• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Lục Yên phát triển nông nghiệp hàng hóa
    11/01/2023 11:01:00 SA
    Lượt xem: 8831


    Những năm gần đây, với mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã tập trung cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nhờ đó, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, được đầu tư quy mô, sản xuất theo chuỗi liên kết, khả năng cạnh tranh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

    Mô hình bưởi da xanh tại xã Minh Chuẩn đem lại hiệu quả kinh tế cao

     

    Huyện đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển các sản phẩm có lợi thế, chủ lực của địa phương. Thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay, huyện đã hình thành rõ các vùng sản xuất hàng hóa: Tre măng Bát độ, lạc, quế và các loại cây  ăn quả…Xây dựng được gần 300 cơ sở chăn nuôi tập trung; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại trung bình mỗi năm ước đạt 10 nghìn tấn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Thác Bà, các ao, hồ có diện tích mặt nước lớn, huyện triển khai mô hình nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế với sản lượng đạt trên 1.750 tấn mỗi năm. Xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả, hiện toàn huyện Lục Yên có trên 730ha cây ăn quả có múi, trong đó có khoảng 500ha cho thu hoạch, tổng sản lượng niên vụ trung bình mỗi năm  đạt 7.500 tấn.

    Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện Lục Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng phải đảm bảo các tiêu chí lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và sản phẩm phải có tính bền vững. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn tiến hành lựa chọn, đăng ký sản phẩm đặc trưng của địa phương. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổng hợp, xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí cho các địa phương triển khai thực hiện. Tập trung nâng cấp, phát triển hoàn thiện các sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của 24 xã thị trấn, Ông: Hoàng Khí Phách – Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng chia sẻ: “Lâm Thượng có lợi thế phát triển nhất là măng mai, hiện nay  bà con nhân dân trên địa bàn xã ngoài bán tươi còn phơi khô để cung ứng cho các thị trường, siêu thị trong và ngoài tỉnh, bà con rất phấn khởi và tập trung xây dựng thương hiệu có chỗ đứng vững chắc để khách hàng tin dùng”.Đến nay, huyện có 13 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP, huyện phấn đấu đến hết năm 2022 có thêm 3 sản phẩm đăng ký mới, bao gồm: Cốm Khánh Thiện, viên ích áp cao, viên thìa canh giảo cổ lam. Những sản phẩm đăng ký mới đều là các sản phẩm đặc trưng có thế mạnh, có vùng nguyên liệu đủ lớn đáp ứng sản xuất hàng hóa, các tiêu chuẩn, điều kiện sản xuất đáp ứng các tiêu chí, điều kiện của chương trình.

    Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện Lục Yên được cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao

     

     

    Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy mô sản xuất nông nghiệp của huyện còn nhỏ, sản lượng hàng hóa còn ít; nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Trong thời gian tới, để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, huyện Lục Yên xác định cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp; nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thực hiện tốt đề án sản xuất một số cây trồng hàng hóa, từng bước xây dựng mô hình sản xuất gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa, phát triển bền vững các vùng sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh từng sản phẩm nông nghiệp của huyện. Mở rộng vùng sản xuất một số cây trồng thế mạnh của huyện như: Cây ăn quả, vùng sản xuất lúa chồi…Ông: Nguyễn Kim Ba – Bí thư Đảng ủy xã Tô Mậu cho biết: Từ 20ha ban đầu, qua vận động nhân dân, người dân trên địa bàn xã đã cùng tham gia thực hiện mô hình lúa chồi, ưu điểm vượt trội của mô hình lúa này là sản xuất từ 2 vụ lên 3 vụ trong 1 năm với năng suất khá tương đương, qua đó giúp người dân tăng thêm thu nhập trên 1 đơn vị canh tác”.

    Cùng với đó, huyện Lục Yên tập trung chỉ đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, du lịch có lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị.

      

    Nguyễn Thị Xuân - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái