• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    SÂU XANH ĂN LÁ BỒ ĐỀ VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
    31/07/2020 8:36:00 SA
    Lượt xem: 1104

     1. Hiện tượng và tác hại: Nhiều khu rừng trồng bị dịch, tạo nên chồi bất định, cây còi cọc, khẳng khiu. Sâu non phá hại bồ đề, ăn trụi lá, làm giảm tăng trưởng và nếu bị ăn đi ăn lại, bồ đề có thể chết.

    2. Mùa gây hại chính: Sâu xanh ăn lá một năm có 6-7 vòng đời, phá hại ở giai đoạn sâu non. Tùy theo điều kiện thời tiết, có năm mùa hại chính vào tháng 4 - 5, có năm lại xảy ra vào tháng 7 - 8.

    3. Hình thái và tập quán sinh hoạt:

    - Hình thái:

    + Sâu trưởng thành: Cơ thể dài 20-25mm, phủ đầy lông, râu đầu hình lông chim.

    + Trứng: Hình bán cầu, mặt dưới lõm. Trứng mới đẻ màu trắng ngà dần dần chuyển sang màu hồng. Khi sắp nở ra sâu non, trứng có màu hồng loang lổ.

    + Sâu non: Ăn lá bồ đề. Tuổi 1 - 2, sâu non có màu trắng xanh, toàn thân phủ nhiều lông. Tuổi 3, cơ thể màu xanh lục như lá bồ đề. Giữa đỉnh đầu có một vạch vàng vắt ngang và có một vạch vàng chạy từ đỉnh xuống 2 bên mặt. Dọc lưng sâu non có 1 vạch xanh xẫm, hai bên thân có 2 vạch vàng.

    + Nhộng: Nhộng sâu xanh ăn lá bồ đề có màu nâu cánh gián. Nhộng nằm trong kén bằng tơ kết các vụn lá khô ở đất.

    - Tập quán sinh hoạt:

    + Sâu trưởng thành: Hoạt  động về ban  đêm. Sau khi vũ hóa, bướm giao phối và đẻ trứng ngay. Bình quân, mỗi bướm cái đẻ khoảng 120 trứng. Khi dịch suy thoái, hoặc thiếu thức ăn, bướm đẻ ít hơn (khoảng 100 trứng). Sâu trưởng thành đẻ hết trứng rồi mới chết, tuổi thọ trung bình của sâu trưởng thành 7-10 ngày. Bướm đực rất mẫn cảm với đèn măng sông. Hoạt động mạnh nhất lúc 20 - 21 giờ.

    + Sâu non: Có 4 giai đoạn tuổi: Tuổi 1 sống quần tụ, từ tuổi 2 trở đi, sâu sống tản mạn, phân bố kiểu đồng đều trên tán lá. Sâu non phá hại chủ yếu ở tuổi 3 và 4, sâu non thích lá bánh tẻ hơn là lá non hay lá già.

    + Nhộng được bảo vệ bằng kén đất. Phần lớn, nhộng được phân bố trong hình chiếu tán lá và ở độ sâu 0 - 2cm. Điều này có ý nghĩa trong việc xới xáo diệt nhộng. 

      

    Bồ đề cấp tuổi 1 bị sâu ăn lá phá hại (ảnh: St)

    4. Các biện pháp phòng trừ:

    * Trong quá trình chăm sóc rừng trồng cần phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn.

    - Lợi dụng những sinh vật có ích diệt sâu, đặc biệt là kiến và ong ký sinh bằng cách bảo vệ thực bì dưới dạng tán rừng bồ đề, không phun thuốc trừ sâu bừa bãi.

    - Kết hợp trong mỗi lần chăm sóc xới xáo diệt nhộng sâu xanh bồ đề bằng cách: Dùng cuốc, xén, cào bới nhẹ lớp đất mặt xung quanh gốc, bán kính rộng 60 cm, cuốc sâu 10 - 15 cm, vun đất vào gốc.

    * Thường xuyên theo dõi rừng trồng, nếu thấy xuất hiện sâu xanh ăn lá bồ đề dùng biện pháp thủ công để tiêu diệt sâu trưởng thành:

    - Do trưởng thành ban ngày ít di chuyển, chủ yếu đậu bám vào thân cây trong khoảng từ mặt đất lên cao 3m nên dùng tay bắt hoặc que đập giết trưởng thành rất hiệu quả.

    - Dùng bẫy đèn bắt bướm: Do trưởng thành ưa ánh sáng đèn, dùng các loại đèn ắc quy, đèn măng xông đốt bằng bình ga du lịch,... đặt trong chậu nước bẫy bướm trên và xung quanh rìa rừng rất hiệu quả.

    * Trồng xen canh bồ đề hỗn giao với một số cây như Mỡ, Nứa có thể sẽ không xảy ra dịch sâu nghiêm trọng.

    * Cần quan tâm đến mật độ trồng: Không nên trồng bồ đề quá dày, tán lá hẹp, mảnh.

    - Đối với mật độ trồng 2.500 cây/ha: Tỉa thưa lần đầu với cường độ 50-55%, giữ lại 1.100-1.250 cây có đường kính 5,5-6,5cm; tỉa thưa lần 2 với cường độ 35-40%, giữ lại 700-750 cây có đường kính 8,5-9,5cm.

    - Đối với mật độ trồng 3300 cây/ha: Tỉa thưa lần đầu với cường độ 50-55%, giữ lại 1.500-1.650 cây có đường kính 5-6cm; tỉa thưa lần 2 với cường độ 500%, giữ lại 750-800 cây có đường kính 7-8,5cm.

    * Biện pháp phun thuốc hoá học: Thực hiện khi dịch sẽ xảy ra trên diện rộng, quy mô lớn, cần báo cho cơ quan Bảo vệ thực vật để có hướng dẫn và áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời./

     

    Kỹ sư Lê Thị Hải Yến - Trung tâm khuyến nông tỉnh Yên Bái