• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Kỹ thuật nuôi cá chạch sụn trong ao đất
    01/02/2023 8:23:00 SA
    Lượt xem: 4336

     Ở Việt Nam, cá chạch bùn (cá chạch sụn) phân bố tự nhiên ở miền Bắc, miền Trung. Trong tự nhiên cá chạch bùn sống đáy, ở khu vực nước nông của sông, ao, hồ, kênh mương, ưa nước sạch; không thích hợp với môi trường bùn đáy ô nhiễm nhiều mùn bã hữu cơ. Cá chạch sụn có nhiều ưu điểm như: tăng trọng nhanh, chu kỳ nuôi ngắn (3 - 4 tháng/lứa), sức đề kháng cao, ít xuất hiện bệnh tật, thịt cá thơm, ngon, bổ dưỡng. Để nuôi cá Chạch đạt hiệu quả cao người nuôi thủy sản cần lưu ý:

    1. Chuẩn bị ao nuôi

    Ao nuôi cá chạch sụn có diện tích 2.000 - 5.000 m2, độ sâu ao 1,2 - 1,5m, độ dày bùn đáy ao 10 - 15cm. Bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ.

    Trước khi thả cá giống, tiến hành cải tạo ao:

    + Tháo cạn nước, dọn sạch cỏ, tu sửa bờ, đăng cống, vét bùn nếu lượng bùn quá nhiều.

    + Bón vôi khắp đáy ao với lượng 7 - 10kg/100m2 để diệt cá tạp và các mầm bệnh;

    Phơi đáy ao 5 - 7 ngày đến nứt chân chim sau đó tiến hành cấp nước cho ao nuôi qua lưới lọc.

    + Gây màu nước cho ao nuôi bằng chế phẩm hoặc cám ủ để đảm bảo ổn định màu nước.

    + Môi trường nước khi thả giống đảm bảo các tiêu chí: Nhiệt độ 22 - 30°C; pH 6,5 - 8; hàm lượng oxy hòa tan >= 4mg/l.

    2. Thả cá giống

    Cá chạch sụn là đối tượng chịu lạnh khá tốt, do đó có thể thả nuôi cá quanh năm. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế tốt nhất nên thả giống vào thời điểm tháng 4 - 7 hàng năm, do đây là thời điểm con giống đại trà, giá thành rẻ, nhiệt độ môi trường phù hợp cho thả giống và đặc biệt thời gian thu hoạch vào các tháng 9 - 12 thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao.

    Chọn mua cá giống tại cơ sở uy tín, cá khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, màu sắc sáng bóng, không có dấu hiệu bệnh, không xây xát, mất nhớt.

    Thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả xuống ao nuôi, cá được tắm qua nước muối loãng nồng độ 2% (2 kg muối/100 lít nước) trong thời gian 5 - 10 phút để sát trùng, phòng bệnh. Mật độ thả: 40 - 60 con/m2, giống: 1 - 2g/con.

    3. Cho ăn

    Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, hàm lượng đạm >= 30%. Cho cá ăn 2 - 3 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối, do cá chạch có tập tính ăn chủ yếu vào ban đêm nên lượng thức ăn tập trung vào chiều tối, lượng thức ăn chiếm 70 - 80% lượng thức ăn trong ngày.

    Cho cá ăn bằng cách rải đều thức ăn xung quanh ao hoặc sử dụng hệ thống cho ăn bán tự động để cá chủ động vào ăn. Tỷ lệ cho ăn từ 3 - 5% trọng lượng cá/ngày, tùy theo mức độ ăn và từng giai đoạn phát triển của cá. Tránh cho ăn dư thừa.

    Định kỳ trộn thêm Vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn với liều lượng 3 - 5g/kg thức ăn, thuốc bổ gan 2 - 3 g/kg thức ăn để tăng sức đề kháng, cho ăn 2 lần/tháng, mỗi lần cho ăn liên tục từ 3 - 5 ngày.

    Ngoài ra, cần tăng cường quan sát khả năng sử dụng thức ăn, tình trạng sức khỏe của cá và thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Thường xuyên theo dõi tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Cần cho cá ăn đầy đủ, sử dụng thức ăn có hàm lượng protein đảm bảo, không hư hỏng, ẩm mốc.

    4. Quản lý ao

    Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi màu nước, các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời; Cho cá ăn đầy đủ để cá lớn nhanh và tăng sức đề kháng, cá ít bị bệnh.

    Theo dõi chặt chẽ chất lượng nước ao nuôi, định kỳ 10 - 15 ngày thay 30 - 50% lượng nước trong ao. Tùy vào độ lớn của cá mà thời gian thay nước rút ngắn. Vào các đợt nắng nóng dùng lưới lan che 1/3 diện tích ao kết hợp dùng máy bơm đảo nước vào các thời điểm nắng nóng nhất trong ngày để ổn định môi trường nước ao nuôi.

    Định kỳ tháng/lần kiểm tra bệnh tật và tốc độ phát triển của cá

    Định kỳ dùng vôi rải xuống ao 1 - 2 lần/tháng để phòng bệnh cho cá (khoảng 2kg/100m²).

    Thường xuyên quan sát hoạt động bơi lội và khả năng bắt mồi để nắm bắt tình hình sức khỏe của cá và có chế độ chăm sóc hợp lý.

    Trong ao nên thả bèo tây để tạo chỗ trú ẩn và tránh nóng, tránh rét cho cá. Làm rào chắn xung quanh ao nuôi để ngăn ngừa địch hại xâm nhập, tránh thất thoát.

    5. Phòng bệnh

    Chọn địa điểm nuôi thích hợp, thiết kế công trình nuôi đúng kỹ thuật. Nguồn nước lấy vào ao nuôi phải sạch hoặc đã được xử lý;

    Cải tạo ao theo đúng quy trình kỹ thuật, vệ sinh ao thật kỹ sau mỗi vụ nuôi;

    Chọn cá giống tốt tại các cơ sở có uy tín và không mang mầm bệnh;

    Thả nuôi với mật độ hợp lý;

    Cho cá ăn vừa, tránh tình trạng thức ăn thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi;

    Định kỳ thay nước để cải thiện điều kiện môi trường ao nuôi;

    Thường xuyên quan sát ao nuôi, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý thích hợp.

    6. Thu hoạch

    Sau 4 tháng nuôi cá chạch đạt kích cỡ thương phẩm 25 - 30g/con có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ để xuất bán./.

    Nguyễn Thị Xuân-Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái