• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh giống lúa nếp Tú Lệ
    04/01/2022 2:31:00 CH
    Lượt xem: 5189

    Giống Nếp Tú lệ đã được bà con nhân dân xã Tú lệ gieo cấy từ rất lâu. Đây là giống lúa bản địa mang tính đặc trưng của thung lũng Tú Lệ, huyện Văn Chấn. Nếp Tú Lệ còn được gọi là Khẩu Nua, Mường Lùng hay Nếp Tan, giống có nhiều đặc tính quý như: Độ dẻo cao, dẻo lâu, thơm, ngậy và  ngon, giống lúa Nếp Tú Lệ có thời gian sinh trưởng từ 145 - 150 ngày, được gieo cấy 01 vụ/năm, ít bị nhiễm sâu bệnh, số hạt/bông 115 - 135 hạt/bông, bông hữu hiệu/khóm 4 - 7 bông.

                                                               

     1. Kỹ thuật gieo trồng:

    - Thời vụ gieo cấy:  Cấy vào trà lúa mùa sớm hoặc cấy tiếp chân lúa xuân, thời gian gieo mạ từ ngày 25/4 đến ngày 25/5 dương lịch, cấy lúa từ ngày 25/5 đến ngày 25/6 dương lịch.

    - Lượng giống, ngâm ủ: Lượng giống 60kg/ha, trước khi ngâm ủ nên phơi lại hạt giống dưới nắng nhẹ từ 1 - 2 giờ trên các dụng cụ như nong, nia, bạt sau đó tiến hành ngâm hạt thời gian ngâm từ 42 - 48 giờ.Trong quá trình ngâm hạt cứ 6 - 8 tiếng thay nước rửa chua 1 lần, sau đó tiến hành ngâm  bình thường. Khi thấy hạt thóc trương mọng nước thì đem đi ủ, trước khi đem ủ cần đãi sạch nước chua, để ráo nước rồi mới tiến hành ủ. Trong thời gian ủ cần ẩm độ 85 - 90% (bằng cách tưới nước).

    - Gieo mạ và tuổi mạ cấy: Gieo mạ dược, Tuổi mạ từ 25 đến 30 ngày khi cây đạt 6 - 7 lá. Không nên cấy mạ già trên 35 ngày vì có thể làm giảm năng suất đến 30%.

    - Mật độ cấy: Khoảng cách 20 x 25cm, Mật độ 30 - 35 khóm/m2. Cấy 3 - 4 dảnh/khóm. Cấy khi mạ có 6 - 7 lá thật.

    2. Kỹ thuật sử dụng phân bón:

    - Lượng phân bón: Phân chuồng 10 tấn/ha; Lân supe 350 kg/ha; Kali 100 kg/ha; Đạm Urê 90 kg/ha.

    - Cách bón: Dựa vào các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của lúa để chăm sóc bón phân đạt hiệu quả cao nhất

    + Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + Supe lân + 30% đạm.

     + Bón thúc lần 1: Thời kỳ đẻ nhánh (5-20 ngày sau khi cấy) Khi lúa bén rễ hồi xanh bón thúc với lượng 50% đạm + 30% kali, kết hợp với sục bùn kỹ, giai đoạn này bón giúp cho cây đẻ nhánh nhanh và tập trung.

    + Bón thúc lần 2: Khi lúa đứng cái bón nốt số phân còn lại kết hợp với làm cỏ  

    Lưu ý: Cây lúa Nếp không chịu thâm canh cao do vậy việc bón phân cho lúa cần căn cứ vào các yếu tố như: Độ phì nhiêu của đất đai, điều kiện thời tiết và nhu cầu phân bón ở từng giai đoạn, tránh bón quá nhiều nhất là phân đạm gây lốp đổ và phát sinh sâu bệnh.

    3. Một số sâu bệnh chính:

    + Sâu đục thân 2 chấm: Sâu phát sinh gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng. Thời kỳ gây hại nặng nhất vào lứa 5 (tháng 8 - 9) và lứa 6 (tháng 9 - 10). Cách phòng trừ: cày lật gốc rạ phơi ải hoặc làm dầm; phun thuốc hóa học như virtako 40WG, Dupont Prevathon 5SC sau khi bướm rộ 5 - 7 ngày.

    + Rầy nâu: Phát triển trong điều kiện khí hậu ấm nóng, độ ẩm cao, mưa nắng xen kẽ. Rầy xâm nhập ngay từ khi mới cấy và hại cả trên mạ. Cao điểm rầy gây hại nặng vào giai đoạn lúa trỗ xong, ngậm sữa và bắt đầu chín.

    Cách phòng trừ: cấy dày vừa phải, bón phân cân đối. Khi mật độ rày cám từ 18 - 27 con/khóm dùng các loại thuốc Bassa 50 EC, Trebon 20ND rạch hàng lúa để phun. Dùng Actara 25WG không cần rạch hàng nhưng phải phun tập trung vào gốc lúa.

    + Bệnh đạo ôn: Bệnh hại trên lá, đốt thân, cổ bông, gié và hạt. Thường phát sinh trong điều kiện thuận lợi, như: thời tiết âm u, ẩm ướt, có sương, ruộng bón nhiều đạm. Phòng trừ: Bón phân cân đối. Khi phát hiện có bệnh không nên bón đạm, giữ nước xăm xắp.

    + Bệnh khô vằn: Bệnh phát triển thuận lợi trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, ruộng lúa cấy dày, rậm rạp, bón đạm lai rai. Phòng trừ: cấy dày vừa phải, bón phân cân đối, phân chuồng phải được ủ kỹ. Khi lúa bị bệnh phải dọn sạch tàn dư trên ruộng kết hợp phun thuốc trừ bệnh theo hướng dẫn quy định.

    + Bệnh hoa cúc do nấm Ustilaginoidea virens (Cooke) Taka gây nên. Bệnh phát sinh gây hại từ khi lúa phơi màu cho tới khi chín. Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, ẩm độ cao, bón đạm nhiều nặng về cuối vụ, cây lúa phát triển thân lá tốt... là những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh phát triển.  Phòng trừ bằng cách: Tuyệt đối không sử dụng hạt giống ở những ruộng bị bệnh. Trước khi ngâm ủ giống, xử lý hạt giống bằng nước có nhiệt độ 54oC trong vòng 15 phút.  Vệ sinh đồng ruộng, phơi ải, ngâm dầm để tiêu diệt bào tử và hạch nấm. Không cấy, sạ lúa quá dầy. Chăm sóc hợp lý cho quần thể lúa khoẻ để tăng khả năng chống bệnh. Bón phân cân đối NPK và bón theo tiêu chí “nặng đầu, nhẹ cuối”. Có thể phun thuốc trừ nấm vài ngày trước và sau khi lúa trỗ.

    4. Thu hoạch và phơi thóc

    - Thời điểm thu hoạch: Khi thấy 85 - 90% số hạt trên bông chín (thông thường sau trỗ khoảng 30 -35 ngày) là thời gian tốt nhất để thu hoạch lúa. Thu hoạch theo tập quán của người dân là dùng lưỡi “thép” để hái từng bông đem về treo trên gác cho lúa khô dần thì lúa sẽ có mùi thơm và dẻo hơn so với phương pháp thu hoạch bằng máy tuốt lúa.

           

    Nguyễn Văn Đoàn - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái