• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    TRẤN YÊN SẢN XUẤT QUẾ SẠCH - NÂNG TẦM SẢN PHẨM
    04/10/2021 1:57:00 CH
    Lượt xem: 5053

     

     

    Công nhân Hợp tác xã Quế hồi xã Đào Thịnh (Trấn Yên) sơ chế sản phẩm quế. 

     

    Toàn huyện Trấn Yên hiện có trên 18.000 ha quế, bình quân mỗi năm trồng và khai thác trên 1.000 ha, sản lượng quế vỏ khô đạt 4.000 tấn. Nói về diện tích, sản lượng thì Trấn Yên không phải là địa phương nhiều quế nhất, nhưng Trấn Yên không đi vào số lượng mà tập trung phát triển lấy chất lượng, hiệu quả kinh tế trên mỗi héc-ta canh tác làm thước đo.

    Theo đó, toàn huyện đã xây dựng được 8.000 ha quế sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 2.000 ha đạt chuẩn quốc tế - một con số không phải địa phương nào cũng làm được. Sản xuất quế sạch, an toàn, thân thiện với môi trường là một hướng đi phù hợp với xu thế phát triển nông - lâm nghiệp hiện nay. 

    Đây cũng là cách, là cơ hội, là động lực để người dân trong huyện không chỉ nâng cao giá trị mà còn nâng cao vị thế, nâng tầm thương hiệu quế Trấn Yên vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế. Nói đến sản xuất quế sạch, quế hữu cơ có lẽ Trấn Yên là địa phương đi đầu trong tỉnh, chất lượng quế được xếp vào "top ten” bởi chất lượng và hàm lượng tinh dầu cao. 

     Xã Đào Thịnh có trên 800 ha quế, cùng với cây dâu tằm thì quế đang là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu ở địa phương này. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, người dân trong xã không chỉ sản xuất đơn thuần mà đã thực hiện quy trình sản xuất quế sạch, quế hữu cơ, từ đó, nâng cao được giá trị cây quế cũng như sản phẩm quế của địa phương. Nếu như trước đây người dân chỉ trồng hơn 5.000 cây/ha thì nay trồng với mật độ trên 6.000 cây/ha. 

     



    Sơ chế quế ở Hợp tác xã Quế hồi Đào Thịnh.  
     

    Ngoài việc chọn giống quế chuẩn có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, cây sạch bệnh thì trong quá trình trồng, chăm sóc đã được áp dụng phương pháp canh tác đặc biệt, đó là không phun thuốc trừ cỏ mà tiến hành phát cỏ; không bón phân hóa học khi cây quế từ 4-5 tuổi trở lên, đặc biệt là không tỉa cành để đảm bảo lượng tinh dầu không giảm sút. Và khi quế đã được 4-5 tuổi thì tiến hành tỉa thưa để lại những cây to, khỏe chăm sóc để thu hoạch quế vỏ, thời gian này không tỉa cành lá và cây được từ 7-10 năm tuổi thì tiến hành thu hoạch toàn bộ. Giá trị kinh tế từ cây quế đã khiến nhiều hộ dân chuyển đổi diện tích cây lâm nghiệp, cây nguyên liệu giấy sang trồng quế.

    Đồng hành với phát triển vùng nguyên liệu, huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, thu hút đầu tư chế biến nông, lâm thổ sản, nhất là chế biến quế. Đến nay, toàn huyện có trên 20 cơ sở, công ty, doanh nghiệp chưng cất tinh dầu quế và sơ chế quế vỏ. 

     Điển hình như Hợp tác xã (HTX) Quế hồi Đào Thịnh, thành lập năm 2017 với 20 thành viên, vùng nguyên liệu trên 700 ha và liên doanh, liên kết với hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Bình quân mỗi tháng HTX thu mua trên dưới 100 tấn quế tươi, không chỉ thu mua ổn định, mua hết sản lượng cho người dân mà giá thu mua luôn cao hơn nhiều so với giá thị trường. HTX thực hiện sơ chế 12 sản phẩm quế các loại như: quế bột, quế tăm, quế điếu thuốc, tinh dầu quế… 




    Nông dân xã Đào Thịnh thu hoạch quế bán cho hợp tác xã. 

     Bên cạnh đó, HTX còn xây dựng nhà máy sản xuất quế hữu cơ với công suất trên 100 tấn quế/tháng, sản phẩm đều đảm bảo chất lượng và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… với sản lượng trên 2.000 tấn/năm. Đây là mô hình sản xuất quế hữu cơ đầu tiên đạt tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn huyện. 

    Việc phát triển cây quế và các sản phẩm từ quế đã mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở Đào Thịnh đạt gần 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn chưa đầy 2%. Toàn bộ sản phẩm quế vỏ bóc từ những nương, đồi ở xã Đào Thịnh và các vùng phụ cận đều được HTX Quế hồi Đào Thịnh thu mua hết với giá cao. 

     Chị Nguyễn Thu Hòa, xã Đào Thịnh phấn khởi cho biết: "Chúng tôi trồng quế cũng đã mấy chục năm nay, nhưng mỗi khi vào vụ thu hoạch là gặp rất nhiều khó khăn, bởi toàn bộ sản phẩm đều do thương lái thu mua, giá cả bấp bênh và thường bị ép giá. Chúng tôi làm ra sản phẩm nhưng cũng không có quyền định giá sản phẩm mà đều do thị trường và thương lái điều tiết. Từ khi tham gia liên kết với HTX Quế hồi, ngoài việc áp dụng quy trình chăm sóc quế hữu cơ, đến vụ, thu hoạch đến đâu đều được HTX thu mua hết đến đó, giá cả cao hơn giá thị trường và rất ổn định. Bên cạnh đó, HTX còn tạo nhiều việc làm cho người dân trong xã với thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/tháng”.

    Được biết, việc sản xuất quế hữu cơ, quế sạch không khó mà hoàn toàn giống với cách chăm sóc truyền thống của người dân, chỉ khác là ở việc hàng năm phải làm cỏ bằng tay chứ không sử dụng thuốc hóa học, thuốc trừ sâu và việc thu hoạch phải bảo đảm yêu cầu sạch từ khâu khai thác đến sơ chế… Trấn Yên đã và đang phấn đấu nâng diện tích sản xuất quế hữu cơ lên trên 10.000 ha và đưa cây quế trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương.

    Sản xuất sạch, an toàn và thân thiện với môi trường là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, nó không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn góp phần xây dựng thương hiệu quế Trấn Yên vươn xa ra thị trường quốc tế trong những năm tới.

     

    Báo Yên Bái