• Loading...

 Chào mừng bạn đến với Trang Thông tin điện tử Khuyến Nông tỉnh Yên Bái!

Chuyên mục hỏi đáp

đặt câu hỏi

    Câu hỏi:


  • HÌNH ẢNH

    In Đọc bài
    Hướng dẫn kỹ thuật ghép cải tạo nhãn theo VietGAP
    31/12/2021 2:29:00 CH
    Lượt xem: 558

    Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn nhiều diện tích vườn nhãn cũ, giống nhãn nước, trồng từ hạt, chất lượng quả thấp, với kỹ thuật ghép cải tạo thay thế giống nhãn, bà con có thể thay thế vườn nhãn hiện thời bằng những giống mới ngon hơn, năng suất chất lượng cao và thời gian thu hoạch cũng được rút ngắn. Nhãn đem trồng mới và cây ghép, thì cây trồng mới sau 3 năm mới có quả, nhưng ghép cải tạo thì chỉ sau một năm cây đã bói quả, và chất lượng quả đạt yêu cầu, chi phí đầu tư giảm. 

    PHẦN I. KỸ THUẬT GHÉP CẢI TẠO  NHÃN

    I. Kỹ thuật cưa đốn và chăm sóc chồi nhãn tái sinh

    1. Thời gian cưa đốn: Có vai trò quyết định đến chất lượng cành gốc ghép. Thời điểm cưa đốn thích hợp là giữa tháng 7 đến đầu tháng 8; không tiến hành cưa đốn khi trên cây đang bật lộc non (lộc đỏ). Tốt nhất là tiến hành cưa đốn vào thời điểm lộc đã thành thục, có mầu xanh đen, đỉnh sinh trưởng chuyển màu nâu đen chuẩn bị vào thời kỳ bật lộc.

     
                      


    2. Vị trí và chiều cao đốn: Tiến hành cưa đốn trên cành cấp 2 hoặc cành cấp  3 (tuỳ thuộc vào tuổi cây); chiều cao cưa đốn thích hợp là từ  1,2m - 2,0m

     3. Bố trí cành thở: Giữ lại 2 - 3 cành về các hướng khác nhau, là những cành rìa tán, hoặc 1 cành giữa tán làm cành thở. Số cành còn lại này sẽ cưa và ghép cải tạo vào vụ sau.

    4. Che phủ gốc: Dùng cành lá cây khi cưa đốn, phủ kín gốc, nhằm hạn chế ánh nắng trực tiếp chiếu vào thân cây, hạn chế mất nước, khô, bong tróc vỏ của gốc cây sau cưa đốn.

    5. Các biện pháp chăm sóc sau khi cưa đốn

    Phải thực hiện chăm sóc gốc ghép như chăm sóc cây trong thời kỳ mang quả ở độ tuổi 3 - 4 tuổi. Đối với cây gốc ghép cưa ngang cành hoặc ngang thân cần phải chăm sóc chồi ghép, tỉa bớt chồi, chỉ giữ lại 4 - 5 chồi khỏe mạnh ở các hướng khác nhau. Có thể sử dụng phân bón lá phun bổ sung cho chồi gốc ghép.

    - Sau khi cưa đốn xong ta dùng vôi bôi lên hết đầu cành để hạn chế nấm bệnh.

    - Khi các chồi tái sinh được hình thành, tiến hành bỏ lớp che phủ.

    - Khi các chồi tái sinh thành thục, chuẩn bị bật đợt lộc 2 tiến hành cưa bỏ cành thở, tỉa định cành và bón phân.

    6. Tỉa định cành: Việc tỉa định cành được tiến hành thường xuyên, tuỳ thuộc vào tình hình sinh trưởng của chồi tái sinh. Duy trì 3 - 4 chồi tái sinh/vị trí cưa đốn.

    7. Bón phân: Với lượng phân bón cho 1 cây/năm: 60 kg phân chuồng hoai (hoặc 30 kg phân hữu cơ vi sinh) + 1,0 kg đạm urê + 1,7 kg super lân + 1,0 kg kaliclorua.

    - Thời điểm bón phân:

    Khi lộc  tái sinh thành thục

    Tháng 8- 9, ta bón: Phân chuồng (Phân vi sinh) 100% +  Lân Super 100% + 30% đạm urê + 30% kaliclorua.

    Tháng 11 bón 30% đạm urê + 40% kaliclorua.

    Tháng 2- 3 năm sau bón 40% đạm +30% kaliclorua.

    - Kỹ thuật bón:

    Đối với phân chuồng (hoặc phân vi sinh) và phân lân super ta xới xung quanh tán cây xong cho phân vào vào  lấp đấp lại rồi tưới, còn phân đạm urê và  phân kali ta hòa ra nước tưới vào xung quanh tán cây hoặc ta rắc phân vào xung quanh tán cây rồi tưới nước.

    - Phun phân bón qua lá: Rất cần thiết đối với sự sinh trưởng của chồi tái sinh, kéo dài tuổi thọ lá của lộc đợt 1 và đợt 2 đến khi tiến hành ghép cải tạo.  Sử dụng các loại phân bón lá có hàm lượng đạm cao như Yogen (NPK15,8-31,7-16,8, Đầu trâu 007, NPK15-30-15, với nồng độ 0,15- 0,2% phun khi lộc đợt 1 đã thành thục, các lần tiếp theo cách nhau 20 - 25 ngày.

    8. Phun thuốc BVTV: Thường xuyên kiểm tra và phát hiện sâu bệnh kịp thời và có những biện pháp phòng trừ sâu bệnh sâu bệnh gây hại như: sâu ăn lá, bọ phấn, bọ trĩ, nhện chích hút, bọ xít, bệnh thán thư,… để đảm bảo cho cây sinh trưởng phát triển tốt, bằng các loại thuốc như: Sherpa phun với nồng độ 0,15%, Selecron phun với nồng độ 0,15% - 0,2%, Supracide phun với nồng độ 0,15% - 0,2%,  , Ridomil phun với nồng độ 0,25% - 0,3%,….Với mỗi đợt lộc ta phun nhắc lại 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5 - 7 ngày.

    II. Kỹ thuật ghép

    1. Thời vụ ghép: Việc xác định thời vụ ghép rất quan trọng đến tỷ lệ nảy mầm và sinh trưởng, phát triển của cây ghép.

     Vụ 1: Ghép tốt nhất vào cuối tháng 4 và trong tháng 5.

      Vụ 2: Ghép vào cuối tháng 8 và tháng 9.

    2. Bảo quản mắt ghép

     Mắt ghép sau khi cắt được cắt sạch lá, dùng giẻ ẩm bọc kín mắt và cho vào những chỗ mát để mắt không bị thoát hơi nước, tốt nhất mắt sau khi cắt xong chỉ nên sử dụng ghép trong ngày.

    3. Lựa chọn mắt ghép

    Đoạn cành mắt ghép là cành bánh tẻ, không sâu bệnh có từ 3 đến 4 mắt ngủ.      

    4. Phương pháp ghép

    - Ghép cải tạo nhãn tốt nhất là ghép đoạn cành, ghép chẻ bên hoặc ghép vát.

    - Thao tác ghép: Cần nhanh, chính xác, cành mắt ghép tạo một vết cắt dài 2,5 - 3cm với độ vát 25 - 300, vết cắt phải thật phẳng, nhẵn, phần gốc ghép ta chẻ dọc hoặc tạo một vết cắt ngay gần sát lớp vỏ với 1 vết cắt khoảng 2,5 - 3 cm sao cho khi ta đặt mắt ghép vào với gốc ghép phải thật vừa khít, không có khe hở sau đó ta dùng dây ni long tự hủy (dây ghép chuyên dụng) quấn phủ kín chặt phần dưới gốc ghép sau đó trải rộng quấn phủ kín phần trên mắt ghép.

    5. Bố trí cành thở, lá thở (lá gốc)

     Trên cây khi ghép cải tạo ta nên bố trí cành thở hoặc lá để đảm bảo đủ số lá cần thiết để quang hợp nuôi cây.

    III. Chăm sóc sau ghép

    1. Xử lý kiến

    Sau khi ghép xong trong ngày ta phải tiến hành phun thuốc trừ kiến ngay, bằng các loại thuốc sâu có mùi như: Sherpa hoặc SecSaiGon với nồng độ 0,15 - 0,2% , sau đó cứ 2 - 3 ngày ta lại phun thuốc 1 lần cho đến khi mắt ghép bật mầm.

    2. Vặt mầm dại

    Sau khi ghép xong khoảng 7 đến 10 ngày các mầm ở dưới gốc ghép bật lên (mầm dại) lúc này ta phải tiến hành kiểm tra và vặt bỏ mầm dại thường xuyên.

    3. Cắt bỏ cành thở

    Sau khi mầm ghép đã được một đến hai đợt lộc thành thục thì ta tiến hành cắt bỏ hết các cành thở để cây tập trung dinh dưỡng  nuôi mầm ghép.

    4. Phòng trừ sâu bệnh hại khác

    Thường xuyên kiểm tra và phát hiện sâu bệnh kịp thời và có những biện pháp phòng trừ sâu bệnh thích hợp để đảm bảo cho cây sinh trưởng phát triển tốt.

    IV. Chăm sóc nhãn ghép cải tạo ở thời kỳ cho thu hoạch

    1. Tưới nước, làm cỏ

    - Ở thời kỳ cây đang cho quả cần cung cấp đầy đủ nước tưới vào 2 thời kỳ chính là thời kỳ phát triển quả ở các tháng 5 - 7 và thời kỳ cây chuẩn bị phân hóa mầm hoa vào các tháng 12 - 1.

    Thường xuyên làm sạch cỏ xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng, hạn chế sự cư trú, xâm nhập của sâu bệnh hại.

    2. Bón phân

    - Tỷ lệ và liều lượng phân bón

    Tỷ lệ các chủng loại phân bón N, P, K sử dụng mang lại hiệu quả tốt nhất đối với nhãn là 1 : 0,5 : 1 hoặc 1 : 1 : 2.

    Tùy theo độ tuổi, hiện trạng sinh trưởng của cây, sản lượng quả cho thu hoạch của năm trước để xác định liều lượng bón thích hợp. Với vườn nhãn nhiều năm tuổi, cứ cho 100 kg quả tươi/năm thì có thể bón với lượng phân 2,0 kg N + 1,0 kg P205 + 2,0 kg K20 (tương đương với 4,3 kg urê + 6,3 kg super lân + 3,3 kg kaliclorua).

    Lượng phân bón cho nhãn ghép cải tạo thời kỳ cho quả (1cây/năm):

    + Phân chuồng hoai: 60 - 70 kg (phân vi sinh: 30 - 35kg)

    + Phân đạm urê:        1,2- 1,5 kg

    + Phân  Super lân:      2,0 – 3,0kg                                                             

     + Kaliclorua:              1,2 – 1,5kg

    - Thời kỳ bón

    Về thời kỳ bón phân, dựa vào độ tuổi của cây mà bón nhiều hay ít, tốt nhất là chia làm 4 lần bón trong một chu kỳ mang quả.

    Lần 1: Bón sau khi thu hoạch quả, vào tháng 8 - 9. Lần bón này nhằm phục hồi cho cây sau thu hoạch, thúc đẩy cành mùa thu và coi đây là lần bón cơ bản trong năm.

    Ở lần này, bón toàn bộ phân chuồng, 80 - 90% lượng phân lân, 30% lượng phân đạm và 30% lượng phân kali.

    Lần 2: Bón vào đầu tháng 2, khi cây phân hóa mầm hoa. Lần bón này nhằm thúc hoa và nuôi lộc xuân. Sử dụng 30% lượng phân đạm, 10 - 20% lượng phân lân và 30% lượng phân kali.

    Lần 3: Bón vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 nhằm làm cho chùm hoa phát triển tốt, tăng khả năng đậu quả và thúc đẩy cành hè phát triển. Lần bón này chỉ sử dụng 10 - 20% lượng phân đạm.

    Lần 4: Bón vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 nhằm bổ sung dinh dưỡng cho quả phát triển. Ở lần bón này, sử dụng lượng phân đạm và phân kali còn lại (20 - 30% lượng phân đạm + 40% lượng phân kali).

    - Cách bón

    + Bón phân hữu cơ: Đào rãnh xung quanh theo hình chiếu của tán cây với bề mặt rãnh rộng 30 - 40 cm, sâu 30 - 35 cm, rải phân, lấp đất và tưới nước giữ ẩm. Ở lần bón sau khi thu hoạch quả, có thể trộn đều các loại phân vô cơ và bón kết hợp cùng với phân chuồng.

    + Bón phân vô cơ: Khi đất ẩm chỉ cần rải đều phân trên mặt đất theo hình chiếu của tán, sau đó tưới nước để hòa tan phân. Khi trời khô hạn cần hòa tan phân trong nước để tưới hoặc rải đều phân theo hình chiếu của tán, xới nhẹ đất và tưới nước.

    - Bón phân qua lá

    Để bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho cây có thể dùng hình thức bón phân qua lá. Ngoài sử dụng urê 0,2% và kalihydrophotphat (KH2PO4) 0,2 - 0,3%, có thể bổ sung các nguyên tố vi lượng như Bo, Zn bằng phun các dung dịch axit Boric, dung dịch sunphat kẽm 0,1%. (Botrac và Caltrac)

    Thời gian phun tốt nhất là trước khi hoa nở để làm tăng tỷ lệ đậu và sau khi đậu quả làm hạn chế rụng quả non.

    PHẦN II. QUY TRÌNH THỰC HÀNH VIETGAP TRÊN CÂY NHÃN.

    I. Chọn vùng sản xuất

    1. Chọn đất trồng

    Cần chọn vùng trồng cách xa khu công nghiệp để hạn chế nước thải có chứa các hoá chất độc hại, kim loại nặng (chì, kẽm, thủy ngân, sắt, asen…) hoặc chứa hàm lượng các chất hữu cơ (COD) vượt mức cho phép.

    Khi xây dựng vùng trồng mới, cần chọn những nơi đất tốt, có hàm lượng mùn tổng số >0,1%, PHKCL từ 6,5 - 7,5%. Tốt nhất là các loại đất thịt, đất thịt pha cát, đất phù xa, đất có tầng canh tác dầy >40cm.

    2. Chọn nước tưới

    Nguồn nước tưới có thể là nước ao, nước sông, nước mương máng và nước giếng khoan. Chất lượng nguồn nước tưới trước khi sử dụng cần phải được phân tích, đánh giá một cách có hệ thống và đầy đủ. Thành phần nước tưới không chứa các chất độc hại, kim loại nặng, vi sinh vật gây hại vượt ngưỡng cho phép.

    Cần chú ý không sử dụng nước ở các ao tù, mương máng bị ô nhiễm, có nhiều rác thải để tưới cho cây nhãn, nhất là trong thời kỳ cận thu hoạch.

    II. Chọn giống và gốc ghép

    - Giống và gốc ghép phải có nguồn gốc rõ ràng, là những giống được cấp phép sản xuất

    - Chất lượng cây giống nhãn phải đảm bảo tiêu chuẩn 10TCN 463 - 2001.

    III. Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc nhãn theo hướng GAP

    1. Cắt tỉa, tạo tán

    a. Cắt tỉa cành, lộc non

    - Tiến hành cắt tỉa, tạo tán và chăm sóc cây ngay sau khi thu hoạch từ 3 - 7 ngày. Cắt tỉa những cành trong tán, cành vượt, cành khô, cành sâu bệnh. Những cành sau khi thu hoạch quả cần cắt bỏ đầu cành. Đối với những cây nhãn phát triển mạnh về chiều cao được tiến hành cắt ngọn cây để hạ thấp chiều cao, điều chỉnh cho cây có tán cây hình bán cầu thuận lợi cho chăm sóc, thu hái.

    - Cắt tỉa tạo tán cho cây nhãn cần kết hợp cả việc tỉa định chồi ở các đợt lộc thu, lộc xuân, lộc hè, chỉ để lại 2 - 3 lộc to khoẻ là cành mang quả năm sau. Cắt khi lộc vẫn còn màu đỏ, dài khoảng 4 - 6cm. Những cây nhãn được cắt tỉa đúng và chăm sóc kịp thời thì cành lộc ra sớm hơn, có màu xanh đậm và phiến lá cũng dày hơn.

    b. Cắt tỉa hoa, quả

    - Cắt tỉa hoa được tiến hành ngay sau khi cây nhãn ra giò hoa ổn định. Cắt bỏ những chùm hoa nhỏ, dị hình để khoảng 15 chùm/m2 diện tích tán lá. Đối với những chùm hoa quá to, có thể cắt bỏ 1/3 chùm hoa kể từ đỉnh do phần này ít hoa cái, tỷ lệ đậu quả thấp.

    - Khi rụng quả sinh lý lần 2 kết thúc, tiến hành tỉa trên các chùm quả quá to, cắt những chùm quả quá nhỏ, tỉa những quả bị sâu bệnh, quả dị hình, quả còi cọc. Có thể cắt bỏ một số chùm quả chỉ cần để khoảng 10 - 12 chùm quả/m2 diện tích tán lá, 80 - 100 quả/chùm.

    - Cắt tỉa hoa, quả hợp lý, khối lượng quả sẽ đồng đều và lớn hơn. Hàm lượng chất khô, Brix đều tăng nên chất lượng quả được nâng cao.

    2. Bón phân

    - Bón phân kích lộc thu

    Sau khi cắt tỉa cây nhãn được bón phân thúc đợt lộc thu. Lượng phân bón cho 1 cây bao gồm: Phân hữu cơ hoai mục 30 - 50kg + 1kg lân supe + 0,3kg urê + 1-2kg vôi bột (lượng phân này có thể tăng hay giảm tuỳ thuộc vào tuổi của cây).

    Bón phân qua đất: Thường dùng một số loại phân hữu cơ vi sinh như Sao Xanh, Sông Gianh….lượng bón khoảng 7 - 10 kg/cây có thể thay thế 5 - 7kg NPK để bón cho cây.

    - Tính toán lượng phân bón

    Tuỳ theo tuổi cây hoặc năng suất hàng năm mà tính toán lượng phân bón cho nhãn để cây sinh trưởng phát triển và cho năng suất ổn định, giảm chi phí, tránh gây ô nhiễm đất, nước và môi trường, giảm thiểu nguy cơ thừa nitrat trong quả nhãn.

                                                 Lượng phân bón cho cây nhãn theo VietGAP

    Tuổi cây (năm)

    Loại phân bón (kg/cây/năm)

    Phân chuồng

    Phân vi sinh

    Đạm urê

    Lân supe

    Kaliclorua

    1

    30

    2

    0,1-0,2

    0,5-0,7

    0,1-0,2

    2

    30-40

    3

    0,2-0,25

    0,7-0,8

    0,2-0,25

    3

    30-40

    4

    0,3-0,4

    0,8-1,0

    0,25-0,3

    4-6

    40-50

    7

    0,3

    1,0

    0,3

    7-10

    50-60

    10

    0,4-0,5

    1,2-1,3

    0,4-0,6

    Trên 10

    60-70

    15

    0,6 -0,9

    1,3 -1,7

    0,7 -1,0

    - Thời gian bón phân: Bón 3 - 5 lần/năm

    + Đợt 1: Vào tháng 2 bón thúc lộc xuân và ra hoa

    + Đợt 2: Vào tháng 4 - 6 (bón 2 - 3 lần) bón thúc nuôi quả

    + Đợt 3: Vào tháng 9 ngay sau khi thu hoạch quả và cắt tỉa vụ thu nhằm bù đắp dinh dưỡng cho cây, nuôi lộc thu. Đây là đợt bón quan trọng nhất.

    - Phương pháp bón

    + Phân chuồng hoai, phân hữu cơ vi sinh: cuốc rãnh xung quanh tán cây sâu 20cm, rộng 30cm và bón phân sau đó lấp đất lên, có thể bón kết hợp với đạm, lân và kali.

    + Phân đạm, lân và kali: Hoà với nước tưới hoặc xới nhẹ đất bón phân và lấp đất lại, có thể chọc lỗ để bón, sau khi bón phải tưới nước ẩm.

    Chú ý:

    + Có thể xây các bể ngâm phân trong vườn nhãn. Khoảng 4 - 5 bể/ha. Dùng phân chuồng hoặc ngô + đỗ kém chất lượng + ốc bươu vàng + lân supe ngâm 2 - 3 tháng, sau đó tưới 3 - 4 lần trong giai đoạn quả nhãn sinh trưởng mạnh (tháng 5 đến đầu tháng 7).

    + Không bón các loại đạm trong giai đoạn cận thu hoạch.

    - Bón dinh dưỡng qua lá

    Phun bổ sung hỗn hợp phân bón qua lá vi sinh Sao Xanh 0,7 -1% + Altonic 0,2 - 0,3 + Kích phát tố hoa trái 0,2%. Phun dung dịch 3 lần: Lần 1 trước khi nở hoa, 2 lần còn lại sau khi đậu quả non. Hoặc cũng có thể sử dụng phân bón lá kích thích ra hoa Flower 94 phun kép 2 lần cách nhau 7 -10 ngày trước khi ra giò hoa và phun bổ sung Bortrac + Caltrac 2-3 lần trước khi rụng quả sinh lý lần 1 và lần 2 để hạn chế rụng quả non.

    3. Quản lý đất canh tác

    - Để quản lý độ màu mỡ của đất có nhiều biện pháp như: Trồng cây họ đậu đỗ nhằm tăng cường dinh dưỡng cho đất hoặc che phủ đất bằng các vật liệu khác nhau như: rơm, rạ, cỏ trên các vườn chưa khép tán. Ở vùng trung du và miền núi cần trồng nhãn theo đường đồng mức và xây dựng các băng chống xói mòn bằng các loại cây phân xanh.

    - Để bổ sung dinh dưỡng và tăng khả năng thoát nước trong vườn nhãn có thể đưa đất phù sa vào vườn cây với lượng đất khoảng 0,5 - 0,7 m3/cây/2năm.

    4. Phòng trừ dịch hại và quản lý thuốc BVTV

    - Thường xuyên tổ chức việc theo dõi, dự tính dự báo tình hình phát sinh phát triển của sâu bệnh gây hại. Phát hiện kịp thời sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ thích hợp.

    - Quá trình điều tra, theo dõi các đối tượng dịch hại khi thấy có sâu bệnh xuất hiện thì cần khoanh vùng ổ dịch, dùng biện pháp thủ công để phòng trừ các đối tượng sâu hại như: Rệp các loại, bọ xít, sâu đo, câu cấu,…     

    - Cần giảm số lần phun thuốc BVTV trong năm để bảo vệ thiên địch trong vườn, chỉ nên phun thuốc từ 5 - 7 lần/năm tuỳ theo tình hình sâu bệnh nhằm giảm chi phí đầu tư, tránh ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và nguồn nước, đảm bảo sức khoẻ của người làm vườn.

    - Đảm bảo thời gian cách ly từ lần phun thuốc cuối cùng cho đến khi thu hoạch là điều kiện cần thiết để giảm tồn dư thuốc BVTV trong sản phẩm quả. Không phun thuốc BVTV trước khi thu hoạch 15 ngày.

    - Trên các vườn phải có nơi chứa để thuốc BVTV và dụng cụ phun thuốc. Nơi chứa thuốc BVTV phải thoáng, khô ráo, xa nhà ở, không gần khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Không được để lẫn thuốc BVTV trong bép và kho chứa các đồ, dụng cụ khác.

    - Bao bì, chai đựng thuốc sau khi đã sử dụng cần tập trung cho vào thùng, sọt sau đó xử lý theo quy trình xử lý của nghành BVTV, không vứt bừa bãi trên vườn nhãn, nước thuốc sau khi phun còn thừa cần xử lý chôn lấp, tuyệt đối không được đổ xuống ao, hồ, sông, suối hoặc đổ trên vườn.

    - Quá trình sử dụng hoá chất BVTV cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ bảo hộ lao động như khi phun thuốc phải đội mũ, đeo kính, đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ lao động, đi găng tay và không ăn uống, hút thuốc khi phun thuốc BVTV.

    5. Thu hoạch và quản lý sau thu hoạch

    - Cần thu hái đúng độ chín của quả, vừa đảm bảo chất lượng lại vừa tăng sản lượng quả. Có thể chọ những chùm quả đã chín thu hái trước, không nhất thiết phải thu cả cây một lúc.

    - Sử dụng dụng cụ thu hoạch chuyên dụng: Kéo cắt cành, rổ rá, túi, sọt tre, quang gánh….Chú ý là dụng cụ thu hái phải được rửa sạch và khử trùng bằng Foócmon hoặc các dung dịch khử trùng khác trước khi thu hái.

    - Sản xuất hàng hoá theo hướng VietGAP cần phải có nhà xưởng để sơ chế trước khi đem bán. Nhà xưởng cần bố trí xa các khu công nghiệp, kho hoá chất, cần phải được dọn vệ sinh sạch sẽ và khử trùng hàng ngày trước khi đem sản phẩm về sơ chế.

    - Công việc sơ chế cần làm ngay sau khi đem sản phẩm về xưởng, bao gồm: Tỉa những quả nhỏ, quả bị sâu bệnh. Cắt bỏ đoạn cành không mang quả và phân loại theo kích thước hoặc độ chín, mã quả…

    - Sau khi phân loại xếp quả vào sọt tre, thùng carton đã được khử trùng ghi rõ tên xuất xứ hàng hoá. Chú ý: Xung quanh sọt cần lót một lớp lá rồi xếp quả theo hướng quả vào giữa sọt, cành quay ra rìa sọt. Nếu xếp quả trong thùng carton, cần mở một số lỗ thủng để cho thùng thông thoáng không bị hấp hơi, tăng nhiệt độ do hô hấp.

    III. Một số điều cần làm khác trong sản xuất nhãn theo VietGAP

    - Cần lập hệ thống sổ sách theo dõi quá trình sản xuất bao gồm: Sổ nhật ký đồng ruộng ghi chép lại những hoạt động như trồng, chăm sóc cho cây trong năm như làm cỏ, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, các kỹ thuật đặc biệt khác, thu hoạch và quản lý sau thu hoạch ghi rõ ngày tháng, người thực hiện; sổ theo dõi vật tư, hoá chất mua sử dụng cho vườn cây. Ghi rõ chủng loại, lượng mua, nơi mua, cơ sở sản xuất và thời gian sử dụng.

    - Không chăn thả gia súc, gia cầm trong vườn cây.

    - Nơi chứa phân bón phải cách ly với vườn cây và cần được che phủ kỹ để tránh ô nhiễm lên sản phẩm. 

    Nguyễn Xuân Thượng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái