• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Phát triển sản phẩm OCOP năm 2023: Ưu tiên sản phẩm chế biến sâu
    24/03/2023 2:26:00 CH
    Lượt xem: 4899

    Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có sức lan tỏa rất lớn, giúp nâng giá trị sản phẩm cho người sản xuất, đặc biệt ở khu vực nông thôn... Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ tập trung, ưu tiên nhiều hơn cho các sản phẩm chế biến sâu, gắn với văn hóa và tri thức bản địa của mỗi địa phương.

    Gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022.

     

    Nâng tầm giá trị sản phẩm

    Chương trình OCOP triển khai đã và đang phát huy thế mạnh của mỗi địa phương. Thông qua Chương trình, nhiều xã, huyện đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, chú trọng đầu tư trang thiết bị, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật để phát triển các ngành nghề nông thôn, nhất là bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.

    Thông tin về điều này, ông Nguyễn Anh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Chiến Thắng (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) cho biết, từ năm 2019 đến năm 2021, công ty đã có 10 sản phẩm được chứng nhận OCOP của thành phố. "Kể từ khi tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi đã quan tâm đến ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp với kinh nghiệm gia truyền, nên chất lượng sản phẩm tốt hơn. Sản phẩm được dán tem OCOP, người tiêu dùng cũng thấy yên tâm hơn khi lựa chọn. Đến nay, các loại bánh, như: Bánh vừng vòng, trứng vừng, bánh gạo lứt, bánh cốm... của công ty đã được tiêu thụ khắp cả nước. Hiệu quả rất rõ rệt, lợi nhuận đã tăng lên 15% so với trước khi được chứng nhận OCOP", ông Chiến chia sẻ.

    Thông tin thêm về điều này, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, các sản phẩm OCOP 5 sao được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài. Còn tính chung, gần 61% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%.

    Để đưa sản phẩm OCOP ra thị trường, thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo... nhằm xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP phát triển sản phẩm. Trong năm 2022, thành phố đã phát triển thêm 28 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại 14 quận, huyện, nâng tổng số điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố lên 83 địa điểm, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng được 2.167 sản phẩm OCOP, chiếm gần 25% sản phẩm OCOP của cả nước.

    Còn tính đến hết năm 2022, cả nước đã có 8.689 sản phẩm tham gia OCOP; trong đó có 65,5% sản phẩm 3 sao, 33,6% sản phẩm 4 sao, 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao của 4.479 chủ thể OCOP là các hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh.

    Tuy nhiên, bên  cạnh những kết quả đạt được, sau 4 năm triển khai, Chương trình OCOP cũng gặp không ít khó khăn. Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh, nhưng chưa thực sự bền vững. Một số địa phương còn chạy theo thành tích. Hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả…

    Hướng đến phát triển bền vững

    Để khắc phục những hạn chế, bất cập, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT vừa tổ chức tập huấn về phát triển sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới cho các địa phương.

    Theo đó, việc phát triển sản phẩm OCOP sẽ được thực hiện theo chuỗi giá trị, dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thống, nhất là ở miền núi, những nơi còn nhiều khó khăn.

    Ở góc độ địa phương, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội thông tin, năm 2023, thành phố dự kiến đánh giá, phân hạng thêm 400 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm được đánh giá, phân hạng đến hết năm 2023 đạt khoảng 2.567 sản phẩm, vượt 567 sản phẩm so với mục tiêu đề ra. Hiện tại, nhiều huyện của Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, việc xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP gặp khó khăn. Do đó, thành phố chỉ đạo các huyện phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm đặc sản vùng miền; đẩy mạnh liên kết với các vùng lân cận để có nguyên liệu đầu vào ổn định cho sản xuất và kiểm soát được chất lượng sản phẩm.

    Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng OCOP thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã yêu cầu Sở NN&PTNT tham mưu cho thành phố hoàn thiện cơ chế hỗ trợ Chương trình OCOP trong tháng 4-2023 để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã xây dựng các trung tâm thiết kế, giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm OCOP, kết hợp phát triển du lịch..., nhằm thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển bền vững.

    Cả nước phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất có từ 400 đến 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Chương trình OCOP sẽ ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp để có ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp...

     

      

    Báo Yên Bái