• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Dịch hại cây Khôi nhung và các biện pháp phòng trừ
    19/04/2023 8:05:00 SA
    Lượt xem: 542

    Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Yên Bái đã trồng khôi nhung, đây là cây dược liệu quý, vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa hiệu quả trong việc phòng và chữa 1 số bệnh như: Viêm loét dạ dày tá tràng, dị ứng, nổi mề đay mẩn ngứa. Tuy nhiên, qua chăm sóc, theo dõi nhận thấy cây xuất hiện một số sâu bệnh hại gây rụng lá, chết cây non trong vườn ươm, cây trồng dưới tán rừng. Bởi vậy, bà con cần chú ý áp dụng một số biện pháp kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh hại kịp thời, hạn chế tối đa những thiệt hại cho cây trồng như sau:

    I. Bệnh gây hại:

    Các đối tượng dịch hại gồm: Nấm Fusarium sonani, nấm Alternaria alternata, tuyến trùng Aphelenchoides sp, tuyến trùng Helicotylenchus indicus; Loài nấm gây đốm lá là loài Diaporthe sp.(Diaporthaceae:Diaportheles), với ngọn héo là do nấm Fusarium sp.(Nectriaceae: Hypocreales).                                                                                                  

    Triệu chứng gây hại như sau:

    1. Gây hại trên lá: Ban đầu là các đốm nhỏ màu vàng, sau lan rộng hình  tròn có mầu nâu đậm. Bệnh hại nặng làm lá bị thủng, khô cháy.                     
    2. Gây hại trên thân: Phần thân bị bệnh hại gây héo đen, khô tóp lớp biểu bì của vỏ thân, lá của cây bị héo rũ và rụng; thân cây gẫy gập, cắt ngang thân thấy mạch mô dẫn bị thâm đen. Cây bị hại nặng làm rụng hết lá, cây chết khô

    3. Gây hại trên rễ: Rễ cây bị bệnh có những u cục phình to, u sưng. Các u bướu thường tập trung ở phần rễ gần gốc cây, cây còi cọc, kém phát triển.

    II. Các biện pháp kỹ thuật phòng trừ:

    1. Xử lý thực bì: Tiến hành vệ sinh, phát dọn thực bì, bón vôi bột, phân chuồng hoai mục có ủ chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma sp để tăng khả năng sinh trưởng của cây và hạn chế nguồn nấm bệnh trong đất. Chủ động kiểm tra vườn ươm, đồi, rừng để phát hiện dịch hại kịp thời.

    2. Chọn giống: Đối với những diện tích cây đã bị chết, tiến hành trồng dặm để đảm bảo mật độ cũng như năng suất và sản lượng cây trồng. Chọn những cây giống khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, cây giống trước khi xuất vườn phải được phun phòng trừ dịch hại và được giâm dưỡng để tăng tỷ lệ sống sau trồng.

    3. Biện pháp thủ công: Làm cỏ, phá váng,vun gốc giữ ẩm cho đất, tưới nước làm tăng độ ẩm giúp cây nhanh chóng phục hồi.

    4. Biện pháp phòng trừ thuốc hóa học: Khuyến cáo người dân sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại như sau:

    - Thuốc trừ nấm bệnh: Hoạt chất Propineb (Antracol 70WP, Tadashi 700 WP, Activo super 648WP); hoạt chất Tebuconazole (Folicur 250EW, Gold-dog 525SC, Nativo 750WG); hoạt chất Fosetyl-aluminium (Aliette 80WP, Alonil 80 WG, Alpine 80WG, Vialphos 80SP); hoạt chất Hexaconazole (Chevin 5SC, Convil 100EC, Vivil 5SC); hoạt chất Mancozeb, Metalaxyl (Ricide 72WP, Ridomil Gold® 68WG, Tungmanzeb 800WP, Manozeb 80WP…).

    - Thuốc trừ tuyến trùng trong đất hại bộ phận rễ: Hoạt chất Abamectin (Tervigo® 020SC, Tuyen trung B2 50EC); hoạt chất Carbosulfan (Afudan 3GR, Vifu-super 5GR, Marshal 5GR); hoạt chất Chitosan (Kaido 50SL, 50WP, Thumb 0.5SL, Tramy 2SL…)

    *Lưu ý: Đọc kỹ hướng dẫn trên vỏ bao bì thuốc trước khi sử dụng , sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng. Thu gom bao bì thuốc sau sử dụng để đúng nơi quy định. 

    Triệu Linh Hương - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái