• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch Kim tiền thảo
    22/12/2021 10:22:00 SA
    Lượt xem: 6039

    1. Phân loại:
    - Tên phổ thông: Kim tiền thảo.
    - Tên khoa học: Desmodium styracifolium (osb) Merr.
    - Họ: Đậu (Fabaceae)
    - Tên khác: Mắt Nai, Kim tiền thảo, Mát trâu, Mắt rồng, Đồng tiền, (cây vẫy rồng, cây mắt trâu, đậu vẩy rồng, đuôi chồn quả cong).
    2. Công dụng và giá trị kinh tế:
    2.1. Công dụng
    Kim tiền thảo được dùng làm thuốc chữa sỏi thận và lợi tiểu do hoạt chất saponon triterpenic có tên là soyasaponin I có tác dụng ức chế quá trình tạo sỏi canxi loxalat. Ngoài ra Kim tiền thảo cũng được dùng làm thuốc chữa sỏi mật, viêm sốt gan, vàng da, phù lũng.
    Bên cạnh phương thức sử dụng là thuốc chén, thuốc thang, hiện nay Kim tiền thảo đã được sản xuất thành thuốc (viên nén, nang) ở các xí nghiệp dược hoặc sản xuất trà để uống.
    2.2. Giá trị kinh tế
    Kim tiền thảo là cây thuốc có nhu cầu sử dụng nhiều ở Việt Nam, ước tính mỗi năm khoảng 100 tấn, trong đó chỉ có 1/3 khối lượng khai thác từ thiên nhiên, số còn lại là trồng và nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá dược liệu Kim tiền thảo ở thị trường hiện nay khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg.
    3. Phân bố:
    Cây mọc hoang khắp vùng đồi núi trung du nước ta, độ cao dưới 600m so với mực nước biển, tập trung nhiều ở các tỉnh: Bắc Kạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai ...

    4. Đặc điểm hình thái:
    Cây thân thảo mọc bò, sau đứng thẳng, chiều cao trung bình từ 50 - 80cm. Thân rạp xuống, đâm rễ ở gốc rồi mọc đứng, thân có nhiều đốt, mỗi đốt cách nhau 2 – 3 cm. Cành non hình trụ, khía vằn và có lông nhung màu gỉ sắt, ngọn non dẹt và có phủ lông tơ màu trắng. Mỗi đốt đều có nốt sần màu nâu hơi trắng, chứa nhiều vi khuẩn cố định đạm cộng sinh. Rễ phụ tập trung nhiều ở mắt đốt và gốc lá, mọc ra từ các đốt của thân.
    Lá mọc so le gồm một hoặc ba lá chét, có lông, hình tròn dài 1,5 - 3,4cm, rộng 2 - 3,5cm, gốc bằng hoặc hình hơi hình tim, đầu tù hoặc hơi lõm, mặt trên nhẵn màu lục xám nhạt; gân rất rõ, mặt dưới phủ đầy lông màu trắng bạc, mềm như nhung; lá kèm có lông, có khía.
    Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành, thành chùm ngắn hơn lá. Lá bắc sớm rụng. Hoa màu hồng, đài có răng đều, có lông ngắn; cánh cờ tràng hình bầu dục, các cánh bên thuôn, cành thìa cong có tai; nhị 2 bó; bầu có lông nhỏ. Cuống dài 2 – 3 cm, mùa ra hoa tháng 6 – 9. -
    Quả đậu hơi cong, có từ 3 – 6 ngăn chứa hạt phân giữa các ngăn chứa hạt đen dài 2 mm. Kim tiền thảo kết quả tháng 9 – 10, quả chín vào tháng 3 -5.

    5. Điều kiện gây trồng:
    5.1. Phạm vi
    Kim tiền thảo có thể trồng được ở một số vùng đồi núi trung du thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Bắc Kạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, ở những nơi có điều kiện gây trồng đáp ứng yêu cầu sau,
    5.2. Khí hậu
    - Nhiệt độ trung bình năm: 22-24°C;
    - Nhiệt độ cao nhất: 41° C;
    - Nhiệt độ thấp nhất: 1°C;

    - Lượng mưa trung bình năm: trên 1.500mm.

    - Độ ẩm không khí trung bình: trên 80%.
    5.3. Địa hình, đất đai
    - Kim tiền thảo thích hợp trồng ở độ cao dưới 400 m so với mực nước biển. - Độ dốc: <25°.
    - Đất đai: đất feralit giàu mùn, tầng đất dày > 80cm, tầng đất mặt có màu xám đen, hàm lượng mùn trên 2,5%, thành phần cơ giới trung bình, tơi xốp, thoát nước tốt, độ ẩm cao và thoát nước, đất ít chua (pH>4,5).

    5.4. Thực bì
    Kim tiền thảo có thể mọc nơi đất nghèo xấu và khô hạn, chịu được bóng râm hoặc cũng có thể mọc nơi bìa rừng những chỗ có nhiều ánh sáng.
    6. Sản xuất giống
    6.1. Thu hái hạt
    Vào tháng 11 - 12 khi quả chuyển sang màu nâu thì thu hái phơi khô sau đó đập mạnh quả để tách hạt ra, sàng sảy loại bỏ tạp chất và thu lấy hạt.
    Phơi khô hạt dưới nắng nhẹ (trong bóng râm) sau đó cho hạt vào túi nilon buộc kín bảo quản thông thường để nơi khô ráo. Nếu bảo quản đúng cách, hạt có thể giữ được trong vòng 1 năm.
    6.2. Gieo ươm
    Ngâm hạt trong nước ấm 40 – 45°C (2 sôi + 3 lạnh) trong khoảng thời gian từ 4 - 5 giờ. Vớt ra đem gieo trên luống ươm thành cây mới đem trồng hoặc gieo vãi để trồng từ hạt luôn.
    6.3. Chuẩn bị gieo hạt
    Cuốc xới đất cho tơi, mịn. Làm luống dài 10 – 15 m tuỳ vào diện tích đất, rộng 80 cm, cao 20 cm. Nên làm bờ dốc cao 5 cm xung quanh luống. Tưới nước vôi trên bề mặt luống chống mối, kiến và giun.
    6.4. Gieo ươm hạt trên luống
    Trước khi gieo hạt nên tưới đẫm mặt luống. Trộn hạt với đất nhỏ mịn cho tơi chống kết vón, vãi đều trên mặt luống, 1 lạng hạt gieo trên diện tích 5 m2. Khi gieo hạt xong, sàng phủ một lớp đất nhỏ dày 0,5 cm lên mặt luống. Tiếp tục tưới nước cho ẩm đều, phủ một lớp rơm dạ lên mặt luống.
    6.5. Chăm sóc cây con trong vườn ươm
    Khi hạt nảy mầm thì dỡ bỏ vật liệu che phủ luống. Thường xuyên tưới nước giữ độ ẩm cho cây. Khi cây con lên được 4 – 5 lá, chiều cao từ 6 – 7 cm có thể nhổ hoặc bứng đem trồng. Chú ý: cây mới mọc thường hay mắc bệnh lở cổ rễ cần phát hiện sớm phun thuốc kịp thời.

    7. Kỹ thuật trồng:
    Có thể trồng bằng hom thân hoặc cành nhưng tốt nhất trồng bằng hạt vì hạt giống nhiều, tạo giống từ hạt đỡ tốn công và thuận lợi chăm sóc hơn.

    7.1. Phương thức trồng
    Có 2 phương thức trồng chính như sau:
    - Gây ươm cây con trong điều kiện vườn (để trồng trên ruộng).
    - Vãi hạt trực tiếp trên ruộng, nương rẫy.

    7.2. Thời vụ trồng
    Trồng vào vụ xuân, từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch, trong mùa mưa.

    7.3. Mật độ trồng
    - Trồng từ cây con dưới tán rừng: mật độ từ 10.000-15.000 cây/ha (cây cách cây 0,8 – 1 m)
    - Trồng từ cây con dưới ruộng: hàng cách hàng 50cm, cây cách cây 50 cm. Luống ruộng 1 m, trên 1 luống trồng 2 hàng cây.
    - Trồng trực tiếp từ gieo hạt: Vãi 1 kg hạt/ha, vãi trực tiếp lên đất nương rẫy, đất đồi sau khi đã xử lý thực bì.
    7.4. Xử lý thực bì
    Đối với phương thức trồng dưới tán rừng, xử lý thực bì toàn diện, thực bì được thu dọn ra khỏi khu trồng.
    7.5. Làm đất
    - Trồng nơi có địa hình bằng phẳng cần làm đất toàn diện (cày bừa hoặc cuốc đập nhỏ) lên luống chiều dài 10 – 15m, rộng 1m, chiều cao 20cm, bổ hố kích thước 20 x 20 x 20cm hoặc làm rạch sâu 5 - 10cm dọc theo luống.
    - Đối với địa hình có độ dốc: làm đất cục bộ, cuốc hố kích thước hố 20 x 20 x 20 cm, hố cách hố 50 cm, hàng cách hàng 50 cm hoặc làm rạch chiều rộng 20 cm sâu 15 cm theo đường đồng mức.
    - Bón lót 0,1kg phân vi sinh cho mỗi hố hoặc bón 1 – 1,5 tấn phân vi sinh cho mỗi ha theo rạch đã làm sẵn.
    7.6. Trồng
    a) Trồng cây con
    - Trồng vào ngày thời tiết râm mát đủ ẩm vì cây con nhổ lên từ vườn ươm sẽ khô rất nhanh. Nên hồ rễ bằng hỗn hợp phân chuồng hoai mục và đất mặt.

     - Dùng cuốc đào một cái lỗ nhỏ ở chính giữa hố vừa đủ rộng và sâu hơn kích thước rễ cây đem trồng.
    - Đặt cây thẳng đứng trong lòng hố, trồng cây tránh cong và bị gập rễ, lấp kín cổ rễ sâu 2 cm, ấn chặt đất quanh gốc, tưới ngay sau khi trồng.

    - Sau 1 tháng kiểm tra và trồng dặm những cây chết hoặc thay thế các cây có nguy cơ chết, sức sống kém.
    - Nếu trồng bằng gieo vãi hạt, lượng gieo 1kg hạt gieo cho 1ha theo rạch đã làm sẵn, trộn hạt đã xử lý với tro, cát hay đất mịn khô, sau khi gieo lấp đất kín hạt dày 2 - 3 cm và phủ rơm dạ hay ràng ràng lên.
    7.7. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại
    a) Chăm sóc
    Khi trồng cây lên được khoảng 10 lá thì tiến hành chăm sóc xới cỏ vun gốc. Bón thúc bằng phân đạm 1,5 – 2 kg/sào/lần hoặc NPK 5 kg/sào/lượt (1 sào Bắc Bộ 360m2). Nên bón phân sau khi mưa là tốt nhất, khi bón phân tránh để phân dính làm chết lá.
    Sau mỗi lần thu hoạch cần chăm sóc, xới cỏ vun gốc và bón phân cho cây, lượng bón cũng như trên.
    Cần tưới đủ ẩm để cây phát triển tốt.

    b) Phòng trừ sâu bệnh hại
    Kim tiền thảo ít có sâu bệnh. Tuy nhiên, tuỳ từng bệnh để có cách phòng trừ khác nhau:
    - Sâu ăn lá thường xuất hiện phá hoại; dùng các biện pháp diệt trừ bằng cách phun dung dịch Trebon nồng độ 0,2% hoặc dùng Padan 4h để phun.
    - Bệnh khô lá theo từng đám: dùng Kazumin hoặc Topcin (thuốc trị bệnh khô vằn đạo ôn của lúa) để phun định kỳ.
    c) Bảo vệ
    Bảo vệ người và gia súc phá hoại cây trồng
    Nếu trồng dưới tán rừng cần bảo vệ phòng chống cháy rừng.
    7.8. Khai thác
    Kim tiền thảo thu hoạch 2 – 3 lần/năm vào mùa hè và mùa thu nếu trồng trên đất tốt, tưới nước và chăm sóc đầy đủ.
    Thu hoạch vào những ngày nắng ráo, cắt toàn bộ lá và cành cây trên mặt đất. Chú ý: cắt thân và lá cách gốc 7 – 10 cm để cây có thể tái sinh được.
    9. Sơ chế, chế biến và bảo quản
    Kim tiền thảo sau khi được thu hoạch và làm sạch cần đưa vào sơ chế/chế biến ngay. Tuỳ theo chất lượng và qui cách sản phẩm khác nhau mà kỹ thuật sơ chế và chế biến cũng khác nhau. Có thể băm đoạn dài 4-5 cm rồi đem phơi khô.
    Sản phẩm sau phơi khô được cho vào túi nolon buộc chặt để nơi khô ráo, thoáng mát.

    Ngoài ra trên thị trường hiện nay Kim tiền thảo được chế biến chiết xuất dạng viên nén, trà túi lọc làm thực phẩm chức năng.

     

      

    Phạm Thị Thủy - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái