• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    “Lấy rừng nuôi rừng” ở Mù Cang Chải
    04/10/2022 8:28:00 SA
    Lượt xem: 9144

    Với phương châm “lấy rừng nuôi rừng”, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được triển khai ở huyện Mù Cang Chải đã tạo được hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân cũng như bảo vệ rừng (BVR) và phát triển rừng bền vững.

     

    Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, rừng tự nhiên ở huyện Mù Cang Chải được quản lý, bảo vệ tốt

     

    Xã Hồ Bốn có 574 hộ dân với 2.932 nhân khẩu; trong đó, dân tộc Mông chiếm 95%. Cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp và xã có trên 2.853 đất có rừng; trong đó, có trên 2.349 ha rừng cung ứng DVMTR. Để giữ rừng hiệu quả, xã đã thành lập và duy trì 5 tổ chuyên trách để BVR, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) ở các bản; các trưởng bản thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý BVR, PCCCR gắn chính sách chi trả DVMTR.

    Ông Sùng A Bình - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Năm 2021, xã được nhận trên 274 triệu đồng từ DVMTR. Số tiền tuy còn ít nhưng bà con trong xã rất phấn khởi vì việc giữ rừng đã được hưởng lợi. Giờ đây, hầu hết các hộ tích cực tham gia bảo vệ tài nguyên rừng, tuần tra, kiểm tra rừng nên rừng được bảo vệ tốt, nhiều năm không xảy ra cháy rừng. Đặc biệt, từ tiền chi trả DVMTR, các  bản đã có tiền để đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội phục vụ lợi ích chung như làm mới và tu sửa đường nông thôn. Ngay từ đầu năm 2022, UBND xã đã họp và thống nhất với nhóm hộ nhận giao khoán BVR để được sử dụng nguồn tiền DVMTR do xã quản lý vào thực hiện xây dựng công trình đường nông thôn tại các bản: Háng Đề Chu, Trống Trở, Trống Là với tổng số tiền trên 255 triệu đồng”.  

    Huyện Mù Cang Chải hiện có trên 82.992 ha đất có rừng; trong đó, hơn 58.882 ha rừng tự nhiên và hơn 21.563 ha rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 67,16%. Đây là nơi dự trữ nguồn nước cung cấp nước cho các lưu vực như: sông Đà, sông Hồng, Nậm Tha… và cũng là tiềm năng về nguồn thu DVMTR từ các nhà máy thủy điện. Trong vài năm trở lại đây, trung bình mỗi năm các chủ rừng trên địa bàn nhận được khoảng 50 tỷ đồng tiền DVMTR. 

    Nói về hiệu quả DVMTR, ông Trần Xuân Dưỡng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải cho biết: "Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải quản lý trên 20.000 ha rừng đặc dụng. Tính riêng năm 2021, người dân các xã thuộc Khu bảo tồn đã nhận được trên 15 tỷ đồng tiền DVMTR. Cùng với các nguồn thu nhập khác, tiền DVMTR đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân trong khu bảo tồn. Tại các khu vực rừng được chi trả tiền DVMTR, người dân đã nhiệt tình hơn trong trồng, chăm sóc rừng và tình trạng xâm lấn, chặt phá rừng từng bước được hạn chế”. 

    Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải - ông Nguyễn Anh Phương chia sẻ: "Để triển khai sâu rộng chính sách chi trả DVMTR tới các chủ rừng và nhân dân, hàng năm đơn vị tổ chức các hội nghị tuyên truyền, ký hợp đồng BVR, ký cam kết PCCCR đến nhóm hộ, chủ hợp đồng nhận khoán BVR; rà soát thống nhất, tổng hợp danh sách, diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR tại các bản; phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn chỉ đạo tổ xung kích tăng cường tuần tra BVR".

    "Năm 2021, diện tích rừng có cung ứng DVMTR của đơn vị tại huyện Mù Cang Chải là trên 48.579 ha; đã chi trả trên 35,6 tỷ đồng tiền DVMTR cho 11.436 hộ và 107 cộng đồng, nhóm hộ nhận giao khoán BVR. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần nâng cao thu nhập của người dân, đóng góp vào ổn định dân cư, xóa đói, giảm nghèo của huyện, từng bước nâng cao ý thức người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng”, ông Phương nói thêm. 

    Có thể nói, chính sách chi trả DVMTR được triển khai ở Mù Cang Chải đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của môi trường rừng cũng như nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống gắn bó với rừng. 

    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chi trả DVMTR ở Mù Cang Chải cũng gặp một số khó khăn nhất định: sự điều tiết tiền chi trả DVMTR giữa các địa phương trên địa bàn có sự chênh lệch lớn, gây nên nhiều sự thắc mắc giữa các đối tượng được thụ hưởng; nhận thức của một số nhân dân còn hạn chế, vẫn còn tình trạng canh tác nương rẫy không tập trung và chưa được quy hoạch chặt chẽ; tình trạng thả rông gia súc phá hoại rừng non còn diễn ra ở các bản, các xã; người dân tự ý trồng xen những cây dược liệu, cây sơn tra, thảo quả, sa nhân vào trong rừng phòng hộ không có kế hoạch, không báo cáo chính quyền địa phương, chủ rừng; tình trạng người dân chặt cây tươi làm củi vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng... 

    Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR, thời gian tới, huyện Mù Cang Chải tiếp tục tập trung bảo vệ và phát triển vững chắc diện tích rừng hiện có gắn với nâng cao giá trị của DVMTR trên địa bàn. 

    Bên cạnh đó phối hợp với Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh tiếp tục bổ sung, mở rộng nguồn thu từ các đối tượng sử dụng DVMTR trên địa bàn; từ đó, nâng cao thu nhập cho các hộ dân BVR, nhất là các hộ đồng bào dân tộc nghèo, tạo động lực để bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân trong quản lý, BVR. Đồng thời, đổi mới công tác chi trả tiền DVMTR thông qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. 

      

    Báo Yên Bái