• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ MỘT SỐ LOÀI SÂU HẠI CÂY GIỐNG TRONG VƯỜN ƯƠM
    08/10/2021 2:20:00 CH
    Lượt xem: 1439

     

    Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái số lượng vườn ươm cây giống là rất lớn, từ những cây trồng phổ thông như keo, bồ đề, bạch đàn, quế... hay những loại cây dược liệu trong nhóm danh mục lâm sản ngoài gỗ rất là Khôi Nhung, Ba kích....Nên việc phòng chống sâu bệnh trong vườm ươm cũng là một vấn đề cần thiết cho các chủ vườn ươm.

    Để nhận biết và phòng trừ các loại sâu bệnh hại trong vườn ươm. Trung tâm Khuyến nông giới thiệu một số loài sâu hại trong vườn ươm và biện pháp phòng trừ như sau:

    1. Sâu xám nhỏ:

    + Hiện tượng và tác hại: Thân cây non đặc biệt mới gieo sau 15-20 ngày bị đứt ngang giáp cổ rễ nên rất dễ phát hiện. Sâu xám nhỏ cắn đứt cây, kéo ngọn vào đất để ăn lá và mầm non. Có thể phát hiện sâu dễ dàng vào các buổi sáng sớm.

    + Mùa hại chính: Vào cuối tháng 10-11 và cuối tháng 12-1. Sự phá hoại của sâu xám nhỏ liên quan chặt chẽ đến mùa gieo ươm cây.

    + Biện pháp phòng trừ:  Cách tốt nhất để bảo vệ cây con khỏi bị sâu xám là phải vệ sinh vườn ươm tốt. Cỏ dại và những xác cây trồng xung quanh luống gieo phải được dọn sạch và đốt.

    Thường xuyên kiểm tra vườn ươm vào lúc sáng sớm. Nếu thấy cây con bị cắn đứt và lôi ngọn xuống đất, hãy bới đất và bắt giết sâu.

    Có thể dùng 10ml thuốc Sherpa 25% pha với 10 lít nước sạch phun trên diện tích 100m2, hoặc thuốc Bassa 50% pha theo nồng độ 1/600 để phun vào lúc chiều mát nhằm xua đuổi và diệt sâu.

    2. Dế mèn nâu lớn:

    + Hiện tượng và tác hại: Cây con trong vườn ươm bị hại là Bạch đàn, phi lao, thông, keo và một số cây con khác. Chúng cắn đứt cây con trên mặt đất và để lại gốc. Chỉ phát hiện được dế phá hại khi cây đã bị cắn đứt và không có thể cứu được. Đây là một loài sâu hại nguy hiểm làm chết cây con ở vườn ươm.

    + Mùa hại chính: Vào các tháng 6-7 và tháng 2-4. Vì vậy, những địa phương có cây con trong vườn ươm trong mùa hại này dễ bị hại nghiêm trọng do dế gây ra.

    + Biện pháp phòng trừ:

    - Đặt giá để bầu cây cao hơn mặt đất, phát hiện đào tổ dế và tưới nước cho dế sặc chui lên, rồi giết.

    - Dùng bả diệt dế: Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, bả có thể làm như sau: Trộn hỗn hợp 5 kg cám cộng với nước dung dịch đường, cộng với trấu rồi đem rang cho thơm và thêm 50 g Dipterex pha loãng với 1,5 lít nước sạch. Tối đến đặt bả cạnh tổ dế và giữa các luống gieo. Ban đêm dế ra ăn phải bả độc sẽ bị chết.

    - Bảo vệ chim, thằn lằn, cóc diệt dế.

    3. Dế mèn nâu nhỏ:

    + Hiện tượng và tác hại: Cắn đứt cây con làm số lượng cây con trong vườn ươm bị giảm đi rõ rệt.

    + Mùa hại chính: Chúng phá hại mạnh nhất vào tháng 2 đến tháng 5.

    + Biện pháp phòng trừ:

    - Vệ sinh vườn ươm tốt, không chất đống cỏ hay xác thực vật hoặc các đống phân ở xung quanh khu vực vườn ươm.

    - Khi điều tra thấy có dế xuất hiện phải tìm bắt.

    - Dùng bả độc bẫy dế như đã giới thiệu cách làm ở phần dế mèn nâu lớn.

    4. Dế dũi:

    + Hiện tượng và tác hại: Ban đêm dế dũi những đường hầm ngang dọc trên mặt luống để cắn rễ hoặc làm đứt rễ cây con làm cho cây chết, ban ngày chúng ẩn nấp dưới đất.

    + Mùa hại chính: Dế dũi phá hại từ tháng 4 đến tháng 10, mạnh nhất vào các tháng 5-6, lúc mà vườn ươm có nhiều cây con.

    + Biện pháp phòng trừ: Phát hiện tổ và bắt giết, làm bả diệt dế dũi, phương pháp làm như đã trình bày trong phần dế mèn nâu lớn.

    5. Bọ hung nâu lớn:

    + Hiện tượng và tác hại: Ấu trùng bị hung gặm và cắt đứt rễ cây con, gây ra tán lá bị héo và chết.

    + Mùa hại chính: Kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Cây con Thông và Bạch đàn trong vườn ươm bị hại nặng nhất. 

    + Biện pháp phòng trừ: Để phòng ngừa ấu trùng bọ hung hại cây con, trước khi đóng bầu, hỗn hợp đất và phân chuồng phải được xử lý. Có thể sử dụng 300-500 g Padan 95% hỗn hợp với 1m3 đất đã sàng, 100 kg phân chuồng trộn với 2-3 kg vôi bột và 1-2 kg lân đem ủ 3 ngày trước khi đóng bầu.

    - Vệ sinh vườn ươm tốt, đất và phân được sử dụng để đóng bầu không để bừa bãi xung quanh luống gieo. Cỏ dại và xác thực vật cần được dọn sạch sẽ và đốt.

    - Nền đất cứng đặt bầu cũng phải được rắc một lượt vôi bột để xử lý đất.

    6. Bọ hung nâu nhỏ:

    + Hiện tượng và tác hại: Sâu trưởng thành có thể ăn chụi lá, ấu trùng có thể cắn đứt rễ cây con, làm cho cây chết.

    + Mùa hại chính: Vào tháng 4 đến tháng 10 trong năm.

    + Biện pháp phòng trừ:

    - Vệ sinh vườn ươm tốt, dọn sạch cỏ dại và xác thực vật xung quanh vườn ươm.

    - Xử lý đất và phân trước khi đóng bầu.

    - Khi phát hiện triệu chứng có bọ hung phá hại, có thể bắt giết chúng.

    7. Bọ hung nâu xám:

    + Hiện tượng và tác hại: Sâu trưởng thành bay ra ban đêm ăn hại lá Bạch đàn, Keo và một số loài cây khác. Ấu trùng sống trong đất, cắn hại rễ cây con làm cho cây héo và chết.

    + Mùa hại chính: Trong một năm bọ hung nâu xám xuất hiện 2 đợt. Đợt 1 vào tháng 2-5 và đợt 2 từ tháng 10-11.

    + Biện pháp phòng trừ:

    - Vệ sinh vườn ươm tốt. Cỏ dại xác thực vật xung quanh luống gieo phải được dọn sạch và đốt.

    - Xử lý đất bầu và phân đóng bầu như đã nêu trên.

    - Bảo vệ những loài chim, cóc, thằn lằn diệt sâu.

    - Bắt giết khi phát hiện những triệu chứng do ấu trùng bọ hung gây ra. 

    8. Rệp hại cây con:

    + Hiện tượng và tác hại:

    Nhiều cây con hơi bị héo, lá vàng héo và rụng. Vạch mặt dưới lá hay nhìn cành non thấy rệp tập trung trích hút nhựa. Mặt trên lá có thể thấy màu đen của nấm bệnh bồ hóng.

    + Biện pháp phòng trừ:

    - Bảo vệ chuồn chuồn cỏ, một loài thiên địch ăn rệp.

    - Có thể dùng thuốc Bassa 50 EC pha nồng độ 1/400 để phun rệp. Khi phun, chú ý phun đều cả mặt trên và mặt dưới lá.

     

    Nguyễn Tuấn Dương - Trung Tâm Khuyến Nông Tỉnh Yên Bái