• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Đột phá nông nghiệp Mù Cang Chải
    14/03/2022 8:35:00 SA
    Lượt xem: 6961

    Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”, huyện vùng cao Mù Cang Chải đã có những đột phá mới, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương...

    Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải kiểm tra mô hình trồng cây lê tai nung tại xã Púng Luông.

    Trở lại xã Nậm Khắt những ngày này, tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay trong cuộc sống đồng bào nơi đây. Ông Thào A Phềnh - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, huyện, xã đã chủ động mời gọi các nhà đầu tư đến với địa phương. Đến nay, xã đã thành công với mô hình trồng rau đặc sản của Hợp tác xã Rau và Nấm dược liệu Nậm Khắt; mô hình trồng hoa hồng của Hợp tác xã Hoa hồng Nậm Khắt. Triển khai và hoạt động mới gần ba năm nay nhưng hai mô hình này đã đem lại hiệu kinh tế rất cao”. 

     

    Với hình thức thuê đất ruộng kém hiệu quả từ trồng lúa nương của người dân địa phương, các chủ HTX đã sang trồng rau và trồng hoa, qua đó đem về lợi nhuận cao và tạo việc làm ổn định cho  nhiều lao động địa phương. 

    Chị Thào Thị Tồng ở bản Nậm Khắt cho biết: "Gia đình mình có gần 10.000 m2 đất lúa, trước đây trồng lúa thu nhập bấp bênh, từ năm 2019 HTX Hoa hồng Nậm Khắt đã thuê đất, liên kết để trồng hoa với giá 35 triệu đồng/ha. Ngoài tiền cho thuê ruộng, tôi còn được HTX nhận vào chăm sóc hoa nên thu nhập cũng tăng hơn trước. Gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu bền vững”.  

    Anh Nguyễn Xuân Thiện - Giám đốc Hợp tác xã Hoa hồng Nậm Khắt cho biết: "Bằng hình thức thuê, liên kết đất của người dân, đến nay HTX đã trồng được trên 50 ha hoa hồng và rau màu, doanh thu đạt hàng tỷ đồng/năm”.

    >> Mù Cang Chải - nơi đất cằn "nở hoa"

    Lên xã Púng Luông - nơi có rừng trúc đẹp mộng mơ thì hiện giờ đã thêm sắc trắng hoa lê. Với điều kiện khí hậu của tiểu vùng cận ôn đới, những năm gần đây, Púng Luông đã đưa cây lê tai nung vào trồng.

    Anh Mùa Páo Pòng ở bản Nả Hảng Tủa Chử cho biết: "Khi được tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, từ năm 2014, gia đình tôi đã đưa lê tai nung vào trồng thử nghiệm trên diện tích 0,6 ha. Đến nay, cây lê không những phát triển tốt mà còn cho thu nhập cao”. 

    Từ những mô hình ban đầu, đến nay xã Púng Luông đã trồng được trên 5 ha lê tai nung, trong đó có gần 1 ha đã cho thu nhập, bình quân mỗi ha đạt hơn 100 triệu đồng. 

    Ông Phạm Đức Thịnh - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Trồng cây lê tai nung là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, năm nay xã tiếp tục phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đề án trồng 50 ha lê tai nung để góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào”.

    Trong 6 năm qua, nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Mù Cang Chải đã đảm bảo an ninh lương thực, sản xuất nông nghiệp đã chú trọng đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, các mô hình trồng hồng giòn, lê tai nung; nuôi gà đen, lợn đen bản địa; trồng rau an toàn, trồng hoa hồng… đã thay đổi hẳn nhận thức, phương thức sản xuất của người dân.

    Theo đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, huyện đã xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp là gắn với đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước chuyển đổi tư duy từ "phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy "phát triển kinh tế nông nghiệp”. 

     Minh chứng rõ nhất là đến nay, huyện đã có trên 1.400 ha lúa nương hiệu quả kinh tế thấp được chuyển đổi sang trồng ngô lai ngắn ngày, cho hiệu quả cao hơn. Các cây ăn quả ôn đới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện như hồng giòn, lê tai nung được mở rộng diện tích trên địa bàn nhiều xã. 

    Cùng đó, diện tích sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao như Séng cù, nếp tan được mở rộng lên trên 700 ha và gần 80 ha sản xuất hoa màu theo hướng hàng hóa tập trung đã phát huy hiệu quả cao. Trong đó, trồng hoa hồng mang lại lợi nhuận khoảng trên 660 triệu đồng/ha. Hiện nay, toàn huyện có 4 sản phẩm nông nghiệp đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh là Chè Shan tuyết Púng Luông, Mật ong Mù Cang Chải, Gạo nếp tan Khau Phạ, Sơn tra khô thái lát. 

    Nhờ tập trung thực cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp với những đột phá mới, năm 2021, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đã đạt 46.256 tấn, tăng gần 1.300 tấn so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,08%. Đây là những tiền đề quan trọng để vùng cao Mù Cang Chải vươn lên cơ bản thoát nghèo vào năm 2025, góp phần xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch.

     

      

    Báo Yên Bái