• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Ninh Thuận: Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cây trồng gắn với liên kết sản xuất
    11/07/2022 9:17:00 SA
    Lượt xem: 8586

    Trong thời gian qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có chủ trương tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững; trong đó, tập trung chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa, những vùng đất cao, xám bạc màu kém hiệu quả theo phương thức luân canh nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn và liên kết sản xuất đã giúp nông dân vượt qua khó khăn bởi giá vật tư nông nghiệp tăng cao.

    Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông - xuân vừa qua công tác chuyển đổi cây trồng được thực hiện đạt mục tiêu đề ra, thu được kết quả nhất định. Theo đó, đã chuyển đổi 583,5 ha/488 ha, vượt 19,6% kế hoạch, trong đó: Chuyển đổi trên đất lúa 336,6 ha, đất khác 246,9 ha. Các mô hình chuyển đổi đã giúp người dân giảm được chí phí sản xuất từ 10-20%, lợi nhuận tăng 2-3 lần so với trồng lúa trước đây. Bên cạnh các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Thuận Bắc... làm tốt công tác chuyển đổi cây trồng, thì điểm đáng kể là huyện Bác Ái chuyển hơn 106 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây sử dụng ít nước. Tại xã Phước Trung, khoảng 40 ha đất lúa ở khu vực hưởng lợi nước tưới hồ Phước Nhơn được các hộ chuyển qua trồng bắp, mè, đậu xanh. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên năng suất bắp đạt 5 tấn/ha, hộ trồng thu lãi khoảng 40 triệu đồng/ha

    Nhiều nông dân đã chuyển đổi sang trồng  các loại cây sử dụng ít nước

     

    Vụ đông - xuân năm 2021-2022 đánh dấu nhiều mô hình kiên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân có hiệu quả. Đơn cử, mô hình cánh đồng lớn trồng bắp (ngô) giống của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước An, xã Phước Vinh (Ninh Phước) triển khai thực hiện vụ đầu tiên với quy mô diện tích 60 ha/80 thành viên tham gia thu được kết quả toàn diện. HTX thực hiện liên kết với 3 doanh nghiệp để sản xuất gồm: Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố. Trong quá trình sản xuất, HTX được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay 1 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Qua 4 tháng, bắp cho thu hoạch, năng suất đạt bình quân 7 tấn/ha, với giá bán 11.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận mỗi ha đạt từ 45-47 triệu đồng.

    Tại xã Bắc Sơn (Thuận Bắc), mô hình liên trồng cây nha đam cũng gặt hái được kết quả bước đầu. Theo đó, 35 hộ dân đồng bào Raglai ở thôn Xóm Bằng liên kết với Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt sản xuất 20 ha nha đam theo quy trình ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô giống nha đam sạch bệnh đã cho thu hoạch lứa đầu, lợi nhuận cao gấp 4 lần so với trồng cây màu trước đây.

    Anh Mang Min, Trưởng thôn Xóm Bằng, cho biết: Thực hiện mô hình liên kết sản xuất có sự đầu tư của doanh nghiệp trong xây dựng hệ thống thủy lợi, sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, thu mua sản phẩm nên bà con rất phấn khởi. Kết quả bước đầu tạo cơ sở cho địa phương phối hợp với doanh nghiệp xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình lên 50 ha trong thời gian tới.

    Phát huy những kết quả đạt được, vụ hè - thu năm 2022 toàn tỉnh chuyển đổi 530 ha cây trồng. UBND tỉnh chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế nhằm nâng cao thu nhập của nông dân; phấn đấu thực hiện đạt “mục tiêu kép” vừa đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, vừa khắc phục khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.

    Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành chức năng, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, xem xét điều chỉnh cơ cấu giống rau, củ, quả có thời gian bảo quản kéo dài, phù hợp thị trường, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ rau tại địa phương, cung ứng ngoài tỉnh, chú trọng biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý, quản lý dịch hại và bón phân cân đối. Trên đất chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu thì chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, không để úng cục bộ; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ từ các nguồn phế phẩm chăn nuôi của các hộ để giảm bớt phân bón hóa học và thuốc trừ sâu bệnh nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân./.

    Ngô sinh khối là một trong những đối tượng cây để chuyển đổi

     

      

    Khuyến nông Quốc gia