• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật trồng cây Ba kích tím dưới tán rừng
    08/05/2019 8:09:00 SA
    Lượt xem: 859


    Text Box:  ­Cây Ba kích mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Sơn La… Củ Ba kích tím là loại dược liệu quý có nhiều công dụng như bổ thần kinh, bổ gân cốt, chữa thấp khớp, giảm xơ cứng động mạch, tăng cường khả năng sinh lý nam giới... Cây trồng 5 đến 7 năm mới cho thu hoạch, năng suất bình quân 8- 12kg củ tươi/gốc, càng để lâu năm sản lượng càng cao chất lượng dược liệu càng tốt. Hiện tại Ba kích tím có giá trị xuất khẩu cao nhưng chưa được trồng nhiều nên nhu cầu về loại dược liệu này vẫn chưa được đáp ứng đủ.

    1. Điều kiện gây trồng

    Cây Ba kích phù hợp với địa hình vùng núi thấp, độ cao dưới 300 - 400 m so với mực nước biển, nhiệt độ bình quân năm 23 - 24oC, lượng mưa 1.100 - 2.000mm. Cây thích hợp trên đất ít chua, độ pH = 4 - 6, đất mùn, tầng đất dày trên 1m và chất dinh dưỡng còn khá. Ba kích mọc tự nhiên dưới tán rừng thứ sinh nghèo kiệt, rừng phục hồi có độ tàn che 0,3 - 0,5 ở bìa rừng, trong các lùm bụi. Cây không chịu được đất úng bí. Ở nơi đất trống cần trồng cây che phủ. Có thể trồng Ba kích dưới tán rừng thứ sinh nghèo kiệt hoặc rừng mới phục hồi, rừng trồng chưa khép tán hoặc đã tỉa thưa hay trồng xen dưới tán vườn cây ăn quả.

    2. Thời vụ trồng

    Trồng vào vụ xuân từ tháng 2 - 3 hoặc vụ thu từ tháng 8 - 9 , chọn những ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ.

    3. Xử lý thực bì

    Phát dọn theo rạch hoặc quanh hố với đường kính 1m, chú ý chừa cây để làm giá đỡ cho cây leo, hoặc có thể phát toàn diện thực bì đối với trồng rừng thâm canh.

    4. Phương thức và mật độ trồng

    - Cây Ba kích được trồng dưới tán rừng tự nhiên, dưới tán rừng trồng, trồng trên đất sau nương rẫy có cây che bóng phụ trợ, trồng dưới tán cây ăn quả trong vườn nhà.

    - Trồng với mật độ 2000 cây/ha, khoảng cách: hàng cách hàng 2,5m; cây cách cây 2m. Hoặc có thể căn cứ vào thực tế của rừng trồng để bố trí hố đào cho phù hợp.

    5. Cuốc hố, bón lót

    Cuốc hố có kích thước 50 x 50 x 50 cm, bón lót 5 kg phân chuồng hoai mục + 0,2 kg phân NPK/1 hố.

    6. Cây giống

    Tuỳ theo điều kiện thực tế có thể sử dụng cây giống từ hạt, cây hom hoặc cây mô để đem trồng.

    - Cây giống từ hạt: Chiều cao cây từ 20 - 30 cm bắt đầu vươn ngọn leo, thân mập khoẻ, lá đều, không sâu bệnh.

    - Cây hom: Cây có từ 05 - 06 cặp lá trở nên, bộ rễ phát triển đầy đủ, cây không sâu bệnh;

    - Cây mô: Cây có từ 3 cặp lá trở lên, chiều cao từ 20 - 25cm, không sâu bệnh.

    Lưu ý: Trước khi xuất vườn, cây con phải được đảo bầu, phân loại và giảm tưới để quá trình bốc xếp, vận chuyển  cây con không bị vỡ bầu, tổn thương.

    7. Trồng cây

    - Dùng cuốc moi đất giữa hố và đặt cây vào, mỗi hố đặt cây (nếu là vỏ bầu nilon thì cần xé bỏ vỏ bầu). Lấp đầy đất, giậm chặt, tiếp tục lấp tiếp đất sao cho cao hơn miệng hố từ 4 - 5 cm.

    Nơi không có cây tự nhiên phải cắm cọc tre hoặc gỗ dài 1,0 - 1,5m làm giá đỡ cho cây leo.

     8. Chăm sóc

    Chăm sóc trong 2 năm đầu, mỗi năm chăm sóc từ 2 - 3 lần. Năm thứ 3 trở đi chăm sóc 1 - 2 lần/năm.

    - Nội dung chăm sóc: Cuốc xới xung quanh gốc cây đường kính 0,8 m, nhặt bỏ cỏ dại, diệt bỏ cây dại chèn ép. Năm thứ 2 có điều kiện bón bổ sung 3 kg phân chuồng hoai mục hoặc 0,2 - 0,3 kg phân NPK/gốc.

    9. Thu hoạch và chế biến

    - Thu hoạch khi củ tốt nhất có tuổi từ 5 năm trở lên. Thời gian thu hoạch tốt nhất vào tháng 12 và tháng 1. Khi thu hoạch cần kết hợp lấy thân để làm hom giống, dùng cuốc lấp kín đất vào gốc cây vừa khai thác để mọc thành bụi mới.

    - Củ đào về rửa sạch đem phơi và sấy cho thật khô. Sau đó phân thành 3 loại theo tiêu chuẩn thương phẩm trước khi + Củ loại A: Có đường kính từ 1,2cm trở lên.

                + Củ loại B: Có đường kính từ 0,8 - 1,1cm.

                + Củ loại C: Có đường kính bé hơn 0,8cm.

                Củ loại A và B dùng để xuất khẩu có giá trị cao nhất.

    - Sau khi thu hoạch cần rửa sạch đất, tước bỏ phần lõi cứng của củ rồi đem phơi khô để cất giữ lâu dài.

     - Rượu Ba kích: Trước khi ngâm rượu, lấy một nhánh gừng già nhỏ cho vào một chén rượu nhỏ trộn đều với Ba kích khô, sao nhỏ lửa cho hơi vàng rồi hạ thổ, chờ nguội cho vào bình ngâm, cứ 50 - 60g/lít rượu 400, bịt kín sau 30 ngày có thể dùng được.

    KS. Phạm Thị Hảo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái