• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Yên Bái đẩy mạnh chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước
    09/05/2022 8:39:00 SA
    Lượt xem: 5664

    Chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp nền tảng và cũng là nhiệm vụ quan trọng trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy về CĐS, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, thông qua việc phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

    Cán bộ Ngân hàng BIDV Yên Bái tư vấn hỗ trợ công nhân lập tài khoản ngân hàng.

     Nghị quyết số 51 ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Yên Bái cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước hoàn thành CĐS đối với những chỉ tiêu cơ bản của một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. 

    Đặc biệt, phấn đấu thứ hạng của tỉnh Yên Bái vào nhóm 30/63 địa phương của cả nước về CĐS, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Yên Bái thực hiện CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đồng thời tiếp tục nâng thứ hạng trên bảng xếp hạng đánh giá CĐS hàng năm. 

    Thực hiện Nghị quyết số 51, các ngành, địa phương đang tích cực triển khai nhiều hoạt động đồng bộ gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Qua hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 51 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và mục tiêu đột phá trong Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, công tác CĐS của Đảng bộ Khối đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. 

    Theo đó, các đảng bộ trực thuộc Khối đã kịp thời bổ sung nhiệm vụ CĐS vào kế hoạch lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong khối. 

    Tỉnh đoàn Yên Bái đã cho ra mắt và tổ chức hoạt động hiệu quả các "Câu lạc bộ Thanh niên hỗ trợ CĐS”, qua đó thu hút sự tham gia tích cực của đoàn viên, hội viên đối với các hoạt động CĐS; tổ chức các cuộc thi trực tuyến trên mạng Internet, cuộc thi tìm hiểu nghị quyết đại hội Đảng các cấp, cuộc thi hành trình theo chân Bác, cuộc thi tìm hiểu về cải cách hành chính; áp dụng các hình thức thi, kiểm tra trực tuyến đối với các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng Đảng và đảng viên mới của Đảng bộ; thực hiện việc gửi văn bản, tài liệu qua tin nhắn SMS đảm bảo nhanh, chính xác, tiết kiệm.

    Đảng bộ Thành phố Yên Bái là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện CĐS. Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của tỉnh, thành phố xác định CĐS là nhiệm vụ hàng đầu, là khâu đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội. 

    Theo đó, thành phố đã sớm xây dựng hạ tầng khung cho mục tiêu CĐS bằng việc tiên phong đi đầu xây dựng và đưa vào hoạt động của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, CĐS của thành phố. 

    Đồng thời, thành phố Yên Bái đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS của thành phố, Ban điều hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh, tổ giúp việc kiêm nhiệm với các thành viên là cán bộ công chức, đoàn viên, thanh niên có kiến thức về công nghệ thông tin để tạo sự đồng bộ trong thực hiện CĐS trong từng lĩnh vực. 

    Các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh công tác CĐS hướng đến những mục tiêu cụ thể. Tại thị xã Nghĩa Lộ, công tác CĐS ngoài việc xây dựng chính quyền điện tử còn hướng mạnh tới việc ứng dụng công nghệ phục vụ du lịch thông minh. 

    Với việc xác định phát triển du lịch tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng của địa phương, trong đó trọng tâm hướng đến việc ứng dụng CĐS để phát triển du lịch thông minh, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng chương trình thực hiện theo từng giai đoạn. Từng bước xây dựng thói quen trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, nhân dân về việc sử dụng các ứng dụng số, thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt trong các hoạt động giao dịch hàng ngày. 

    Cùng với đó là phát triển hạ tầng số: Trung tâm Điều hành đô thị thông minh; hệ thống phòng họp trực tuyến; hệ thống các điểm thanh toán không dùng tiền mặt; hệ thống wifi công cộng; hệ thống camera giám sát… 

    Để công tác CĐS hiệu quả và thành công, cần thiết có sự chỉ đạo, sát sao và quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự làm thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, từ đó lan truyền cảm hứng, quyết tâm thực hiện trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong thực hiện chuyển đổi số.

      

    Báo Yên Bái