• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Yên Bái khẳng định vai trò kinh tế của hợp tác xã
    30/08/2022 9:41:00 SA
    Lượt xem: 10143

    Những năm qua, kinh tế tập thể, trọng tâm là hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, là một yếu tố và động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho người nông dân; đồng thời, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

    Lãnh đạo Hợp tác xã Trồng cây ăn quả và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn giới thiệu mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP.

     

    HTX Trồng cây ăn quả và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn thành lập từ tháng 9/2017. Ngành nghề chính là trồng cây ăn quả có múi và cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bằng hình thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay, HTX đã có hơn 70 ha cam đều được sản xuất theo quy trình VietGAP tạo ra sản phẩm sạch an toàn.

    Nhờ đó, bình quân mỗi năm, HTX thu hoạch được trên 500 tấn cam, cung ứng hàng trăm tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con nông dân trong xã. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm của HTX đạt trên 5 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 15 - 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. HTX Công Tâm, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên chính thức chuyển đổi theo Luật HTX 2012 từ năm 2017, hoạt động chính trong lĩnh vực thu mua, chế biến, xuất khẩu tinh dầu quế, sắn lát khô. 

    Sau chuyển đổi, vốn điều lệ của HTX tăng từ 1 tỷ đồng lên hơn 6 tỷ đồng, vốn hoạt động tăng từ 1,5 tỷ lên hơn 7 tỷ đồng, doanh thu từ 2 - 3 tỷ đồng lên 6 - 7 tỷ đồng, lợi nhuận tăng từ 350 triệu đồng lên gần 400 triệu đồng, lao động thường xuyên tăng từ 25 lên 42 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. 

    Ông Trần Văn Kiên - Giám đốc HTX Công Tâm, cho biết: "Mục tiêu lớn nhất của HTX là tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương; đồng thời, cùng với địa phương thực hiện thành công mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Chúng tôi đã nỗ lực đẩy mạnh liên doanh liên kết, hỗ trợ giúp đỡ người dân trong thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định, giá cả hợp lý, tạo chuỗi liên kết sản xuất bền vững”. 

    Với hướng đi đúng theo mô hình HTX kiểu mới, hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX Thái Sơn, huyện Lục Yên đã quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ cho hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm. 

    Cùng với đó, HTX còn tích cực tổ chức thương thảo, liên doanh, liên kết và ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm lạc, vừng, đỗ tương cho bà con trong vùng; tiến hành đăng ký chất lượng sản phẩm; đồng thời, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

    Ngoài các sản phẩm chất lượng được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 - 4 sao, các sản phẩm của HTX Thái Sơn còn được bình chọn và đạt giải nhất, nhì cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2018 và năm 2021. 

    Nhằm khẳng định vai trò của kinh tế HTX, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh phát huy cao vai trò, kịp thời nắm bắt được khó khăn, vướng mắc của các đơn vị thành viên, đề xuất giải pháp hỗ trợ hiệu quả để các đơn vị tiếp tục duy trì sản xuất, việc làm cho thành viên và người lao động HTX. 

    Nhờ đó, khu vực kinh tế tập thể tỉnh, nòng cốt là HTX tiếp tục được củng cố và có chuyển biến tích cực; đổi mới về tổ chức và hoạt động, khẳng định rõ hơn về vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 của tỉnh. 

    Đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Yên Bái, nâng vốn điều lệ của quỹ từ 5 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ cho quỹ năm 2022 từ 3 tỷ đồng lên trên 8 tỷ đồng đã tạo động lực cho các HTX vươn lên, trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên, tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác trong nền kinh tế. 

    Đến nay, toàn tỉnh có trên 600 HTX, tổng vốn điều lệ trên 1.359 tỷ đồng, tổng số thành viên trên 30.544 người, tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 9.000 người. Doanh thu bình quân 6 tháng đầu năm 2022 của mỗi HTX đạt khoảng 945 triệu đồng, lợi nhuận bình quân khoảng 203 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân người lao động 4,83 triệu đồng/người/tháng; 6 tháng đầu năm 2022, khối HTX đã nộp ngân sách nhà nước 19,4 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. 

    Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: "Để tạo động lực cho khu vực kinh tế tập thể phát triển, khẳng định hơn nữa vai trò và đóng góp quan trọng của HTX trong nền kinh tế, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí của kinh tế tập thể trong nền kinh tế; triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho HTX phát triển; thu hút các nguồn lực đầu tư hỗ trợ các HTX phát triển các sản phẩm mới; tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật có tay nghề trong các HTX; xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình, từ đó nhân rộng các điển hình”.

      

    Báo Yên Bái