• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật nuôi ba ba gai thương phẩm
    16/03/2022 3:24:00 CH
    Lượt xem: 5058

    Ba ba gai  có đặc điểm: mũi dài, mai có màu nâu đến xám với nhiều nốt sần không đều, yếm gần như trắng toàn bộ (có vài vết mờ hoăc lốm đốm), cá thể non có viền màu trắng nhạt, từ phía sau mắt đến đầu. Đặc điểm phân biệt rõ ràng với các loài ba ba khác là có các vết ngấn da sần ở cổ, rìa trước và trên mai có nhiều nốt sần. Ba ba gai là loài có tốc độ tăng trưởng nhanh, giá trị dinh dưỡng cao và được nuôi phổ biến ở 1 số xã của huyện Văn Chấn. Tuy nhiên, để nuôi Baba gai thương phẩm đạt hiệu quả cao , người nuôi cần lưu ý:

    1. Chuẩn bị ao, bể nuôi ba ba:

    - Ao, bể nuôi ba ba gai nên chọn chỗ ánh sáng tốt, ấm, yên tĩnh, nước sạch cấp thoát dễ dàng. Không chọn nơi có nguồn nước ngược hướng mặt trời, ở những khu vực ồn ào, gần trục giao thông, khu công nghiệp, nhà máy hoá chất.

    - Diện tích: 100 - 200m2

    - Độ sâu: 1 - 1,5m.

    - Độ trong: 25 - 30cm

    - Xung quanh ao, bể nuôi xây tường cao 0,7 - 0,8m, đỉnh tường có gờ ngang rộng 15 - 20cm (ở phía lòng ao) để tránh ba ba bò đi mất.

    - Khoảng cách giữa ao và tường bảo vệ tốt nhất để rộng 1 - 1,5m và trồng cây tạo bóng mát.

    - Bờ ao dốc thoải hoặc bắc cầu tạo 1 - 2 lối đi cho ba ba dễ lên xuống phơi để tắm nắng. Cửa cống cấp và thoát nước có lưới chắn chắc chắn.

    - Ao nuôi ba ba gai được thả bèo tây chiếm 50% mặt nước ao. Trường hợp nuôi nhiều ba ba cỡ khác nhau phải làm nhiều ao, hay ngăn ao phân loại lớn bé để nuôi riêng.

    2. Thả giống:

    - Mùa vụ thả: ba ba giống từ tháng 3 – 11 (dương lịch)

    - Lựa chọn con giống: Mua giống ở những nơi sản xuất giống có uy tín. Ba ba gai giống là những con được đẻ chính vụ (vụ 1) có kích cỡ phải đồng đều, diềm mai rộng, da bóng, không bị sây xát, không bị dị hình, ba ba khỏe mạnh không bị nhiễm bệnh. Lựa chọn những con có thân dẹt, nhanh nhẹn. Khi lật ngửa ba ba giống, ba ba lật úp lại ngay. Nên thả ba ba giống cùng kích cỡ và tối thiểu đạt 100g/con.

    - Mật độ nuôi: Từ 1 - 1,5 con/m2. Riêng nuôi thâm canh có thể thả với mật độ 4 - 5 con/m2 ao.

    3. Chăm sóc quản lý ao nuôi:

    3.1. Thức ăn và cách cho ăn:

    - Thức ăn: ba ba thường ăn thức ăn tươi như: Cá tạp, ốc, cá mè, giun đất…

    - Cách cho ăn: Giun trước khi cho ba ba ăn cần nuôi trong nước sạch để giun thải hết phân, đất, sạn. Sau đó rửa sạch gột cho tụ thành búi và vớt ra cho ba ba ăn. Thức ăn tươi sống như: ốc, hến phải rửa sạch, băm nát rồi cho ăn.

    + Cá tươi sử dụng làm thức ăn cho ba ba phải nhúng qua nước sôi 2 - 3 phút để da cá nát ra rồi trộn lẫn với bột thức ăn, xay vụn nát.

    + Căn cứ khối lượng ba ba gai nuôi và khả năng tiêu hoá thực tế của ba ba mà người nuôi chọn định lượng phù hợp.

    + Theo kinh nghiệm khi nhiệt độ nước ở 280C, ba ba gai ăn một lượng thức ăn khoảng 2 - 3% khối lượng cơ thể đối với thức ăn cũ, đối với thức ăn mới là 5 - 10%.

    + Thường 7 - 10 ngày phải điều chỉnh lượng thức ăn một lần.

    - Thời gian cho ăn:

    + Nuôi ba ba gai cần thiết phải chú ý tới thời gian cho ăn, khí hậu và nhiệt độ môi trường nước.

    + Thực tế, quá trình nuôi cho biết trong một năm, chỉ có khoảng 200 - 230 ngày ba ba ra ăn. Ba ba gai phải cho ăn 2 - 3 lần/ ngày: sáng 8 - 9 giờ chiều từ 14 - 15 giờ và tối từ 19 - 20 giờ.

    + Ba ba con nên cho ăn 2 - 3 lần/ngày, sáng từ 8 - 9 giờ, chiều từ 2 - 3 giờ. Ba ba trưởng thành cho ăn 1 - 2 lần/ngày, sáng từ 8 - 9 giờ, chiều từ 4- 5 giờ. Thời gian cho ăn còn thay đổi theo sự lên xuống của nhiệt độ môi trường (Nhiệt độ nước tăng lên cho ba ba ăn sớm hơn, nhiệt độ nước giảm cho ăn muộn hơn, số lần cho ăn có thể giảm đi). Đầu tháng 3 hoặc cuối tháng 10 do nhiệt độ xuống thấp, nên thường cho ba ba ăn vào buổi trưa và cho ăn ngày 1 lần hoặc 2 ngày 1 lần.

    - Vị trí cho ăn:

    + Vị trí cho ăn trong ao (bể) nuôi ba ba cần cố định để đảm bảo thói quen tập trung khi ăn, người nuôi tiện quan sát hoạt động, sức khoẻ, bệnh tật để có phương pháp quản lý ba ba nuôi phù hợp.

    + Thức ăn được cho ăn vào sàng ăn (mẹt, nia...) ngập trong nước 30 - 40cm. Sau mỗi lần cho ăn nên kéo lên kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn và vệ sinh lại sàng cho ăn.

    * Một số lưu ý:

    - Thức ăn phải được rửa sạch, băm nhỏ (phù hợp kích cỡ miệng từng giai đoạn phát triển của ba ba gai), không cho ăn thức ăn bị ươn, có mùi lạ, thức ăn có vị mặn và bị ẩm mốc.

    - Giảm lượng thức ăn khi nhiệt độ xuống thấp kéo dài.

    - Sau khi thay nước xong ba ba gai có thể bỏ ăn 1 - 2 ngày.

    - Tránh gây tiếng động mạnh khi cho ăn và khi thay nước.

    3.2. Quản lý:

    - Phải đảm bảo nước ao luôn sạch, tránh tình trạng mất trộm hay Baba tìm đường đi vào những ngày đầu thả giống hoặc những ngày mưa to.

    - Đối với nuôi baba thịt cần tạo sự yên tình ngay cả trong thao tác cho baba ăn và vớt bèo khi bèo quá dầy.

    4. Thu hoạch ba ba gai:

    Sau chu kỳ nuôi > 3năm, tiến hành kiểm tra nếu thấy ba ba đã đạt yêu cầu thương phẩm (Cỡ thương phẩm 2,5 - 3,5 kg/con trở lên) thì có thể thu hoạch.

    Thời gian thu hoạch thích hợp nhất và được giá nhất thường chủ yếu vào tháng 12 hoặc tháng 1 hàng năm, hoặc có thể thu hoạch vào những thời điểm được giá tùy theo yêu cầu của thị trường, do vậy phải cập nhật thông tin tốt. Thường bán ba ba gai thương phẩm vào tháng 1 và tháng chạp âm lịch.

     

     

    * Có thể thu hoạch ba ba theo 2 cách:

    - Thu tỉa: Có thể xuống ao mò bắt, chọn những con đạt kích cỡ thương phẩm thu hoạch.

    - Thu toàn bộ: Tháo cạn, tát ao để bắt. Mùa thu hoạch chủ yếu vào tháng tháng 1 và tháng chạp âm lịch, mùa này nhiệt độ thấp, tỉ lệ sống cao.

    Lưu ý: Khi thu hoạch ba ba cần phải bắt nhẹ nhàng, không làm sây xát da, không dẫm lên lưng ba ba, không nhốt ba ba quá dày để tránh chúng cắn và cào móng vào lưng nhau dẫn đến bị tổn thương sẽ bị mất giá trị thương phẩm.

    5. Vận chuyển ba ba:

    Trước khi vận chuyển không để ba ba ở trong nước mà để ở nơi ẩm ướt. Dụng cụ chứa ba ba là bị cói, dọ cói hoặc túi lưới cước. Sau cho vào sọt hay thùng gỗ thoáng, có lót bèo để giữ ẩm. Xếp một lượt bèo, một lượt ba ba, tốt nhất là ngăn cho mỗi con 1 ô.

     

    Nếu vận chuyển vào buổi trưa nắng nóng thì dùng đá bọc vải để lên trên cho nước mát chảy xuống. Nếu vận chuyển qua đêm thì khi nghỉ đêm phải tháo ra, sáng hôm sau đóng lại. Quá trình vận chuyển thao tác cần nhẹ nhàng, tránh xây sát.

    Nguyễn Thị Xuân - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái

    Tin khác