• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Mù Cang Chải nâng tầm nông sản chủ lực
    17/10/2022 8:30:00 SA
    Lượt xem: 9119

    Sau 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một giải pháp được Mù Cang Chải ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP, các tập thể, cá nhân đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch.

    Sản phẩm mật ong hoa tự nhiên huyện Mù Cang Chải được cấp chứng nhận OCOP 3 sao

     

    Mù Cang Chải là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật quý, có giá trị kinh tế, văn hóa cao. Đây là lợi thế để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tham gia Chương trình OCOP tạo nên những sản phẩm có giá trị, có sức cạnh tranh trên thị trường.

    Mật ong Mù Cang Chải là đặc sản quý giá của núi rừng, đã được người tiêu dùng ưa chuộng từ lâu. Tuy nhiên, để phát triển, đưa sản phẩm mật ong đa dạng về quy cách, mẫu mã và đến với người tiêu dùng ngày càng nhiều luôn là điều trăn trở của chính quyền cũng như người dân. 

    Vốn gắn bó với nghề nuôi ong nhiều năm, năm 2018, anh Nguyễn Văn Toản đã thành lập HTX Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải với 7 thành viên tham gia để xây dựng sản phẩm mật ong Mù Cang Chải thành OCOP 3 sao. 

    Giám đốc HTX Nguyễn Văn Toản  chia sẻ: "Dù gắn bó với nghề nuôi ong từ lâu, năm 2020, sản phẩm mật ong hoa tự nhiên của Mù Cang Chải được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP cũng như đạt chuẩn OCOP ví như được chắp thêm đôi cánh để HTX nâng tầm thương hiệu, hoàn thiện quy trình sản xuất an toàn, đem lại lợi ích bền vững cho thành viên, nông dân liên kết. Hiện riêng gia đình có khoảng 700 đàn ong đang cho khai thác mật, mỗi năm thu từ 8.000 - 10.000 lít mật. 

    Để nâng cao chất lượng mật ong, vươn tới những thị trường xa hơn trong nước và cả nước ngoài, tôi đã mạnh dạn đầu tư máy hạ thủy phần là loại máy tách nước từ mật ong, với công nghệ này giúp nâng cao chất lượng mật, tạo uy tín với người tiêu dùng. Bên cạnh đầu tư công nghệ, thời gian tới, HTX tiếp tục liên kết với nông dân để nhân rộng mô hình, tăng số lượng đàn ong để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào Mông”. 

    Sau 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một giải pháp được Mù Cang Chải ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2021, huyện đã có 4 sản phẩm nông sản đạt chuẩn OCOP 3 sao là Chè Shan tuyết Púng Luông, Mật ong Mù Cang Chải, Gạo nếp tan Khau Phạ, Sơn tra khô thái lát. 

    Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP, các tập thể, cá nhân đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. 

    Ngoài sản phẩm OCOP nông sản, đến nay Mù Cang Chải có 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng gồm: Bản Văn hóa du lịch cộng đồng La Pán Tẩn (homestay), xếp hạng 3 sao; Làng du lịch cộng đồng (Homestay Kim Nọi), xếp hạng 4 sao và Điểm du lịch cộng đồng Hello Mù Cang Chải (homestay), xếp hạng 4 sao. 

    Theo đánh giá, các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP có tăng trưởng khá, đạt doanh thu vượt trội so với các năm trước. Các sản phẩm như Mật ong hoa tự nhiên, Chè Shan tuyết Púng Luông không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh hiệu quả về mặt kinh tế, nhận thức và ý thức tổ chức sản xuất của người dân được nâng lên. Các chủ thể OCOP đã đặt vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu; biết nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm theo thị hiếu của người tiêu dùng và tín hiệu thị trường. Đây là một trong những thành phần quan trọng góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

    Những kết quả đạt được thời gian qua là nền tảng vững chắc để các sản phẩm OCOP của Mù Cang Chải tiếp tục hoàn thiện, tiến tới chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước. 

    Để góp phần nâng tầm nông sản chủ lực của địa phương, tới đây, huyện chú trọng đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ các cơ sở OCOP có khả năng phát triển để mở rộng quy mô sản xuất, đạt tiêu chuẩn đủ điều kiện để xuất khẩu. 

    Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại trên các nền tảng số, sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ người sản xuất mở rộng, tìm kiếm các thị trường mới có tiềm năng để giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. 

    Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, tạo vùng nguyên liệu bền vững cho chế biến sản phẩm, tạo điều kiện để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. 

      

    Báo Yên Bái