• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Văn Yên xây dựng chuỗi liên kết gắn với các cây trồng chủ lực
    17/03/2023 8:06:00 SA
    Lượt xem: 3613

    Những năm qua, từ các chương trình hỗ trợ của trung ương, tỉnh, huyện Văn Yên đã triển khai xây dựng nhiều dự án sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các cây trồng chủ lực của địa phương như: quế, sắn, tre măng Bát độ và nuôi cá tầm.

     

    Sản xuất quế hữu cơ tại Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà.

     

    Gắn bó với cây quế lâu năm và cây quế là nguồn thu nhập chính của gia đình nhưng giá cả thường bấp bênh cũng như phụ thuộc nhiều vào các thương lái; vì thế, khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động tham gia vào chuỗi liên kết (CLK) sản xuất quế hữu cơ của Hợp tác xã (HTX) Bình An, ông Bàn Phúc Tình, thôn Làng Mới, xã Đại Sơn đồng ý ngay. 

    "Tham gia vào CLK sản xuất quế hữu cơ, tôi được tập huấn, tham quan về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Đặc biệt, quá trình canh tác khi phát hiện sâu, bệnh thì không được dùng thuốc trừ sâu mà phải áp dụng theo các phương pháp do HTX hướng dẫn. Hiện, gia đình tôi đã có 4/10 ha được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn trong sản xuất quế hữu cơ và được HTX mua cao hơn so với giá thị trường 10%” - ông Bàn Phúc Tình cho biết. 

    Được biết, dự án xây dựng CLK trồng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế hữu cơ được triển khai tại xã Đại Sơn từ năm 2021 với tổng kinh phí hỗ trợ của dự án giai đoạn (2021 - 2025) trên 4,4 tỷ đồng; trong đó, tỉnh hỗ trợ 800 triệu đồng. Đến nay, đơn vị chủ trì dự án là HTX Bình An đã xây dựng được vùng nguyên liệu 1.000 ha quế hữu cơ với sự tham gia của trên 300 hộ. 

    Ông Lý Hai - Giám đốc HTX Bình An, thôn Làng Mới, xã Đại Sơn cho biết: "Ngay khi triển khai thực hiện dự án, HTX đã phối hợp với chính quyền địa phương và các chuyên gia tổ chức họp dân để tư vấn về giống, phân bón, phòng bệnh. Cùng đó, khi tiến hành khai thác, HTX cho cán bộ xuống tận nơi kiểm tra, xác nhận quế khai thác có nằm trong diện tích quế hữu cơ hay không. 

    Thông qua CLK, chúng tôi mong muốn nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế cho các hộ dân, người trồng quế sẽ bán được giá cao hơn thị trường và HTX cũng dễ dàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm hơn cho các đối tác. Năm 2022, chúng tôi đã xuất đi nước ngoài trên 120 tấn sản phẩm như: quế sáo, quế đen, quế bột… và thường xuyên tạo việc làm cho 10 lao động địa phương”. 

    Cùng với CLK trong sản xuất quế hữu cơ, từ năm 2021, huyện Văn Yên cũng đã triển khai dự án liên kết trồng tre măng Bát độ tại xã An Bình với diện tích 200 ha. Theo đó, huyện phối hợp với Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình phát triển vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn người dân khai thác, trồng, sơ chế măng và bao tiêu sản phẩm cho người trồng măng. 

    Ông Trần Văn Hưởng, thôn Khe Trang cho biết: "Được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi cùng với một số hộ trồng tre măng Bát độ thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Phúc Lợi để ký kết hợp đồng liên kết và thu mua toàn bộ sản phẩm măng trên địa bàn. Với việc trồng tre lấy măng, nhiều hộ đã thoát nghèo và làm giàu từ loại cây này. So với những cây trồng trước đây như bồ đề, keo thì giá trị cây tre măng măng Bát độ cao hơn 2,5 - 3,0 lần nếu trồng trên đất đồi rừng”. 

    Những năm qua, từ các chương trình hỗ trợ của trung ương, tỉnh, huyện Văn Yên đã triển khai xây dựng nhiều dự án sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các cây trồng chủ lực của huyện như: quế, sắn, tre măng Bát độ và nuôi cá tầm. Đến nay, các chuỗi này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Riêng trong năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản của huyện đạt trên 2.650 tỷ đồng, bằng 101,8% kế hoạch, tổng sản lượng lương thực có hạt 59.098 tấn, bằng 104% kế hoạch, tăng 1.510,7 tấn so với năm trước. 

    Ông Lê Văn Quyền - Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: khi tham gia vào CLK, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp (DN) đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất; đồng thời, DN cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. 

    Bên cạnh những lợi ích đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường. 

    Để các dự án CLK trong sản xuất nông nghiệp được triển khai hiệu quả, Phòng tham mưu với UBND huyện xây dựng một quy chế phối hợp với các bên; đồng thời, phối hợp tổ chức họp thôn thông báo rộng rãi nội dung của các chương trình hỗ trợ đến người dân cũng như thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai, hiệu quả của các dự án.

    Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện rà soát và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm khuyến khích các DN, tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư hình thành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp; tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo điều kiện và khuyến khích các DN đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. 

    Đặc biệt, trong năm 2023, huyện tiếp tục triển khai xây dựng 4 CLK sản xuất quế hữu cơ với diện tích thối thiểu 4.000 ha; qua đó, góp phần phát triển, mở rộng diện tích quế được chứng nhận là quế hữu cơ và nâng cao thu nhập cho người trồng quế Văn Yên.

      

    Báo Yên Bái