• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật nhân giống đinh lăng bằng phương pháp giâm hom
    01/06/2023 9:01:00 SA
    Lượt xem: 2937

     Đinh lăng tên khoa học là Polyscias Fruticosa (L), họ ngũ gia bì (Araliaceae) được trồng phổ biến ở nước ta. Theo đông y, lá đinh lăng có vị nhạt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng điều trị chữa ho ra máu, chống dị ứng, giải độc thức ăn, chữa kiết lỵ…do đó dùng lá đinh lăng dưới dạng rau gia vị hay chế thành nước uống đều tốt cho sức khỏe.

    1. Chọn giống.

    Khi lựa chọn hom để làm giống không nên chọn những cây quá già hay quá non, tốt nhất nên chọn các cành bánh tẻ. Để có được nhiều giống và dễ chăm sóc sau này, nên chặt cành ra thành nhiều đoạn, có độ dài khoảng 25 - 30cm, tránh làm dập 2 đầu của các đoạn.

    2. Tạo giá thể giâm hom:

    Hom có thể giâm vào bầu nilong, hoặc cấy trên cát vàng đã rửa sạch và khử trùng bằng thuốc tím  (KMnO4) nồng độ 0,1% phun 10 lít/100m2. Sử dụng bầu PE kích thước 8 x 15 cm. ruột bầu được đóng bằng 90% đất thịt vườn ươm (tốt nhất là đất đồi feralis vàng đỏ) làm nhỏ, loại bỏ rễ cỏ và tạp chất + 9% phân chuồng hoai + 1% supe lân tính theo trọng lượng bầu. Bầu đóng đầy, chặt, xếp thành luống rộng 0,8 – 1m, dài 5m, rãnh rộng 50 – 60cm. mặt bầu bằng phẳng, lấp đất quanh luống cao 2/3 bầu, cho đất bột vào các khe hở giữa các bầu.

    3. Cắt hom: 

    Hom được cắt thành các đoạn ngắn có chiều dài 15 - 20cm, có 3 - 4 mắt lá (dùng dao sắc để chặt, tránh bị dập hai đầu), để lại trên hom từ 3-4 lá, mỗi lá được cắt tỉa chỉ để lại 1/3 phiến lá, tỉa bỏ phần dưới gốc hom,  cắt vát 450  và phải cắt thật gọn để không bị dập, nhúng vào dung dịch thuốc Ridomil trong 10 - 12 phút để trừ nấm bệnh . Sau đó đem hom đi giâm, không cần rửa lại bằng nước lã hoặc dùng thuốc tím (KMnO4) nồng độ 0,1% (1 gam thuốc tím/1 lít nước), tưới đẫm vào bầu tới độ sâu 3 - 4 cm. Xử lý nấm được tiến hành trước khi cắm hom 12 giờ đồng hồ.Trước khi cắm hom dùng nước lã tưới sạch hết phần thuốc tím còn lại.                                       

    4. Chăm sóc hom giâm.

     - Che bóng cho cây: Trong thời gian đầu cây hom được che bóng 100% bằng dàn che nilon, sau khi cây hom đã ra chổi cần bỏ vòm che và che lưới với độ che bóng 50%. Khi cây hom được khoảng 60 ngày giảm độ che bóng xuống 25% và bỏ che bóng hoàn toàn từ trước khi trồng 1 – 2 tháng vào ngày râm mát để tránh cây con bị nắng đột ngột.

    - Làm cỏ, tưới nước: Sau khi giâm hom xong, hàng ngày phải tưới cho hom từ 2-4 lần bằng bình bơm tay hoặc hệ thống phun sương để đảm bảo cho lá và ngọn hom không bị héo, đất trong bầu không bị úng nước. Vì vậy tuỳ theo điều kiện thời tiết trong ngày, buổi sáng, trưa, chiều tối mà điều chỉnh khoảng thời gian giữa 2 lần phun cho thích hợp.

    - Định kì 20 ngày một lần nhổ cỏ phá váng kết hợp. Vào mùa Đông cần đề phòng sương muối bằng cách che cho cây hoặc khi có hiện tượng sương muối thì buổi sáng phải tưới rửa bằng nước lã.

    - Bón phân: Sau khi chồi đã ra lá kép, chiều cao đạt 10cm thì tiến hành bón thúc phân NPK (tỉ lệ 2:3:1) với liều lượng 0,2kg hoà tan vào 10 lít nước, tưới 3lít/m2 phải tưới trước khi cây xuất vườn từ 1,5 – 2 tháng.

    - Phòng trừ sâu bệnh: Phải kiểm tra hằng ngày để phòng trừ kiến chồi non, nếu phát hiện có kiến phải tưới dầu hoả xung quanh luống.

    - Phòng trừ các loại bệnh:

    + Bệnh khô héo và chết: Dùng BHC 0,1% bột vào vùng bị hại sau khi đã lột bỏ lớp vỏ và phần mô bị hại.

    - Bọ phấn đục nõn: Bọ phấn màu đen có vòi dài cứng, bọ trưởng thành dài khoảng 12mm, ngang 3mm. Bọ dùng vòi đục vào nõn non để đẻ trứng. hiện tượng bệnh đầu tiên để phát hiện là trên lá hay trên nõn bị vàng úa rồi khô héo. Khi cần thiết có thể dùng các loại thuốc hóa họa có tính nội hấp và lưu dẫn mạnh như Actara 25WG…

    + Bệnh vàng lá thối rễ: Chủ yếu do nấm đất gây hại (có thể do phân hữu cơ chưa được ủ kỹ, hoặc có thể do mưa nhiều làm cây ngập úng dễ làm cho khả năng chống chịu sâu bệnh kém cây dễ nhiễm bệnh). Nếu cây đã chết thì không thể chữa trị được mà cần thu gom cây bệnh tiêu hủy. Phun một trong các loại thuốc có các hợp chất như Fosetyl Aluminium hoặc Mancozeb kết hợp tưới gốc bằng các thuốc gốc đồng.  Phun ít nhất 2 lần, cách nhau 1 tuần.

    - Bón thúc: tưới thúc bằng phân NPK 0,3% (3g/1lít nước), lượng tưới là 2 lít/m2, 1 tuần tưới 1 lần. Sau khi tưới thúc phải tưới tưới rửa phần bám trên lá bằng nước sạch.

    - Cắt bỏ bớt chồi: với hom có nhiều chồi nên cắt bỏ bớt chồi yếu, chỉ nên để 1 chồi khoẻ mạnh.

    - Đảo bầu và phân loại cây: sau khoảng 4 - 5 tuần tiến hành phân loại cây, những cây tốt để riêng và cây xấu để riêng đồng thời có chế độ tưới phân và chăm sóc riêng cho từng loại.

    5. Tiêu chuẩn xuất vườn.

     Cây hom được huấn luyện trong vườn ươm từ 1,5 - 2 tháng có chiều cao từ 20 - 30cm, cây xanh đẹp, không sâu bệnh, thân thẳng, tán lá đều là đủ tiêu chuẩn đem trồng.

    Hoàng Thế Ánh - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái