• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hà Giang: Hiệu quả mô hình mẫu thâm canh một số giống cam mới rải vụ theo VietGAP
    09/12/2022 9:54:00 SA
    Lượt xem: 7933

    Mô hình mẫu thâm canh một số giống cam mới rải vụ theo VietGAP do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai đã giúp các hộ tham gia mô hình thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi từ phương thức canh tác cũ sang áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật.

    Trước thực trạng gần 1.600 ha cam Hà Giang bị vàng lá, khô đầu cành với nguyên nhân chủ yếu do quy trình canh tác chưa đảm bảo, người dân chưa bổ sung dinh dưỡng đúng, đủ theo thời gian sinh trưởng, phát triển của cây, nhất là các loại phân hữu cơ và còn tình trạng sử dụng thuốc trừ cỏ, sử dụng phân bón hoá học không cân đối hợp lý khiến độ PH trong đất giảm; tích tụ nhiều mầm bệnh và phát triển diện tích cam không đúng vùng quy hoạch…

    Do vậy, để phát triển bền vững sản phẩm cam Hà Giang, năm 2022 Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, Trạm Khuyến nông huyện Quang Bình, UBND xã Yên Hà triển khai mô hình mẫu thâm canh một số giống cam mới (giống cam chín sớm CS1, cam chín muộn V2 trên 4 năm tuổi) rải vụ theo VietGAP, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cam với tổng diện tích 8 ha/6 hộ tham gia tại thôn Chàng Mới, xã Yên Hà, huyện Quang Bình.

    Ông Đặng Xuân Hải - một trong những hộ tham gia mô hình cho biết, gia đình ông có 3 ha trồng giống cam vàng, trong đó 2,4 ha giống cam chín sớm CS1, 0,6ha giống cam chín muộn V2. Năm 2022, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông gia đình ông tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ 67,1% kinh phí mua phân bón, thuốc BVTV sinh học, tham gia tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, hội nghị sơ kết, liên kết tiêu thụ sản phẩm, đồng thời được cán bộ chỉ đạo mô hình theo dõi hướng dẫn, kỹ thuật trong suốt quá trình tham gia thực hiện mô hình.

    Sau 9 tháng áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn như đưa phân bón hữu cơ 3 trong 1 VBM, thuốc BVTV sinh học vào sử dụng… đã giúp cây cam sinh trưởng phát triển khoẻ, có bộ lá xanh tốt, sai quả, quả to đều, mẫu mã quả đẹp, chất lượng quả ngọt đậm, trong điều kiện thời tiết mưa nhiều nhưng tỷ lệ quả rụng ít (dưới 3%). Sản lượng cam CS1 ước đạt trên 50 tấn/2,4ha/năm, cam V2 ước đạt 8 tấn/0,6ha/năm (so với cùng kỳ năm 2021 tăng trên 30%), sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Đồng thời ông cùng các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm theo phương thức ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã Sản xuất Nông nghiệp hữu cơ vi sinh với sản lượng khoảng 150 tấn quả cam chín sớm CS1 và cam chín muộn V2; đặc biệt giá cả mua, bán đã được thống nhất, phù hợp với thị trường tại thời điểm thu mua.

    Cây cam trong mô hình sử dụng phân bón hữu cơ xanh tốt, trĩu quả 

     

    Đồng chí Tăng Trung In - Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết, mô hình mẫu thâm canh một số giống cam mới rải vụ theo VietGAP do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai đã giúp các hộ tham gia mô hình thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi từ phương thức canh tác cũ sang áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật, đưa các loại phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học vào sử dụng làm cho đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu, cây trồng sinh trưởng phát triển khoẻ, bền vững, kéo dài thời gian thu hoạch, gia tăng hiệu quả kinh tế. Đặc biệt cam tại mô hình không thấy xuất hiện hiện tượng vàng lá, khô đầu cành sẽ làm điểm tham quan học tập cho các hộ trồng cam lân cận. Đồng thời, đồng chí chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT và các Trạm chuyên môn, trên cơ sở kết quả triển khai mô hình tham mưu cho UBND huyện có giải pháp tuyên truyền nhân rộng trong thời gian tới.

    Đồng chí Tăng Trung In - Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình (người đi đầu) tham quan vườn cam chín muộn (V2) của gia đình ông Đặng Xuân Hải

     

    Khuyến nông Quốc gia