• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG CHÈ SHAN BẰNG HẠT
    02/01/2023 3:31:00 CH
    Lượt xem: 1094

    Chè shan là cây công nghiệp dài ngày và cũng là cây rừng được phân bố chủ yếu trên núi cao (Trên 500 m so với mặt biển), gắn liền với đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc. Cây chè shan có chiều cao từ  10- 12 m. Búp chè shan thuộc loại to, khoảng 0,7 - 0,9 gam / búp, tôm có tuyết trắng. Nếu trồng ở mật độ 3000 cây năng suất búp từ 3,5 - 5 tấn / ha. Chè shan có chất lượng tốt dùng để chế biến chè xanh, chè đen, chè sạch có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu cao.

    Việc phát triển chè shan không những có ý nghĩa về kinh tế xã hội, môi trường sinh thái mà còn khai thác có hiệu quả nguồn lao động, đất đai và khí hậu vùng cao, tạo thêm việc làm có thu nhập, phù hợp với tập quán canh tác, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc.

     1. Chọn cây chè để lấy hạt giống :

    Cây chè shan để lấy giống có  từ 10 tuổi trở lên, sinh trưởng khoẻ có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt.

    Chọn quả chín già, vỏ quả màu xanh vàng hoặc xanh xám. Khi cây chè bắt đầu có quả nứt thì thu hái. Thời vụ thu hoạch quả  vào trung tuần tháng 10 hàng năm.

    Tiêu chuẩn hạt: Vỏ sành hạt nâu, đen sẫm, nhân chắc, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 75%, đường kính hạt đạt trên 12 mm, không lẫn giống, không sâu bệnh.

    2. Bảo quản hạt chè giống:

      Quả chè giống hái xong phải để nơi râm mát. Rải quả trên nền sạch thành lớp mỏng 10 - 15 cm để tránh thối quả, mỗi ngày đảo 2 - 3 lần.

    Sau khi hái được 2 - 3 ngày bóc vỏ lấy hạt, hạt được sử lý và gieo ươm ngay là tốt nhất. Nếu chưa gieo ngay cần loại bỏ các hạt chè thối để tránh lây lan và đem bảo quản. Thời gian bảo quản không quá 1 tháng.

    * Cách bảo quản: Đào hố rộng 1- 1,5 m dài 3 - 4 m, sâu 0,5 m. Đáy rải lớp cát dày 5- 7 cm sau đó rải lớp hạt chè dày 10 - 15 cm, cứ như vậy rải 1 lớp cát lại 1 lớp hạt chè. Hố bảo quản  phải có mái che mưa, nắng và rãnh thoát nước. Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ trong đống chè, nếu nhiệt độ cao phải tiến hành đảo hạt .

    3. Xây dựng vườn ươm và làm bầu.

    * Xây dựng vườn ươm: Vườn ươm bố trí nơi đất bằng phẳng, gần nguồn nước, gần nơi trồng, tiện đường vận chuyển, chăm sóc.

    Bố trí luống xếp bầu rộng 1 - 1,2 m, cao 15 - 20 cm, dài 8 - 10 m, Rãnh luống rộng 40 cm, nền luống bằng phẳng, mặt luống phủ 1 lớp đất tơi dầy 5 - 7 cm, xung quanh vườn có rãnh thoát nước sâu 50 cm rộng 50 cm.

    Làm giàn che có chiều cao 1,2 - 1,5 m. Vật liệu làm giàn bằng tre, tranh, phên nứa... có rào xung quanh vườn ươm để tránh gió lạnh và gia súc phá hại.

    * Làm bầu:  Đất đóng bầu phải tơi, xốp, nhỏ (Qua sàng đất) đất được trộn đều với phân chuồng hoai mục và phân lân hoặc phân vi sinh. Cứ 1 m3 đât đóng bầu trộn 100 - 150 kg phân chuồng hoai + 7- 8 kg phân lân hoặc 10 - 15 kg phân vi sinh.

    + Túi bầu: Bằng ni lon có nửa chu vi bằng 10 - 12 cm, cao 20 -  22 cm, xung quanh phần đáy túi có đục lỗ so le từ 6 - 8 lỗ.

    + Kỹ thuật đóng bầu: Dùng hỗn hợp đất phân đã chuẩn bị sẵn cho vào bầu và lắc để tạo độ chặt tự nhiên. Bầu được xếp sát nhau theo hình nanh sấu, xung quanh có nẹp để giữ bầu thẳng và chống đổ. Thời gian làm vườn ươm, làm bầu giống từ tháng 9 - 10.

    4. Thời vụ, xử lý hạt và tra hạt vào bầu.

    -Thời vụ gieo hạt: Từ tháng 10- tháng 11hàng năm.

    - Xử lý hạt : Ngâm hạt trong nước sạch khoảng 12 - 15 giờ, vớt bỏ hạt nổi lép bên trên, số hạt còn lại đem rửa hết nước chua và ủ ấm.

    - Tra hạt vào bầu: Chọn những hạt nứt nanh đem tra vào bầu trước, số hạt còn lại tiếp tục ủ, cứ 3 - 4 ngày chọn hạt nứt nanh đem tra 1 lần.

    - Khi tra hạt vào bầu cần đảm bảo đất bầu phải ẩm. Dùng que nhọn chọc 1 lỗ giữa bầu sâu 2 - 3 cm và thả hạt vào, quay cho mầm hạt lên trên. (Lưu ý dâm 1 ít hạt vào góc vườn để có cây dặm bầu). Tra hạt xong phủ 1 lớp đất mỏng hoặc hỗn hợp đất và vỏ trấu lên mặt bầu.

    5. Chăm sóc vườn ươm.

    - Những tháng đầu cần kiểm tra thường xuyên và dặm kịp thời bằng hạt hoặc cây dự phòng. Xới phá váng, nhổ sạch cỏ trong bầu, rãnh luống và quanh vườn ươm. Mỗi tháng làm 2 - 3 lần để đất thông thoáng và kích thích bộ rễ phát triển.

    -  Tưới nước: Thời kỳ đầu tưới ít nước nhưng tưới nhiều lần bằng ô doa. Sau khi cây được 3 tháng trở lên tưới ít lần nhưng nhiều nước sao cho bầu chè luôn đủ ẩm (Độ ẩm đạt 70- 80%).

    - Ánh sáng: Thời kỳ đầu vườn ươm được che kín sau dỡ dần giàn che. Không tháo giàn che vào những lúc nắng to hoặc tháo đột ngột. Trước khi trồng 1 tháng dỡ giàn che hoàn toàn để luyện cho cây chè thích ứng với điều kiện tự nhiên.

    - Bón phân: Sau khi cây chè đã ra lá thật (60 - 90 ngày) bón bổ xung phân vô cơ (N.P.K) pha loãng với nồng độ 1 - 2% tức là từ 100 - 200 gam phân pha với 10 lít nước, tưới từ 1- 2 lít / m2 bầu. Tưới phân xong phải tưới lại bằng nước lã để rửa lại lá. Trước khi trồng 1 tháng ngừng tưới thúc phân.

    - Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra, phát hiện sâu bệnh kịp thời để sử lý theo hưỡng dẫn của chuyên ngành BVTV.

    - Đảo bầu: Cây chè trong vườn ươm phải được đảo bầu từ 3 - 4 lần trở lên nhằm chọn cây khoẻ xếp riêng, tập trung chăm sóc những cây còi cọc còn lại để các  bầu chè sinh trưởng đồng đều.

    - Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn: Chiều cao cây trên 30 cm; Có 8- 10 lá thật; Đường kính gốc trên 3,5 cm; Không lẫn giống, không sâu bệnh, còn nguyên bầu đất. 

     

     

     

    Nguyễn Văn Đoàn - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái