• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh quế
    22/12/2021 9:42:00 SA
    Lượt xem: 738

    - Tên phổ thông: Quế.

    - Tên khoa học: Cinnamomum cassia Pres.

    - Họ: Re (Lauraceae)

    - Tên khác: Quế Yên Bái, Nhục quế, quế đơn, quế bì, quế Trung Quốc, Mạy què (Tày), Kia (Dao).

    I.ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI, CÔNG DỤNG VÀ ĐIỀU KIỆN GÂY TRỒNG:

    1. Đặc điểm sinh học và công dụng:

    1.1.  Đặc điểm sinh học:

    Cây thân gỗ có kích thước từ trung bình đến lớn, chiều cao trung bình 12-20m, đường kính trung bình 30-40cm, có thể đạt đến 80cm hoặc hơn. Khi non vỏ thân thường nhẵn, khi già có màu nâu đến nâu sẫm, dày 0,4-0,6cm, có khi dày đến 1,5cm.

    Lá đơn, mọc cách, hình thuôn dài, chiều dài trung bình từ 10 - 18cm, rộng trung bình từ 4 - 6cm. Phiến lá dày, cứng, mặt dưới màu lục bạc, có lông thưa, mặt trên xanh đậm và nhẵn bóng, có 3 gân gốc, nổi rõ, những gân bên nổi rõ ở mặt trên. Cuống lá dài từ 1,4 - 2,5cm.

    Hoa tự chùm, mọc ở các nách lá tập trung ở đầu cành, hoa màu trắng hay vàng nhạt.

    Quả hạch, hình trứng hay tròn, dài 1-1,5cm, vỏ ngoài nhẵn bóng, khi chưa chín có màu xanh lục, khi chín chuyển dần sang màu tím sẫm và mọng nước phần vỏ, khi rụng quả để lại dấu trên cây.

    1.2. Công dụng:

    -Sử dụng làm gia vị: Vỏ Quế đượcsử dụng để khử mùi hôi, tanh của thực phẩm, kích thích tiêu hóa. Ngoài ra vỏ sử dụng để chế biến các món ăn như: phở, nước sốt, ngũ vị hương, khử mùi, ướp thực phẩm. Cùng với Hồi và Thảo quả, Quế là loại gia vị không thể thiếu trong các món ẩm thực truyền thống cũng như hiện đại ngày nay ở cả trong và ngoài nước.

    - Sử dụng làm thuốc chữa bệnh: Vỏ Quế có vị cay, ngọt, có tính nóng, nên trong y học cổ truyền đã sử dụng bột vỏ cho vào nước nguội để uống hoặc sử dụng vỏ trong một số bài thuốc để chữa trị các chứng bệnh về đường tiêu hóa, đường hô hấp, kích thích sự tuần hoàn của máu, lưu thông khí huyết, tăng cường mạch tim, làm nóng cơ thể, sát trùng, chữa các bệnh trúng hàn, hôn mê, trụy mạch, tim yếu…Trong y học hiện đại, vỏ và tinh dầu Quế được sử dụng để chế biến các loại thuốc tăng lực, hô hấp, bài tiết, chữa cảm sốt, đau bụng, mỏi lưng, mỏi gối, đau nhức chân tay hoặc chân tay co quắp, ho hen, kinh nguyệt không đều, tiểu tiện bất lợi, bồi bổ sức khỏe cho phụ nữ sau sinh và thuốc sát trùng.

    - Sử dụng làm hương liệu:

    Tinh dầu Quế được sử dụng làm hương liệu sản xuất bánh kẹo, đồ uống và hàng mỹ phẩm cao cấp như rượu, nước giải khát, nước hoa, kem dưỡng da... vỏ còn làm hương (nhang).

    - Sử dụng trong xây dựng, làm ván nhân tạo, hàng thủ công mỹ nghệ:

    Gỗ Quế được dùng làm sàn nhà, cửa, cột, trụ, xà gồ, cốp pha, làm các đồ mộc cao cấp, trang trí nội thất và đồ trạm khắc để trang trí hoặc bóc lấy vỏ được bóc lạng, băm dăm hoặc xẻ thanh để sản xuất ván nhân tạo như ván dán, ván ép, ván ghép thanh. Ngoài ra, gỗ còn được chế biến thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như khay đựng ấm chén, đĩa, hộp đựng tăm…

    - Sử dụng trong chế biến thức ăn chăn nuôi: Bột Quế còn được thử nghiệm trong chế biến thức ăn chăn nuôi để làm tăng chất lượng thịt các loại gia súc, gia cầm và phòng trừ một số bệnh thông thường.

    2.  Điều kiện gây trồng:

    2.1 Phạm vi:

    Quế có thể trồng được ở một số vùng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, ở những nơi có điều kiện gây trồng đáp ứng yêu cầu sau.

    2.2 Khí hậu:

    - Nhiệt độ trung bình năm: 21-230C.

    - Nhiệt độ tối cao: 380C.

    - Nhiệt độ tối thấp: 10C.

    - Lượng mưa trung bình năm: trên 2.000mm.

    - Độ ẩm không khí trung bình: trên 80%.

    - Tổng số ngày mưa trong năm: trên 120 ngày.

    - Số ngày có sương mù: trên 150 ngày/năm.

    2.3 Địa hình, đất đai:

    - Độ cao: Miền núi phía Bắc: Thích hợp trồng ở độ cao từ 300-600m so với mực nước biển. Độ dốc: độ dốc từ 10-250.

    - Đất đai: đất feralit giàu mùn, tầng đất dày ≥ 80cm, tầng đất mặt có màu xám đen, hàm lượng mùn trên 2,5%, thành phần cơ giới trung bình hoặc thịt nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt, độ ẩm cao, chua yếu (pH từ 4,0-5,0), giàu đạm dễ tiêu (N ≥ 5mg/100g đất ) và kali dễ tiêu (K2O ≥ 5mg/100g đất). Quế không thích hợp ở các khu vực có cây bụi chỉ thị đất thoái hoá như chổi xể, sim, mua chiếm ưu thế, đất đá ong hóa, đất chua phèn, đất ngập nước và đất đá vôi khô.

    2.4 Thực bì:

    Quế trồng thích hợp những nơi có rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng phục hồi, đất trống có cây bụi, cây gỗ rải rác, nương rẫy mới, vườn hộ cây ăn quả hay cây công nghiệp, nhưng còn tính chất đất rừng và độ tàn che từ 0,2-0,3.

    II. SẢN XUẤT CÂY GIỐNG :

    1. Giống và tạo cây con

    Giống được thu hoạch từ các nguồn giống (rừng giống, vườn giống, cây trội) được các cấp có thẩm quyền công nhận. Trong trường hợp chưa có nguồn giống được công nhận:

    - Lâm phần lấy hạt giống:Tuổi từ 15 - 30 năm; Sinh trưởng phát triển tốt, chưa từng bị sâu bệnh; đa số các cây có vỏ dày.

    - Cây mẹ lấy hạt giống: Sinh trưởng phát triển tốt, không sâu bệnh, chưa bị bóc vỏ, thân thẳng, vỏ nhẵn, đoạn thân dưới cành lớn, ít mấu mắt trên thân, tán rộng và cân đối, ít cành và cành nhỏ; Tán lá tròn đều, dài, cân đối; cây sai quả; vỏ dày, lớp dầu chứa trong vỏ dày, hàm lượng và chất lượng tinh dầu cao.Cây sai quả ổn định trong 3 năm liên tục.

    2. Nhân giống bằng hạt:

    2.1) Thu hái hạt giống

    Thu hái quả làm giống vào vụ chính (vụ mùa) từ tháng 1 đến tháng 2 (dương lịch)hàng năm, khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu tím sẫm, thịt quả mọng nước, mùi thơm, hạt bên trong màu đen và cứng, khi đó quả rất dễ rụng. Thu hái quả bằng cách trải tấm vải bạt dưới gốc và trèo lên cây rung cho rụng quả xuống.

    2.2) Chế biến hạt giống

    Sau khi thu hái quả chín cần loại bỏ những quả xanh, xấu, nhỏ lép, còn lại ủ thành đống từ 2 - 3 ngày để quả chín đều, đống ủ không cao quá 50cm, mỗi ngày đảo đống quả một lần. Khi quả chín đều đem ngâm vào nước lã từ 12 - 16 giờ, sau đó trà sát nhẹ để loại bỏ lớp vỏ quả và rửa sạch hạt, hong khô nơi râm mát cho hạt ráo nước rồi đem bảo quản hoặc gieo ngay. Thông thường từ 2-2,5 kg quả chế biến và thu được 1 kg hạt.

    2.3) Bảo quản hạt giống

    Hạt Quế sau khi thu hái và chế biến có thể đem gieo ngay hoặc trong điều kiện chưa gieo ngay được có thể đưa vào bảo quản, có 2 phương pháp bảo quản hạt Quế:

    - Bảo quản theo phương pháp truyền thống: hạt giống được trộn đều với cát ẩm từ 15-20% theo tỷ lệ 1 hạt 2 cát (nắm cát trong tay khi bỏ tay ra cát vẫn giữ nguyên hình dạng của nắm cát). Sau đó cho hỗn hợp hạt và cát vào túi vải hoặc chum vại sành để ở nơi râm mát. Có thể bảo quản trong hầm đất. Thời gian bảo quản không quá 30 ngày.

    - Bảo quản lạnh: hạt giống được cho vào túi nilon hoặc bình thuỷ tinh đậy kín, đưa vào tủ lạnh để bảo quản ở nhiệt độ 150C. Thời gian bảo quản không quá 3 tháng.

    2.4) Làm đất

    - Làm đất gieo hạt: tiến hành trước khi gieo 1 tháng, cuốc xới đất sâu 20cm, đập đất nhỏ đường kính dưới 5mm, phơi ải để diệt cỏ và mầm sâu bệnh hại. Luống gieo rộng 1,0 m, dài tuỳ lượng hạt gieo, cao 15-20 cm, rãnh luống rộng 35 - 40cm.

    - Tạo luống đặt bầu: dẫy sạch cỏ, san phẳng và lên luống rộng 1m, chiều dài luống tuỳ theo điều kiện cụ thể, rãnh luống rộng 50 cm, nện chặt mặt luống. Trước khi đặt bầu 5-7 ngày phun Vi-Ben C (liều lượng 0,5 lít/1m2, nồng độ 0,5%) diệt trừ nấm và sâu bệnh, vỏ bầu bằng polyetylen có đáy hoặc không đáy, kích thước bầu 7x12cm. Thành phần ruột bầu gồm: 90% đất tầng mặt được đập nhỏ nhỏ, sạch cỏ trộn với 8-9% phân chuồng hoai và sàng nhỏ (hoặc phân vi sinh), 1-2% phân NPK (tỷ lệ 5.10.5 hoặc 10.10.5).

    - Xử lý hạt: hạt giống được ngâm vào nước ấm 30-400C (2 nước sôi pha với 3 nước lạnh) trong 8 giờ, vớt ra để ráo nước, cho vào túi vải ủ mỗi ngày rửa lại 1 lần đến khi hạt nứt nanh thì đem gieo. Cũng có thể sau khi xử lý hạt bằng nước ấm 30-400C đem gieo ngay vào luống đất hoặc luống cát để tạo cây mầm rồi mới nhổ cấy vào bầu.

    - Gieo hạt: thời vụ gieo hạt tốt nhất vào tháng 2-3 hàng năm. Trước khi gieo hạt 1 ngày phun Viben C nồng độ 0,5 % luống (hoà 5g Vi-Ben C với 1 lít nước sạch và phun đều cho 100m2 mặt luống) để phòng trừ nấm bệnh. Ngay trước khi gieo hạt, tưới nước cho đủ ẩm trên luống, gieo khoảng 3kg hạt/1m2 mặt luống, dùng cát mịn phủ kín hạt dày từ 0,5-1 cm, sau đó phủ lên mặt luống một lớp rơm rạ hoặc cỏ tranh để giữ ẩm.

    - Ngoài ra cũng có thể gieo hạt thẳng vào bầu: dùng que chọc lỗ, độ sâu từ 0,5 cm - 1cm và  gieo hạt đã nứt nanh vào bầu rồi lấp hạt bằng lớp đất mịn, dày 0,3 cm - 0,5cm cho kín hạt. Chú ý đặt phần chóp mầm của hạt xuống phía dưới.

    - Chăm sóc cây mạ:

    + Hàng ngày kiểm tra luống gieo, nhặt cỏ, tưới nước đủ ẩm cho luống gieo. Tuỳ theo điều kiện thời tiết tưới từ 1-2 lần/ngày. Tưới vào lúc sáng sớm và cuối buổi chiều.

    + Định kỳ từ 10-15 ngày phun 1 lần dung dịch Viben C, nồng độ 0,5 %, liều lượng 10 lít dung dịch phun đều cho 100m2 mặt luống.

    + Làm giàn che để che bóngbằng lưới nilon đen 75% để che. Khi hạt nẩy mầm lên khỏi mặt đất từ 5-7cm có thể nhổ cấy vào bầu.

    - Cấy cây:

    + Luống bầu được tưới hoặc phun dung dịch Viben C nồng độ 0,5 % 1 lít phun đều cho 100m2 mặt luống để phòng trừ nấm bệnh trước 1 ngày.

    + Chọn những cây mầm có chiều cao từ 5-7 cm, có từ 3-4 lá, sức sống khỏe mạnh, dùng tay hoặc que nhọn để bứng cây mầm, ngâm gốc rễ cây mầm vào khay có một ít nước sạch và đem đến địa điểm cấy.

    - Chăm sóc cây con:

    + Trong 30 ngày đầu sau gieo hạt hoặc cấy cây, nếu trời khô hanh cần tưới nước 2 lần/ngày (sáng và chiều), 60 ngày tiếp theo có thể tưới mỗi ngày từ 1-2 lần tuỳ theo điều kiện thời tiết cụ thể.

    + Làm cỏ, phá váng: định kỳ từ 15-20 ngày tiến hành làm cỏ phá váng mặt bầu 1 lần.

    + Bón thúc: cả giai đoạn vườn ươm có thể bón thúc cho cây con 2 lần bằng phân chuồng hoai pha loãng hoặc phân NPK (tỷ lệ 5.10.5 hoặc 10.10.5), nồng độ 2% (20g NPK pha với 10 lít nước), tưới 2 lít/1m2 mặt luống. Lần 1 tưới khi cây đạt 3 tháng tuổi, lần 2 khi cây đạt 6 tháng tuổi.

    + Khi cây con có chiều cao từ 15-20cm cần đảo bầu kết hợp xén rễ và phân loại cây con để tiện chăm sóc.

    - Bảo vệ và phòng trừ sâu bệnh:

    Thường xuyên theo dõi phát hiện sâu bệnh để phòng trừ kịp thời.

    3. Tiêu chuẩn cây con đem trồng

    - Cây con 1 năm tuổi: Là những cây được nuôi dưỡng trong vườn ươm khoảng 1 năm tuổi (có thể từ 9 - 14 tháng) tùy thuộc vào thời vụ trồng. Chiều cao (H) ≥ 30cm, đường kính gốc (D00) ≥ 0,3cm, có từ 5-7 lá, sinh trưởng bình thường, không cụt ngọn, lá xanh, không sâu bệnh.

    - Cây con 2 năm tuổi: Là những cây được nuôi dưỡng trong vườn ươm khoảng 2 năm tuổi (có thể từ 16 - 24 tháng) tùy thuộc vào thời vụ trồngChiều cao (H) ≥ 45cm, đường kính gốc (D00) ≥ 0,5cm, có từ 7-10 lásinh trưởng bình thường, thân thẳng, không cụt ngọn, lá xanh, không sâu bệnh.

    III. KỸ THUẬT TRỒNG:

    1. Phương thức trồng

    Có 3 phương thức trồng chính:

    - Trồng tập trung thuần loài

    - Trồng nông lâm kết hợp: trồng Quế trên toàn bộ diện tích và trồng xen cây nông nghiệp như sắn, lúa, chè….

    - Trồng phân tán trong các vư­ờn hộ: trồng quanh nhà, trồng xen cây ăn quả trong vườn hộ.

    2. Thời vụ trồng

    - Vụ xuân: tháng 2- tháng 4

    - Vụ thu: tháng 7 - tháng 9

    3. Mật độ trồng

    * Trồng tập trung thuần loài:

    Mật độ 1.650 cây/ha (3x2m); hoặc 2.500 cây/ha (2x2m); hoặc 3.300 cây/ha (1,5x2m)

    * Trồng theo phương thức nông lâm kết hợp:

    Mật độ trồng phổ biến là 5.000 cây/ha (1x2m); hoặc 3.300 cây/ha (1,5x2m)

    * Trồng phân tán trong các vườn hộ:

    Trồng phân tán trong các vư­ờn hộ: tùy theo điều kiện cụ thể từng gia đình để xác định mật độ trồng, nh­ưng cự ly tối thiểu cây cách cây 2-3m.                  

    4. Xử lý thực bì

    - Đối với địa hình có độ dốc <150: xử lý thực bì toàn diện bằng cách luỗng phát toàn diện dây leo, cỏ dại, gốc tre nứa, thực bì xếp gọn theo đường đồng mức. Chú ý, để lại cây tái sinh và cây gỗ kinh tế.

    - Đối với địa hình có độ dốc >150: xử lý thực bì theo băng hay rạch, băng (rạch) được bố trí chạy theo đường đồng mức. Kích thước băng (rạch) tuỳ thuộc vào mật độ trồng. Trồng với mật độ ban đầu là 3.300 hoặc 2.500 cây/ha thì băng chừa 1m và băng chặt 1m. Trồng với mật độ 1.650 cây /ha băng chừa 1m, băng chặt 2m.Trên băng chặt, thực bì được phát sạch đến gốc sau đó dọn ra hai bên băng. Chú ý: để lại cây tái sinh và cây gỗ kinh tế.

    - Đối với phương thức trồng nông lâm kết hợp: xử lý thực bì toàn diện bằng cách luỗng phát toàn diện dây leo, cỏ dại, gốc tre nứa, thực bì băm ngắn, xếp bên ngoài đường ranh giới lô.

    + Đối với phương thức trồng phân tán trong vườn hộ: xử lý thực bì cục bộ theo vị trí trồng cây, phát toàn diện dây leo, cỏ dại trong phạm vi trồng cây Quế. Chú ý: Chặt tỉa cành nhánh những cây ăn quả và cây gỗ xung quanh, điều chỉnh độ tàn che cho cây Quế mới trồng khoảng từ 30 - 40%.

    5. Làm đất

    - Cuốc hố kích thước 30x30x30cm hoặc 40x40x40cm. Khi cuốc hố để riêng lớp đất mặt sang một bên, lớp đất phía dưới sang một bên. Hố được cuốc xong trước khi trồng khoảng 30 ngày.

    - Lấp hố và bón lót

    + Trước khi trồng 10-15 ngày, tiến hành lấp hố kết hợp bón lót 2 kg phân chuồng hoai hoặc 500g phân vi sinh hoặc 200g phân NPK (5:10:3).

    + Hố được lấp đầy bằng cách đưa phần đất mặt trộn đều với phân xuống trước, sau đó mới lấp phần đất bên dưới lên trên, lấp đất đầy đến ngang miệng hố và cao hơn mặt đất xung quanh từ 3-5cm như hình mai rùa để tránh đọng nước.

    6. Trồng cây

    Dùng cuốc moi đất khơi rộng lòng hố vừa đủ đặt bầu cây. Rạch bỏ vỏ bầu, đặt bầu cây thẳng đứng trong lòng hố, lấp đất, lèn chặt gốc. 

    Sau 1 tháng kiểm tra và trồng dặm những đã cây chết hoặc thay thế các cây có nguy cơ chết, sức sống kém.

    IV. CHĂM SỐC VÀ BẢO VỆ RỪNG

    1. Chăm sóc rừng trồng Quế

    Rừng trồng Quế được chăm sóc trong 5 năm liền, kể từ khi trồng.

    - Năm thứ nhất: chăm sóc 1-2 lần, nếu trồng vụ xuân thì cần chăm sóc 2 lần, 1 lần vào trước mùa mưa (tháng 4-5) và 1 lần đầu mùa khô (tháng 10-11). Nếu trồng vào vụ thu chăm sóc 1 lần vào đầu mùa khô (tháng 10-11).

    Nội dung chăm sóc là phát quang thực bì, dây leo cỏ dại xâm lấn xung quanh cây mới trồng, làm cỏ xới gốc đường kính rộng từ 0,8-1m. Khi chăm sóc kết hợp với trồng dặm bổ xung những cây chết, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

    - Năm thứ 2: chăm sóc 3 lần, lần 1 vào đầu mùa xuân (tháng 1-2), lần 2 vào đầu mùa mưa (tháng 4-5), lần 3 vào đầu mùa khô (tháng 10-11).

    Nội dung chăm sóc gồm phát dọn dây leo, bụi rậm, cỏ dại xâm lấn, làm cỏ, vun xới gốc đường kính rộng từ 0,8-1m, kết hợp với bón thúc phân, liều lượng 200g NPK (5:10:3) kết hợp với 500-1.000g phân hữu cơ vi sinh cho 1 gốc.

    - Năm thứ 3: Mỗi năm chăm sóc 3 lần như năm thứ 2.

    - Năm thứ 4 và năm thứ 5: Mỗi năm chăm sóc 2 lần, lần 1 vào đầu mùa mưa (tháng 4-5), lần 2 vào đầu mùa khô (tháng 10-11).

    Nội dung chăm sóc gồm phát dọn thực bì, phát dây leo, cây bụi xâm lấn, kết hợp tỉa cành tạo tán và điều chỉnh độ tàn che, nếu có cây rừng cạnh tranh ánh sáng cần chặt bỏ để tạo điều kiện cho cây Quế sinh trưởng và phát triển đồng đều và tốt hơn.

    2. Phòng trừ sâu bệnh hại

    - Sâu ăn lá: dùng các biện pháp diệt trừ bằng phun dung dịch Trebon nồng độ 0,2% .

    - Sâu đục thân: dùng đèn bẫy để bắt và diệt.

    - Sâu ăn vỏ: hiện nay chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu, có thể đốt hoặc bắt diệt sâu bằng phương pháp thủ công.

    - Bệnh tua mực phải chặt bỏ và đem ra khỏi rừng để đốt và tiêu hủy ngay mầm bị bệnh.

    3. Phòng chống cháy rừng và bảo vệ

    - Phải có đường ranh cản lửa; không đun nấu hoặc đốt ong trong rừng quế;

    - Không để người và gia súc vào phá hoại rừng trồng.

     

      

    Phạm Thị Thủy - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái