• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Trấn Yên đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa
    15/07/2022 10:16:00 SA
    Lượt xem: 7201

    Thời gian qua, huyện Trấn Yên tập trung rà soát, quy hoạch cụ thể thế mạnh từng vùng để bố trí phù hợp các mô hình sản xuất nông nghiệp (SXNN). Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết SXNN, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và hợp tác xã. Nhờ đó, SXNN từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, chuỗi liên kết, góp phần nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân.

    Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm tại xã Việt Thành.

     

    Trong năm 2021, huyện Trấn Yên triển khai thực hiện nhiều chính sách phát triển SXNN. Trong đó nổi bật là chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết (NQ) số 69 của HĐND tỉnh Yên Bái với tổng kinh phí hỗ trợ trên 9,4 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ 9 dự án liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị điều chỉnh gần 5,5 tỷ đồng; hỗ trợ 103 cơ sở chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa (SXHH) hoặc đặc sản hữu cơ gần 3,3 tỷ đồng; hỗ trợ các dự án mô hình mới 620 triệu đồng. 

    Tại xã Hưng Thịnh - một trong những địa phương triển khai hiệu quả NQ 69, trong năm 2021, xã đã được hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng thực hiện 40 mô hình chăn nuôi quy mô hàng hóa và các sản phẩm đặc sản; trong đó, có 15 mô hình nuôi lợn, 10 mô hình nuôi bò, 5 mô hình nuôi gà đen đặc sản, 2 mô hình nuôi lợn Mông bản địa và trong năm 2022, xã đang tiếp tục đề nghị hỗ trợ thêm 7 mô hình phát triển chăn nuôi. 

    Ông Nguyễn Minh Thanh - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: sau 1 năm rưỡi triển khai thực hiện NQ 69, trên địa bàn xã có gần 50 hộ đăng ký hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng SXHH hoặc đặc sản hữu cơ. Các chính sách hỗ trợ theo NQ 69 giúp thúc đẩy SXNN trên địa bàn huyện phát triển bền vững và chuyển đổi theo hướng SXHH. Đặc biệt, đã khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản gà đen, lợn đen, trâu bò thịt… phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. 

    Bên cạnh các chính sách hỗ trợ trong chăn nuôi, huyện Trấn Yên tích cực xây dựng nhiều dự án sản xuất theo chuỗi giá trị. Điển hình như dự án phát triển sản xuất trồng dâu, nuôi tằm liên kết theo chuỗi giá trị đã triển khai hỗ trợ 535 triệu đồng để thực hiện trồng mới 5,5 ha dâu, xây mới 3 nhà nuôi tằm lớn, sửa chữa nâng cấp, cải tạo 26 nhà nuôi tằm lớn và mua mới 32 bộ né gỗ ô vuông. 

    Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: "Các chương trình hỗ trợ của tỉnh, huyện đã tạo đà cho SXNN địa phương phát triển theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân thì việc được hỗ trợ kinh phí theo NQ 69 đã tạo đòn bẩy để giúp các hộ dân có thêm động lực để phát triển kinh tế. Trong năm 2021, trong xã đã được hỗ trợ hơn 600 triệu đồng chủ yếu hỗ trợ cho chương trình trồng dâu nuôi tằm và phát triển chăn nuôi quy mô hàng hóa”. 

    Hay như tại xã Quy Mông, NQ 69 đã hỗ trợ 510 triệu đồng thực hiện trồng mới 9,5 ha dâu, xây mới 2 nhà nuôi tằm con và 11 nhà nuôi tằm lớn, sửa chữa nâng cấp, cải tạo 6 nhà nuôi tằm lớn và mua mới 7 bộ né gỗ ô vuông, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm tại địa phương. 

    Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trong năm 2022, toàn huyện dự kiến có gần 100 cơ sở chăn nuôi hàng hóa được hỗ trợ theo NQ 69 với tổng kinh phí gần 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng triển khai hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất với kinh phí trên 3,8 tỷ đồng và các dự án liên kết đã được UBND tỉnh phê duyệt. 

    Thời gian tới, huyện Trấn Yên tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký thực hiện các mô hình SXNN theo hướng hàng hóa, chuỗi liên kết; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đẩy nhanh công tác tiêm phòng vắc - xin các loại; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng con giống. Đồng thời, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ đăng ký thực hiện hoàn thiện chuồng trại, mua con giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu và giải ngân theo đúng quy định.

    Các chính sách hỗ trợ của NQ 69 đã tạo điều kiện để huyện xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh bền vững; các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia trong chuỗi liên kết áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo ra vùng SXHH, sản phẩm chủ lực với khối lượng lớn và chất lượng cao, thúc đẩy sản xuất phát triển.

      

    Báo Yên Bái