng như: Lạt buộc, đan rổ rá, làm bàn ghế, chổi, làn, túi xách, gầu tát nước, nôi em bé... Mây nếp rất dễ kết hợp với kim loại và các vật liệu khác như: gỗ, da, nhựa... để chế biến các hàng mộc, đồ dùng cao cấp, đồ mỹ nghệ... Các sản phẩm được làm từ Mây rất đa dạng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Các sản phẩm được xuất khẩu nhiều sang các nước: Nhật, Italia, Đức, Đài Loan, Tây Ban Nha, Hà Lan...

    3. Điều kiện gây trồng:

    - Điều kiện khí hậu, địa hình:

    + Nhiệt đô bình quân hàng năm từ 20 đến 250c, nhiệt độ tháng nóng nhất không quán 30 độ, nhiệt độ tháng lạnh nhất không dưới 50c.

    + Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.000mm đến 3.000mm.

    + Độ cao thích hợp để trồng dưới 600m so với mực nước biển.

    + Độ dốc thích hợp dưới 350.

    - Điều kiện đất đai: Mây nếp sinh trưởng tốt trên đất Feralit phát triển trên các loại đá Phiến thạch, Sa thạch, Granit, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến sét nhẹ, độ sâu tầng đất >30cm, độ PHkcl từ 4,5 - 6. Mây nếp có thể sinh trưởng cả nơi đất khô, chặt, nhưng tốt nhất nơi còn tính chất đất rừng, có tầng đất dày, ẩm mát.

    - Điều kiện thực bì: Trong khoanh nuôi tái sinh, Mây nếp được trồng bổ sung ở nơi có thực bì là rừng thứ sinh nghèo kiệt, rừng phục hồi sau nương rãy, nơi còn cây bụi cao trên 2m và có độ che phủ trên 50%.

    4. Giống và tạo cây con

    4.1. Giống

    * Nguồn giống:

    - Lấy giống tại các cơ sở chuyên sản xuất và chế biến Mây nếp đã được công nhận. Hạt giống được mua từ các đơn vị kinh doanh giống cần có lý lịch giống và phiếu thẩm định chất lượng sinh lý kèm theo.

    - Cây trồng 4 - 5 năm bắt đầu ra quả, nhưng chỉ thu hái giống từ các cây 7 tuổi trở lên, cây sinh trưởng tốt, không sâu bệnh. Mỗi cây Mây có thể mang tới 6.000 quả. Quả mây tốt, trung bình mỗi kg có 3.200 đến 3.500 quả.

    * Thu hái hạt giống:

    -Thời gian thu hái tháng 4 - 5. Khi quả từ màu xanh chuyển sang màu trắng vàng, hạt màu nâu đen, cùi có vị chua là có thể thu hái được. Dùng tay hái quả trên các dây Mây.

    * Chế biến và bảo quản hạt:

    - Quả thu hái về ủ cho đến khi hạt chín đều, loại bỏ những hạt sâu, hạt kém chất lượng. Quả ngâm trong nước lạnh 24 giờ rồi đem đãi sạch vỏ và cùi. Hạt thu được đem hong khô trong râm mát. Hạt tốt trung bình mỗi kg có 8.000 đến 8.500 hạt.

    - Hạt sau khi thu hoạch, chế biến nên đem gieo ngay sẽ có tỷ lệ nảy mầm cao. Trong trường hợp cần thiết, có thể bảo quản bằng cách trộn hạt trong cát ẩm. Hạt được trộn đều với cát có độ ẩm 15 - 16% theo tỷ lệ 1 hạt + 2 cát (theo thể tích).

    - Hạt bảo quản được đánh thành từng luống, cao không quá 20 cm, bề rộng luống từ 80 - 100cm. Không để hạt bị chiếu nắng hoặc mưa dột.

    - Trong quá trình bảo quản 3 - 5 ngày đảo lại 1 lượt, nếu cát bị khô phải bổ sung thêm nước, phải sàng tách riêng hạt và cát khi tưới thêm nước (Hạt Mây giảm sức nảy mầm nhanh, cách bảo quản như trên sau 2 tháng tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt 40-50%). 01 kg hạt giống Mây có tỷ lệ nảy mầm đạt yêu cầu sẽ cho 3.200 - 3.300 cây mầm tiêu chuẩn.

    4.2. Tạo cây con:

    * Thiết lập vườn ươm:

    - Chọn và lập vườn ươm phải theo tiêu chuẩn sau:

    + Vườn ươm gần nơi trồng rừng (không xa quá 4km) để thuận tiện cho việc vận chuyển và bảo đảm chất lượng cây con.

    + Vườn ươm nhỏ, phân tán. Công suất mỗi vườn đủ cung cấp cây con cho không quá 50 ha trồng rừng.

    + Mặt bằng vườn phải tương đối bằng phẳng, thoát nước, nơi dãi nắng.

    + Gần nguồn nước sạch và có đủ nước tưới quanh năm, không được dùng nước ao tù, nước đọng.

    + Vườn phải đặt xa nguồn bệnh. An toàn, dễ bảo vệ, không bị gia súc phá hoại.

    * Thời vụ gieo ươm:

    - Gieo ươm ngay sau khi thu hoạch: Tháng 4

    * Xử lý hạt

    - Diệt khuẩn bằng cách ngâm hạt trong dung dịch thuốc tím KMnO4 nồng độ 0,1% (1gam thuốc tím pha cho 1 lít nước) thời gian ngâm: 30 phút. Hạt được hong cho khô ráo rồi tiếp tục được ngâm trong nước ấm 40 - 450C (2 sôi, 3 lạnh) trong 5 - 6 giờ. Hạt được ủ trong túi vải để nơi khô ráo, thoáng gió. Hàng ngày tiến hành rửa chua bằng nước lã sạch. Sau 15 - 20 ngày, hạt bắt đầu nứt nanh và đem gieo.

    * Gieo hạt để tạo cây cấy vào bầu:

    - Luống gieo:

    + Kích thước luống gieo: Rộng 1m, dài 5 - 10m, rãnh rộng 40 - 50cm, luống cao 15 - 20cm.

    + Đất để gieo hạt: Thịt nhẹ hoặc pha cát, độ PH: 5 - 6,5. Đất được cày bừa kỹ, đập nhỏ, làm sạch cỏ và được bón phân chuồng hoai bằng cách rải và trộn đều phân trên luống với tỷ lệ 3 - 4kg/m2. Trước khi gieo hạt cần vệ sinh luống gieo và tưới nước ẩm từ hôm trước.

    - Gieo hạt: Hạt đã qua xử lý được gieo vãi đều trên luống, 1 kg hạt gieo cho 1 m2 luống. Sau khi gieo, lấp một lớp đất mỏng 0,3 - 0,5cm. Phủ rơm rạ đã tẩy trùng lên mặt luống để giữ ẩm.

    - Chăm sóc: Khi thấy hạt nảy mầm (sau khi gieo 15 - 20 ngày) cần dỡ bỏ ngay vật liệu che phủ và làm giàn che khoảng 70 - 80% ánh sáng. Luôn giữ ẩm cho cây và thường xuyên làm cỏ trên luống. Sau 30 - 45 ngày, lá mầm hình kim xuất hiện. Khi cây mạ có 1 lá kim và 1 lá thật và cao 4-5 cm thì có thể nhổ và đem cấy vào bầu.

    * Tạo bầu:

    - Vỏ bầu: Vỏ bầu bằng PE có kích thước: 9 x 13cm, không đáy. Bảo đảm độ bền để khi đóng bầu, chăm sóc cây trong vườn cũng như khi vận chuyển cây không bị hư hỏng.

    - Thành phần hỗn hợp ruột bầu (tính theo thể tích)

    + Đất mặt dưới tán rừng hoặc đất tầng B (đồi trọc): 88%. Thành phần cơ giới: thịt nhẹ đến trung bình.

    + Phân chuồng hoai: 10%. Supe lân: 2%. Phân Supe lân không vón cục, hàm lượng P2O5 tổng số đạt tỷ lệ 14%.

    - Kỹ thuật trộn đất để đóng bầu: Đất để đóng bầu và phân chuồng được đập nhỏ, sàng (đường kính mắt lưới 1 - 2cm) để loại bỏ rễ cây, tạp vật; trộn đều các thành phần đất, phân chuồng và Supe lân theo tỷ lệ quy định (định lượng bằng thúng, sảo, thùng, chậu…) và vun thành đống cao 15 - 20cm. Sau đó phun ẩm và dùng vải mưa, giấy bóng phủ kín ủ 4 - 5 ngày ngoài nắng.

    - Tạo luống đặt bầu: Luống rộng 1m, dài tuỳ theo điều kiện địa hình của vườn ươm. Rãnh luống rộng 0,5 - 0,6m. Mặt luống được dọn sạch cỏ dại, san phẳng nện chặt.

    - Đóng và xếp bầu: Cho hỗn hợp ruột bầu vào 1/3 bầu, lèn chặt để tạo đáy bầu, tiếp tục cho đầy hỗn hợp ruột bầu vào bầu, dùng ngón tay lèn cho đất xuống đều và chặt vừa phải. Bầu được xếp thành hàng sát nhau trên luống, cứ 2 hàng bầu chừa lại một hàng. Hàng chừa lại lấp đất khoảng 2/3 thân bầu. Mép luống phải đắp bờ cao ít nhất 2/3 thân bầu xung quanh luống để giữ bầu không bị nghiêng ngả.

    * Cấy cây:

    - Chỉ tiến hành cấy cây khi trời râm mát hoặc mưa nhẹ, tránh những ngày nắng nóng.

    - Trước hôm cấy cần tưới đất ướt đều trên luống gieo: Cứ 1m2 tưới 4 - 6 lít  nước. Cây cấy sau khi nhổ phải để trong bát nước tránh khô rễ. Cấy đến đâu nhổ đến đấy, loại bỏ những cây xấu.

    - Dùng que nhọn chọc một lỗ sâu 1 - 2cm ở giữa bầu, đặt cổ rễ ngang mặt bầu và dùng que ép chặt đất với rễ mầm. Trường hợp rễ cây mầm quá dài có thể cắt bớt, nhưng tránh gây dập nát. Sau khi cấy xong cần tưới nước và tạo giàn che cho cây.

    * Chăm sóc cây con:

    - Tưới nước: Thường xuyên tưới nước giữ độ ẩm cho đất. Tuỳ tình hình thời tiết mà điều tiết chế độ tưới cho phù hợp. Trong 2 tuần đầu, tưới 1 lần vào buổi sáng sớm và 1 lần vào buổi chiều. Lượng nước tưới 3 - 4 lít/m2, sau đó chỉ tưới khi đất khô. Trước khi xuất vườn 1 - 2 tháng, hạn chế tưới nước để hãm cây.

    - Cấy giặm: Khi thấy cây chết cần tiến hành cấy giặm ngay. Trường hợp cây chết tập trung trên luống, có thể xếp riêng để cấy giặm, tiện cho việc chăm sóc. Cần che bóng chống nắng cho cây mới cấy.

    - Nhổ cỏ, phá váng: Luôn làm cỏ sạch trên mặt bầu. Thời gian đầu, cứ sau 10 - 15 ngày tiến hành làm cỏ, kết hợp phá váng 1 lần. Dùng que vót nhọn xới nhẹ phá lớp váng tạo trên mặt bầu, tránh không làm hư tổn đến rễ.

    -Che bóng: Trong giai đoạn vườn ươm, cây Mây nếp có nhu cầu che bóng. Độ che bóng phù hợp từ 50-70%. Dùng tre hoặc gỗ có đường kính từ 5 - 7cm, chiều cao khoảng 1m60 làm cọc giàn che chôn hai bên mép luống. Dùng tre, nứa hoặc rơm rạ, lưới P.E để điều chỉnh ánh sáng khi cần thiết. Trước khi xuất vườn 1 - 2 tháng điều chỉnh độ che bóng 30-40%.

    - Bón thúc: Có thể bón thúc bổ sung để thúc đẩy sinh trưởng của cây con. Khi thuỳ lá mầm xoè hết có thể tiến hành bón thúc. Cứ 15 - 20 ngày thúc 1 lần bằng phân N:P:K (5:10:3) nồng độ 1% (0,1kg/10 lít nước), tưới 3lít/m2. Tưới dung dịch nước phân bằng bình hoa sen. Sau khi tưới phân phải tưới rửa bằng nước lã. Không tưới thúc vào những ngày nắng gắt, vào lúc buổi trưa nắng hoặc những lúc có mưa to. Tốt nhất nên bón vào những ngày râm mát hoặc mưa phùn.

    - Đảo bầu kết hợp phân loại cây con: Thường xuyên kiểm tra, khi rễ phát triển ra ngoài đáy bầu phải tiến hành đảo bầu, dùng dao hoặc kéo sắc cắt phần rễ mọc ra ngoài đáy bầu. Kết hợp phân loại cây để tiện chăm sóc. Chỉ tiến hành đảo bầu vào những ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ.

    * Phòng trừ sâu bệnh hại:

    - Nhìn chung, trong giai đoạn vườn ươm, cây Mây nếp ít bị nấm bệnh. Tuy nhiên, cũng thấy có một số bệnh xuất hiện như: Khô vằn ở cây mạ, phấn trắng, đốm vàng, đốm lá ở cây non. Phòng chống hữu hiệu bằng cách phun định kỳ 20 - 30 ngày/lượt bằng các loại thuốc: Validacin, Cop BB80Wp, CopBZinl 75, WP. Mùa mưa duy trì 2 lượt/tháng.

    * Tiêu chuẩn cây con xuất vườn:

    - Tuổi cây trên 18 tháng tuổi, đường kính gốc 0,6 cm, chiều cao vút ngọn 20 cm (hãm cây 1 tháng trước khi trồng). Cây không sâu bệnh, không cụt ngọn, có ít nhất 3 - 4 lá thật, bộ rễ phát triển tốt, nhiều rễ phụ. 

    Hoàng Thế Anh - Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Yên Bái