• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hiệu quả mô hình nuôi vỗ béo bò và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học năm 2022
    10/11/2022 7:50:00 SA
    Lượt xem: 10411

    Xã Khao Mang của huyện Mù Cang Chải và xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu là 2 xã được Trung tâm Khuyến nông lựa chọn với lý do nằm trong vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi đại gia súc và có nhiều tiềm năng phát triển nuôi vỗ béo bò thịt của huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các hộ dân của 2 xã vẫn còn chăn nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, đặc biệt chưa áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật vỗ béo bò và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học. Từ đó dẫn đến chất lượng đàn bò thương phẩm không cao, bò gầy, tỷ lệ thịt xẻ thấp, thêm vào đó lượng phân thải của gia súc chưa được thu gom xử lý triệt để, nên còn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

    Bằng nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2021-2023 “Xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học” năm 2022 tại Khao Mang huyện Mù Cang Chải  với quy mô 62 con cho 20 hộ tham gia; tại xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu với quy mô 61 con cho 20 hộ tham gia.

    Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm khuyến nông tỉnh Yên Bái hỗ trợ 100% các loại vật tư gồm thuốc tẩy nội, ngoại ký sinh trùng, lượng thức ăn hỗn hợp (270kg/con) đảm bảo độ đạm là 16%, chế phẩm sinh học xử lý chất thải. Ngoài hỗ trợ vật tư các hộ tham gia mô hình được cán bộ của Trung tâm tập huấn kỹ thuật về vỗ béo bò thịt  và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học, kiểm tra, hướng dẫn ghi chép số liệu theo dõi để đánh giá khả năng tăng trọng của bò trong từng khung trọng lượng/tháng.

    Tại lớp tập huấn các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn các nội dung chủ yếu như: Công tác giống trong chăn nuôi bò thịt, kỹ thuật chọn bò đưa vào vỗ béo cho hiệu quả cao; Sản suất và chế biến một sô loại thức ăn chăn nuôi, bổ sung cho nuôi vỗ béo bò; Kỹ thuật nuôi vỗ béo bò thịt; Công tác thú y, vệ sinh thú y trong nuôi vỗ béo bò; Các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi; kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; Công tác quản lý đàn bò và cách tính hiệu quả kinh tế.

    Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt tăng giá trị thu nhập cho các hộ chăn nuôi, tạo sản phẩm an toàn cho cộng đồng, các hộ tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học EMUNIV  không những hạn chế được ô nhiễm môi trường do chất thải của chăn nuôi tạo ra mà còn đem lại nguồn phân hữu cơ tự nhiên bón cho cây trồng.

    Ông Sùng A Khay bản Tà Đằng, xã Xà Hồ cho biết: Gia đình tôi làm theo đúng kỹ thuật mà cán bộ hướng dẫn sau một thời gian đàn bò lớn nhanh trông thấy. Hồi mua về trung bình đàn bò đạt 179 kg/con kết quả sau 3 tháng vỗ béo được 248kg/con; hộ ông Sùng A Dơ lúc chưa tham gia mô hình đàn bò của gia đình đạt 191 kg/con thì sau vỗ béo 3 tháng đã đạt 265kg/con.

    Bà Nguyễn Thị Lải, bản Thái, xã Khao Mang chia sẻ: khi tham gia mô hình được cán bộ hướng dẫn tận tình nên tôi thấy cách này dễ làm, không tốn công chăm sóc mà đàn bò lại hiền hơn, ngoại hình đẹp nên bán được giá cao, nhưng thích nhất là chuồng trại không còn mùi hôi như trước đây”.

    Sau 6 tháng triển khai thực hiện, mô hình đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt. 100% các hộ tham gia tại 2 xã đã biết áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học. Từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong việc phát triển chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi đại gia súc: Chuồng trại luôn luôn được vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng theo đúng định kỳ, chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật. Kết thúc thời gian nuôi vỗ béo lợi nhuận thu được từ 01 con bò sau khi trừ chi phí như thức ăn, thuốc thú y (chưa tính công lao động) lãi trên 3  triệu đồng/con  so với nuôi nuôi thông thường tăng trung bình 20 % so với chăn nuôi đại trà.

     Ông Giàng A Sáy, Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu cho biết: Trước kia người dân trên địa bàn xã chủ yếu là nuôi bò theo hình thức thả rông, không tận dụng thu gom chất thả để xử lý, chưa biết các kỹ thuật về nuôi vỗ béo bò và xử lý chất thải chăn nuôi, chỉ làm theo tự phát nên hiệu quả chưa cao. Năm 2022 được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Yên Bái  triển khai thực hiện mô hình nuôi vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn xã, các hộ tham gia mô hình đã nhận thấy được cách làm mới đem lại hiệu quả và đã tuyên truyền hướng dẫn cho 6 hộ trong xã không tham gia mô hình áp dụng kỹ thuật nuôi vỗ béo bò và sử lý chất thải chăn nuôi giúp đàn bò của gia đình tăng cân hơn so với chăn nuôi truyền thống tại địa phương.

    Từ thực tế cho thấy, mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi và được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cơ sở cũng như các hộ chăn nuôi trong và ngoài mô hình đánh giá cao, có khả năng nhân rộng. Đồng thời, tạo cho người chăn nuôi có ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi và cộng đồng xã hội, qua đó, góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải và xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái.

    Ngô Đăng Sỹ - Trung tâm Khuyến nông