• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch Giảo cổ lam
    22/12/2021 10:34:00 SA
    Lượt xem: 5783

    1. Phân loại:

    - Tên phổ thông: Giảo cổ lam

    - Tên khoa học: Gynostemma pentaphyllum (thunb). Makino.

    - Họ: Bầu bí (Cucurbitaceae).

    - Tên khác: Cam trà vạn, cây trường sinh, cây cỏ thần kỳ, Sâm phương nam, Ngũ diệp sâm, Mướp đắng rừng, cây Bổ đắng, Dền tòng (tên Thái).

    2. Công dụng và giá trị kinh tế:

    2.1 Công dụng

    - Sử dụng làm thuốc chữa bệnh:

    Giảo cổ lam có tác dụng điều chỉnh các rối loạn tiêu hóa cơ thể như mỡ máu, đường huyết, huyết áp, tim mạch. Thành phần hoạt chất trong cây Giảo cổ lam có

    nhiều Saponin giống nhân sâm giúp chống lại sự lão hóa và ngăn ngừa bệnh tật, làm tăng tính thích nghi của cơ thể, nâng cao miễn dịch, giải độc mạnh. Ngoài ra, Giảo cổ lam còn có tác dụng plies tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của khối u.Giúp dễ ngủ và ngủ sâu giấc, tăng cường máu lên não, ngăn ngừa chứng lú lẫn ở người già và có khả năng chống ung thư.

    Các chế phẩm từ cây Giảo cổ lam đã được dùng cho các vận động viên làm tăng sức bền và khả năng vận động, dùng thường xuyên giúp mạnh khoẻ, trẻ lâu.

    2.2. Giá trị kinh tế

    Các sản phẩm từ cây Giảo cổ lam Việt Nam không những được tiêu dùng nhiều trong nước mà còn mở ra triển vọng xuất khẩu rất tốt, nhất là các Quốc gia phát triển, nơi có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao. Chính vì vậy cây Giảo cổ lam đã trở thành cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập cho người dân. Giá một cân Giảo cổ lam khô hiện nay dao động từ 200.000đ đến 300.000đ.

    3. Phân bố

    Cây Giảo cổ lam phân bố khắp các vùng núi thuộc miền Bắc và miền Trung, cây chủ yếu phát triển trên các vùng có núi đá vôi, có mặt ở rất nhiều nơi trên những vùng núi cao như Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hoà Bình,... Thích hợp sống vùng núi đá, dưới tán rừng thưa, có độ ẩm cao,

    khí hậu lạnh quanh năm.

    4. Đặc điểm hình thái

    Cây Giảo cổ lam có đến 10 loài. Những năm gần đây các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công 3 loài Giảo cổ lam có mặt tại Việt Nam. Trong đó Giảo cổ lam 5 lá và giảo cổ lam 7 lá đang được khai thác và sử dụng nhiều nhất.

    Cây Giảo cổ lam thuộc dạng cây thân thảo, có 4 cạnh, thân mảnh, thường mọc leo trên các cây khác hay vách đá nhờ tua cuốn đơn ở nách lá.

    Lá cây Giảo cổ lam hình kép chân vịt, mỗi lá gồm 3-5-7 lá chét, mặt trên lá có màu xanh thẫm, mặt dưới lá có màu xanh lá cây, lá mọc cách trên thân đầu lá nhọn, mép có răng cưa, mỗi lá chét có cuống riêng dài 3-4cm.Giảo cổ lam 9 lá có lá chét hình thoi hoặc hình mác, 11-12 cm (tính cả cuống) phiến lá rộng 2,0 - 2,5 cm. Giảo cổ lam 7 lá có lá chét hình thoi hoặc hình mác, dài 12cm cm, phiến lá rộng 1,5 - 2,0 cm, Giảo cổ lam 5 lá có lá chét hình thoi hoặc hình mác, dài 10-11cm cm, phiến lá rộng 1,5 - 2,0 cm. Giảo cổ lam 3 lá có 3 chét lá rõ ràng.
    Hoa cây đực và cây cái riêng biệt, cụm hoa hình chùy mang nhiều hoa nhỏ màu trắng, hình sao, các cánh hoa rời nhau xòe hình sao, ống bao hoa ngắn, cao 2,5mm. Bao phấn dính thành đĩa, đầu có 3 vòi nhụy.

    Quả: Quả hình cầu, đường kính 5–9mm;quả màu xanh, khi chín sẽ chuyển sang màu đen, bên trong có chứa 2 đến 3 hạt nhỏ; ra quả tháng 6 – 7, chín vào tháng 8 – 9 hàng năm.

    5. Điều kiện gây trồng

    5.1. Phạm vi

    Giảo cổ lam có thể trồng được ở một số vùng đồi núi trung du thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Bắc Kạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình, Tuyên Quang hoặc trồng ở các tỉnh miền trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trồng ở những nơi có điều kiện gây trồng đáp ứng yêu cầu sau:

    5.2. Khí hậu

    Cây thích hợp ở những nơi có điều kiện khí hậu mát, lạnh quanh năm, có lượng mưa và độ ẩm không khí cao, là cây chịu được giá rét.

    - Nhiệt độ trung bình năm: 22-23°C

    - Nhiệt độ cao nhất: 39,7° C;

    - Nhiệt độ thấp nhất: - 9,6° C;

    - Lượng mưa trung bình năm: trên 2.500mm

    - Độ ẩm không khí trung bình: trên 80%.

    5.3. Địa hình, đất đai

    Giảo cổ lam thích hợp trồng ở độ cao dưới 2000 m so với mực nước biển. Cây thích hợp ở nơi đất ẩm, dưới rừng nguyên sinh và có đá oặc cây để dây leo; phát triển mạnh trên những vùng rừng còn tính chất đất rừng và rừng tái sinh sau nương rẫy, trong những khe suối ẩm, có nhiều đá lẫn.

    5.4. Thực bì

    Thích hợp nơi rừng thứ sinh nghèo, nơi ven khe suối, bìa rừng, những nơi có độ tàn che nhỏ hơn 0,3.

    6. Sản xuất cây giống:

    6.1. Nhân giống bằng hạt

    Thu hái và chuẩn bị gieo ươm: Vào tháng 11 – 12 khi quả chuyển sang màu tím sẫm thì tiến hành thu hái, quả sau thu hái lựa chọn những quả to, tròn đều cho vào nước sạch để đãi lấy hạt. Hạt sau đó được hong khô nơi râm mát, thoáng gió và đem gieo ươm ngay.

    Gieo ươm: Ngâm hạt trong nước ấm 40 – 450C (2 sôi + 3 lạnh) trong khoảng thời gian từ 6 – 8 giờ. Vớt ra để ráo bọc vào túi vải đem ủ. Mỗi ngày phải rửa chua bằng nước ấm 1 lần thời gian 15 phút sau vớt hạt ra để ráo, thời gian ủ từ 2 – 3 ngày. Khi hạt nứt nanh thì đem gieo lên luống ươm.

    Chuẩn bị gieo hạt: Cuốc xới đất cho tơi, mịn. Làm luống dài 8 – 10 m tuỳ vào diện tích đất, rộng 80 cm , cao 20 cm. Nên làm bờ dốc cao 5 cm xung quanh luống.Tưới nước vôi trên bề mặt luống chống mối, kiến.

    Gieo ươm hạt trên luống

    Trước khi gieo hạt nên tưới đẫm mặt luống. Trộn hạt với đất nhỏ mịn cho tơi chống kết vón, vãi đều trên mặt luống, cứ 0,1kg hạt gieo trên diện tích 5m2

    Khi gieo hạt xong, sàng phủ một lớp đất nhỏ trộn thêm ít phân chuồng hoai mục dày 0,5cm, tiếp tục tưới nước cho ẩm đều, rải rơm phủ lên mặt luống.

    Chăm sóc cây con trong vườn ươm: Khi hạt nảy mầm thì dỡ bỏ vật liệu che phủ luống. Thường xuyên tưới nước giữ độ ẩm cho cây. Khi cây con lên được 4 – 5 lá, chiều cao từ 6 – 8cm đem trồng. Chú ý: cây mới mọc thường hay mắc bệnh lở cổ rễ cần phát hiện sớm phun thuốc kịp thời.

    6.2. Nhân giống từ hom:

    Vườn chọn hom giống: Vườn lấy hom giống Giảo cổ lam phải được chăm sóc kỹ. Khi trồng phải bón lót phân chuồng 2kg/hố trộn 0,1kg NPK. Định kỳ 6 tháng bón bổ sung NPK. Cắt tỉa hợp lý đảm bảo cành, nhánh phát triển đồng đều. Khi chiều cao (dài) của thân cây vượt trên 1 m mới được lấy hom. Thời vụ cắt tỉa vào tháng 10-12 hàng năm cho vụ xuân năm sau lấy hom giâm cành.

    Kỹ thuật vườn ươm và chăm sóc cây con

    Thời vụ giâm cành: Tốt nhất là vụ xuân ( từ tháng 2 - tháng 4 ). Thời gian này thường có mưa xuân, độ ẩm cao, đảm bảo tỷ lệ hom sống tốt, đồng thời giảm công tưới nước trên diện tích lớn.

    Thiết kế luống, làm đất đóng bầu: luống có chiều dài 8-10 m, chiều rộng 1,0 - 1,2 m, giữa 2 luống chừa rãnh rộng 40 cm. Đất đóng bầu tơi xốp, có thành phần cơ giới trung bình, sàng đất nhỏ. Sử dụng túi bầu PE có kích thước 10 x 18 cm. Thành phần ruột bầu gồm 95% đất mùn + 3% phân chuồng hoai đất trộn 0,2% phân NPK.

    Làm giàn che bằng lưới đen độ che sáng 60-70%.

    Chọn cành lấy hom: Chọn cành khỏe, không sâu bệnh, độ dài 25-30 cm có 2 nhánh lá. Vận chuyển tránh giập gãy cành, dùng dao sắc cắt hom, cắt gần sát phần phân nhánh và bỏ ½ thân lá. Xử lý hom bằng thuốc kích thích ra rễ trước khi cắm hom, bầu phải được tưới ẩm, hom phải cắm thẳng, cuống lá gần sát đất, sau khi cắm xong phải tưới ẩm ngay.

    Chăm sóc hom giâm: Sau 10 - 15 ngày thì cây liền vết cắt và bắt đầu ra mô sẹo, sau 20 - 30 ngày cây bắt đầu ra rễ. Thời kỳ này cần phải giữ độ ẩm thường xuyên và điều chỉnh ánh sáng thích hợp. Thường xuyên phá váng bầu cây và nhổ cỏ dại. Chú ý không để úng ngập bầu làm phát bệnh thối cổ rễ.

    Sau 1 tháng cây bắt đầu phát triển cành nhánh, tiến hành tách giãn bầu và điều chỉnh ánh sáng còn 50%. Sau 2 tháng mở toàn bộ giàn che để cây thích ứng với điều kiện ánh sáng tự nhiên .

    Tiêu chuẩn bầu xuất vườn: Cây con đem trồng  đạt 2 tháng tuổi trở lên, chiều cao (dài thân) 35 – 40 cm, có trên 3 nhánh lá thật, đường kính gốc từ 2 – 3 mm. Cây phát triển tốt, không sâu bệnh, không bị cụt ngọn.

    7. Kỹ thuật trồng:

    7.1. Phương thức trồng:

    Giảo cổ lam có thể trồng theo các phương thức sau đây:

    Trồng thuần loài đại trà trên đất trống, đồng ruộng

    Trồng theo băng dưới tán giữa hàng các cây khác (cây ăn quả, cây trồng rừng)

    7.2.Thời vụ trồng: Trồng vào vụ xuân (từ tháng 2-4 ).

    7.3. Mật độ trồng:

    Trồng tập trung thuần loài trên đất trống hoặc trên ruộng: mật độ 20.000 cây/ha (cây cách cây 50 cm trên luống ruộng 1 m).

    Trồng cây con dưới tán rừng: cây cách cây 0,8 – 1 m.

    7.4. Làm đất:

    Làm đất cơ giới cuốc lật hoặc cày bừa theo toàn bộ diện tích, làm đất nhỏ, tơi xốp và sạch cỏ.

    San mặt bằng và thiết kế luống, luống có chiều dài 8–10m, chiều rộng 1,0-1,2m, giữa 2 luống chừa rãnh rộng 40cm, sau đó cuốc hố kích thức 30x40cm, bón lót  mỗi hố 2kg phân chuồng + 0,1 kg NPK, đảo phân và lấp hố trước khi trồng.

    7.5. Trồng cây:

    - Dùng cuốc đào một lỗ nhỏ ở chính giữa hố độ rộng vừa đủ bầu cây đem trồng, nếu trồng bằng cây gieo ươm trên luống cần bứng cây để trồng, nếu trồng bằng cây con có bầu cần xé bỏ vỏ bầu. Đặt cây thẳng đứng trong lòng hố, tránh cong rễ lên phía trên, lấp kín cổ rễ sâu 2 cm. Ấn chặt đất quanh gốc tưới nước ngay sau khi trồng. Sau 1 tháng kiểm tra và trồng dặm những cây đã chết hoặc thay thế các cây có nguy cơ chết, sức sống kém.

    7.6. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại:

    * Chăm sóc

    Thường xuyên làm cỏ, tưới nước đủ ẩm và tránh không để cây bị ngập úng khi có mưa.

    Làm giàn che bóng độ che sáng 30-40% ánh sáng.

    Chăm sóc lần 1 (sau trồng 25–30 ngày) xới đất, làm sạch cỏ, làm giàn cho cây leo bám bằng tre hoặc cành cây. Kết hợp kiểm tra và trồng dặm những đã cây chết hoặc thay thế các cây có nguy cơ chết, sức sống kém.

    Chăm sóc lần 2 (sau trồng 80-90 ngày) xới đất, vun gốc, làm sạch cỏ, chú ý sửa lại giàn và đỡ cho cây leo lên giàn theo luống thiết kế.

    Bón thúc 4 - 5 tấn phân chuồng hoai mục + 400kg NPK cho mỗi ha sau mỗi lần thu hoạch.

    * Phòng trừ sâu bệnh hại:

    Phòng và theo dõi phát hiện kịp thời các loại sâu bọ hại cây trồng. Nếu thấy hiện tượng cây bị sâu bệnh cắt bỏ lá phần bị bệnh và lá bị già úa, vệ sinh toàn bộ khu vực tránh bị lây lan.

    8. Khai thác, Sơ chế, chế biến và bảo quản:

    * Khai thác:

    Giảo cổ lam thuộc dạng cây dài ngày, trồng một lần cho thu hoạch 2-3 năm, sau khi trồng 5-6 tháng bắt đầu khai thác dây để sơ chế. Khi cắt tránh làm tổn thương gốc. Thời gian khai thác lần 2 sau 8 tháng đến 1 năm tuổi.

    Bộ phận sử dụng là toàn bộ phần lá, thân trên mặt đất, khi thu hoạch tiến hành cắt theo đám để trẻ hoá cây và để lại phần gốc khoảng 40cm.

    Không lên thu hoạch giảo cổ lam khi trời vừa mưa xong vì lúc đó lượng nước của cây sẽ hấp thụ nhiều tỷ lệ nước cao phơi sẽ lâu khô. Nên thu hoạch khi trời nắng to để đảm bảo cây xanh đẹp.

    Khi thu hoạch: Cắt toàn bộ cây, chỉ để lại phần gốc cây cách mặt đất khoảng 20 - 30 cm để cây có điều kiện tiếp tục tái sinh cho thu hoạch lứa sau.

    Khi thu hoạch về cần rửa sạch cây để ráo nước, sau đó băm ra khoảng 3-4cm phơi trên bạt hoặc trên sân sân đã chát xi măng (phơi dưới trời nắng to)

    * Sơ chế, chế biến và bảo quản:

    Sau khi được thu hoạch và làm sạch cần đưa vào sơ chế/chế biến ngay. Tuỳ theo chất lượng và qui cách sản phẩm khác nhau mà kĩ thuật sơ chế và chế biến cũng khác nhau. Có thể để vào bóng râm, nơi khô ráo; cắt đoạn 2-3 cm, phơi khô trong nắng nhẹ, bảo quản trong bao kín, nơi khô ráo, thoáng mát hoặc có thể phơi/sao khô, chờ tiêu thụ.

                                                                                        

     

      

    Phạm Thị Thủy - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái

    Tin khác