• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Lục Yên: Thay đổi tư duy sản xuất sản phẩm rau quả
    31/05/2023 8:20:00 SA
    Lượt xem: 5121

    Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lục Yên có những bước chuyển rõ nét, nhưng trên thực tế vẫn còn không ít nông dân vẫn quen với phương thức sản xuất truyền thống.Trong khi đó, nhu cầu sản phẩm an toàn, chất lượng theo các tiêu chuẩn đã được công bố như VietGAP, GlobalGAP... ngày càng tăng, đòi hỏi người nông dân những thay đổi tư duy trong sản xuất.

    Mô hình trồng dưa lê trong nhà lưới tại xã Tân Lập, huyện Lục Yên.

     

    Được sự khuyến khích và hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Lục Vân Anh, ở tổ dân phố 9, thị trấn Yên Thế đầu tư xây dựng nhà kính, mái lợp bằng màng nilon trong suốt, xung quanh bao bọc bằng lưới chắn côn trùng, bên trong có hệ thống điện thắp sáng, hệ thống tưới nhỏ giọt… đáp ứng đúng quy chuẩn. 

    Trong ngôi nhà kính này, mỗi năm anh Lục Vân Anh trồng được 2 - 3 vụ tùy loại cây, mỗi vụ thu hoạch được khoảng 10 tấn sản phẩm các loại, thu về ít nhất 300 triệu đồng, trừ mọi chi phí lãi 50%. Các loại cây anh trồng chủ yếu là cà chua, dưa lê, dưa lưới, dưa chuột. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là thành phố Yên Bái, Hà Nội và Đà Nẵng. 

    Anh Lục Vân Anh cho biết: "Để cây phát triển nhanh, hiệu quả cao và giảm được tối đa chi phí, tôi sử dụng ong mật để thụ phấn cho hoa, khi trời âm u thiếu nắng như thời gian đầu năm, tôi phải thắp bóng đèn để cây có đủ ánh sáng quang hợp; ở giai đoạn cây ra hoa thì tỉa bớt lá và nhánh phụ để chất dinh dưỡng tập trung cho thân chính và chính hệ thống tưới nhỏ giọt cũng giúp tiết kiệm chi phí nước tưới rất nhiều...”. 

    Trao đổi với lãnh đạo UBND thị trấn Yên Thế được biết: Là địa phương có diện tích trồng rau lớn nhất huyện, toàn thị trấn có trên 52 ha đất trồng rau. Để nâng cao thu nhập cho nông dân, những năm gần đây UBND thị trấn đã tích cực vận động người dân tập trung vào những vùng đất có lợi thế trồng rau màu để xây dựng thành những vùng sản xuất rau màu chuyên canh lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. 

    Với định hướng này, thị trấn đã chỉ đạo mỗi tổ dân phố xây dựng một vùng chuyên canh rau màu tối thiểu từ 3 - 5 ha. Nhờ đó, diện tích trồng rau màu trên địa bàn thị trấn không ngừng được mở rộng, hiệu quả kinh tế ngày một tăng cao, các sản phẩm rau, củ của thị trấn đã và đang dần khẳng định thương hiệu ở thị trường trong và ngoài huyện.

    Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: "Địa phương có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, thời gian qua huyện đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ và coi đây là hướng đi bền vững, góp phần giải quyết những vấn đề về tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất. 

    Trong giai đoạn 2021 - 2025, địa phương xây dựng kế hoạch về vấn đề tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm; tiến hành đưa các vùng sản xuất có khả năng chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, VietGAP... 

    Hiện nay, Lục Yên đã hình thành vùng sản xuất lúa trên 600 ha, vùng ngô diện tích ổn định trên 5.100 ha, trên 1.000 ha cây ăn quả có múi; có 3 HTX được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; toàn huyện có trên 5.000 ha quế; trên 900 ha tre lấy măng; 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh… chúng tôi đang hỗ trợ, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm trong lĩnh vực này. 

    Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể để hỗ trợ nhân dân sản xuất nông nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn; tập trung thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái bền vững. 

    Đồng hành cùng các nông hộ trong quá trình sản xuất nông nghiệp an toàn, trong tháng 5/2023 vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật và Huấn luyện nghiệp vụ chất lượng nông - lâm, thủy sản tỉnh Thái Nguyên tổ chức tập huấn quy trình sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP cho 15 hộ dân ở xã Lâm Thượng và thị trấn Yên Thế. Tại lớp tập huấn, các học viên đã được tiếp thu những kiến thức tổng quan về VietGAP; đánh giá lựa chọn vùng sản xuất; giống, phân bón và chất bổ sung; nguồn nước trong canh tác rau an toàn… 

    Qua lớp tập huấn, các học viên đã nhận thức được sự an toàn thực phẩm trong sản xuất rau, củ quả, được hướng dẫn áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong trồng rau, củ, quả, cách thức ghi chép Sổ nhật ký sản xuất VietGAP. Qua đó, tuyên truyền lợi ích của việc sản xuất theo quy trình VietGAP đối với xã hội, người sản xuất, người tiêu dùng và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đánh giá chứng nhận mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP...

     

      

    Báo Yên Bái