• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Một số biện pháp kỹ thuật phòng chống nắng nóng cho vật nuôi
    02/06/2022 9:40:00 SA
    Lượt xem: 5352

    Theo dự báo từ Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết vào mùa hè năm nay sẽ xảy ra tình trạng thời tiết oi bức, nhiệt độ tăng cao bất thường. Đây là một trong những yếu tố gây bất lợi trong chăn nuôi nhất là chăn nuôi tập trung, mật độ cao, gia súc, gia cầm thường ăn ngủ kém, ốm yếu, sức đề kháng bị suy giảm mạnh, năng suất thịt, trứng giảm, dễ mắc một số bệnh như: Tiêu chảy, cảm nóng, cảm nắng, Ecoli, phó thương hàn, viêm phổi, dịch tả, tụ huyết trùng, cầu trùng…

    Để hạn chế những ảnh hưởng xấu do nắng nóng gây ra,các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt  một số biện pháp kỹ thuật trên một số loại vật nuôi chính như sau:

    1- Đối với gia cầm:

    a, Chuồng trại:

    Phải đảm bảo thoáng mát, nên lợp mái ngói hoặc lá cọ, nền chuồng sạch sẽ, chất độn chồng trải mỏng 3 - 5 cm, có phên, bạt che chống nắng xung quanh, lắp đặt hệ thống làm mát: Quạt điện, hệ thống thông gió, tưới phun sương...Khi trời nắng nóng nhiệt độ lên cao cần phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt. Xung quanh chuồng trồng cây xanh và một số loại dây leo phủ mái như: Hoa giấy, mướptạo bóng mát.

    b, Mật độ nuôi:

    Nhốt với mật độ vừa phải, nuôi giãn như:  Ví dụ đối với gà: úm 50 - 60 con/m2, gà 0,5 - 1 kg nhốt 8 - 15 con/m2, gà 2 - 3 kg nhốt 5 - 7 con/m2. Nếu quá nóng có thể thả gà ra vườn, nơi có nhiều cây xanh che bóng.

    c, Thức ăn và nước uống:

    - Tăng số lượng máng uống, cung cấp đủ nước mát và sạch cho gia cầm uống giúp giảm được nhiệt độ cơ thể.

    - Cho gia cầm ăn thức ăn chất lượng tốt, đảm bảo không thiu mốc, không chứa độc tố. 

    - Bố trí khẩu phần ăn giàu năng lượng bằng những thực phẩm giàu chất béo thay cho tinh bột là một cách để hạn chế sản sinh nhiệt.

    - Đối với gia cầm đẻ trứng nên cho ăn bổ sung thêm canxi, giúp tăng lượng canxi tiêu thụ, cải thiện đáng kể sản lượng trứng và chất lượng vỏ trứng.

    - Nên chuyển thời gian cho gia cầm ăn vào lúc trời mát (hoặc ban đêm) để tăng khả năng ăn cho gia cầm.

    d, Phòng bệnh: 

    - Tăng sức đề kháng cho gia cầm bằng cách cho uống Bcomplex (đặc biệt là Vitamin C), chất điện giải…cho ăn các loại cám chất lượng tốt, phòng bệnh cho gia cầm bằng các loại vacxin: New cát sơn, tụ huyết trùng, Gum… theo đúng lịch để tăng khả năng miễn dịch chống lại các loại bệnh nguy hiểm xâm nhập.

    - Hạn chế vận chuyển gia cầm khi trời nắng nóng, nếu phải vận chuyển đi xa cần có dụng cụ chuyên dụng và mật độ hợp lý, đồng thời thường xuyên dừng nghỉ cho gia cầm ăn và uống nước.

    2- Đối với lợn:

    Cần thiết kế chuồng nuôi thoáng mát, nên lợp mái ngói hoặc lá cọ, có hố chứa phân (để giảm sức nóng do phân bốc lên), nền chuồng sạch sẽ. Có phên che chống nắng xung quanh, hàng ngày phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt. Bố trí bạt phản quang và hệ thống làm mát phù hợp…Trong chuồng lắp đặt quạt điện, hệ thống thông gió. Xung quanh chuồng trồng cây xanh tạo bóng mát.

    b, Mật độ:

    - Mật độ nuôi nhốt đối với lợn nái 4 - 5m2/con, lợn thịt là 1,3 - 2m2/con

    - Cần giãn thưa mật độ nhốt lợn trong những ngày có nhiệt độ cao, nếu có điều kiện thả lợn trong sân chơi có bóng cây mát; nên bố trí quạt thông gió trong chuồng nuôi.

    c, Thức ăn và chế độ cho ăn

    Cho lợn ăn đầy đủ khẩu phần theo nhu cầu từng giai đoạn; Cho ăn thêm rau xanh, thức ăn tự chế biến (tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, rau xanh, củ quả ủ chua) hay thức ăn tổng hợp đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.  Ngoài ra có thể tận dụng vỏ dưa hấu tươi cắt thành miếng nhỏ cho ăn, thái thân cây chuối cho ăn, cho uống dấm hay nước dưa chua với lượng 250 - 500 ml/lần/ngày/con tuỳ theo lợn lớn hay nhỏ để giải nhiệt cho cơ thể.

    d, Quản lý chăm sóc:

    Thường xuyên kiểm tra theo dõi biểu hiện khác thường của đàn lợn để sử lý kịp thời, tránh gây tổn thất lớn cho hộ chăn nuôi. Hàng ngày cần rửa chuồng và tắm mát cho lợn (ít nhất một ngày 3 lần), cho lợn uống đủ nước sạch.

    e, Phòng bệnh

    - Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử trùng định kỳ bằng các loại thuốc như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid…mới có hiệu quả cao với vi sinh vật gây bệnh; Dùng thuốc Permethrin, Han mettin tiêu diệt các động vật ký sinh ở trong và ngoài cơ thể lợn như ruồi, nhặng, muỗi, giun, sán, ve, rận…

    -  Tránh vận chuyển lợn trong thời điểm nắng nóng cao (khoảng 10- 15h trong ngày).

     - Tiêm đầy đủ các loại vacxin: Dịch tả, tụ huyết trùng, tai xanh, lở mồm long móng 2 lần/năm.

    3- Đối với trâu, bò, dê:

    - Đi chăn thả vào lúc sáng sớm và chiều mát. Nên buộc ở những nơi có cây che bóng cho trâu bò nghỉ ngơi vào buổi trưa khi nhiệt độ cao hoặc sau khi làm việc.

    - Mật độ nuôi nhốt đối với trâu bò thịt: 4 - 5m2//con, dê 1,8 - 2 m2/ con.

    - Cho uống đủ nước, bổ sung Vitamin C để giải nhiệt, cho ăn đủ no từ 30 - 35 kg thức ăn thô xanh, 0,5 - 1 kg thức ăn tinh, 20 - 30 gam muối ăn, để đảm bảo sức khoẻ, tăng khả năng chống nóng, chống bệnh tật.

    - Tắm trải cho trâu bò 1 - 2 lần/ ngày để giảm nhiệt cho cơ thể. Định kỳ dùng các loại thuốc trị bệnh ngoại ký sinh trùng và nội ký sinh trùng tảy cho trâu bò, dê Như; Han mettin, Vimetin, Detoxic, Han-Dertil –B...

    - Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng... 6 tháng/lần./.

     

      

    Ngô Đăng Sỹ - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái