• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Nông lâm kết hợp - Mô hình phát triển kinh tế bền vững
    20/03/2023 2:26:00 CH
    Lượt xem: 4202

    “Mô hình nông lâm kết hợp không chỉ giúp người dân tăng giá trị trên một đơn vị diện tích mà còn tạo thêm ngành nghề phụ cho nông dân, tăng thu nhập nông hộ, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và đặc biệt những lợi ích mà mô hình này mang lại trong việc bảo vệ môi trường là vô cùng lớn ” - Đây là những lời chia sẻ của anh Vũ Quyết Thắng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng dược liệu Bình An tại thôn Bình An, xã Xuân Long, huyện Yên Bình khi được hỏi về những lợi tích khi sản xuất nông nghiệp theo mô hình nông lâm kết hợp mà các thành viên của anh đang thực hiện.

    Mô hình nông lâm kết hợp là một hệ thống quản lý sử dụng đất có sự kết hợp trồng xen giữa cây lâu năm thân gỗ với các cây trồng hàng năm. Với một thiết kế phù hợp, nó có thể làm giảm xói mòn rửa trôi đất trong khi vẫn duy trì được các lợi ích về sinh thái và kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích theo thời gian.

    Vốn sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, anh Vũ Quyết Thắng luôn mang trong mình sự quyết tâm, cố gắng nỗ lực học hỏi không ngừng để vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình. Năm 2019, sau khoảng thời gian sinh sống và làm việc tại Trung Quốc và Philippin, a Thắng quyết định trở về để lập nghiệp tại quê hương. Sau khi tham khảo nhiều mô hình, cộng với những kinh nghiệm mà anh tích lũy được khi còn làm việc ở nước bạn, anh đã quyết định thành lập “Hợp tác xã nuôi trồng dược liệu Bình An” với 7 thành viên. Nắm bắt được nhu cầu thị trường cũng như tận dụng diện tích đất dưới tán rừng anh Thắng đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng xen trà hoa vàng, khôi nhung dưới tán cây keo, mỡ, quế.

    Thực tế cho thấy, triển khai trồng rừng  phải mất khoảng từ 5 năm đến 7 năm trở lên có thể khai thác, thu hoạch. Vì vậy, việc trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, phát triển kinh tế xã hội của địa phương lâu dài, mà còn là giải pháp đem lại thu nhập trước mắt cho người dân.

     

    Anh Thắng chia sẻ: “Khi trồng xen canh các loại cây trồng dưới tán rừng thì hiệu quả kinh tế tăng gấp đôi, công lao động bằng nhau mà tạo ra 3 nguồn thu,các sản phẩm cho thu hoạch vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm và không phải bỏ quá nhiều kinh phí đầu tư, hạn chế được rủi ro về kinh tế. Đặc biệt, khi trồng xen giữa các loài cây, chúng tôi rất hạn chế việc làm cỏ, với cách làm này, vừa giữ được độ ẩm cho đất, vừa tạo ra một lượng thiên địch tự nhiên cho các cây trồng có tác dung hỗ trợ lẫn nhau giúp giảm sâu bệnh”. Đến nay, HTX của anh đã lên đến 32 thành viên với tổng diện tích trồng theo hướng nông lâm kết hợp khoảng 12 ha. Không chỉ có vậy, anh còn tiến hành liên kết, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đối với các sản phẩm của cây dược liệu dưới tán rừng cho người dân tại địa phươngvà các địa bàn lân cận với tổng diện tích khoảng 40 ha.

    Chị Nguyễn Thị Hoa, thành viên HTX chia sẻ: “Nếu như trên diện tích rừng của gia đình tôi chỉ trồng một loại cây thì sau vài năm mới cho thu hoạch. Với cách làm trồng xen cây khôi nhung và trà hoa vàng như hiện nay, hàng ngày chúng tôi vẫn có thêm thu nhập mà tiết kiệm được công lao động làm cỏ”.

    Để tăng hiệu quả kinh tế cũng như chủ động được nguồn giống, anh tiến hành quy hoạch diện tích đất rừng thành nhiều khu khác nhau, như: diện tích trồng rừng xen cây dược liệu, diện làm vườn ươm cây giống khôi nhung và trà hoa vàng. Bên cạnh đó, để tăng giá trị sản phẩm nông sản, anh còn đầu tư hệ thống lò sấy thuốc nam với công suất 1,5 tấn/lượt sấy để cung ứng ra thị trường sản phẩm trà hoa vàng sấy khô. Cùng với đó, để các thành viên HTX yên tâm sản xuất, anh Thắng đã tiến hành hợp tác với công ty TNHH Trà Hướng Dương tại tỉnh Bắc Giang để cung ứng sản phẩm trà hoa vàng khô ra thị trường. Hiện nay, trà hoa vàng có giá bán khá cao, trung bình trà hoa vàng tươi được bán với giá khoảng 1 triệu đồng/kg, trà hoa vàng khô khoảng 10 triệu/kg, lá trà hoa vàng khô 250.000 nghìn đồng/kg. Chỉ tính riêng năm 2022, doanh thu của HTX từ bán giống cây dược liệu và các thành phẩm của trà hoa vàng và cây khôi nhung cũng đạt khoảng 1,6 tỷ đồng.

    Không chỉ có vậy, hiện nay anh Thắng còn đang hỗ trợ cho một số hộ dân ở Thanh Hóa, Hòa Bình và các tỉnh khác về kĩ thuật trồng cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm cho Hợp tác xã của mình.

    Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Long, huyện Yên Bình cho biết: “Mô hình nông lâm kết hợp của Hợp tác xã nuôi trồng dược liệu Bình An được xã cũng như người dân đánh giá cao.Ở mô hình này, không những giúp người dân tận dụng hiệu quả diện tích đất sẵn có của gia đình, góp phần giúp nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng đơn vị diện tích mà với cách làm này còn giúp chống xói mòn rửa trôi đất, đặc biệt là đối với các địa phương có diện tích đồi núi nhiều như xã Xuân Long. Hiệu quả từ mô hình nông lâm kết hợp của Hợp tác xã nuôi trồng dược liệu Bình An là cơ sở để người dân áp dụng, tuyên truyền và vận động các nông dân khác áp dụng vào thực tế sản xuất tại địa phương”.

      

    Nguyễn Thị Minh Phượng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái