• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa vụ mùa
    16/06/2022 2:23:00 CH
    Lượt xem: 6037

    1. Chăm sóc ở ruộng lúa:

    1.1. Bón thúc cho lúa:

    Ngoài việc bón lót đầy đủ thì bón thúc cho cây lúa đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng lúa sau này. Bón thúc cho lúa thông thường được chia làm 2 giai đoạn, thúc đẻ nhánh và thúc đón đòng, tuy nhiên tuỳ thuộc vào từng chân ruộng hoặc ở giai đoạn lúa có đòng nhưng sinh trưởng phát triển kém thì có thể bón thêm giai đoạn nuôi đòng.

    - Lượng phân bón cho 1 sào:

                  + Kali  clorua:       6 - 8 kg.

                  + Đạm urê :           5,5 - 6,5 kg.

    - Lần 1: Sau khi cấy10 - 12 ngày bón 3 -  4 kg Kali + 3,5 - 4 kg đạm urê.

    - Lần 2: Khi đòng phân hoá từ bước 3 đến bước 5 (trước trỗ 15 -18  ngày, kiểm tra thấy có đòng cứt gián hoặc khi 10% lá lúa của dảnh cái thắt eo đầu lá) bón nốt số phân còn lại: 3 - 4 kg kali + 2 - 2,5kg đạm urê.

    1.2. Chế độ nước:

    Đối với những chân ruộng chủ động về nước tưới, nên điều tiết chế độ nước trong ruộng theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng phát triển

    - Từ sau cấy đến khi lúa đẻ nhánh giữ mực nước nông thường xuyên 1 - 2 cm.

    - Thời gian kết thúc đẻ nhánh (khi số dảnh đạt 8 - 10 dảnh/khóm)  tháo cạn nước phơi ruộng đến nẻ chân chim hoặc thấy có hiện tượng giun đùn mùn trên mặt ruộng (khoảng 7-10 ngày) thì tháo nước trở lại, giữ mực nước sâu ổn định trong ruộng (5 - 7cm) đến khi lúa chín sữa. Tuyệt đối không để cho lúa bị hạn ở thời kỳ trỗ bông. Giai đoạn lúa chín đỏ đuôi, tháo cạn nước để việc thu hoạch thuận tiện.

     

    Bà con nông dân chăm sóc lúa mùa

    1.3. Phòng chống lốp đổ:

    Ở thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng, cây lúa đẻ nhánh, ra lá mạnh, nếu bón phân nhiều, nhất là đạm sẽ làm cho lúa bị lốp. Ruộng lốp là do dinh dưỡng thừa đạm, thân lá vươn dài, yếu ớt. Lốp còn do tưới nước nhiều, mật độ dày, thân lá vươn lên do cạnh tranh ánh sáng. Đến thời kỳ trỗ bông cây cao, quá trình làm hạt dẫn đến kết quả trọng lượng phần ngọn tăng, phần gốc giảm, do đó khi gặp mưa bão, gió to có thể làm lúa đổ. Đề phòng chống  lốp  đổ có thể sử  dụng các biện pháp sau:

    - Chọn giống thấp cây, có khả năng chịu đạm.

    - Mật độ cấy (ném) hợp lý: Đối với lúa lai: 40 - 45 khóm/m2, lúa thuần 45 - 50 khóm/m2.

    - Bón phân cân đối, không nên bón quá nhiều đạm.

    - Rút nước phơi ruộng (theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa).

    2. Phòng trừ sâu bệnh:

    2.1. Phòng trừ bằng việc áp dụng các biện pháp canh tác.

    - Chủ động phòng sâu bệnh bằng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp: Bón phân cân đối chăm sóc hợp lý, áp dung biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM ).

    - Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện sâu bệnh và phòng trừ kịp thời (theo hướng dẫn của chuyên ngành BVTV)

    - Khi sản xuất lúa lai cần sử dụng các phương pháp quản lý sâu bệnh hại tổng hợp để hạn chế tối đa sự xuất hiện của sâu bệnh cụ thể là:

    + Điều khiển cho ruộng lúa có đủ số bông trên cơ sở một quần thể thông thoáng, có màu xanh vừa phải khoẻ mạnh, ít hấp dẫn côn trùng đặc biệt là thời kỳ đẻ nhánh rộ.

    + Sắp xếp thời vụ hợp lý, tránh các lứa sâu xuất hiện tập trung gây hại như sâu đục thân lứa 2 ở vụ xuân và lứa 5 ở vụ mùa.

    + Bón phân đầy đủ và cân đối các yếu tố đa lượng, vi lượng giúp cho cây phát triển cân đối, thân lá luôn cứng khoẻ, sẽ hạn chế sâu bệnh. Trong đó, tránh bón thừa đạm, thiếu lân, thiếu kali.

    + Rút nước phơi ruộng để làm tăng lượng oxy xâm nhập vào tầng đất mặt, cải tạo tiểu khí hậu ruộng lúa, hạn chế sâu bệnh, đảm bảo cho bộ rễ phát triển khoẻ trong suốt quá trình sinh trưởng, giúp cho cây chống đổ, hút đủ dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng, phát triển.

    + Khi xuất hiện sâu bệnh, cần phát hiện đúng, kịp thời, quyết định phun trừ phải chính xác về thời điểm phun. Vào thời kỳ lúa đang trỗ nếu phát hiện thấy sâu hoặc bệnh, cần phun thuốc thì phải tổ chức phun vào buổi chiều khi hoa lúa đã khép lại, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến phôi và hạt lúa sau này. Phải xác định đúng chủng loại, nồng độ, liều lượng thuốc, phun trừ triệt để và dứt điểm.

    + Không sử dụng thuốc trừ sâu phổ rộng để hạn chế việc tiêu diệt các loại côn trùng gây hại và thiên địch trong quần thể.

    - Trong quá trình điều khiển ruộng lúa cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo thứ tự ưu tiên sau đây:

    + Mạ khoẻ trên cơ sở thâm canh đúng.

    + Bón phân đáp ứng đúng yêu cầu, cân đối, tăng lượng kali để huy động đạm hợp lý, nên sử dụng phân hỗn hợp NPK, phân hữu cơ vi sinh, kết hợp bón phân và phun dinh dưỡng qua lá, bổ sung vi lượng khi cần thiết.

    + Bố trí đúng giống vào từng trà, mỗi vụ phải chọn thời vụ thích hợp nhất để gieo cấy lúa lai.

    + Quản lý nước hợp lý, nhất thiết phải rút nước phơi ruộng để cải thiện tiểu khí hậu ruộng lúa khi đã đẻ đủ số nhánh cần thiết nhằm làm cho bộ rễ khoẻ lại, đạt tỷ lệ đẻ nhánh thành bông cao.

    + Cấy theo mật độ hợp lý, bố trí hàng theo hướng Đông Tây tạo điều kiện thuận lợi cho ánh sáng xuyên sâu vào hàng lúa, tăng cường độ quang hợp, hạn chế sâu bệnh hại.

    + Theo dõi sâu bệnh thường xuyên, sử dụng thuốc đúng chủng loại, đúng nồng độ, phun kép và phun quây ổ để diệt sạch sâu bệnh gây hại. Sau khi trừ sâu bệnh hại cần quan sát kỹ ruộng lúa trên tổng thể để quyết định biện pháp bổ sung dinh dưỡng. Khi đã trừ xong bệnh gây hại lá thì có thể bón bổ sung vào đất hoặc có thể phun phân bón qua lá để cây nhanh phục hồi.

    3. Một số loại sâu, bệnh hại lúa phổ biến:

    Thường xuyên theo dõi tình hình sâu, bệnh như một số loại sau: Sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu, bọ xít dài,… Bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá,... để có biện pháp phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật.

      

    Nguyễn Tuấn Dương - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái