• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    KỸ THUẬT ÚM GÀ
    23/02/2021 2:12:00 CH
    Lượt xem: 610

    1.Chuẩn bị trước khi úm gà

    + Chuồng trại

    Trước khi nhập gà về nuôi bà con cần làm tốt khâu vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, dùng các hóa chất sát trùng như vôi bột, iodin, vikok, Foocmol,…theo hướng dẫn của nhà sản xuất để phun sát trùng nền chuồng, tường chuồng nhằm tiêu diệt mầm bệnh phát sinh từ các lứa nuôi trước, đặc biệt các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như cầu trùng, thương hàn gà,…Với những hộ chăn nuôi gà quy mô lớn từ 1000 con trở lên thì nên thiết kế riêng khu chuồng chuyên nuôi úm.

    Có hệ thống bạt che chắn xung quanh chuồng khi cần thiết nhằm tránh thất thoát nhiệt khi úm và tránh gió lùa.

    Chuẩn bị chất độn chuồng: chất độn bằng trấu, mùn cưa hoặc phôi bào rải nền chuồng dày từ 8 – 10 cm. Lưu ý kiểm tra chất độn chuồng không được ẩm mốc, không lấy mùn cưa, phôi bào từ các loại gỗ có hoạt tính độc như gỗ lim,…

    Bà con nên áp dụng chăn nuôi gà trên nền đệm lót vi sinh, vừa có tác dụng giảm mùi hôi, giảm thiểu dịch bệnh, cải thiện môi trường, đệm lại có khả năng sinh nhiệt sưởi ấm cơ thể gia cầm và đỡ tốn công dọn chất độn chuồng thường xuyên.

    + Quây úm hoặc lồng úm gà con:Quây úm gà có thể dùng cót ép, vanh tôn,… chiều cao 0,5m; đảm bảo mật độ tuần đầu tiên từ 15-25 con/m2. Quây được nới rộng dần theo tuổi của gà và nhiệt độ môi trường. Lồng úm có kích thước 1 m x 2 m x 0,5 m để úm 50 – 75 con.

    ( Tiến hành quây úm gà con bằng cót )

    + Máng ăn, máng uống

    Máng ăn: giai đoạn gà nhỏ có thể dùng khay, mẹt. Mật độ 50gà/khay có kích thước 50 x 50cm.

    Máng uống: giai đoạn úm cho uống bằng máng galon loại 2lit.

    + Chụp sưởi: dùng bóng điện, bóng hồng ngoại, chụp sưởi gas,…treo giữa quây gà, treo cao 40 – 50 cm so với nền.

    1. Cách úm gà con

    Thời gian úm:

    Tùy theo mùa (nhiệt độ) mà thời gian úm gà có thể từ 3 – 6 tuần

    Sưởi ấm:

    Dùng chụp sưởi, bóng điện để sưởi ấm cho gà, đảm bảo gà đủ ấm, đi lại ăn uống bình thường. Nhiệt độ chuồng nuôi phù hợp cho gà:

    Giai đoạn từ 0 –7 ngày tuổi là 31 – 32 C

    Giai đoạn từ 8 – 21 ngày tuổi là 28 – 30 C

    Giai đoạn từ 22 – 28 ngày tuổi là 22 – 28 C

    Tuỳ theo mùa vụ và hiện trạng đàn gà mà điều chỉnh nhiệt sưởi cho thích hợp. Nếu gà tụm lại xung quanh nguồn nhiệt, kêu chiếp chiếp không ăn là thiếu nhiệt. Gà tản xa nguồn nhiệt, há miệng thở là thừa nhiệt. Gà đi lại nhanh nhẹn ăn uống bình thường là nhiệt thích hợp. Nếu gà tụm lại một góc thì phải quan sát có gió lùa hay không.

    + Chế độ ánh sáng:

    Thời gian chiếu sáng và cường độ ánh sáng rất quan trọng đối với gà con. Nếu sử dụng được nguồn chiếu sáng sẽ có tác dụng làm tăng đòi hỏi về thức ăn, kích thích cơ thể phát triển mà không làm giảm hiệu quả sử dụng thức ăn. Ở giai đoạn úm nên cung cấp đầy đủ ánh sáng để gà đi lại ăn uống cả ngày lẫn đêm (24/24giờ)

    + Chăm sóc gà con:

    Khi mới bắt gà về, cho gà uống nước sạch, ấm, bổ sung thêm Vitamin C, B1, đường Glucoza trước khi cho gà ăn. Mỗi ngày thay nước 2 – 3 lần và rửa máng uống sạch sẽ.

    Sau 2 – 3 giờ đầu cho gà uống nước thì đổ thức ăn cho gà con, chú ý nên chọn loại cám đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng theo tiêu chuẩn kỹ thuật( độ đạm từ 19-21%) cho gà ăn tự do 4 – 6 lần/24 giờ, mỗi lần bổ sung thức ăn mới cần sàng thức ăn cũ để loại bỏ chất độn chuồng và phân lẫn vào thức ăn. Không nên đổ thức ăn dày quá bởi vì gà con vừa ăn vừa bới, mỗi lần cho gà ăn nên quan sát khả năng ăn của gà để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau, thông thường để kích thích tính thèm ăn và nâng cao tỷ lệ thu nhận thức ăn thì mỗi lần cho gà ăn nên đổ một lượng cám mà gà ăn hết trong vòng 15 – 30 phút, sau đó treo cao hoặc nhấc máng ăn ra ngoài.

    Chú ý:

    Nếu úm với số lượng nhiều nên chia làm các ô úm đảm bảo mỗi ô không nên quá 500 con để tiện chăm sóc quản lý, tăng độ đồng đều của gà.

    Thực hiện tốt quy trình phòng bệnh bằng vacxin:Như IB; Newcaste, cúm gia cầm, Gumboro,… theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

    Sử dụng một số kháng sinh để phòng bệnh đường tiêu hóa cho gà, khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc thay đổi môi trường nuôi, chuyển thức ăn khác,…

     

    Ngô Đăng Sỹ - Trung Tâm Khuyến Nông Tỉnh Yên Bái