• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hội Nông dân Trấn Yên đồng hành cùng hội viên làm giàu
    16/05/2023 2:28:00 CH
    Lượt xem: 4286

    Từ 3 ha quế của gia đình, đến nay, chị Trần Thị Huân ở thôn 5, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã có 2 xưởng sản xuất, chế biến quế, lợi nhuận mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Năm 2022, chị Huân được tôn vinh danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc. Chị là một trong nhiều hội viên được sự đồng hành của Hội Nông dân huyện Trấn Yên trong phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

    Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên kiểm tra mô hình nuôi tằm trên khay trượt của Hội Nông dân xã Việt Thành.

     

    Từ 3 ha quế của gia đình, kết hợp với thu mua quế vỏ cho bà con trong vùng, sau 15 năm kinh doanh các sản phẩm quế, đến nay, gia đình chị Trần Thị Huân ở thôn 5, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã xây dựng được 2 xưởng sản xuất, chế biến quế, mua sắm được nhiều trang thiết bị máy móc, ô tô để vận chuyển hàng hóa. 

    Bình quân mỗi năm, gia đình chị sản xuất, chế biến khoảng trên 1.000 tấn vỏ, cành quế các loại và lợi nhuận đạt trên 1 tỷ đồng. Cũng từ nguồn thu nhập ấy, gia đình chị Huân xây được ngôi nhà khang trang trị giá trên 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Huân còn tạo việc làm cho 15 phụ nữ địa phương với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng. 

    Đặc biệt, trong Chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam - Một thập kỷ xanh” do Hội Nông dân (HND) Việt Nam tổ chức năm 2022, chị Huân được tôn vinh danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc. Chị Huân chia sẻ: "Sống ở nơi có tiềm năng về phát triển kinh tế từ cây quế nên bản thân tôi và gia đình luôn tìm cách vươn lên làm giàu từ sản phẩm của địa phương”. 

    Để tạo động lực cho hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất hàng hóa; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh (SXKD), tiêu thụ sản phẩm, cùng với sự ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) để phát triển sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2021, Hội Nông dân (HND) xã Cường Thịnh đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) SXKD giỏi với 20 thành viên là hộ SXKD giỏi từ cấp xã đến cấp tỉnh. CLB hoạt động trên 3 nhóm chính là chăn nuôi, trồng trọt và SXKD. 

    "Thông qua hoạt động các CLB đã liên kết các hộ sản xuất, cùng chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập của thành viên. Sau 2 năm, đã có sản phẩm mật ong của CLB được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, số hộ đạt SXKD giỏi cấp huyện, cấp tỉnh tăng theo từng năm” - ông Nguyễn Đức Vượng - thành viên CLB SXKD giỏi xã Cường Thịnh cho biết.

    Để phong trào thi đua SXKD giỏi triển khai có hiệu quả, tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia, HND huyện Trấn Yên tập trung triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế; phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất giỏi, tổ chức cho hội viên tham quan, học tập; từ đó, vận dụng vào tình hình thực tế tại gia đình. 

    Bình quân mỗi năm, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện, các ngành liên quan tổ chức chuyển giao KHKT, tập huấn đầu bờ, xây dựng mô hình thí điểm… cho trên 35.000 lượt hội viên; phối hợp tổ chức 75 lớp dạy nghề cho 2.200 hội viên tham gia; phối hợp với các công ty phân bón triển khai tập huấn và bán trả chậm 2.500 tấn phân. 

    Cùng đó, Hội còn làm tốt vai trò là cầu nối giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, đầu tư vào SXKD nâng cao thu nhập. Hiện tại, dư nợ do HND huyện ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đạt gần 250 tỷ đồng cho gần 4.000 hộ vay vốn. 

    Đến hết năm 2022, toàn huyện Trấn Yên có 6.800 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp; trong đó, số hộ có thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng tăng 3 lần so với năm 2018. Đặc biệt, từ hiệu quả của Phong trào thi đua SXKD giỏi, nhiều hộ đã phát triển mô hình kinh tế trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, góp phần hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo ra lượng hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao như: vùng trồng dâu, trồng tre Bát độ, cây ăn quả có múi, vùng quế, vùng chè chất lượng cao, vùng chế biến gỗ rừng trồng... Kết quả này, đã thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển bền vững, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới. 

    Bà Nguyễn Thị Phương Đông - Chủ tịch HND huyện Trấn Yên cho biết: "Hiện tại, HND huyện đang tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội đẩy mạnh tuyên truyền tới hội viên, người dân để nâng cao chất lượng Phong trào thi đua SXKD giỏi; đặc biệt là thay đổi nhận thức, tư duy sản suất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường sản xuất hàng hóa; ứng dụng công nghệ tiên tiến và khuyến khích nông dân SXKD quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Làm tốt công tác kết nối doanh nghiệp, nhà khoa học với hộ nông dân trong SXKD và tiêu thụ sản phẩm”.

      

    Báo Yên Bái