• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ MỐI HẠI CÂY TRỒNG
    16/11/2021 8:23:00 SA
    Lượt xem: 5068

     

    Mối là một trong những côn trùng gây hại nguy hiểm nhất ở rừng, sống theo xã hội với những đẳng cấp khác nhau như mối thợ, mối lính, mối chúa, mối vua và mối giống. Những tổn thất kinh tế do mối gây ra trong vườn ươm và rừng trồng là rất lớn. Bạch đàn là loài cây bị mối gây hại rất nặng. Ngoài ra thông, phi lao và một số cây trồng khác cũng bị mối xâm nhập phá hại.

    1. Hiện tượng và tác hại của mối hại

    - Mối ăn tạo nên những đường hầm xung quanh thân, làm mất vỏ cây.

    - Phá hại cắn rễ và gốc thân ở dưới đất làm cho cây chết. Nguyên nhân chủ yếu làm cho cây chết do mối tấn công là vòng vỏ bị cắt và hệ thống mạch dẫn nhựa bị tắc.

    2. Mùa hại chính của mối

    Mùa hại chính của mối gắn chặt với mùa khô và tập trung chủ yếu ở những cây trồng dưới 12 tháng tuổi, đặc biệt là bạch đàn. Tỷ lệ cây chết trên rừng trồng do mối phá hại ở lứa tuổi này vào khoảng 20 - 30%, nhưng đối với  bạch đàn có thể lên đến 60 - 80%.

    3. Biện pháp phòng trừ

    * Biện pháp canh tác

    - Vệ sinh rừng trước khi trồng: Hố và xung quanh hố phải dọn sạch cành nhánh, vì cành nhánh là mồi nhử mối tới.

    - Chọn loài cây trồng có tính đề kháng với mối. Qua quá trình thực tế quan sát ở cơ sở, rút ra được loài cây nào có tính chống chịu cao với mối, tuy năng suất có kém hơn một chút cũng nên trồng.

    - Trồng tăng mật độ, đến khi cây con đã vượt qua giai đoạn bị mối gây hại thì chặt tỉa thưa đảm bảo mật độ qui định. Những khu vực nhiều mối thì không nên trồng các loài cây dễ bị nhiễm mối như Bạch đàn, phi lao, thông... có thể thay bằng cây trồng khác như keo các loại hoặc cây địa phương.

    - Lựa chọn cây khoẻ mạnh đem trồng, trồng rừng đúng trong khung thời vụ.

    * Biện pháp hoá học

    - Đào hố bẫy mối: Sau khi trồng, kiểm tra thấy có nhiều mối đến xâm nhập, có thể làm những hố nhử mối bằng cành lá. Có thể đào 5 - 7 hố/ha, sâu khoảng 60 cm và có đường kính 60 cm. Cho cành nhánh, lá, mối thích ăn xuống như rơm, rạ hoặc lá cọ khô, bã mía chặt ngắn 20 - 25 cm. Tưới nước đường (đường ăn) nồng độ 0,5% đủ ẩm vào hố bẫy để dụ mối đến ăn. Sau đó, lấp đất dày 15 - 20 cm, sau khoảng 15 - 20 ngày thăm thử, nếu thấy mối đến nhiều, dùng lọ thuốc trừ mối tận gốc (dạng bột mịn) phun vào mối thợ, các con mối nhiễm thuốc (thuốc bám vào cơ thể, sau 2 - 3 ngày sẽ chết), theo tập tính khi gặp nhau chúng chạm vào nhau để trao đổi thông tin và gián tiếp đầu độc nhau khi thuốc dính vào. Khi mối chúa nhiễm thuốc bằng cách thức như trên (tiếp xúc với mối thợ) sẽ bị chết và đàn mối sẽ bị tuyệt giống, nạn mối được trừ tận gốc trong vòng 6 tháng đến 1 năm trong khu vực này. Sau thời hạn trên có thể mối ở các vùng lân cận di chuyển đến, nên ta thường xuyên phải kiểm tra, phát hiện sớm và xử lý kịp thời. 

    - Xử lý bầu ươm cây giống: Đây là phương pháp có hiệu quả và rẻ nhất. Xử lý bầu ươm cây giống bằng cách: mua thuốc trừ mối dạng bột, đem trộn vào giá thể dùng để cho vào bầu ươm cây giống (gieo hạt giống, ươm hom, rễ hoặc cấy cây con) theo tỷ lệ như hướng dẫn trên bao bì gói thuốc để đề phòng mối xâm nhập vào bầu ươm.  

               

     

    Lê Thị Hải Yến - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái