• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    “Chuyển đổi số Yên Bái: Quan điểm – Mô hình - Cách làm”
    19/03/2022 9:26:00 CH
    Lượt xem: 1038

    STTTT - Trang thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu nguyên văn Bài phát biểu tham luận của Giám đốc Sở TT&TT tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số tỉnh Yên Bái năm 2022 được tổ chức vào ngày 11/3/2022.

    Ông Hoàng Minh Tiến - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tham luận tại Hội nghị

    Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái  tới nay là gần 8 tháng nhưng bước đầu đã đạt được một số kết quả cụ thể, rõ nét. Có thể nói với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt trong đó là sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, chuyển đổi số đã và đang len lỏi vào từng khía cạnh của cuộc sống lẫn công việc tại Yên Bái.

    I. CHUYỂN ĐỔI SỐ - ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

    Một trong những việc quan trọng nhất mà Yên Bái đã làm được thời gian qua là đưa cụm từ “chuyển đổi số” vào tiềm thức mỗi cán bộ, mỗi người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, việc hiểu chuyển đổi số là gì, khác với ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào thì ở nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa rõ ràng. Điều này khiến cho việc khởi động chuyển đổi số của tỉnh còn gặp một số khó khăng nhất định.

    Nhân Hội nghị này, tôi xin chia sẻ với các đồng chí về 05 điểm khác biệt chính giữa ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số:

    1. Ứng dụng công nghệ thông tin nói nhiều đến phần mềm. Chuyển đổi số nói nhiều đến nền tảng.

    - Ứng dụng CNTT: Mỗi máy tính tại mỗi cơ quan đều cài đặt rất nhiều các phần mềm khác nhau, nhưng không liên thông theo ngành dọc, không chia sẻ dữ liệu được với nhau.

    - Chuyển đổi số: Mỗi công chức, mỗi máy tính trở thành người dùng đầu cuối, cùng sử dụng một ứng dụng chung được cung cấp qua Internet.

    2. Ứng dụng công nghệ thông tin chủ yếu là về sản phẩm và đầu tư. Chuyển đổi số nói nhiều đế dịch vụ và thuê dịch vụ.

    - Ứng dụng CNTT: Mỗi cơ quan tự đầu tư, mua sắm máy chủ, tự viết hoặc thuê viết phần mềm.

    - Chuyển đổi số: Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng tập trung (hay còn gọi là cloud computing), cung cấp các nền tảng này dưới hình thức dịch vụ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    3. Ứng dụng công nghệ thông tin nhấn mạnh vai trò của Giám đốc CNTT (CIO). Trong chuyển đổi số thì quan trọng nhất là vai trò của người đứng đầu:

    - Ứng dụng CNTT: Nghị định 64/2007/NĐ-CP của Chính phủ có riêng 1 điều (Điều 47) định nghĩa và quy định chức năng, vai trò của Giám đốc CNTT.

    - Chuyển đổi số: Đây không phải là bài toán về công nghệ, mà là bài toán về thể chế, về chính sách và quyết tâm của người đứng đầu.

    4. Ứng dụng công nghệ thông tin thì tập trung vào quy trình. Chuyển đổi số tập trung vào dữ liệu.

    - Ứng dụng CNTT:  Là mô phỏng trên môi trường mạng các bước tương tự như quy trình công việc trong cuộc sống thực.

    - Chuyển đổi số: Nếu trong cuộc sống sức khỏe là thứ quý báu nhất. Trên không gian mạng, đó chính là dữ liệu. Có thể ví dữ liệu lớn như bộ não của con người trong chuyển đổi số.

    5. Quan trọng nhất, đó là ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới nhà quản lý. Chuyển đổi số thì hướng tới người dân.

    Đây chính là một trong các quan điểm được Thủ tướng Chính phủ quán triệt tại Phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số (ngày 30/11/2021) là chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm.

    II. QUAN ĐIỂM VỀ TRIỂN KHAI TRIỂN ĐỔI SỐ

    1. Nhận thức phải Thống nhất: Chuyển đổi số là xu hướng, là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Chuyển đổi số là bài toán chủ yếu về thể chế, về thay đổi cách nghĩ, cách làm, không phải là bài toán chính về công nghệ. Chuyển đổi số tác động đến tất cả mọi mặt công việc, cuộc sống nên không ai đứng ngoài cuộc được.

    2. Hành động phải Trọng tâm: Lựa chọn việc dễ làm trước, làm ngay và dứt điểm. Việc khó làm thí điểm, vừa làm vừa điều chỉnh. Ưu tiêu lựa chọn việc khi chuyển đổi số có phạm vi ảnh hưởng, mang lại thay đổi tới toàn cơ quan. Cách làm phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn và tôn trọng thực tiễn.

    3. Nguồn lực phải Thỏa đáng: Quản trị công việc, con người phải khoa học, hợp lý, hiệu quả và dựa trên số liệu. Đào tạo, đào tạo nâng cao về kỹ năng, nhận thức về chuyển đổi số cho từng cán bộ. Thúc đẩy hợp tác công tư theo hướng lấy nguồn lực đầu tư của ngân sách để dẫn dắt đầu tư, kích hoạt các nguồn lực trong xã hội.

    Tôi gọi đây là quan điểm 3-T về chuyển đổi số.

    III. MÔ HÌNH ĐIỂM CHUYỂN ĐỔI SỐ

    Thực hiện chủ trương tại Nghị quyết 51-NQ/TW và được sự định hướng của đ/c Bí thư Tỉnh ủy, đ/c Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở TT&TT đã tham mưu đề xuất và được UBND tỉnh giao triển khai 05 mô hình thí điểm về chuyển đổi số tại 8 cơ quan, đơn vị trong nửa đầu năm 2022. Đó là các mô hình chuyển đổi số: (1) cấp xã/phường; (2) cấp huyện; (3) cơ quan nhà nước; (4) doanh nghiệp; (5) trường học và vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có giao thêm thí điểm mô hình thứ 6 là triển khai Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái

    Qua trao đổi, thảo luận, đối với mỗi mô hình thí điểm cần trả lời được 4 câu hỏi gì: mô hình chuyển đổi số này có mục tiêu là gì? Để làm được điều đó phải làm gì? Điều kiện cần là gì? Và cuối cùng, phân công ai làm gì?

    1. Mục tiêu là Gì: cần có mục tiêu đo -  đếm - định lượng được.

    Mô hình chuyển đổi số tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và trường THCS Quang Trung:

    - Đối với học sinh: 100% nộp học phí không dùng tiền mặt; 100% có học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử; 100% điểm danh qua nền tảng trực tuyến.

    - Đối với thầy, cô, Ban giám hiệu: 100% khai thác, sử dụng kho học liệu số, học liệu mở, chia sẻ dữ liệu dùng chung gồm bài giảng điện tử, bài giảng trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, ngân hàng đề thi mẫu, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, các học liệu điện tử khác hỗ trợ dạy và học.

    - Đối với nhà trường: Có nền tảng dậy học trực tuyến và hạ tầng kỹ thuật đáp ứng; sẵn sàng duy trì học trực tuyến 1 phần ngay cả khi dịch bệnh kết thúc.

    2. Phải làm Gì: Từ mục tiêu, xác định cụ thể các việc, nhiệm vụ phải làm.

    Mô hình chuyển đổi số tại xã Tú Lệ, Văn Chấn: Tuần trước, Sở TT&TT đã thực hiện sơ kết việc triển khai thí điểm xã chuyển đổi số tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn. Từ thời gian thí điểm bắt đầu ngày 01/6/2021 tới nay, Sở đã chủ trì, phối hợp với UBND xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, VNPT, Viettel, Bưu điện tỉnh Yên Bái để triển khai một số việc cần làm và kết quả đạt được như sau:

    - Chính quyền số: (1) Trang bị máy tính cho cán bộ công chức, đưa tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức được nâng từ 50% lên 100%; (2) tập huấn kỹ năng chuyển đổi số, sử dụng công nghệ số cho 100% cán bộ công chức; (3) cung cấp tài khoản, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử, thư điện tử công vụ và chữ ký số chuyên dùng cho 100% cán bộ công chức, người có thẩm quyền; và (4) thiết lập website dành riêng cho xã với tổng truy cập hiện đạt 4.000 lượt.

    - Kinh tế số: (1) Đưa 15 sản phẩm nông sản đặc sản lên sàn TMĐT PostMart và Vỏ Sò, phát sinh gần 100 đơn hàng với tổng giá trị là 15 triệu đồng; (2) hướng dẫn đăng ký cho 600 người dân sử dụng tài khoản ví điện tử của Viettel Pay, VNPT Pay; 250 người sử dụng dịch vụ Mobile Money. Với 12 điểm nạp/rút tiền với tổng giao dịch trung bình 1,1 tỷ đồng/tháng.

    - Xã hội số, đã chỉ đạo các nhà mạng viễn thông: (1) Phủ sóng 4G các 100% thôn, bản (trước là 90%); (2) kéo đường truyền Internet băng rộng cố định đến 89% (8/9) các thôn, bản (trước là 78%); (3) nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet cáp quang lên 34,1% (trước là 17%); (4) hướng dẫn lập hồ sức khỏe điện tử cho 84,67% người dân (5.277 nhân khẩu); (5) 2/3 trường sử dụng nền tảng công nghệ quản lý dậy và học (trước là 0%).

    3. Điều kiện cần là Gì: Xác định rõ, định lượng nguồn lực gì, từ đâu, ở đây là các nguồn lực về con người, tài chính, kỹ thuật và cả thể chế.

    Đối với mô hình chuyển đổi số cấp sở - Sở TT&TT:

    - Thể chế: (1) Lãnh đạo sở Trực tiếp chỉ đạo, làm chưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số; (2) Xây dựng và ban hành các quy chế nội bộ, quản lý, khai thác, sử dụng các trang thiết bị công nghệ thông tin.

    - Bảo đảm hạ tầng số: (1) 100% cán bộ được trang bị máy tính cá nhân đáp ứng điều kiện kỹ thuật chuyển đổi số và có điện thoại thông minh kết nối Internet; (2) trang thiết bị họp trực tuyến; (3) có thiết kế mạng nội bộ và kết nối Internet đáp ứng yêu cầu.

    - Bảo đảm an toàn, an ninh mạng: (1) Máy tính được cài đặt phần mềm diệt vi-rút, phần mềm có bản quyền; (2) Mạng wifi phải được cài đặt mật khẩu đủ phức tạp và tách riêng mạng wifi nội bộ với mạng wifi dành cho khách.

    - Có các nền tảng công nghệ số: (1) nền tảng họp không giấy tờ; (2) nền tảng họp trực tuyến; (3) đo lường, đánh giá thông tin trên không gian mạng về Yên Bái.

    4. Phân công ai làm Gì: Phân vai, phân nhiệm phải tường minh. Rõ trách nhiệm, rõ thời hạn hoàn thành.

    Đối với mô hình triển khai thí điểm nền tảng số “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”:

    - Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Cơ quan thường trực, lập kế hoạch thí điểm và tổ chức sơ kết, đánh giá. Thời hạn kết thúc thí điểm là 31/5/2022.

    - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Chủ trì cung cấp thông tin lên nền tảng.

    - Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì triển khai công nghệ nền tảng.

    - Đối với các cấp ủy thực hiện thí điểm, gồm Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh, Thành ủy Yên Bái và Huyện ủy Văn Yên: Trách nhiệm thực hiện.

    Tôi gọi đây là mô hình 4-G của chuyển đổi số.

    IV. CÁCH LÀM

    1. Làm việc dễ đến khó, bé đến lớn: chuyển đổi số là một bài toán lớn và khó. Nhưng nếu chúng ta phân chia, phân kỳ một cách phù hợp, một bài toán lớn và khó sẽ thành các bài toán bé hơn, dễ hơn.

    2. Lan dần: Thí điểm để nhân để nhân rộng – chiến lược “vệt dầu loang”: Triển khai các mô hình thí điểm để đánh giá, nhân rộng. Thí điểm ai, ở đâu thì lựa chọn những nhân tố tích cực, hội tụ các yếu tố về sự quyết tâm người đứng đầu, nhận thức và hạ tầng kỹ thuật.

    3. Lấy người dân dẫn dắt cơ quan nhà nước: Nếu nhu cầu chuyển đổi số xuất phát từ trong dân, nghĩa là người dân thấy cần thiết, cần được sử dụng, trải nghiệm công nghệ số, hạ tầng số để cuộc sống tiện lợi hơn, thì lúc đó, người dân sẽ dẫn dắt chuyển đổi số. Các cơ quan, doanh nghiệp sẽ phải tự động chạy theo. Một số tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ với tên gọi là công nghệ số/chuyển đổi số cộng đồng; đây là một cách làm tốt.

    4. Lực lượng nòng cốt là doanh nghiệp công nghệ số: Khi đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị thì doanh nghiệp phải vào cuộc, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn về công nghệ số của nhà nước. Doanh nghiệp có đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật giỏi và đông hơn nhiều so với cơ quan nhà nước và đây chính là lực lượng nòng cốt, là điều kiện cần để chuyển đổi số thành công.

    5. Lập thói quen, kỹ năng chuyển đổi số: Vừa qua việc triển khai công nghệ tham gia phòng, chống dịch của Yên Bái rất tốt. Cá nhân tôi đánh giá Yên Bái là một trong các tỉnh, thành đi đầu về sử dụng công nghệ trong phòng, chống dịch. Qua thực tiễn thì thấy rằng đội ngũ cán bộ y tế đến cấp xã của Yên Bái rất thành thạo trong việc sử dụng các công nghệ, nền tảng khác nhau phục vụ công việc. Họ đã tạo lập thành thói quen, kỹ năng sử dụng công nghệ số từ vô số các lần triển khai các công nghệ khác nhau trong phòng, chống dịch – mà ngay sau đây sẽ có một bài trình bày giới thiệu cụ thể. Nói nôm na như việc biết đi xe ô tô – thì biết ở đây là hiểu biết về luật giao thông, biết cách điều khiển phương tiện, còn khi biết rồi thì đi xe gì cũng được, là Honda, Huyndai, BMW hay VinFast đều sẽ đi được.

    Tôi gọi đây là cách làm 5-L.

    V. KẾT LUẬN

    3T – 4G – 5L: Với quyết tâm chính trị của người đứng đầu tỉnh, với điều kiện hạ tầng số đã sẵn sàng và sự đồng lòng, chung sức vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tôi có niềm tin là Yên Bái sẽ có những bước đi dài, vững chắc trong tiến trình chuyển đổi số năm 2022.

     

    Theo https://sotttt.yenbai.gov.vn