• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh ngô
    04/01/2022 3:07:00 CH
    Lượt xem: 5330

     Ngô là cây lương thực được xếp thứ 2 sau cây lúa. Những năm gần đây giống ngô lai ở tỉnh ta được sử dụng với diện tích ngày càng tăng, đó là những giống có sức sinh trưởng khoẻ, cây đồng đều, chống chịu khá, khả năng thích ứng rộng, năng suất trung bình 5 - 6 tấn/ha, cao có thể đạt 9 - 10 tấn/ha song yêu cầu phải được thâm canh. Một số giống ngô hiện đang được sử dụng là giống: Giống ngô lai CP333, CP511, CP111, NK 4300, NK66, DK 6818, DK 6919, LVN 99, LVN 669… Để giúp bà con nông dân nắm được kỹ thuật, trung tâm khuyến nông hướng dẫn như sau:

    1 Thời vụ:

    - Vụ xuân- hè gieo từ 20/2 - 30/3 dương lịch.

    - Vụ hè thu thường bắt đầu trồng vào 20/7 - 5/8 dương lich.

    - Vụ đông từ gieo hạt vào bầu từ 15 - 25/9. Đưa bầu ra ruộng kết thúc 30/9, chậm nhất là 5/10.

    2. Lượng hạt giống và mật độ gieo trồng:

    * Lượng hạt giống: Cần khoảng 18 - 22 kg/ha (0,8 - 0,9 kg hạt giống/sào) đối với gieo thẳng.

    * Mật độ gieo trồng: Tuỳ thuộc vào loại giống, có thể gieo với mật độ:

    - Nhóm giống dài ngày: Mật độ 5 - 5,5 vạn cây/ha.

    - Nhóm giống trung ngày: Mật độ 5,5 - 6 vạn cây/ha.

    - Nhóm giống ngắn ngày: mật độ 6 - 7 vạn cây/ha.

    3. Làm đất:

    Trong kỹ thuật trồng ngô, làm đất được xem là biện pháp kỹ thuật quan trọng. Làm đất tốt và kịp thời, đảm bảo cho đất ngô tơi ải, thoáng cho lớp đất mặt, giữ nước và thoát nước tốt. Cây ngô cao cây, thân to, rễ nhiều nên cần phải làm đất tốt cho từng chân đất và cho từng mùa vụ.

    * Đối với đất bãi, đất ven đồi: Tiến hành cày bừa sạch cỏ dại, đất tơi xốp sau đó cuốc hốc hoặc cày rạch theo hàng để tra hạt với khoảng cách hàng x hàng 70 cm; cây x cây 28 - 30cm. Khi trồng ngô trên đất dốc, đất ven đồi hàng ngô phải song song với đường đồng mức.

    Trên đất dốc có lẫn nhiều sỏi đá có thể dùng cuốc, để rẫy cỏ rồi sau đó cuốc hốc để trồng ngô. Trên đất ruộng bậc thang hay sườn đồi có độ dốc thấp vừa phải hay thung lũng, nông dân có thể dùng cày để làm đất. Cày sâu 15 - 20 cm, làm 2 lần đất nhỏ tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại.

    Sau khi làm xong đất, có thể dùng cày hoặc cuốc để rạch hàng với độ sâu 7 - 10 cm. Khoảng cách giữa các hàng là 70 cm; cây cách cây đối với các giống dài ngày là 30 cm và đối với các giống ngắn ngày là 25 cm. Với đất dốc hoặc có nhiều sỏi đá thì có thể cuốc hốc để trồng ngô, khoảng cách giữa các hốc khoảng 70 cm, cuốc đến đâu thì gieo ngay đến đó. Có thể bón phân trực tiếp vào hốc, rãnh, lấp đất rồi mới tra hạt và lấp đất bề mặt dày 3 - 5 cm. 

    * Đối với đất ruộng: Sau khi thu hoạch lúa mùa sớm tiến hành tháo bớt nước gặt sát gốc rạ và cày lên luống. Mỗi luống 8 xá cày, mỗi bên 4 xá ấp vào nhau không cần bừa. Chiều rộng luống 1,1 m; rãnh luống 0,3 m. Trên luống tạo 2 hàng ngô sao cho hàng x hàng 70 cm, Cây x cây 28 - 30 cm. Đất 2 vụ lúa để trồng ngô đông nhất thiết phải làm bầu.

    * Nguyên liệu làm bầu:

    Dùng bùn ao 3 chậu + 2kg phân chuồng hoai + 0,2 kg supelân trộn và rải đều trên 1m2 mặt luống tạo thành lớp bùn dày 5 - 6 cm (Cứ khoảng 8 - 10 m2 bầu ngô trồng được 1 sào). Để bùn se mặt dùng dao rạch thành ô vuông với kích thước 6 x 6 cm ( Rạch sâu 1/3 - 1/2 độ dày bầu ).

    Để tiện vận chuyển bầu có thể làm theo cách trước khi rạch 5 ngày tiến hành gặt trước 10 m2 lúa / sào, để làm nền hoặc làm bầu tại ruộng nhưng yêu cầu đảm bảo bùn nhuyễn, thoát nước và bón đủ phân lót.

    * Ngâm ủ hạt và tra hạt vào bầu:

    - Khi bắt đầu vớt bùn làm bầu thì tiến hành ngâm hạt trong nước sạch thời gian 12 giờ, vớt hạt rửa sạch nước chua đem ủ 12 giờ, khi hạt nứt nanh đem gieo hạt vào bầu. Dùng ngón tay chọc 1 lỗ giữa bầu sâu 1 cm, đặt hạt ngô vào lỗ, rễ quay xuống, mầm không sát bùn, dùng đất bột lấp kín hạt.

    - Giữ cho bầu ngô luôn đủ ẩm bằng cách tưới nước từ 1 - 2  lần / ngày vào buổi sáng sớm và lúc chiều mát. Trong thời gian 3 ngày đầu cần lưu ý che phủ mặt luống đề phòng mưa to. Thời gian cây ngô ở trong bầu từ 5 - 7 ngày.

    4. Trồng ngô:

    * Trồng ngô trên đất bãi: Sau khi bón lót xong phủ 1 lớp đất mỏng kín phân và tiến hành tra hạt theo mật độ khoảng cách đã quy định, mỗi hốc tra từ 1 - 2 hạt, lấp đất phủ kín hạt dầy 3 - 5 cm tuỳ theo độ ẩm của đất.

    * Đối với ngô trồng trên đất ruộng: Cuốc theo hốc theo 2 hàng trên luống, bón đủ phân lót và tiến hành đặt bầu. Xoay hướng lá các cây ngô song song với nhau và chếch với mặt luống 1 góc 45 độ để cây ngô được tận dụng được đầy đủ ánh sáng, dùng đất lấp kín chỗ tiếp xúc giữa bầu và mặt luống để tránh đọng nước ở gốc ngô.

    5. Bón phân:

    Bón phân cho cây ngô với mục đích bổ xung thêm các chất dinh dưỡng mà đất bị thiếu hụt cho cây.

    * Lượng phân bón:

    Phân chuồng: 300 - 350kg/sào (8 - 10 tấn/ha)

    Đạm urê 10 - 12 kg/sào (270 - 320 kg/ha )

    Supe lân: 12 - 15 kg/sào ( 350 kg/ha )

     Clorua kali: 4 - 6 kg/sào (120 kg/ha )

    * Cách bón:

    F Đối với ngô trồng trên đất bãi bón lót toàn bộ phân chuồng + lân.

    - Bón thúc lần 1: Khi ngô 3 - 5 lá: Tỉa định cây, chỉ để 1 cây trên gốc kết hợp bón 1/ 3 lượng Ka li + 1/3 lượng đạm rạch rãnh sâu 5 cm, cách gốc 5-6 cm bỏ phân và lấp đất kín.

    - Bón thúc lần 2:  Khi ngô 7 - 9 lá làm cỏ kết hợp với bón thúc bón 1/ 3 lượng Ka li + 1/3 lượng đạm. Rạch rãnh sâu 5 - 10 cm, cách gốc 8 - 10 cm, bỏ phân và vun cao gốc 8 -10 cm.

    - Bón thúc lần 3: Trước trỗ cờ 10 - 15 ngày tiến hành làm cỏ và bón nốt lượng phân còn lại, rạch rãnh và bỏ phân cách gốc 12 - 14 cm sau đó vun cao gốc 15 cm.

    - Đối với ngô trồng trên đất ruộng 2 vụ lúa thì chỉ bón lót phân chuồng. Phân vô cơ (Đạm và ka li) bón thúc tương tự như trồng trên đất bãi. Riêng phân supelân chia làm 2 lần bón kết hợp khi bón thúc lần 1 và thúc lần 2 bằng cách: Ngâm supelân với nước giải, pha loãng với nước theo tỷ lệ 2 phần phân : 100 phần nước tưới cho ngô đề phòng bệnh huyết dụ chân chì.

    6. Chăm sóc:

    * Tỉa dặm cây:

    Khi cây được 3 - 4 lá cần tỉa bớt những cây nhỏ yếu hoặc cây bị bệnh, chỉ nên để lại 1 cây/hốc. Ở những chỗ mất cây, có thể tiến hành giặm (lấy những cây đã được gieo dự phòng) để đảm bảo mật độ.

    *. Làm cỏ và vun xới:

    Vun xới làm cỏ được tiến hành làm 3 lần:

    - Làm cỏ lần 1: Khi cây có 3 - 4 lá, xới nhẹ trên mặt làm cỏ và bón phân đợt 1, vun  nhẹ một lớp đất vào gốc, độ sâu xới đất 4 - 5 cm.

    - Làm cỏ lần 2: Khi cây có 7 - 9 lá, thường tiến hành cuốc xới trên hàng bón phân lần 2 rồi vun thấp.

    - Làm cỏ lần 3: Khi cây ngô có 13 - 14 lá. Xới nhẹ, bón phân lần 3 rồi dùng cuốc vun cao tạo điều kiện cho rễ chân kiềng phát triển.

    *Đối với ngô đông sau mỗi lần bón phân kết hợp vét bùn dưới rãnh phủ lên gốc và luống ngô để tăng hiệu quả phân bón đồng thời hạn chế cỏ dại.           

     - Giữ nước dưới rãnh vừa phải sao cho mặt luống luôn đủ ẩm. Không để ngô bị hạn nhất là trước và sau trỗ cờ 10 - 15 ngày.

    7. Phòng trừ sâu bệnh:

    *. Sâu xám:

    Sâu xám rất nguy hiểm cho cây ngô ở giai đoạn cây non, và phá hoại chủ yếu về ban đêm ở vụ xuân hè.

    - Phòng trừ bằng cách bắt bằng tay vào buổi sáng sớm. Tại vị trí cây con bị cắn, lấy que gạt nhẹ lớp đất mỏng sẽ thấy sâu ở dưới đất. Có thể dùng thuốc Vibam 5H trộn với đất kết hợp với bón lót phân chuồng trước khi gieo ngô (20 - 30 kg/ha)

    *. Sâu đục thân:

    - Sâu đục thân gây hại ở cả 2 thời vụ tập trung vào thời kỳ xoáy nõn, vào hạt; chúng đục vào thân, vào bắp ngô để ăn, gây đổ gẫy, nhiều khi làm giảm năng suất từ 50 - 70%.

    - Phòng trừ loài sâu này bằng cách sử dụng thuốc Supracide 40 EC; với lượng  10 - 15 cc thuốc cho 1 bình 8 -10 lit nươc, phun 80 - 100 bình thuốc đã pha cho 1 ha (3,0 - 3,5 bình/ sào); hoặc có thể rắc 5 - 6 hạt Vibam 5H cho 1 nõn ngô.

    *. Rệp hại ngô:

    - Rệp phá hoại bông cờ của ngô gây lép hạt hoặc thưa hạt trên bắp ngô.

    - Phòng trừ bằng thuốc Trebon 20 EC với lượng 10 - 20 cc thuốc pha trong 1 bình 8 -10 lít nước và phun 3,0 - 3,5 bình/ sào. Cũng có thể rắc tro bếp lên bông cờ để trừ  rệp.

    *. Bệnh khô vằn:

    - Bệnh  do nấm gây nên. Bệnh nặng nhất khi cây ngô chuẩn bị trỗ cờ cho đến lúc thu hoạch. Vết bệnh trông loang lổ như tổ ong vò vẽ. Bệnh phá hoại từ  gốc lên ngọn khi bị bệnh nặng sẽ gây thối khô và làm cây bị đổ, hạt bị chín ép và thiếu hạt.

    - Phòng trừ bằng cách bóc các lá ở dưới gốc cây ngô, rồi phun Validacin 3SL, 5SL lượng thuốc 20 - 25cc pha cho 1 bình 8 -10 lit nước, phun 3,0 - 3,5 bình/sào.

    *. Bệnh đốm lá

    - Bệnh hại chủ yếu ở lá, vết bệnh hình bầu dục, khi bị nặng vết bệnh  loang ra toàn bộ mặt lá, bệnh hại nặng khi ẩm độ không khí cao, trời nhiều sương.

    - Phòng trừ bằng cách sử dụng thuốc Zinep 80WP hay Anvil 5SC, liều lượng 15 - 20 cc thuốc pha trong 1 bình 8 - 10 lít nước, phun 3,0 - 3,5 bình/sào.

    *. Các bệnh khác như  mốc hồng, thối hạt:

    - Loại bệnh này thường do một số nấm bệnh gây nên.

    - Phòng trừ bằng cách thay đổi cơ cấu, luân canh cây trồng để thay đổi ký chủ gây bệnh hoặc sử dụng biện pháp phòng trừ tương tự như đối với với bệnh đốm lá.

    8. Thu hoạch, bảo quản:

    Khi lá bi chuyển từ xanh sang màu vàng, cây ngô bắt đầu khô, có điểm đen ở chân hạt thì có thể thu hoạch. Nếu để Lâu hơn trên nương có thể bị tổn thất do chim, chuột, khỉ phá hoại.

    - Có thể thu hoạch bằng cách bó hết lá bi tại ruộng, chỉ lấy bắp mang về. Cách này có ưu điểm là dễ phơi, nhanh khô, đỡ tốn công vận chuyển.

    - Có thể thu hoạch cả vỏ bắp, phơi khô sau đó buộc túm gác bếp để dùng dần.

    - Hoặc có thể bảo quản ngô sau khi phơi khô để dùng dần

    Cách phổ biến nhất là buộc túm treo tren sàn hoặc xếp đống trên gác bếp cách này có thể bảo quản từ 5 - 6 tháng.

    - Cách thứ 2 là tẽ thành hạt, phơi khô đóng bao, bồ hoặc cho vào chum, vại trộn cùng lá xoan để chống mối, mọt.

     

    Tài liệu tham khảo:

    Giáo trình: Kỹ thuật thâm canh cây ngô - Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia – Xuất bản năm 2008.

      

    Nguyễn Thị Hằng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái