• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Bệnh héo xanh trên cây cà chua, khoai tây
    09/11/2023 1:59:00 CH
    Lượt xem: 802

    Bệnh héo xanh cà chua, khoai tây do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây hại làm cây héo đột ngột và chết, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất cây trồng. Hiện nay trên thị trường chưa có thuốc đặc trị. Bà con chỉ có thể phòng ngừa bằng biện pháp canh tác và sử dụng các loại thuốc hạn chế lây lan.

    1. Triệu chứng bệnh héo xanh cà chua, khoai tây:

    - Triệu chứng bệnh héo xanh trên cây con và cây lớn, từ ra hoa đến khi thu hoạch. Khi cây còn non toàn bộ lá héo rũ nhanh chóng đột ngột, lá tái xanh và cây chết khô.

    - Đối với cây đã lớn thường dễ phát hiện trên đồng ruộng với các triệu chứng rõ rệt như: từ 1 - 2 cành, nhánh có lá héo rũ xuống; tái xanh. Sau 2 - 5 ngày toàn thân cây héo xanh. Trên thân vỏ vẫn còn xanh hoặc xuất hiện những sọc nâu, vỏ thân phía gốc sù sì, thân vẫn rắn đặc.

    - Cắt ngang thân, cành nhìn rõ vòng bó mạch dẫn, mô xylem có màu nâu sẫm, bên trong bó mạch chứa đầy dịch nhờn vi khuẩn, ấn nhẹ vào đoạn cắt hoặc ngâm đoạn cắt thân có mạnh dẫn màu nâu vào cốc nước có thể thấy dịch vi khuẩn ở trong đùn chảy qua miệng cắt ra ngoài. Đặc điểm này được coi là 1 cách chuẩn đoán nhanh bệnh héo do vi khuẩn. Khi cây đã héo, nhổ lên thấy rễ bị thâm đen, thối hỏng.

    - Đối với khoai tây, củ cũng nhiễm bệnh ở ngoài đồng ruộng cho tới kho bảo quản. Cắt đôi củ bệnh thấy các vòng mạch dẫn nâu đen có giọt dịch vi khuẩn màu trắng đục tiết ra trên bề mặt lát cắt. Đây là loại bệnh thuộc kiểu hai bó mạch xylem, tắc mạch dẫn gây hiện tượng chết héo cây, dễ nhầm lẫn với các bệnh héo do nấm hoặc các nguyên nhân khác gây ra song vẫn có thể phân biệt được.

    2. Tác nhân gây bệnh héo xanh cà chua, khoai tây:

    - Vi khuẩn gây bệnh héo xanh cà chua, khoai tây là loại vi khuẩn đất ký sinh thực vật thuộc họ Pseudomonadacea, thuộc bộ Pseudomonadales.

    - Vi khuẩn héo xanh cà chua, khoai tây hình gậy 0,5x1,5 micromet, hảo khí, chuyển động có lông roi (1 - 3) ở đầu.  Cụm nấm có màu kem nhẵn bóng, nhờn (vi khuẩn có tính độc gây bệnh).

    -  Khi cà chua, khoai tây bị nhiễm bệnh héo xanh sẽ làm cây héo đột ngột. Trên cây bị bệnh, lá vẫn còn xanh, có thể héo từng cành hoặc toàn cây. Bệnh thường gây hại nặng trên cây đã trưởng thành, đang ra, quả, củ mạnh.

    3. Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh héo xanh vi khuẩn hại khoai tây

    - Bệnh phát triển mạnh và nhanh trong điều kiện nhiệt độ cao, mưa gió, nhất là ở trên đất cát pha, thịt nhẹ hoặc đất đã nhiễm vi khuẩn, trồng các giống mẫn cảm với bệnh từ trước. Nhiệt độ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát sinh phát triển của bệnh. Nhiệt độ thích hợp để vi khuẩn phát triển là từ 25 -35độ C. Triệu chứng xuất hiện rõ trên cây khi mà nhiệt độ ít nhất phải trên 20 độ C và nhiệt độ đất phải > 14 độ C, ẩm độ cao, tưới nhiều, tưới ngập rãnh đều là điều kiện tốt cho xâm nhiễm phát triển mạnh, lây lan dễ dàng.

    - Bệnh lây lan từ cây này sang cây khác trên đồng ruộng nhờ tưới nước, nước mưa, gió bụi, đất bám dính ở các dụng cụ để vun sới, chăm sóc cây. Tuyến trùng nốt sưng Meloidogyne incognita và các loài tuyến trùng khác hoạt động ở trong đất, tạo vết thương cho vi khuẩn truyền lan, lây bệnh.

    - Bệnh truyền qua vụ, qua năm là đất, tàn dư cây bệnh và củ giống (khoai tây). Ở trong đất vi khuẩn có thể bảo tồn sức sống lâu dài tới 5 - 6 năm hoặc 6 - 7 tháng tùy thuộc vào ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, loại đất, đặc biệt có nhiều trong phân chuồng tươi chưa ủ.

    - Vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây bệnh cho cây bằng cách xâm nhiễm vào rễ, thân cuống lá qua các vết thương cơ giới do quá trình chăm sóc (nhổ cây khi trồng đại trà); quá trình vun xới làm tổn thương rễ hoặc do côn trùng, tuyến trùng gây hại tạo các vết thương hở.

    - Củ giống khoai tây nhiễm bệnh thậm chí bệnh ẩn (không có triệu chứng) là nguồn lây bệnh đi các nơi xa.

    4. Biện pháp phòng trừ bệnh héo xanh vi khuẩn cà chua, khoai tây:

    Phòng chống bệnh héo xanh vi khuẩn hiện nay còn rất khó khăn, biện pháp tốt nhất là áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp.

    - Chọn lọc sử dụng trồng các giống sạch bệnh, có năng suất. Sử dụng cà chua ghép trên gốc cà tím.

    - Cây giống củ giống (cà chua, khoai tây) khỏe, sạch bệnh, lấy giống ở các vùng, các ruộng không nhiễm bệnh. Kiểm tra loại bỏ củ giống nhiễm bệnh ở trong kho trước khi đem trồng.

    - Tiêu hủy tàn dư cây bệnh. Tiêu diệt các loài cỏ dại đặc biệt các loài cỏ dại là ký chủ của bệnh Ageratum conyzoides...

    - Ngâm nước ruộng trong 15 - 30 ngày, hoặc cày đất phơi ải, hạn chế nguồn bệnh vi khuẩn và tuyến trùng ở trong đất.

    - Luân canh với lúa nước hoặc các loài cây phi ký chủ như ngô, mía, bông…

    - Tăng cường bón phân hữu cơ, với bón vôi.

    - Biện pháp sinh học: Sử dụng chế phẩm vi sinh vật đối kháng, tạo điều kiện cho đất tơi xốp, nhiều đất hữu cơ để tăng cường số lượng và hoạt tính đối kháng của các vi sinh vật đối kháng ở trong đất.

    - Biện pháp hóa học: Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh héo xanh vi khuẩn cho khoai tây. Khi bị bệnh, bà con nhổ bỏ cây bị bệnh đem chôn hoặc đốt, đồng thời phun một trong các loại thuốc trừ bệnh cây trồng sau để hạn chế lây lan: Kamsu 2SL, Kasagen 250WP, Kansui 21.2WP.

                                                               

      

    Hồ Thị Nguyệt Ánh - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên bái