• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Tết sớm ở vùng măng Bát độ Trấn Yên
    16/01/2023 8:09:00 SA
    Lượt xem: 6801

    Tết đã len vào những câu hát then, những thanh âm đàn tính. Tết đến từ những đồi tre măng vươn mình trong nắng rồi theo gió lan xuống bản Tày, lên bản Mông. Tết đã đến các phiên chợ rồi tỏa lan khắp các thôn bản từ vùng thấp đến vùng cao các xã Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh... , huyện Trấn Yên.

    Người dân xã Hồng Ca thu hoạch măng tre Bát độ.

     

    Tết của người dân ở các xã vùng tre măng Bát độ, huyện Trấn Yên đã rộn ràng ngay từ khi vụ măng năm 2022 kết thúc.  Dọc trục đường bê tông từ trụ sở UBND xã Kiên Thành đến thôn Đồng Cát, hai bên đường đã được trang trí cờ hoa rực rỡ đón xuân mới. 

    Dừng chân bên căn nhà mới xây theo kiểu kiến trúc hiện đại rất to và đẹp, anh Nông Ngọc Quang - cán bộ khuyến nông xã giới thiệu với tôi: "Đây là nhà anh Hà Đức Dậu, là 1 trong gần 100 ngôi nhà được xây mới trên địa bàn xã trong năm 2022 này. Mà nhà nào cũng to đẹp cả đấy! Chị biết không, những ngôi nhà như thế này ở đây toàn từ tiền bán măng. Vụ măng năm nay, người trồng măng rất phấn khởi. Tết này dân sẽ ăn  to!”.

    Vừa dứt lời giới thiệu thì anh Dậu từ trong nhà đon đả ra đón khách: "Hai bạn thông cảm, nhà vẫn còn bừa bộn lắm, tôi đang dọn dẹp để tháng 11 âm lịch vào nhà mới”. Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà mới, anh Dậu cho biết: tổng diện tích xây dựng là hơn 200m2, trị giá hơn 1,3 tỷ đồng từ tiền tích cóp qua mấy vụ măng. Gia đình anh Dậu hiện có gần 4 ha tre, vụ măng năm nay được giá nên cho thu nhập gần 200 triệu đồng. 

    Rời nhà anh Dậu, chúng tôi đến nhà ông Hà Văn Liêm là 1 trong những hộ trồng tre măng Bát độ sớm nhất và có diện tích lớn nhất trong thôn. Ngược con dốc cao, chúng tôi lên đồi măng nơi ông Liêm đang chiết cành. Vừa qua vụ thu hoạch măng, ông Liêm cùng người nhà lại tất bật chiết cành giống để bán cho Công ty Yên Thành.

     Với hơn 20 ha tre măng, trong đó có khoảng 10 ha đang trong độ thu hoạch. Mỗi năm, cây măng mang về cho nhà ông Liêm từ 500 - 600 triệu đồng. Hỏi về vụ măng năm nay, ông Liêm phấn khởi cho biết: "Năm nay, được giá nên người trồng măng vui lắm. Sau vụ măng, nhiều người sắm sửa thêm hoặc thay mới đồ dùng trong nhà để phục vụ cho cuộc sống tốt hơn. Ăn tết xong sẽ mở rộng diện tích tre măng”. 

    Kiên Thành hiện là "thủ phủ” của cây tre măng Bát độ với hơn 1.900 ha, trong đó có hơn 1.770 ha trong thời kỳ kinh doanh. Hàng năm, sản lượng măng thương phẩm trung bình của xã đạt hơn 20.000 tấn, chiếm tới 2/3 sản lượng măng của toàn huyện. Năm 2022, giá măng tăng cao gấp 1,5 lần năm ngoái nên cho thu nhập khoảng 110 tỷ đồng. Nhờ trồng tre măng Bát độ mà đời sống của nhân dân trong xã đã được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng/năm.

    Rời Kiên Thành, chúng tôi đến với Hồng Ca. Đi trên con đường dài hơn 10 km từ thôn Hồng Hải đến thôn Khe Ron, hai bên đường những cây đào phai chuẩn bị bung sắc thắm. Làng quê nơi đây như được khoác trên mình tấm áo mới để đón xuân. 

    Vừa phát những cây tre đã già để tỉa thưa gốc, anh Tráng A Vàng ở thôn Hồng Lâu cho biết: "Vụ măng này, gia đình mình thu được hơn 10 tấn măng, giá năm nay cao hơn năm ngoái nên mình vui lắm. Từ ngày trồng cây tre măng này, kinh tế gia đình mình khá hơn nhiều. Nhờ đó, khi tết đến, nhà cửa cũng được trang trí đẹp đẽ, mâm cơm ngày tết cũng tươm tất hơn nhiều”.

    Đến nay, gần 70% số hộ dân xã Hồng Ca đã trồng tre măng Bát độ, tổng diện tích đạt hơn 1.230 ha, trong đó có gần 1.100 ha tre thời kỳ kinh doanh, tập trung chủ yếu ở các thôn: Hồng Hải, Nam Hồng, Liên Hiệp, Đồng Đình. 

    Đặc biệt hơn, loại cây trồng này đang mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân ở các thôn vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống như: Hồng Lâu, Khuôn Bổ, Khe Ron, Khe Tiến. Ông Hờ A Tính - Bí thư Chi bộ thôn Hồng Lâu cho biết: "Hiện nay, 100% hộ dân trong thôn trồng tre măng Bát độ với hơn 120 ha. Năm nay, thời tiết mưa nhiều nên măng mọc nhiều và ngọn to hơn, giá lại cao nữa nên bà con rất phấn khởi”. Ông Hà Thanh Chương - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca khẳng định: "Từ khi đưa cây tre măng Bát độ vào trồng, cuộc sống của người dân xã Hồng Ca thực sự khởi sắc và no đủ hơn”.

    Đến với các xã vùng măng, dễ dàng nhận thấy những triền đồi xưa vốn trồng sắn, keo, bồ đề nay đã được phủ xanh bằng cây tre măng Bát độ. Năm 2022, Trấn Yên tiếp tục có thêm một vụ măng thắng lợi, sản lượng măng thương phẩm đạt 31.500 tấn. Điều đáng mừng hơn nữa là giá măng thương phẩm năm nay tăng hơn 1,5 lần so với những năm trước (5.500 đồng/kg măng ống và 6.000 đồng/kg măng ngọn) nên giá trị thu nhập của toàn huyện đạt gần 200 tỷ đồng. Người trồng măng Trấn Yên, phấn khởi lắm. 

    20 năm qua, cây tre măng Bát độ đã góp phần thay da đổi thịt các miền quê. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của huyện đạt gần 48,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,55%. Đặc biệt, cây tre măng Bát độ đã làm thay đổi phương thức, tập quán sản xuất của hàng nghìn hộ dân người dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao, những xóm làng trù phú, những thôn nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao xuất hiện ngày càng nhiều.

    Càng về chiều, các bản làng ở Kiên Thành, Hồng Ca càng nhộp nhịp. Trước sân những ngôi nhà đã được dọn dẹp sạch sẽ, nhà nào nhà đó đều treo cờ Tổ quốc. Các bản người Mông thì chuẩn bị làm bánh dày, bản người Tày thì chuẩn bị cho lễ hội Lồng tồng. Các cô gái, chàng trai người Dao đang tập lại những điệu hát dân ca... Thanh âm của đàn tính, khèn Mông như đã ngân vang khắp các bản làng, thôn xóm đón xuân về. Rồi còn ném pao, đánh quay, kéo co, đẩy gậy... Người dân vùng tre măng Bát độ phấn khởi đón tết ấm no! 

    Báo Yên Bái