• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật nuôi dúi sinh sản
    22/02/2023 7:47:00 SA
    Lượt xem: 769

    Nuôi dúi hiện nay đang là một hướng đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Tuy nhiên để mô hình này thành công người nuôi dúi cần phải nắm rõ kỹ thuật nuôi cũng như hiểu rõ được tập tính sinh trưởng của loài động vật này. Dúi được xếp vào loại đặc sản nhờ thịt ngon, mát và giàu  đạm. Dúi rất rễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro. Sau đây xin giới thiệu một số kỹ thuật nuôi dúi sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

    1 . Điều kiện để phát triển chăn nuôi dúi:

    Các hộ có nhu cầu phát triển chăn nuôi dúi cần phải đăng ký phát triển chăn nuôi dúi với chi cục Kiểm Lâm địa bàn các huyện, thị, thành phố nơi mình sinh sống. Các con giống mua về phải có nguồn gốc rõ ràng là Dúi nuôi được kiểm lâm cấp phép.

    2. Chuồng nuôi dúi sinh sản

    Diện tích của mỗi ô rộng 50cm, dài 0.8 đến 1m, thành ô phải xây chắc chắn và có chiều cao khoảng từ 70cm, mặt thành tô xi măng láng và ốp gạch men. Đối với nền chuồng nuôi có thể dán gạch men hay bê tông đều được ( nếu đổ bê tông độ dày 5cm trở lên để chống dúi đào hang),nên chia mỗi ô làm 2 ngăn, ngăn bên trong được dùng để sinh sản, ngăn bên ngoài làm nơi cho dúi chơi và ăn uống, có mái che mưa, che nắng, đảm bảo môi trường sạch sẽ và thông thoáng. Bà con có thể dùng đệm lót sinh học VBio, BalasaNo1.. để khử mùi hôi trong chuồng của chúng và giúp ngăn chặn vi sinh vật kí sinh có điều kiện phát triển. Chuồng nuôi phải có nắp đậy, bên trong chuồng có ống cống đường kính từ 18-20cm, số ống tương đương với số dúi. Xung quanh chuồng nuôi nên quây lưới thép B40 để bảo vệ dúi, đề phòng trộm cắp.

    3. Chọn giống dúi để nuôi sinh sản

    Nên chọn con giống được đã đạt 7 tháng tuổi trở lên, khối lượng đạt từ 700 đến 800g. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn giống giữa 2 dòng khác nhau để tránh đồng huyết. Sau khi chọn giống xong cũng nên nuôi riêng.

    Khi chọn giống cần phân biệt dúi đực và dúi cái

    Chọn dúi đực: Hãy chú ý quan sát bộ phận sinh dục của dúi, nếu là dúi đực thì sẽ có 2 tinh hoàn như chó và không có vú. Chọn dúi đực nên ưu tiên con giống khỏe mạnh, không bị tật, bằng hoặc to hơn dúi cái. Trung bình mỗi con dúi đực có thể phối giống được cho 4 đến 5 con dúi cái.

    Chọn dúi cái: Dúi cái có 2 hàng vú ở 2 bên sườn giống của của lợn

    Nên chọn những con giống có kích thước tương đồng thuận tiện cho việc chăm sóc.

    Con giống phải khỏe mạnh, lông mượt, không bị dị tật, ăn khỏe, ăn nhiều, lanh lợi, chạy nhảy khỏe trong chuồng nhốt.

    4. Thức ăn và khẩu phần ăn 

    Dúi là động vật gặm nhấm, chúng ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau, nhưng phần lớn là rễ, củ (măng) của các loại cây họ tre, nứa, trúc, mía, cỏ voi, củ quả của các loại cây ngũ cốc, sắn, khoai chúng cũng ăn một số loại rau xanh như rau muống, rau cần, cây bụi.

    Nuôi dúi thương phẩm còn có thể bổ sung thêm các loại thức ăn tinh hỗn hợp, ngô, thức ăn động vật như côn trùng, ốc, giun đất, thức ăn bổ sung chất khoáng.

    Tuy nhiên thức ăn cứng vẫn phải bắt buộc có trong khẩu phần ăn của dúi, lượng thức ăn mềm chiếm ít hơn vì theo một số nghiên cứu, nếu cho ăn quá nhiều thức ăn mềm sẽ làm dúi bị tiêu chảy. 

    Khi cho ăn, bà con nên quan sát trong khoảng 12 tiếng nếu chúng bỏ thừa thì lần sau sẽ giảm bớt thức ăn, còn nếu chúng ăn hết thì lần sau có thể bổ sung thêm cho nhanh lớn. 

    Nếu quá 12 tiếng mà còn thừa lại thức ăn thì bà con nên bỏ đi vì không đảm bảo, dễ sinh ẩm mốc khiến dúi bị tiêu chảy hoặc bị bệnh...

    5. Phối giống, chăm sóc và nuôi dưỡng các

    Khi nuôi dúi sinh sản, bà con nên nhốt riêng dúi đực và dúi cái, đồng thời xây chuồng phối rộng để thả dúi đực vào đó để tiến hành phối giống. Một con dúi đực khỏe mạnh trung bình có thể phối cho 4 con dúi cái trong chu kỳ sinh sản. 

    Quan sát thời kỳ động dục: 

    Dúi cái được chăm sóc tốt có thể bắt đầu động dục lúc 6 tháng tuổi.

    Biểu hiện động dục của dúi cái thường không quá rõ ràng. Người chăn nuôi nếu thấy chúng ăn ít đi, bộ phận sinh dục có màu hồng đỏ, đi lại trong chuồng tìm con đực thì đem nhốt sang bên chuồng phối. Ngoài ra, dúi cái thường sẽ phát ra tín hiệu đặc trưng để tìm con đực, khi bắt dúi cái nhốt chung thì biểu hiện động dục rõ ràng nhất là dúi cái tiến lên trước và nùi đít vào mặt con đực để được giao phối.

    Chú ý: Nên thả từ từ dúi cái vào chuồng, ở góc phía xa để tránh cắn nhau. Trường hợp xảy ra cắn nhau thì phải chuyển sang con đực khác.

    Kỹ  thuật phối giống: Để 2 con giống phối ghép tự nhiên. Chúng có thể giao phối với cường độ liên tục từ 1,5 - 2 phút/ lần. Sau khi giao phối xong nếu cả 2 con đều cúi xuống làm sạch bộ phận sinh dục thì quá trình phối giống đã thành công. Đến ngày thứ 2 - 3 sau khi phối giống thành công, bà con tiến hành tách dúi cái, đưa chúng lên ổ đẻ chăm sóc. Đồng thời, cho dúi đực nghỉ ngơi khoản 10 ngày sau đó tiếp tục cho phối với con cái khác. 

    5. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng dúi mang thai và sinh sản 

    Chăm sóc khi mang thai và sinh sản

    Thời gian này bà con phải đảm bảo không gian yên tĩnh, cung cấp đầy đủ thức ăn và dinh dưỡng. Đặc biệt, bà con tăng khẩu phần măng, tre, mía, các loại ngô, khoai, sắn. Dùng giấy, lá khô hoặc lá chuối để lót ổ chuẩn bị cho dúi đẻ.

    Dúi đẻ tự nhiên, thường không cần đến sự hỗ trợ của con người. Do đó khi chúng đẻ, người nuôi không nên xem, sờ hoặc bắt dúi con. Lúc dọn chuồng phải dọn thật nhẹ nhàng, khéo léo. 

    Chăm sóc Dúi con từ khi sinh đến 45 ngày tuổi

    Dúi con sinh ra thường không có lông, sau 10 ngày thì bắt đầu mọc lông. Chúng cũng mở mắt chậm nhưng đã biết ăn ngay từ khi chưa mở mắt.  Sau khoảng 10 ngày thì bà con có thể tiếp cận chúng để thuận tiện cho việc chăm sóc. Đến khi chúng được khoảng 20 ngày tuổi, bà con nên bắt đầu cho chúng tập ăn măng, mía, củ tre... Sau 45 ngày thì tách mẹ để nuôi thương phẩm hoặc tiếp tục nuôi lấy giống. nếu như không tách thì dúi mẹ sẽ cứ tiếp tục nuôi con, không có biểu hiện động dục. 

    6. Công tác thú y trong chăn nuôi dúi

    Thường xuyên định kỳ dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, dọn nước tiểu để tránh bệnh ghẻ lở. Dùng các loại chế phẩm rắc lên nền chuồng hoặc phun xử lý chất thải, không để thức ăn thừa lưu cữu...  

    Chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát, không quá nóng mà cũng không quá lạnh, ẩm ướt.

    Nguồn thức ăn phải có xuất xứ rõ ràng, không chứa chất độc hại. Thức ăn tươi mới, được bảo quản tốt nhất.

    Phối giống tránh cận huyết, định kỳ thai đổi và luân chuyển dúi đực giống 

     

     

    Ngô Đăng Sỹ - Trung tâm Khuyến nông